Các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chỉ chớm ngưỡng điểm khá, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu nhóm trung bình, trong khi Xây dựng và Y tế ở cuối bảng xếp hạng chỉ số LDEA.
Sáng 8/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp (LDEA 2010) với kết quả xếp hạng của 14 bộ (bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước).
Đa số các bộ chỉ đạt điểm trung bình
Phản ánh ý kiến đánh giá của 124 hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, phân theo 2 chỉ tiêu chính là xây dựng và thi hành pháp luật, nhóm nghiên cứu chỉ số LDEA cho rằng chất lượng các hoạt động này của 14 bộ là không cao.
Ở mức cao nhất, các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạt từ 6,13-6,05 điểm trên thang điểm 10. Trong khi đó, Bộ Xây dựng và Y tế chỉ đạt 4,74 và 4,66 điểm, ở vào nhóm tương đối thấp.
Một nửa trong tổng số các bộ rơi vào nhóm trung bình, gồm Ngân hàng Nhà nước (5,92 điểm), Bộ Tư pháp (5,9 điểm), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,87), Bộ Thông tin và Truyền thông (5,68), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (5,45), Bộ Tài nguyên và Môi trường (5,16) và Bộ Giao thông Vận tải (5,07).
Tuy nhiên, khi “chẻ” nhỏ các chỉ tiêu chính, đáng chú ý là chất lượng hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật ở mức khá (6,55 điểm), song chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lại chỉ đạt mức trung bình (5,71 điểm). Các hiệp hội cũng đánh giá khá thấp chỉ tiêu tiếp cận thông tin pháp luật (4,09 điểm).
Theo nhóm nghiên cứu, ý kiến của các hiệp hội cho thấy hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật của các bộ hiện nay là tương đối tốt, cụ thể là mức độ công khai lấy ý kiến xây dựng pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, các hiệp hội đánh giá về mức độ cầu thị của các bộ chưa cao, không có bộ nào được xếp loại tốt, hầu hết chỉ xếp ở loại khá hoặc trung bình”, báo cáo cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Trần Hữu Huỳnh cho biết, mức độ cầu thị của các bộ nói chung là yếu, văn hóa đối thoại giữa nhà nước và các doanh nghiệp còn chưa phổ biến.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có nhiều trường hợp việc xin ý kiến góp ý văn bản pháp luật của các bộ còn mang tính hình thức.
3 khó khăn của hiệp hội doanh nghiệp
Có 3 khó khăn lớn nhất đối với các hiệp hội được rút ra từ báo cáo của VCCI. Thứ nhất, khả năng tiếp cận thông tin, thể hiện ở cả hai nội dung: tiếp cận các thông tin xây dựng pháp luật và các quy định pháp luật sau khi được ban hành.
Thứ hai, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không cao dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, thể hiện ở chỗ pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh, còn chồng chéo, mâu thuẫn, pháp luật không rõ ràng.
Thứ ba, các hoạt động thi hành pháp luật của các bộ còn chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, hiệp hội.
Các hiệp hội cho rằng họ gặp khó khăn nhất trong việc tiếp cận tới các thông tin xây dựng pháp luật để có thể tham gia góp ý, hoặc là không thể tiếp cận được tới các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc là không được mời tham gia góp ý đối với những dự thảo đó.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội cho rằng việc xây dựng pháp luật hiện hành vẫn còn thiên về tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước mà chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.
Theo các hiệp hội, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ hiện nay vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều bộ chậm giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát chưa hiệu quả dẫn đến tham nhũng và lãng phí. Chế tài, mức xử phạt chưa cụ thể, khung áp dụng rộng dễ gây ra tình trạng thiếu thống nhất trong thực tế.
Bên cạnh đó, các Bộ vẫn chưa có hướng dẫn kịp thời để bảo đảm việc áp dụng đồng bộ, thống nhất pháp luật tại các địa phương.
Thành lập doanh nghiệp dễ, xin đất khó
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo đánh giá LDEA là nghiên cứu đề cập đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thuộc 27 lĩnh vực liên quan nhất đến doanh nghiệp dựa trên phân ngành kinh tế quốc dân.
Kết quả cho thấy có sự phân biệt khá lớn giữa lĩnh vực có điểm số cao nhất. Trong khi thành lập doanh nghiệp được cho là đã thông thoáng hơn với cơ chế một cửa vận hành khá trơn chu, lĩnh vực đất đai được xem là có nhiều vướng mắc nhất, liên quan đến xây dựng và thực thi pháp luật.
Ở nhóm điểm khá gồm có thành lập, hoạt động, giải thể doanh nghiệp (6,49 điểm), sở hữu trí tuệ (6,48 điểm), kế toán, kiểm toán (6,47 điểm)…Các lĩnh vực có điểm số thấp nhất là đấu thầu (4,7 điểm), giao thông vận tải (4,54 điểm), thuế phí lệ phí (4,44 điểm), xây dựng bất động sản (4,11 điểm), đất đai (4,06 điểm).
Khu vực điểm số trung bình đáng chú ý có ngân hàng (5,76 điểm), công nghiệp (5,72 điểm), cạnh tranh (5,64 điểm), xuất nhập khẩu (5,6 điểm), bảo hiểm (5,34 điểm), hải quan (5,27 điểm), đầu tư (5,27 điểm), chứng khoán (5,26 điểm)…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc cho rằng, những bộ có điểm số thấp không hẳn cán bộ ở đó không có năng lực, kém cởi mở, hay lĩnh vực họ phụ trách chậm chuyển biến mà còn do sự phức tạp của từng vấn đề khác nhau.
Nhiều đại biểu đồng tình rằng với kết quả này, dù rằng còn nhiều vấn đề bàn cãi song cũng đủ làm cơ sở cho các bộ trưởng “soi” vào hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật của ngành mình.