Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Danh chính ngôn thuận

http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/32449/
Thu Trang - Ban pháp chế (VCCI)
Thứ Năm, 8/4/2010, 10:42 (GMT+7)
(TBKTSG) - Sự tham gia hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề có liên quan đến chính sách thương mại quốc tế có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tận dụng những lợi thế, vượt qua các thách thức từ các cam kết thương mại quốc tế hiện tại của chúng ta còn không ít bất cập.

Lấy ý kiến doanh nghiệp: một tỷ lệ quá thấp

Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nội địa. Điều này đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Một hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh đầu tư với những thay đổi căn bản theo hướng thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế là một minh chứng cho việc này.

Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách, cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam chưa có được sự phối hợp công - tư như vậy. Luật Ký kết và Gia nhập Điều ước quốc tế (2005), văn bản cơ sở về vấn đề này, không có quy định bắt buộc nào về việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cũng không có cơ chế nào để cộng đồng này được thông tin về định hướng đàm phán cũng như không có kênh chính thức nào để chủ động có tiếng nói, phản ánh nguyện vọng của mình đối với quá trình này.

Trên thực tế, dù không có quy định, đâu đó trong các đàm phán thương mại quốc tế (đặc biệt trong đàm phán gia nhập WTO), một số cơ quan bộ ngành vẫn lấy ý kiến và sử dụng thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ bởi việc tham gia này của doanh nghiệp không ổn định (phụ thuộc vào ý chí của cơ quan đàm phán), thiếu tính tin cậy (do thông tin không phải lúc nào cũng được chuẩn bị đầy đủ để cung cấp khi được yêu cầu), không mang tính đại diện (bởi không phải tất cả các doanh nghiệp, các ngành liên quan đến vấn đề được hỏi đều được lấy ý kiến) - và do đó hiệu quả của việc góp ý giảm sút rất nhiều.

Sự thiếu vắng một cơ chế chính thức cho hoạt động quan trọng này cũng như thực tế tham gia hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề có liên quan đến chính sách thương mại quốc tế có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tận dụng những lợi thế, vượt qua các thách thức từ các cam kết thương mại quốc tế hiện tại của chúng ta còn không ít bất cập.

Điều này đã được phản ánh khá rõ qua kết quả điều tra sơ bộ về vấn đề này đối với 30 hiệp hội ngành nghề mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây.

Ví dụ, với các câu hỏi về số lần hiệp hội được hỏi ý kiến trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và các cam kết mở cửa thương mại khác, kết quả cho thấy ngay cả đối với quá trình đàm phán gia nhập WTO, một trường hợp được xem là hỏi ý kiến doanh nghiệp nhiều nhất thì cũng có đến gần 70% số hiệp hội không được hỏi ý kiến. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với các trường hợp đàm phán các FTA và hiệp định thương mại trước đây (trên 81%).Tình trạng này thậm chí còn kém hơn nữa đối với các đàm phán hiện tại (trên 88%).

Đặc biệt, số liệu điều tra còn cho thấy trong đàm phán WTO, những trường hợp doanh nghiệp được hỏi ý kiến nhưng hiệp hội thì không cũng có tỷ lệ xấp xỉ 13% (khiến tính đại diện của ý kiến thu thập được không cao và chỉ thể hiện lợi ích của một nhóm doanh nghiệp nhất định trong ngành).

Doanh nghiệp: vai trò mờ nhạt

Kết quả điều tra về nguồn thông tin mà hiệp hội sử dụng để cung cấp cho cơ quan đàm phán cũng gây lo ngại. Nguồn thông tin chủ yếu được sử dụng (gần 30%) lại xuất phát từ các phương tiện thông tin đại chúng (với nguồn và mức độ chính xác ít được kiểm chứng và phục vụ các mục tiêu đưa tin khác nhau).

Bên cạnh đó, một nguồn thông tin quan trọng khác mà hiệp hội cung cấp cho cơ quan đàm phán trong những trường hợp hiếm hoi được hỏi ý kiến là thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của thành viên mà hiệp hội thu thập định kỳ, không nhằm cho việc góp ý đàm phán (trong khi thông tin phục vụ mục tiêu này đòi hỏi tính dự báo về tương lai và khả năng cạnh tranh tiềm năng của doanh nghiệp).

Không được tham gia vào quá trình đàm phán, cũng không được hướng dẫn đầy đủ và chính xác về nội dung các cam kết khi kết thúc đàm phán, các hiệp hội có thông tin và kiến thức rất hạn chế về tình hình thị trường, về các cam kết, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp ở Việt Nam (biểu đồ 3) cũng như ở thị trường nước ngoài (biểu đồ 4) - họ chủ yếu chỉ biết sơ qua hoặc không biết gì.

Với các hiệp hội, đơn vị được suy đoán là phải nắm vững thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, tình hình còn như vậy thì không khó để thấy được doanh nghiệp khó khăn như thế nào trong việc bắt kịp các cơ hội và vượt qua các thách thức do các cam kết quốc tế mang lại.

Đặc biệt, kết quả điều tra cũng cho thấy khả năng của hiệp hội trong việc phát hiện các biện pháp (quy định, thủ tục) của chính phủ nước ngoài vi phạm WTO gây thiệt hại cho mình là rất hạn chế (gần 15% không biết thông tin gì, gần 50% chỉ biết sơ qua).

Tình trạng không khá hơn đối với thông tin về các loại rào cản thương mại ở nước ngoài. Điều này có thể khiến cho việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài khó khăn hơn nhiều, và từ đó có thể làm triệt tiêu nhiều lợi ích mà hội nhập mang lại.

Trong khi đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều cho thấy nếu việc cam kết và đàm phán thương mại quốc tế của Chính phủ có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thì hiệu quả hội nhập sẽ được tăng cường một cách đáng kể cho cả hai phía.

Về phía các cơ quan đàm phán, việc doanh nghiệp tham gia ý kiến và cung cấp thông tin sẽ mang đến cho các cơ quan này thêm một “nguồn nguyên liệu đầu vào” phong phú và nhiều chiều. Trong hoàn cảnh các đàm phán thương mại hiện đại hầu hết đều là đàm phán cả gói (trên nhiều ngành nghề), đây là yếu tố rất quan trọng để các cơ quan này tính toán nhằm đạt được mức đàm phán phù hợp.

Cụ thể, thông qua ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan đàm phán không chỉ được cung cấp thông tin đầy đủ về nhiều vấn đề khác nhau mà với mỗi vấn đề còn có quan điểm từ nhiều góc độ khác nhau.

Theo logic thông thường, ngành nào cũng muốn bảo vệ tối đa lợi ích của ngành mình với tất cả các lập luận, lý lẽ có thể và thông tin mà họ đưa ra phục vụ mục tiêu này về cơ bản mang tính chủ quan và bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi ích.

Vấn đề quan trọng là với sự tham gia phản biện của họ, cơ quan đàm phán có đầy đủ thông tin về tất cả các yếu tố liên quan để từ đó có tính toán hợp lý nhất có thể.

Nói cách khác, nếu không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hoặc có nhưng không đầy đủ (thiếu một số ngành nhất định), việc tính toán về điểm cân bằng lợi ích trong đàm phán cả gói của cơ quan đàm phán có thể bỏ qua những yếu tố quan trọng cần thiết để đạt được kết quả khách quan và phù hợp.

Ngoài ra, những cam kết xuất phát từ thông tin do doanh nghiệp, hiệp hội cung cấp cũng sẽ là cơ sở để đạt được một sự đồng thuận trong xã hội cho quá trình thực thi, một điều mà không phải khi nào cũng có được đối với những cam kết chỉ dựa trên ý chí chủ quan của các cơ quan nhà nước.

Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình này là một cơ hội tốt để tiếng nói, lợi ích, đề xuất của các ngành được cơ quan đàm phán biết đến và tính đến trong quá trình hoạch định, đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế. Từ đó lợi ích của ngành có thể được hiểu rõ hơn và được bảo vệ trong quá trình mở cửa, hội nhập.

Tất nhiên, không phải mọi đề xuất của doanh nghiệp đều được chấp nhận (bởi điều này là không thể), tuy nhiên cơ hội để được trình bày bản thân nó đã là một lợi thế cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, và nếu lập luận thuyết phục và hợp lý, rất có thể đề xuất đó sẽ được tính đến trong quá trình đàm phán.

Ngoài ra, chính trong quá trình tập hợp thông tin, thảo luận trong ngành với nhau và với các đơn vị liên quan khác để có thể có ý kiến hợp lý với các cơ quan liên quan cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao kiến thức thương mại quốc tế, điều rất cần thiết cho quá trình kinh doanh của họ.

Hơn nữa, tham gia vào quá trình này, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội rất tốt để được thông tin về các xu hướng đàm phán từ đó có thể chủ động trong việc hoạch định chính sách, phát triển kinh doanh cũng như bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình hội nhập. Cũng bằng việc này, doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị trước để không bị “sốc” trong quá trình thực thi các cam kết khi chúng có hiệu lực.

Trong mối quan hệ với quá trình tham gia xây dựng pháp luật trong nước của doanh nghiệp, việc góp ý và đưa đề xuất ngay từ giai đoạn hoạch định chính sách thương mại quốc tế sẽ giúp quá trình tương tự trong pháp luật trong nước có ý nghĩa và thực chất hơn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu biết rằng hiện tại pháp luật trong nước bị “chặn trên và dưới” bởi các cam kết quốc tế (đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ và thuế quan) theo nghĩa pháp luật trong nước phải đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại quốc tế đã có hiệu lực.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Chuyên gia WB “hiến kế”: Việt Nam nên tăng lãi suất

Bài của ANH QUAN
http://vneconomy.vn/20100407083031169P0C6/chuyen-gia-wb-hien-ke-viet-nam-nen-tang-lai-suat.htm
“Một năm trước, chúng tôi có thể coi là những người đơn độc khi tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu như trên, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Martin Rama không quên đúc kết trong 7 năm nhiệm kỳ của mình, chưa bao giờ ông bi quan về tình hình của Việt Nam.

Những phân tích, đánh giá của ông được nghiên cứu và sử dụng trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, do WB công bố ngày 7/4, cho thấy Việt Nam đã thoát ra khỏi suy thoái với vị thế tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tuy vẫn còn tồn tại những rủi ro vĩ mô như tái lạm phát, căng thẳng ngoại tệ, lãi suất lên cao…

Lực hút vốn ngoại vẫn lớn

Nói về trường hợp Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Vikram Nehru, nhận xét: “Tăng trưởng của Việt Nam trong năm ngoái, mặc dù chịu những tác động từ cú sốc bên ngoài, vẫn ở tình trạng tốt hơn các quốc gia khác”.

GDP năm 2009 của Việt Nam đã tăng 5,3%, có nguyên nhân ngành xây dựng tăng trưởng cao nhờ chương trình kích cầu tương đối lớn của Chính phủ.

Chi tiêu ngân sách lớn, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, cộng với việc ổn định tâm lý cho các doanh nghiệp nhà nước đã khiến tổng đầu tư tăng mạnh trong năm 2009, đẩy tỷ lệ đầu tư trên GDP lên tới 42,8%.

Sự phục hồi kinh tế cũng được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP tăng 6,9% trong quý cuối năm 2009 so với cùng kỳ năm trước. “Tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý đầu năm 2010 cũng là đáng khích lệ”, báo cáo của WB nhận định.

Trong khi đó về căn bản, cân bằng đối ngoại của Việt Nam khá bền vững tại thời điểm kết thúc năm 2009. Xuất khẩu đã giảm 9,7% kim ngạch trong năm 2009, nhưng nhập khẩu giảm nhiều hơn, tới 14,7%, giúp cho thâm hụt tài khoản vãng lai giảm xuống còn 7,8% GDP (năm 2008 tương đương 11,9% GDP).

Các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính giảm khoảng 13%. Đây là mức giảm không đáng kể trong một năm đầy sóng gió, theo đánh giá của WB. Cũng trong năm 2009, thặng dư tài khoản vốn hầu như đã bù đắp được cho thâm hụt trong tài khoản vãng lai.

“Việt Nam vẫn là địa điểm tốt để thu hút đồng vốn từ các quốc gia khác”, Martin Rama nói.

Theo chuyên gia này, hiện có khoảng 5.000 tỷ USD có thể được đổ vào các nền kinh tế, nhưng có rất nhiều khoản tiền không thanh khoản, đang nằm trong các tài khoản ngân hàng để chờ đón cơ hội đầu tư. “Sự ổn định chính là cách để thuyết phục các quốc gia khác rằng Việt Nam là điểm thu hút đầu tư tốt. Nửa đầu năm nay có thể chưa tốt lắm, nhưng nửa cuối có thể khả quan hơn”.

Ông cũng dự báo, tỷ lệ tăng trưởng 6,5% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Chưa thoát nguy cơ lạm phát, thâm hụt

Tuy nhiên, chính việc dựa vào cầu nội địa để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong năm 2009 đã gây nên những áp lực lên thâm hụt cán cân thanh toán.

Báo cáo của WB lưu ý, hạng mục sai số lớn một cách không bình thường trong cán cân thanh toán (chiếm 10% GDP), và hiện tượng mua bán USD vượt ra ngoài biên độ chính thức trên thị trường tự do đã cho thấy một số dấu hiệu có sự mất lòng tin vào đồng nội tệ.

Hàng tỷ USD đã được các hộ gia đình, doanh nghiệp găm giữ với mong muốn bảo toàn giá trị tài sản của họ. Theo Martin Rama, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sai số lớn trong cán cân thanh toán.

Trong khi đó, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại kể từ quý cuối cùng của năm 2009. “Đổ thêm dầu vào lửa”, giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế cũng tăng cao, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD và giá năng lượng đều là những nhân tố làm cho tỉ lệ lạm phát cao hơn.

Áp lực lạm phát có thể thấy rõ hơn trên thị trường tài sản, với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên trong nhiều tháng liên tục, giá vàng trong nước tăng lên và giá đất cũng tăng cao.

Trong khi đó, việc hạ lãi suất xuống quá thấp cũng làm cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ trở nên kém hấp dẫn. Mặc dù tốc độ giải ngân ODA được đẩy nhanh đáng kể và Chính phủ đã rút bớt các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, song việc bù đắp thâm hụt ngân sách vẫn ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Những biến động này cho thấy, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của chính phủ kể từ năm 2008 đã sắp đi tới giới hạn. Với nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi tốt hơn nhiều so với năm 2009, sắp đến lúc Việt Nam cần rút dần các biện pháp kích thích kinh tế của mình”, báo cáo của WB khuyến nghị.

Giải pháp là tăng lãi suất?

Theo hai vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, cái Việt Nam đang cần là một chính sách tín dụng thắt chặt, với lãi suất tiền đồng được nâng lên tương đương với tốc độ lạm phát.

Nêu quan điểm về giải pháp mà Việt Nam có thể sử dụng như “một mũi tên trúng hai đích”, ông Vikram Nehru cho rằng, có một cách có thể giải quyết vấn đề lạm phát đang gia tăng và thâm hụt tài khoản đối ngoại, đó là tăng lãi suất.

“Điều này sẽ đem lại hai kết quả. Thứ nhất, nó sẽ làm nguội lại một chút lạm phát. Thứ hai, nó sẽ tạo ra dòng vốn quay trở lại nền kinh tế, tạo xu hướng rời bỏ đồng USD để chuyển sang tiền VND, qua đó, dự trữ ngoại hối cũng có cơ hội tích lũy lại”, ông cho biết.

Nói rõ hơn quan điểm này, ông Martin Rama giải thích, việc tăng lãi suất đến mức độ hợp lý có thể kéo dòng tiền quay trở lại các ngân hàng, làm giảm áp lực lạm phát. Hơn nữa, khi người dân và doanh nghiệp chuyển từ dự trữ USD sang tiền gửi VND cũng làm giảm căng thẳng tỷ giá.

"Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay có thể ở giữa mức 12% và 18%/năm, còn lãi suất huy động sẽ thấp hơn tương ứng một khoảng đủ để các ngân hàng kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, rất khó nói chính xác là bao nhiêu", ông tính toán.

“Làm giá” trên thị trường chứng khoán

http://www.tuanvietnam.net/2010-04-08-lam-gia-tren-thi-truong-chung-khoan

Một xã hội thượng tôn pháp luật là một xã hội trong đó công dân được phép làm những gì mà luật không cấm. Nhưng trong trường hợp người ta vẫn cố tình thực hiện điều ngược lại "chỉ được làm những gì mà luật cho phép" thì vấn đề đã khác về bản chất mất rồi!

Mấy ngày gần đây, các báo đồng loạt đưa tin về việc “làm giá” thao túng thị trường của một cổ đông lớn. Cụ thể ngày 3/2/2010, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV. Sau sự kiện này, giá cổ phiếu VTV tăng mạnh và có đến 5 phiên tăng trần liên tiếp. Đến ngày 19/3, giá cổ phiếu VTV đã lên tới 66.000 đồng.

Có nhiều bài viết, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Nhưng tựu trung lại, quan điểm chung đều nhìn nhận đây là một hành động "không đẹp","làm giá" trục lợi bất chính và xâm hại đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Để có thêm một góc nhìn đánh giá vụ việc, nên bắt đầu từ gốc của vấn đề.

Thị trường chứng khoán

Nói một cách dễ hiểu thị trường chứng khoán là một cái chợ! Trong chợ thì có nhiều người bán và cũng lắm người mua. Có người thì bán cá, người bán thịt, người bán trái cây.... Một trong những vấn đề căn bản nhất của việc mua bán đó là giá cả. Khi muốn đem một món đồ ra chợ bán, ví dụ con cá, bản thân người bán phải xác định trước mình sẽ phải bán con cá này bao nhiêu tiền. Cái giá này có thể được giữ nguyên cho đến khi kết thúc phiên chợ hoặc cũng có thể thay đổi so với cái giá dự định bán lúc đầu.

Giả sử phiên chợ ngày hôm ấy có nhiều người muốn mua mà cá của bà bán cá thì có hạn. Do vậy, bà này có quyền "đỏng đảnh" kêu giá cao hơn so với dự tính ban đầu. Nhưng cũng có khả năng trong phiên chợ, ngày đó người ta không muốn mua cá mà chọn mua rau hoặc giả sử ngày đó có nhiều người bán cá nói cách khác nguồn cung cấp rất dồi dào mà nhu cầu thì lại ít, nếu muốn bán được hàng bà không thể "đỏng đảnh" như khi một mình bà một chợ được. Kinh tế học gọi một cách hoa mĩ là qui luật cung cầu. Theo đó, nếu cá của bà bán cá ít mà số người nội trợ muốn mua cá nhiều, thì bà bán cá có quyền tăng giá. Ngược lại có nhiều người cùng bán cá, bà bán cá muốn bán được hàng thì phải giảm giá.

Về cơ bản giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng bị chi phối theo cách tương tự. Mệnh giá cổ phần của một công ty niêm yết có giá là 10.000 theo qui định của luật chứng khoán. Nhưng khi lên sàn, giá của cổ phiếu có thể khác đi dựa trên qui luật cung cầu cũng tương tự như chuyện đi chợ mua cá của các bà nội trợ. Người mua nhiều thì giá cổ phiếu cao, người mua ít giá chứng khoán giảm.

Làm giá

Cung và cầu có tác động lớn đến giá cả. Bà bá bán cá muốn bán hết hàng và bán với giá cao thì phải làm sao? Cần phải thấy việc quyết định mua hay không mua cá là quyền của bà nội trợ. Bà bán cá không thể ép bà nội trợ phải mua cá của bà. Đã không ép được thì phải tìm cách "dụ" bà mội trợ tự nguyện mua và mua với giá cao. Từ đó phát sinh những toan tính không lành mạnh tác động đến giá cả thông qua việc tác động đến cung và cầu một cách giả tạo. Có nhiều cách để thực hiện cho mục đích này. Nhưng suy cho cùng, dù thực hiện dưới dạng hành vi nào đi chăng nữa thì cũng chỉ nhằm tạo nên cơn sốt ảo về việc có một lượng lớn người mua cá của bà. Như một tất yếu theo qui luật cung cầu bà sẽ bán cá với giá cao.

Nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi bất chính xuất phát từ những toan tính không lành mạnh không có lợi cho thị trường, cần phải có sự điều phối từ phía quản lí nhà nước. Theo đó những dạng hành vi nhằm tạo ra sự giả tạo về quan hệ cung cầu trên thị trường qua đó thao túng thị trường, tác động đến giá cổ phiếu sẽ bị cấm. Cụ thể:

Giao dịch thao túng thị trường chứng khoán là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các hành vi giao dịch để làm cho mọi nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, cụ thể về các khoản giao dịch như sau:

Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa các người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường;

Tạo ra giao dịch giữa người bán và người mua nhưng không hưởng lợi nhuận, các chi phí về giao dịch đó đều do người thứ ba chi trả;

Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi đó là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường

(Thông tư 97/2007/TT-BTC)

Nghi án làm giá

Trở lại với nghi án "làm giá" của bà Nguyễn Thị Kim Phượng. Ngày 3/2/2010, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV. Việc một nhà đầu tư chào mua cổ phiếu của một công ty đại chúng là một chuyện hết sức bình thường. Chuyện này cũng thường như chuyện bà nội trợ đi chợ mua thức ăn vậy thôi. Chỉ khác một điều vì bà Phượng muốn mua một số lượng lớn cổ phiếu nên bà này phải chào mua.

Nói một cách nôm na, hành vi chào mua cổ phiếu cũng tư tự như hành vi "đặt hàng". Theo đó, bà này có quyền đặt mua với những thoả thuận về số lượng, giá cả. Theo đó các yêu cầu bà này đưa ra là: Số lượng mua là 1,3 triệu cổ phiếu, giá chào mua là 40.000 kèm theo điều kiện trong trường hợp giá cổ phiếu VTV tăng quá 30% giá chào mua thì lệnh chào mua này sẽ bị huỷ bỏ.

Đến đây bà này đã thực hiện những việc mà pháp luật về chứng khoán không cấm đối với nhà đầu tư. Trong trường hợp bà Phượng có hành vi phân biệt hoặc từ chối không mua cổ phiếu của các nhà đầu tư khác khi họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện bà đưa ra hoặc hết hạn 60 ngày trên mà bà không thực hiện việc mua thì bà này vi phạm các qui định về chào mua chứng khoán. Nhưng theo những diễn biến được đưa tin thì bà Phượng đã không vi phạm những điều mà pháp luật về chứng khoán đã cấm. Sau năm phiên tăng liên tiếp giá cổ phiếu VTV đã lên tới 66.000 đồng vượt quá cao so với yêu cầu mà bà này đã đặt ra từ đầu.

Tại thời điểm bà Phượng chào mua, chưa có cơ sở để xác định giá của cổ phiếu VTV có tăng hay không và tăng như thế nào. Việc khẳng định hành vi chào mua của bà Phượng là "làm giá" là chưa đủ căn cứ. Hành vi chào mua là hành vi được luật chứng khoán cho phép. Có quá vội vã chăng khi "kết tội" nhà đầu tư làm giá khi họ thực hiện hành vi mà luật không cấm?

Mặt khác, việc bán cổ phiếu khi cổ phiếu này đang lên giá cũng là một hành vi bình thường. Chúng ta đừng thấy rằng bà này được một khoản lợi nhuận khoảng 8 tỷ đồng mà suy rằng bà này trục lợi bất chính. Việc đánh giá một hành vi là bất chính hay không phải căn cứ trên cơ sở của pháp luật chứ không thể căn cứ vào việc suy đoán cũng như phản ứng của đám đông. Từ các qui định của nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bà Phượng là "làm giá" thao túng thị trường chứng khoán.

Một xã hội thượng tôn pháp luật là một xã hội trong đó công dân được phép làm những gì mà luật không cấm. Có thể trong một chừng mực nào đó nhiều người cảm thấy không đồng tình. Nhưng dưới góc độ luật học, bà này không vi phạm điều cấm của pháp luật. Cũng có nghĩa bà đã làm đúng nguyên tắc "được làm những gì pháp luật không cấm". Nhưng trong trường hợp người ta vẫn cố tình thực hiện điều ngược lại "chỉ được làm những gì mà luật cho phép" thì vấn đề đã khác về bản chất mất rồi!

Báo cáo ngoại 'hại' nhà đầu tư nội

Thứ Tư, 07/04/2010, 09:02

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190875&ChannelID=3

TP - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam (VN) dừng cung cấp thông tin liên quan khủng khoảng tài chính toàn cầu.

Mặc dù NHNN không nói rõ lý do đưa ra yêu cầu trên, nhưng với những nhà đầu tư tài chính từng lao đao với các báo cáo không chuẩn xác, dự báo tiêu cực thì họ ngẫm ra nhiều điều.

Dự báo tiêu cực

Cuối tháng 3-2010, Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo: NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 1% trong một vài tuần tới và tỷ lệ lạm phát sẽ lên đến 12% vào cuối quý II/2010. Lập tức, VN- Index rớt từ 512 xuống còn 503 điểm và không ít Cty chứng khoán, chuyên gia tài chính cho rằng, tác động từ báo cáo của HSBC đã góp phần rất lớn. Không chỉ nhà đầu tư chứng khoán rơi vào tình trạng bất an khi có thông tin từ báo cáo của HSBC.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM, đánh giá: “Báo cáo của HSBC đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, nên ảnh hưởng tâm lý rất lớn”. Ông Chí còn cho rằng, dự đoán tăng lãi suất vào cuối 2010 của HSBC đưa ra là không hợp lý với tình hình thực tiễn Việt Nam.

Giám đốc phân tích một quỹ đầu tư cho rằng, báo cáo của HSBC đưa ra đúng thời điểm nhà đầu tư đang lo ngại nhất về lạm phát nhảy vọt và lãi suất cơ bản tăng nên họ bán tháo cổ phiếu ngay. Nhiều nhà đầu tư đã thiệt hại không nhỏ vì tin theo báo cáo của HSBC.

Đây không phải là lần đầu tiên dự đoán của HSBC tác động tiêu cực đến thị trường tài chính VN. Từ năm 2007 đến nay, ít nhất 3 lần HSBC đưa ra báo cáo mà nội dung của báo cáo sau mâu thuẫn với báo cáo đưa ra trước, quay ngoắt 180 độ chỉ sau thời gian ngắn, thậm chí dùng số liệu sai để dự báo... Nhà đầu tư trong nước cũng từng cảnh giác với những báo cáo này, nhưng cũng không tránh khỏi “mất mát”.

Tổ chức dự báo cũng từng lỗ hàng tỷ đồng

Đầu năm 2009, hàng loạt báo cáo của các Cty BĐS nước ngoài đưa ra những dự báo thị trường bất động sản (BĐS) sẽ “bùng nổ nhẹ” vào cuối 2009. Nhưng thực tế chỉ là những cơn sốt ảo hoặc làm giá BĐS cục bộ ở một số nơi với sự góp sức của những báo cáo kể trên.

Ăn theo là những dự báo về cổ phiếu BĐS, vật liệu xây dựng sẽ tăng mạnh, cuối năm giá cổ phiếu ngành này có tăng nhẹ nhưng tăng theo thị trường chung chứ không phải do thị trường BĐS bùng nổ.

Bên cạnh đó, còn nhiều báo cáo, dự báo về mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, đầu tư nhiều ngành nghề... quá lạc quan với những con số ảo. Và nhà đầu tư nhỏ, lẻ rất dễ thua lỗ khi đầu tư vào lĩnh vực trên.

Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và từng nếm “đau thương” do quá tin theo dự báo từ báo cáo ngoại thì đưa ra lời khuyên rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, cảnh giác, thậm chí đầu tư mua cổ phiếu theo xu hướng đi ngược lại với nội dung báo cáo ngoại đưa ra!

Các chuyên gia chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư nên có nhiều góc nhìn khác nhau từ các báo cáo ngoại. Nhiều báo cáo xuất phát từ chính những tổ chức đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam nên việc phục vụ cho mục đích của họ không có gì lạ.

Nhà đầu tư không loại trừ tổ chức nước ngoài có thể đưa ra báo cáo có thể là để tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngoại gom cổ phiếu, vì thực tế rất nhiều lần họ gia tăng mua cổ phiếu, bất chấp HSBC đưa ra cảnh báo không nên mua vào. Chưa kể báo cáo ngoại còn là công cụ tạo đòn tâm lý đánh vào các nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam vốn dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngoại thao túng.

Dù đưa ra nhiều cảnh báo, dự đoán, nhận định... nhưng ngay cả HSBC cũng từng bị thua lỗ trong từng mảng hoạt động của mình như lỗ 7,74 tỷ USD tại chi nhánh Mỹ trong năm 2009. Vì vậy nếu họ có dự báo sai cũng không có gì khó hiểu.

Tháng 7-2007, Tổ chức tài chính Merrill Lynch (Mỹ) đưa ra báo cáo bi quan về TTCK VN, dù trước đó, tổ chức này ca ngợi thị trường này khá tốt.

Tháng 1-2008, Công ty chứng khoán JP Morgan ( Mỹ) cũng đưa ra một bản báo cáo về chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam nhan đề: “Cập nhật chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam hiện nay trong thời điểm thị trường đang điều chỉnh vì chính sách và IPO (bán cổ phiếu ra thị trường lần đầu)”, với nhận định rằng, cơ hội mua gom các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE đã đến nhưng sau đó thực tế đã chứng minh ngược lại.

Tháng 9 - 2009, Credit Suisse Group AG (Thụy Sỹ) khuyến cáo nhà đầu tư nên bán cổ phiếu, rút tiền khỏi TTCK Việt Nam, tuy nhiên sau đó TTCK VN ổn định cho đến nay.

Hà Phan

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Còn tốn nhiều công phu soạn thảo

Lê Văn Tứ
Thứ Hai, 5/4/2010, 10:00 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/dothi/nhadat/32103/

(TBKTSG) - Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Luật Thuế nhà đất tại kỳ họp tháng 5-2010. Xem xét dự luật trước khi trình Quốc hội, ngày 15-3-2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút nhà ở ra khỏi đối tượng chịu thuế và đổi tên thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN), bao gồm đất ở và đất sản xuất - kinh doanh (SXKD). Mặc dù đã có tới bản thứ 6, dự luật này vẫn rất sơ sài, chưa đạt tới tầm của một luật thuế.

Mục tiêu chưa minh định

Khi một luật thuế được soạn thảo, mục tiêu của luật là vấn đề phải minh định đầu tiên. Tiếc rằng cho đến nay giải trình của các tác giả Luật Thuế SDĐPNN về vấn đề này còn rất chung chung. Mục tiêu tài chính chỉ được nêu là để tăng cường nguồn thu ngân sách. Nêu vậy tuy không sai, nhưng thực ra chưa nói lên điều gì. Trong điều kiện bội chi ngân sách lớn như hiện nay, vấn đề cần làm rõ là vai trò của thuế SDĐPNN trong cân đối tài chính quốc gia để chứng minh tính bức thiết và tầm quan trọng của thuế này, đồng thời cũng vạch ra định hướng cho các quy định cụ thể.

Trong các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được giải trình, mới nêu được vấn đề khuyến khích sử dụng hợp lý đất, nhưng lại chưa nhấn mạnh yêu cầu điều hòa thu nhập từ sử dụng đất đang rất bất hợp lý hiện nay. Nêu ra mục tiêu tăng cường quản lý đất đai phải chăng nhằm sử dụng thuế để tăng cường hơn nữa cơ chế quản lý đất theo luật đất đai hiện đã rất phức tạp ? Đáng chú ý là mục tiêu chống đầu cơ. Định ra và nhấn mạnh mục tiêu này, thuế SDĐPNN có nguy cơ lạc hướng.

Cần xác định rõ tiêu chí đất ở và đất sản xuất kinh doanh

Vị trí đặt quảng cáo

Trong thuế SDĐPNN, đối tượng chịu thuế gồm hai loại: đất ở và đất SXKD. Người nộp thuế là người có quyền sử dụng đất (xin gọi tắt là chủ đất). Vì vậy việc phân biệt các loại đất này phải căn cứ vào mục đích sử dụng đất của chủ đất. Một ngôi nhà được người chủ sử dụng làm nhà ở thì lô đất đó là đất ở. Nhưng cũng ngôi nhà đó, nếu người chủ cho thuê, dù người thuê cũng dùng để ở, thì từ giác độ thuế, lô đất đó là đất SXKD.

Tuy đều là đất, nhưng nội dung kinh tế của mỗi loại đất lại khác nhau. Đất ở thuộc phạm trù hàng tiêu dùng, vì nó không tạo ra thu nhập cho người nộp thuế (chủ đất), do đó tiền thuế phải trích từ thu nhập sau thuế của chủ đất. Còn nếu là đất SXKD, kể cả đất có nhà ở cho thuê, lại thuộc phạm trù phương tiện kinh doanh (vốn), vì nó đem lại cho chủ đất hoa lợi (thu nhập). Đất này tự tạo ra nguồn tiền nộp thuế.

Từ phân tích trên rút ra: 1) Cơ sở kinh tế (hay nguồn tiền nộp thuế) của thuế đất ở và thuế đất SXKD không giống nhau, do đó phải có chính sách khác nhau. Một bên là chính sách đối với mức tiêu dùng của dân, bên kia là chính sách đối với đầu tư và sử dụng vốn và tất cả đều phải khuyến khích sử dụng hợp lý.

2) Việc phân loại đất ở với đất SXKD không đơn giản, bởi nó không căn cứ vào công dụng vật chất của các công trình trên đất, mà căn cứ vào sự sử dụng công trình trên đất của chủ đất, thêm nữa sự sử dụng này lại không cố định, mà có thể thay đổi, hoán vị cho nhau. Nếu chủ đất sử dụng nhà làm nhà ở của mình thì nộp thuế đất ở, xét về nội dung kinh tế là thuế thu vào một loại hàng tiêu dùng, còn nếu các công trình trên đất là nhà xưởng, kho tàng, chuồng trại chăn nuôi, nhà ở cho thuê... thì nộp thuế đất SXKD, thực chất là thuế thu vào vốn kinh doanh. Tiếc rằng dự luật không đề cập tới vấn đề quan trọng và phức tạp này, thậm chí không thấy định nghĩa và định rõ tiêu chí phân loại.

3) Dự luật quy định thuế suất lũy tiến cho đất ở là 0,03%, 0,06%, 0,09%, tùy theo diện tích đất sử dụng so với hạn mức đất ở và thuế suất bình quân cho đất SXKD là 0,05%, không phân biệt diện tích sử dụng. Nhìn bề ngoài thuế suất quy định như vậy có vẻ chống đầu cơ, song thực tế là điều tiết tài sản của người có nhiều đất ở, không phù hợp với đường lối “dân giàu, nước mạnh” trong giai đoạn hiện nay.

Theo luật hình sự, đầu cơ là một tội. Người phạm tội đầu cơ phải bị kết án và xử lý theo luật hình. Dùng thuế để chống đầu cơ là khiên cưỡng xử lý sai đối tượng. Dù là đất ở hay đất SXKD, tất cả đều là tài nguyên quốc gia có hạn. Cho nên thuế đất phải khuyến khích sử dụng đất hợp lý.

Quy định hạn mức đất ở là cần thiết. Song, ngày nay phải có tư duy mới về hạn mức đất ở. Nếu quan niệm rằng đất đai ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân và đất ở đáp ứng một nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của dân, chỉ dưới cái ăn, thì Nhà nước phải lo đất ở cho dân. Một hạn mức đất ở tối thiểu nào đó cần được coi là chủ quyền của mỗi công dân. Sử dụng trên mức đó phải nộp thuế, coi như sử dụng đất SXKD. Đấy là ý tưởng có sức thuyết phục về mặt chính sách, lại giảm tải cho bộ máy hành thu.

Phân hạng đất: vấn đề quan trọng nhất và khó nhất

Theo dõi quá trình thảo luận, góp ý kiến cho dự thảo, vấn đề phân hạng đất hầu như chưa bao giờ được đề cập, nhưng đó lại là khâu quan trọng nhất và cũng là khó nhất, mất thời gian nhất trong chế định thuế sử dụng đất, dù là đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp.

Theo dự luật, căn cứ tính thuế SDĐPNN gồm giá tính thuế, thuế suất và các chính sách miễn giảm. Trong bất cứ thuế nào, từ giác độ tính thuế, giá tính thuế bao giờ cũng là đại lượng hình thành khách quan.

Thí dụ: doanh thu mua bán trong thuế giá trị gia tăng, lãi trước thuế trong thuế thu nhập doanh nghiệp... Còn thuế suất và chính sách miễn giảm là những đại lượng do các nhà làm luật chủ quan quy định nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra cho thuế. Bởi vậy chúng phải được quy định ngay trong luật. Nhưng dự thảo Luật Thuế SDĐPNN lại giao quyền quy định giá tính thuế cho chính quyền địa phương.

Với quy định như vậy, cả ba căn cứ tính thuế đều là sự áp đặt chủ quan và những thuế suất luật định là 0,03%, 0,05%, 0,06%... không còn ý nghĩa, vì giá tính thuế (con số 100%) lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, tức là ngoài thẩm quyền của Quốc hội. Thuế SDĐPNN thực tế trở thành thuế địa phương, quyền quyết định thực tế thuộc về địa phương. Để tránh tình trạng này cần sửa lại quy định về căn cứ tính thuế.

1) Căn cứ mang tính khách quan phải là diện tích đất sử dụng.

2) Do đó thuế suất không áp dụng theo cách tính tỷ lệ phần trăm (%) trên giá đất như dự luật, mà tính bằng những thuế suất tuyệt đối, tính bằng một số tiền nhất định cho một đơn vị diện tích đất sử dụng.

3) Nêu rõ các chính sách miễn giảm nhằm ưu đãi những trường hợp cần ưu đãi.

Những điều nêu trên thực ra không mới. Nó đã được áp dụng trong thuế sử dụng đất nông nghiệp và chúng ta đã có kinh nghiệm. Điều kiện quyết định để xác định diện tích đất sử dụng là hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng là lập xong sổ địa bạ trên toàn quốc, nhiệm vụ được hứa hẹn hoàn thành trong năm 2010.

Tuy nhiên vấn đề công phu nhất do khó và mất thời gian nhất là định thuế suất hợp lý. Muốn làm tốt việc này, phải xác định được hai yếu tố:

1) Khả năng nộp thuế của người nộp thuế. Đối với đất ở, khả năng này phụ thuộc vào thu nhập sau thuế của người nộp thuế. Đối với đất SXKD, phụ thuộc vào hoa lợi có thể thu được từ sử dụng đất. Muốn xác định yếu tố này, cần tiến hành điều tra cơ bản về khả năng thu nhập trên một đơn vị diện tích ở các vùng khác nhau, trên cơ sở đó tiến hành phân hạng đất. Đây là những công trình nghiên cứu công phu, đòi hỏi phương pháp luận khoa học, lại phải có thời gian và chi phí không nhỏ; và 2) Chính sách điều tiết thu nhập. Yếu tố này phụ thuộc vào mục tiêu tài chính của thuế và chính sách khoan sức dân từng thời kỳ.

Những điều còn cần làm nêu trên cho thấy dự luật thuế SDĐPNN chưa đạt tới mức cần có, bởi vấn đề quan trọng và sát sườn nhất là quy định mức thuế hợp lý. Mức này xét cho cùng phải dựa vào định hạng đất, nhưng việc này chưa làm. Vì vậy những quy định trong dự luật hiện chỉ là ang áng. Và quan trọng hơn là thẩm quyền quyết định các chính sách cụ thể về thuế này hầu như đều giao Chính phủ và chính quyền địa phương, tức là vượt khỏi thẩm quyền Quốc hội.

Mua tận gốc

Sơn Nghĩa
Thứ Hai, 5/4/2010, 09:52 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/32112/

(TBKTSG) - Nhiều công ty nước ngoài mua hàng tại Việt Nam đang giúp nông dân và các nhà sản xuất trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên. Những lợi ích mà nông dân có được cũng giúp những nhà nhập khẩu tồn tại và mở rộng thị trường trong thời hậu suy thoái. Qua việc này, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về khả năng mất nguồn thu mua nguyên liệu và những hệ lụy khác...

Nhiều dự án hỗ trợ nông dân...

Đầu tuần qua, Công ty Mazzetta (Mỹ) đã công bố dự án giúp nông dân hướng đến việc phát triển bền vững nghề nuôi cá ở Việt Nam. Nông dân nuôi cá tra ở An Giang sẽ được hướng dẫn phương pháp nuôi trồng, chế biến phù hợp với những tiêu chuẩn do các quốc gia nhập khẩu đưa ra.

Theo ông Tom Mazzetta, Chủ tịch tập đoàn Mazzetta, thời gian gần đây, cá tra phi lê của Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vì vướng phải rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vị trí đặt quảng cáo

Trong chuyến đi thực tế ở An Giang, Mazzetta đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều nông dân và nhà máy chế biến cá tra ở Việt Nam để tìm hiểu quy trình nuôi cá tra.

Về cơ bản, sản phẩm cá tra của Việt Nam được nuôi và sản xuất ổn định, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. “Nhưng đáng tiếc, quy trình nuôi và chế biến vẫn chưa hợp lý và an toàn”.

Mỹ đang xem xét đạo luật Farm Bill để áp dụng đối với cá tra, cá ba sa từ Việt Nam. Theo luật này, cá tra Việt Nam sẽ bị coi là cá da trơn và phải tuân thủ theo những điều kiện nuôi tại Mỹ như nuôi ở ao nông, nước giếng khoan, khác hẳn môi trường nuôi trên sông như ở Việt Nam.

Thông qua chương trình hỗ trợ này, “chúng tôi sẽ đưa đến những thông tin cần thiết cho các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt những yêu cầu, tiêu chuẩn và vượt qua những rào cản của đạo luật Farm Bill”, ông Tom Mazzetta nói.

Bên cạnh đó, Mazzetta cũng sẽ thuyết phục những cơ quan thực thi luật Farm Bill của Mỹ xem xét các mức thuế và những khó khăn về thương mại trong việc thực thi luật đối với cá tra Việt Nam. Quan trọng hơn, những cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam phải có tiếng nói với nhà chức trách Mỹ về đạo luật Farm Bill áp dụng sao cho phù hợp với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 3 năm nay, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), và Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam thuộc tập đoàn Ecom đã chính thức thành lập Trung tâm Đào tạo cho nông dân trồng cà phê đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ hỗ trợ nông dân trồng cà phê đạt được các chứng chỉ quốc tế về trồng cà phê bền vững cũng như cải thiện năng suất và sự phát triển bền vững của cây cà phê, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Alexander Gruber, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam, cho biết dự kiến trong ba năm trung tâm sẽ đào tạo cho 4.000 nông dân và giúp các hộ trồng cà phê này đạt được các chứng chỉ cà phê bền vững như Utz, Rainforest, hay 4C. Hiện cà phê có những chứng chỉ này được mua cao hơn 20 đô la Mỹ/tấn so với cà phê truyền thống.

Nỗi lo đọng lại

Việc các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ cho nông dân làm tăng giá trị sản phẩm nông sản, xét về lâu dài, sẽ giúp nông sản Việt Nam được đánh giá tốt hơn khi được biết đến là sản phẩm sạch và an toàn với người tiêu dùng. Hiện nay các nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ đều là thành viên của các tổ chức bảo vệ môi trường nên họ ưu tiên dùng sản phẩm sinh thái và những sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. “Tuy nhiên, điều đáng lo là các công ty trong nước vẫn giậm chân tại chỗ trước những động thái này. Nguy cơ doanh nghiệp bị mất nguồn nguyên liệu để thu mua trên sân nhà là điều có thể tiên liệu được”, một chuyên gia kinh tế phân tích. Nếu vùng nguyên liệu và các sản phẩm nông sản đều do các công ty nước ngoài nắm giữ, sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy khác.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng thừa nhận rằng nhiều năm qua các doanh nghiệp cà phê đang gặp khó khăn trong vấn đề mua nguyên liệu. Hiện thị trường Việt Nam có đến năm tập đoàn nước ngoài lớn chuyên mua các mặt hàng nông sản. Riêng mặt hàng cà phê, năm công ty này mua đến 30% sản lượng cà phê mỗi năm.

Nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào vùng nguyên liệu là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam. Thời gian đầu, giá mua nguyên liệu sẽ được đẩy lên cao, nhưng khi nắm được toàn bộ vùng nguyên liệu, giá mua chắc chắn sẽ giảm xuống. “Vì khi đó, họ đã có vị thế độc quyền trong việc thu mua”, ông Nam nói. Doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính có hạn, không thể cạnh tranh nổi với các công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu trung gian nước ngoài, doanh nghiệp thu được phần lợi nhuận khá ít ỏi. Hiện tại, với cách “mua tận gốc, bán tận ngọn” của những tập đoàn thương mại quốc tế, “miếng bánh” lợi nhuận của các công ty xuất khẩu nông sản càng teo tóp hơn.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng tham gia sản xuất các sản phẩm “sạch”, nông dân phải bỏ ra công sức và chi phí nhiều hơn, nhưng giá bán chỉ nhỉnh hơn chút ít so với các sản phẩm thường.

Cụ thể, trước đây một công ty nước ngoài hợp tác với nông dân nuôi cá tra sinh thái ở An Giang. Giá mua chỉ cao hơn 15% so với sản phẩm nuôi thông thường. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2009, cá “sinh thái” được mua bằng với giá cá thông thường.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các quốc gia khác, những mặt hàng nông sản “sạch” xuất khẩu thường phụ thuộc vào các tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận cho các sản phẩm sinh thái. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, để bảo hộ thị trường trong nước, một số quốc gia đã đưa ra những rào cản mới và rút giấy chứng nhận sản phẩm trước đó. Những sản phẩm nông nghiệp sạch lại bị mất đầu ra. “Dĩ nhiên, Việt Nam cần khuyến khích những công ty nước ngoài đầu tư và hỗ trợ cho nông dân. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn xa hơn cho những vấn đề này”, chuyên gia nói trên phân tích.

Luật phải bảo vệ người lao động

Ths. Trần Thanh Tùng (Công ty Luật P&P)
Thứ Hai, 5/4/2010, 10:01 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/32100/

(TBKTSG) - Tiếp nối những ý kiến đóng góp cho dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi mà TBKTSG đã đăng trên số trước (ra ngày 25-3-2010), bài này có cách nhìn hơi khác về dự thảo luật. TBKTSG xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Vì sao phải sửa đổi BLLĐ?

Bộ Luật Lao động hiện hành được ban hành lần đầu vào năm 1994, đến nay nền kinh tế đã có rất nhiều thay đổi. Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và thị trường lao động tại Việt Nam cũng đã từng bước hình thành đầy đủ các bộ phận cấu thành của nó. Quan hệ lao động theo hợp đồng đã trở nên phổ biến và chiếm ưu thế so với quan hệ tuyển dụng theo biên chế.

Hơn nữa, quan hệ lao động cũng đã thay đổi, phát triển và ngày càng phức tạp hơn mà những quy định của BLLĐ 1994 (dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 2002, 2006, 2007) chưa theo kịp chuyển biến của cuộc sống.

Vị trí đặt quảng cáo

Về mặt pháp lý, từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong lĩnh vực lao động. Vì vậy, với tư cách thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ thực thi các công ước này, mà một trong những cách thức đó là chuyển hóa các quy định trong các công ước đó vào pháp luật lao động Việt Nam.

Bối cảnh ấy đặt ra nhu cầu sửa đổi toàn diện BLLĐ chứ không thể chỉ sửa đổi, bổ sung từng phần như đã được thực hiện. Dự thảo BLLĐ (lần 2) nằm trong bối cảnh ấy và các thay đổi trong dự thảo không chỉ là về câu chữ, mà thay đổi căn bản và từ gốc rễ. Nền tảng của các thay đổi này là việc cập nhật cơ chế ba bên của ILO vào pháp luật lao động Việt Nam.

Cơ chế ba bên là gì?

Cơ chế ba bên là cơ chế cốt lõi trong quá trình thành lập, tổ chức và vận hành của ILO cũng như quan điểm của ILO về quan hệ lao động. Cơ chế này nhìn nhận quan hệ lao động trong sự tương tác giữa người lao động (NLĐ) - nhà nước và người sử dụng lao động (NSDLĐ) với tư cách là những bên bình đẳng và độc lập.

Ba chủ thể này vừa hợp tác vừa ràng buộc nhau nhằm tìm ra (thông qua việc tự nguyện thương lượng, nhượng bộ, tham vấn, cùng ra quyết định...) những giải pháp về các vấn đề lao động để xã hội phát triển một cách hài hòa.

Với cơ chế ba bên, lợi ích xã hội là một hàm số tổng hợp của lợi ích của cả ba bên này. Nhà làm luật phải cân nhắc giữa lợi ích của NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước để làm sao cho lợi ích của xã hội là cực đại. Vì mục tiêu này, sự hy sinh một phần lợi ích của Nhà nước hoặc NLĐ hoặc NSDLĐ (nếu có) đôi khi là sự “đau đớn” cần thiết. Cơ chế ba bên lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo với quy định: “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và NSDLĐ trong quan hệ lao động”, nhưng tinh thần của cơ chế này đã được thể hiện xuyên suốt dự thảo.

Trong mối quan hệ với NSDLĐ, NLĐ luôn đứng ở vị trị yếu thế hơn. Vì vậy, pháp luật lao động có nhiệm vụ thu hẹp sự cách biệt này đến một mức độ chấp nhận được, chứ không thể san bằng được khoảng cách này. Do đó, về bản chất, pháp luật lao động phải bảo vệ NLĐ.

Cần phải nhắc lại rằng BLLĐ hiện hành được xây dựng theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của NLĐ, do đó, đối với một vấn đề mà BLLĐ không quy định hoặc quy định không rõ ràng và có thể được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau, thì phải ưu tiên áp dụng hướng giải thích có lợi nhất cho NLĐ.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi khi lần đầu tiên, BLLĐ ghi nhận nguyên tắc: “Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ”.

Mặc dù phạm vi “các quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ” vẫn hẹp hơn “các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của NLĐ” nhưng với quy định mới này, việc chọn lựa giải pháp đối với các vấn đề mà BLLĐ không quy định hoặc quy định không rõ ràng sẽ khó khăn hơn vì phải cân nhắc lợi ích của cả NLĐ và NSDLĐ.

Những thay đổi sát sườn đối với NLĐ và NSDLĐ chính là những quy định về hợp đồng lao động. Có thể nói dự thảo BLLĐ đã đưa quan hệ hợp đồng lao động trở về với bản chất vốn có của nó, tức là sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên độc lập và bình đẳng và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào việc thỏa thuận này. Và vì là hợp đồng song vụ nên quyền của NLĐ sẽ là nghĩa vụ của NSDLĐ và ngược lại, do vậy mà bên nào cũng phải chịu trách nhiệm với bên còn lại nếu chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải bồi thường cho NSDLĐ, NLĐ bị sa thải sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc...).

Ngoài ra còn nhiều quy định khác thể hiện cơ chế ba bên như việc ghi nhận quyền tham gia hội nghề nghiệp của NSDLĐ (tương ứng với quyền tham gia công đoàn của NLĐ), quyền đóng cửa doanh nghiệp (quyền bế xưởng) tương ứng với quyền đình công của NLĐ...

Như vậy, sẽ là khập khiễng khi khẳng định dự thảo này bảo vệ cho NLĐ nhiều hơn hay ràng buộc NSDLĐ nhiều hơn. Dự thảo lần này dường như công bằng hơn cho cả hai bên, NLĐ và NSDLĐ.

Pháp luật lao động bảo vệ ai?

Trong mối quan hệ với NSDLĐ, NLĐ luôn đứng ở vị trị yếu thế hơn. Điều này là vĩnh viễn. Không một doanh nhân nào bỏ thời gian, tiền bạc, trí tuệ ra để kinh doanh với đầy những rủi ro mà lại chấp nhận một vị thế thấp kém hơn chính nhân viên của anh ta. Vì vậy, pháp luật lao động có nhiệm vụ thu hẹp sự cách biệt này đến một mức độ chấp nhận được, chứ không thể san bằng được khoảng cách này. Do đó, về bản chất, pháp luật lao động phải bảo vệ NLĐ. Những vấn đề hiện đang tranh cãi trong dự thảo cần được xem xét theo hướng bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Đây không phải vấn đề về mặt thể chế chính trị mà là vấn đề thuộc về bản chất của quan hệ lao động.

Cần phải nói thêm rằng nhiều người quản lý nước ngoài, mặc dù vẫn cho rằng pháp luật lao động Việt Nam bảo vệ NLĐ ở mức độ cao, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, pháp luật lao động ở nước họ cũng bảo vệ NLĐ tương tự, dù hình thức có thể khác nhau.

Đôi khi, họ thừa nhận rằng luật thực định (trên văn bản) của nước họ có thể thoáng hơn (theo quan điểm của NSDLĐ) nhưng quá trình thực thi cũng gây ra vô vàn khó khăn cho NSDLĐ bởi vì công đoàn tại nước họ rất mạnh cũng như doanh nghiệp nước họ còn chịu sự giám sát của nhiều tổ chức dân sự khác.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dường như luật thực định rất chặt chẽ (đối với NSDLĐ) nhưng thực tế NLĐ vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ do hoạt động chưa hiệu quả của công đoàn cũng như NSDLĐ ít khi chịu sự giám sát của các tổ chức dân sự như hiệp hội, tổ chức ngành nghề... Sự mềm dẻo hay khắt khe giữa luật thực định và thực tế thi hành pháp luật ở nước ngoài và tại Việt Nam như thế âu cũng là sự hợp lý của cuộc sống.

Kết luận

Có thể nói BLLĐ hiện hành là sản phẩm của Nhà nước trong giai đoạn Việt Nam mới mở cửa hội nhập trong khi đó, BLLĐ sẽ ban hành là luật lao động trong bối cảnh mở và là kết quả của sự cập nhật cơ chế ba bên của ILO vào pháp luật lao động Việt Nam. Mặc dù còn nhiều tranh luận và còn một số vấn đề cần phải sửa đổi, tuy nhiên, về cơ bản, dự thảo BLLĐ đã được soạn thảo tương đối phù hợp những nguyên tắc pháp lý về lao động của ILO. Suy cho cùng, pháp luật lao động phải bảo vệ NLĐ, do vậy, những vấn đề hiện đang tranh cãi trong dự thảo cần được xem xét theo hướng bảo vệ quyền lợi của NLĐ, chứ không phải ngược lại.