Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Trở về lãi suất thỏa thuận


Tâm Dân
Thứ Ba, 16/3/2010, 09:38 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/30988/

TBKTSG) - Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép hệ thống ngân hàng mở rộng phạm vi áp dụng lãi suất thỏa thuận, không những đối với tiêu dùng mà cả cho vay trung, dài hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển nói chung. Đây là bước đi quan trọng, nằm trong lộ trình chính thức với quyết tâm quay trở về cơ chế điều hành theo lãi suất thỏa thuận, linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Thực tế hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, do vướng trần lãi suất cơ bản, quan hệ cung cầu vốn và lãi suất đã bị biến dạng nghiêm trọng. Thanh khoản ngân hàng thường xuyên bị căng thẳng, lãi suất huy động bị biến tướng và đẩy lên rất cao so với mức khống chế 10,5%/năm bởi nhiều chiêu khuyến mãi phá rào.

Trong khi đó, ngoài lãi suất vay tối đa 12%/năm, nhiều ngân hàng buộc doanh nghiệp phải chấp nhận gồng gánh nhiều loại phí “bất thành văn” khác, cộng dồn lại có lúc có nơi lên đến 18-20%/năm. Có lẽ chưa khi nào môi trường kinh doanh tiền tệ lại tồn tại quá nhiều “nhân tố ngoài luồng” như vừa qua, mà một trong những nguyên nhân là do vận dụng chưa nhuần nhuyễn hoặc đôi khi thái quá những biện pháp quản lý “cứng”, dẫn đến mâu thuẫn với mô hình “mềm” của kinh tế thị trường.

Vị trí đặt quảng cáo

Vấn đề đáng quan tâm trước hết là liệu sự quay trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Trước mắt, về mặt tâm lý chắc chắn không tránh khỏi những quan ngại mặt bằng lãi suất chung, nhất là lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc nới rộng phạm vi áp dụng lãi suất thỏa thuận là bước đi khôn ngoan, đúng quy luật, mang lại lợi ích dài hạn nhiều mặt cho nền kinh tế.

Thời gian tới đây, sau quá trình thăm dò lẫn nhau, áp lực cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ, góp phần xác lập quan hệ cung cầu vốn theo hướng tích cực hơn, lãi suất cho vay tất yếu giảm dần, phù hợp với chiều hướng tự do hóa.

Riêng đối với những doanh nghiệp và các ngành nghề thuộc diện được tiếp tục hưởng hỗ trợ lãi suất (2-4%/năm) trong năm 2010 thì gánh nặng về tài chính do lãi suất tăng là không đáng kể. Điều quan trọng hơn là việc áp dụng cơ chế thỏa thuận sẽ trả lại cho thị trường tín dụng tính công khai minh bạch đầy đủ. Ngân hàng không có lý do gì để “bắt chẹt” khách hàng bằng nhiều loại phí vô lý, thậm chí sai luật.

Doanh nghiệp cũng sòng phẳng hơn trong quan hệ vay - trả, không phải đau đầu vắt óc với nhiều chiêu kế nhằm hóa giải việc hạch toán vào sổ sách những loại phí “không tên tuổi”. Mặt khác, cũng cần thấy được yếu tố tích cực của cơ chế lãi suất thỏa thuận trong việc góp phần kiềm chế và loại bỏ bớt những nhu cầu vay vốn không cần thiết, kém hiệu quả, các nhu cầu phi sản xuất, không cần khuyến khích...

Bước đi quan trọng tiếp theo của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là làm sao duy trì được tính ổn định thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, tạo điều kiện bình thường hóa hoạt động huy động vốn, tiến đến chọn thời cơ chín muồi để áp dụng đồng bộ cơ chế lãi suất thỏa thuận trong toàn bộ hoạt động ngân hàng. Hay nói khác đi, cần phải sớm tháo dỡ “trần lãi suất” đối với cả huy động tiền gửi và cho vay ngắn hạn.

Một trong những trở ngại pháp lý khiến NHNN đang cân nhắc đó là nếu dỡ trần lãi suất cho vay ngắn hạn thì sẽ vi phạm điều 476 Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, cơ chế lãi suất thỏa thuận đã được mặc nhiên thừa nhận về mặt pháp lý và vận hành suôn sẻ trong hệ thống ngân hàng trong thời gian Bộ luật Dân sự có hiệu lực (chỉ tạm dừng lại khi NHNN buộc phải sử dụng điều 476 vì lý do kiềm chế tình thế lạm phát cao đột biến trong năm 2008, có thể xem là tình huống bất khả kháng). Đây chính là “tiền lệ pháp luật” cần được ghi nhận và nên căn cứ thực tiễn này tạo điều kiện cho NHNN có đủ thẩm quyền tự quyết định thời điểm thích hợp nhằm áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận một cách hoàn chỉnh.

Vấn đề còn lại dường như chỉ là thời gian. Tuy nhiên, bài học quan trọng cần rút ra trong điều hành cơ chế lãi suất thời gian qua là trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh “bàn tay hữu hình”, NHNN cần phải duy trì được sức mạnh “bàn tay vô hình” nhằm điều tiết có hiệu lực hành lang pháp lý, theo hướng vừa thông thoáng nhưng vừa phải đảm bảo nguyên tắc, kỷ cương phép nước.

Dư luận nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng thời gian vừa qua phải đối mặt với rất nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn, phí, lãi suất... từ phía hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN chưa kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, cụ thể hóa cơ chế thu phí dịch vụ, trong lúc vai trò chủ đạo của NHNN nhằm bình ổn tình hình, lập lại trật tự trên thị trường tín dụng gần như không theo kịp tình hình, nếu không muốn nói là còn lu mờ.

Công tác thông tin định hướng chính sách cũng cần phải đi trước một bước, xem trọng hơn nữa việc chủ động kiến tạo lòng tin của dư luận, bởi vì một khi tâm lý xã hội được củng cố, tạo ra sự đồng thuận cao, thì cũng đồng nghĩa kết quả tác nghiệp chính sách có thể cầm chắc ưu thế phần thắng trong tay.

Cần nghiêm túc thừa nhận một thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại vì lợi ích cục bộ trước mắt đã nâng phí và lãi suất vô tội vạ, điều này đã làm tổn hại lớn đến hình ảnh và uy tín của cộng đồng ngân hàng trong nước. Chính vì vậy, việc quay trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận lần này đồng thời là “phép thử” quan trọng về thái độ ứng xử cũng như tính chuyên nghiệp của hệ thống ngân hàng thương mại đối với khách hàng của mình, nên xem đây là cơ hội để thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế chứ không phải là “thời cơ kiếm lời” bằng mọi giá.

Cơ chế tài chính đặc thù cho TPHCM

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cơ bản những kiến nghị của TPHCM về đầu tư phát triển hạ tầng. Cho thí điểm tăng mức thu phí đăng ký ô tô và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Ban hành lệ phí lưu hành ô tô, xe máy

Dành cả ngày (15-3) để làm việc với UBND TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng đều nhận thấy TPHCM giải bài toán giao thông bằng việc đầu tư phát triển hạ tầng, hạn chế phát triển xe cá nhân là việc làm cấp bách và cần thiết.

Một trong những kiến nghị quan trọng được Thủ tướng chấp thuận là cho TP thí điểm tăng mức thu phí đăng ký ô tô và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp tình hình đặc thù của TPHCM.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TPHCM vào ngày 15-3


Cả trăm ngàn tỉ đồng cho các dự án

Điểm qua những dự án giao thông lớn đã đưa vào hoạt động cũng như sắp về đích, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài nhận định: Những công trình này không những làm thay đổi bộ mặt TP mà còn tạo điều kiện để kết nối giao thông, phát triển kinh tế cho TPHCM và các tỉnh lân cận.

“Chỉ một đốt hầm dìm Thủ Thiêm được nối bờ quận 2 mà đất đai ở đây đã sôi động”. Ví dụ này được ông Tài nêu ra để chứng minh phát triển giao thông là điều cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tăng mức thu cấp mới giấy đăng ký ô tô lên 10 lần

Thủ tướng chấp thuận cho TP thí điểm tạo quỹ đầu tư hạ tầng từ việc điều chỉnh tăng mức thu khi cấp mới giấy đăng ký và biển số ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng; ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm đối với khu vực TPHCM (mô tô, xe máy: 500.000 đồng/năm; ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách: 5 triệu đồng/năm).

Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Thủ tướng chấp thuận cho điều chỉnh Nghị định 146 theo hướng tăng mức phạt lên nhiều lần.

Không chỉ dừng lại ở các công trình trọng điểm như cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông Tây, đường trục Bắc-Nam..., sắp tới hàng loạt dự án mà TPHCM và Trung ương sẽ thực hiện để giải bài toán giao thông ở TPHCM.

Điển hình là các tuyến metro, đường Vành đai 3 (điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương), đường Vành đai 4 (điểm đầu là huyện Trảng Bom - Đồng Nai, điểm cuối là KCN cảng Hiệp Phước - TPHCM), các tuyến đường trên cao và các tuyến đường cao tốc.

Theo UBND TP, hiện các dự án này đều nằm ở giai đoạn nghiên cứu, lập dự án và có số vốn đầu tư rất lớn nên rất cần Chính phủ hỗ trợ, nhất là về cơ chế huy động vốn.


Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết dự án đường Vành đai 3 và 4 có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng nên việc UBND TP xin Chính phủ phát hành trái phiếu là hợp lý.

Theo Thủ tướng, với dự án này, Bộ GTVT có nhiệm vụ báo cáo quy hoạch chi tiết, tiêu chuẩn kỹ thuật và thẩm định dự án. Còn lại nguồn vốn và kế hoạch đầu tư là của các địa phương có dự án đi qua.

Thu phí, tăng xử phạt để lập quỹ phát triển hạ tầng


Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã kiến nghị với Thủ tướng nhiều nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn. TP kiến nghị tăng mức thu phí cấp mới giấy đăng ký và biển số đối với ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. “Kinh phí thu được, TP sẽ đưa vào quỹ phát triển hạ tầng giao thông”- ông Quân khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, từ khi Luật Cư trú sửa đổi, số người nhập cư vào TPHCM và Hà Nội tăng nhanh. Từ đó kéo theo dân số tăng, phương tiện tăng và góp phần làm ùn tắc giao thông. Ông Quang cho biết Luật Cư trú vẫn còn chỗ “hở” nên các cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn khi cho đăng ký cư trú.

Về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, ông Quang ủng hộ đề xuất của TP vì cho rằng TP cần có cơ chế đặc thù chứ không thể xem TPHCM như các tỉnh, thành khác.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng đồng tình với đề xuất của TP về việc ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm. “TP có hàng triệu xe cá nhân nhưng chưa thu phí lưu thông là không phù hợp. Phải thu phí để kiểm soát việc gia tăng phương tiện” - ông Dũng đề xuất. Ngoài ra, TP nên kiểm soát phương tiện taxi vì hiện nay loại hình này đang phát triển quá nhiều.


Trao quyền chủ động cho TP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cơ bản những kiến nghị của TP về đầu tư phát triển hạ tầng như làm đường Vành đai 3 nhưng giao cho Bộ GTVT làm đầu mối chính báo cáo dự án, đề xuất phương thức đầu tư.

Sau đó, giao 4 tỉnh, thành có dự án đi qua (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) làm chủ đầu tư. Đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT phải đánh giá tác động môi trường trước khi kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng cũng chấp thuận việc TP triển khai thực hiện các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3, 4, trong đó ưu tiên làm tuyến số 1 trước vì đây là tuyến đường xương sống. Chấp thuận cho TPHCM sử dụng nguồn vốn ODA (do Tây Ban Nha tài trợ) để thực hiện dự án tuyến metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn).

Theo Thủ tướng, các nước và nhà tài trợ đánh giá việc TP sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA nên TP cần tranh thủ nguồn vốn này để thực hiện các dự án giao thông, kể cả nguồn vốn trong dân thông qua việc tạo cơ chế thị trường, bảo lãnh cho vay.

Để tạo điều kiện cho TP huy động vốn từ bên ngoài, Thủ tướng cho TPHCM thí điểm cơ chế tài chính đặc thù và Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định để hướng dẫn thực hiện.

Về dự án kiểm soát triều đang thực hiện tại TPHCM, Thủ tướng cũng chấp thuận chi 130 tỉ đồng để Bộ NN-PTNT hoàn tất công tác thiết kế kỹ thuật, sớm triển khai dự án.

Riêng vấn đề kiểm soát dân số, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của TPHCM và các bộ về việc sửa đổi một số quy định trong nghị định hướng dẫn Luật Cư trú nhưng trước mắt giao Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua.

trách nhiệm bồi thường của nhà nước

http://vneconomy.vn/2010030807215579P0C9920/cong-chuc-lam-sai-phai-boi-thuong-toi-da-36-thang-luong.htm
NGUYỄN VŨ
19:33 (GMT+7) - Thứ Hai, 8/3/2010
Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vừa được Chính phủ vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày thi hành từ ngày 20/4/2010.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.

Theo luật này, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định quy định, trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó, tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Nghị định này cũng quy định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong 2 hoạt động: quản lý hành chính và thi hành án dân sự.

Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức thuộc cấp bộ, tổng cục, cục hoặc là thành viên UBND cấp tỉnh thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cấp bộ, tổng cục, cục và UBND cấp tỉnh đó.

Trong trường hợp là thành viên UBND cấp huyện và do các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện trực tiếp quản lý thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là UBND cấp huyện. Đối với cấp xã, sẽ bồi thường khi người thi hành công vụ hoặc cán bộ, công chức cấp xã gây ra thiệt hại.

Riêng hoạt động thi hành án dân sự, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục thi hành án dân sự, Cục thi hành án cấp tỉnh, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng hoặc Chi cục thi hành án cấp huyện, cấp quân khu thì những cơ quan này phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường.

Về thời hạn, Nghị định nêu rõ, trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện chi trả tiền bồi thường.

Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại được quy định trong phạm vi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Cũng như vậy, không bồi thường thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền lợi ích của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Bounded Rationality

Sự hợp lý hạn chế (bounded rationality) là một khái niệm được hiểu trong khuôn khổ của lý thuyết trò chơi. Tính hợp lý của một cá nhân phụ thuộc vào giới hạn của thông tin mà anh ta có, giới hạn của kinh nghiệm và nhận thức, giới hạn về thời gian của việc đưa ra quyết định. Vì người ra quyết định thiếu khả năng và nguồn lực để tìm đến các giải pháp tối ưu, nên thay vào đó họ sẽ áp dụng tính hợp lý sau khi đơn giản hóa các lựa chọn có sẵn. Như vậy, người ra quyết định sẽ là một satisficer, vì anh ta đã tìm những giải pháp thỏa mãn hơn là giải pháp tối ưu.
Tóm lại, giải pháp tối ưu không khả thi nên thiên hạ tìm tới những cái cảm tính hơn. Tối ưu, do đó, trở thành một khái niệm lý thuyết nhiều hơn thực tế
Khái niệm về sự hợp lý hạn chế do Herbert Simon đặt nền tảng. Simon cho rằng con người ta chỉ phần nào đó là duy lý (hay duy lợi), phần còn lại bị chi bởi cảm xúc và những cái không hợp lý. Giới hạn của sự hợp lý được trải nghiệm khi đối diện với những vấn đề phức tạp và khi xử lý thông tin. Các mô hình về tính hợp lý cổ điển nên hướng những chiều thực tế hơn, gồm: giới hạn các loại hàm thỏa dụng, nhận diện chi phí cho việc tập hợp và xử lý thông tin, khả năng có một hàm thỏa dụng đa giá trị (hiểu gì chết liền). Simon đề nghị các nhà kinh tế học nên đi theo chủ nghĩa kinh nghiệm hơn là các mô hình tối ưu thuần túy, vì tính phức tạp của vấn đề, vì không có khả năng tính toán độ hữu dụng kỳ vọng, và vì các hoạt động kinh tế đòi hỏi phải ra những quyết định (bất kể có hợp lý hay không)

Đầu tư vào công ty tư nhân - cơ hội đang trở lại?

Nguyễn Việt Hùng (*)
Thứ Hai, 15/3/2010, 09:38 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/chungkhoan/30995/

(TBKTSG) - Từ giữa năm 2008 đến hết năm 2009, thị trường đầu tư vào các công ty tư nhân (private equity) trầm lắng hơn hẳn so với vài năm trước đó. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế đúng ra là cơ hội vàng để tìm kiếm các công ty tư nhân tốt và hiện thực hóa các khoản đầu tư nhưng dường như thực tế lại không phải như vậy.

Tốc độ giải ngân của các quỹ đầu tư tập trung vào các công ty tư nhân không mấy sáng sủa. Có quỹ còn không thực hiện được khoản đầu tư nào trong suốt giai đoạn này mặc dù lượng tiền mặt còn dư dả. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể phân tích qua vài điểm chính.

Chiết khấu chi phí sử dụng vốn cao làm giảm sức hấp dẫn của các công ty tư nhân. Đặc điểm chung của quá trình định giá đối với hầu hết các quỹ đầu tư loại hình này là dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (discounted cash flows).

Vị trí đặt quảng cáo

Trong chu kỳ đi xuống của nền kinh tế, mức độ rủi ro của thị trường và của doanh nghiệp thường được đánh giá lại. Với thị trường Việt Nam trong giai đoạn này, lãi suất dùng để chiết khấu dòng tiền trên 20% không phải là hiếm gặp.

Đi đôi với sự thận trọng về khả năng sinh lời, cùng một doanh nghiệp có khi giảm chỉ còn hai phần ba đến một phần hai giá trị so với khi thị trường đang tăng trưởng tốt mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tới tiềm năng và dòng tiền của doanh nghiệp nhiều lúc chỉ là tạm thời.

Thị trường niêm yết rẻ hơn cũng ảnh hưởng đến đầu tư vào các công ty tư nhân. Trong một thời gian ngắn, thị trường niêm yết có thể giảm tới 50-60%, nhưng đối với các doanh nghiệp tư nhân, thật khó có thể thuyết phục chủ doanh nghiệp giảm giá chào bán tương ứng.

Các quỹ đầu tư cũng không thể đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân với giá cao hơn các doanh nghiệp niêm yết trong khi rủi ro lớn hơn ít nhất vài chục phần trăm. Nếu phạm vi đầu tư của quỹ chỉ giới hạn vào các công ty tư nhân, không dễ gì bên mua và bên bán có thể gặp nhau.

Gần đây, nhiều quỹ đầu tư, cả những quỹ có lịch sử đầu tư vào các công ty tư nhân lâu đời cũng như các quỹ trước đây chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết, lại rục rịch lên kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực này. Cơ hội có vẻ đang dần quay trở lại với mảng đầu tư nhiều thử thách nhất này.

Cơ hội đối với các quỹ đầu tư

Triển vọng của doanh nghiệp ngày càng sáng sủa khi nền kinh tế từng bước thoát khỏi suy thoái đang làm tăng thêm niềm tin của các định chế tài chính. Kết quả hoạt động năm 2009 khả quan hơn so với dự đoán và năm 2010 đầy triển vọng đang trở thành điểm nhấn cơ bản trong quyết định giải ngân của các quỹ. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong 5-7 năm cũng được đánh giá lạc quan hơn.

Mặt khác, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính đi qua, thị trường vốn đang mở cửa trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền chảy vào các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Nếu như nửa cuối năm 2008 và năm 2009, các quỹ đều xác định việc “tồn tại” là chỉ tiêu quan trọng nhất thì nay đều rậm rịch nhắc đến kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động. Các quỹ lớn như Mekong Capital, Dragon Capital… đều có nhắc đến dự tính mở rộng quỹ trong lĩnh vực này trong năm 2010. Điều đó chứng tỏ các quỹ đều muốn nắm bắt các cơ hội ngay từ giai đoạn đầu phục hồi của nền kinh tế trước giai đoạn tăng trưởng nóng nhắm vào các công ty tư nhân tiềm năng.

Một nguyên nhân nữa là thị trường niêm yết cũng gia tăng giá trị tương đối so với cuối năm 2008, đầu năm 2009. Đây là thị trường tham khảo rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến giá trị dự tính khi bán lại các khoản đầu tư sau này trong quá trình thẩm định. Mặt khác, khi thị trường niêm yết ổn định và tăng trưởng tốt, mức độ rủi ro của thị trường cũng giảm đi tương ứng, thuận lợi hơn cho các quỹ giải trình giá trị các khoản đầu tư.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự phát triển của thị trường tài chính và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện cùng với kinh nghiệm của các nhà đầu tư sau thời gian dài thử thách trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Khi các công ty nhà nước tốt nhất đã lần lượt lên sàn trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn là đích nhắm của bất kỳ tổ chức đầu tư tài chính nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Cơ hội đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp khi tiếp xúc với các quỹ đầu tư, giá trị của khoản đầu tư luôn đứng vị trí hàng đầu, sau đó mới đến các yếu tố chiến lược. Khi thị trường hồi phục, giá trị đề nghị mua doanh nghiệp cũng hợp lý hơn và cổ đông cũng dễ dàng tham khảo các công ty trong ngành trên thị trường niêm yết để thương thảo giá trị doanh nghiệp của mình. Khoảng cách về giá giữa người bán và người mua cũng được thu hẹp dần, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi đến thống nhất quyết định hợp tác đầu tư.

Một cơ hội khác đối với doanh nghiệp tư nhân là họ có nhiều lựa chọn hơn cả về số lượng khách hàng cũng như về nguồn vốn. Thay vì chỉ có một, hai quỹ quan tâm đến doanh nghiệp thì nay số lượng có thể tăng gấp vài lần. Ngân hàng cũng mở cửa tín dụng với chi phí lãi vay và nguồn vốn linh hoạt hơn giúp doanh nghiệp dễ dàng so sánh các cơ cấu vốn khác nhau cho phù hợp với chiến lược phát triển của mình.

Khi nền kinh tế ổn định trở lại, doanh nghiệp cũng tự tin hơn về triển vọng phát triển và mạnh dạn hơn trong quá trình đàm phán do các quỹ đầu tư thường yêu cầu doanh nghiệp cam kết lợi nhuận ít nhất trong một hai năm đầu. Chấp nhận các điều khoản này có thể xem như con dao hai lưỡi nhưng đối với nền kinh tế đang phát triển tốt, đây lại là cơ hội để doanh nghiệp chứng tỏ năng lực của mình để có thể chào bán với giá hợp lý nhất, xứng đáng với giá trị tiềm năng.

Đầu tư vào các công ty tư nhân chưa bao giờ chiếm vị trí quan trọng nhất trong cơ cấu tài chính ngay cả đối với các nền kinh tế phát triển, nhưng lại luôn là mảng đầu tư hấp dẫn và nhiều thử thách nhất. Với hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thị trường này chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chu kỳ đi lên của nền kinh tế sau năm 2009.

____________________________________________________

(*) Giám đốc nghiên cứu và đầu tư, Công ty Chứng khoán SME

Tranh luận về chính sách kích cầu - kinh nghiệm cho Việt Nam

Vũ Quang Việt
Thứ Hai, 15/3/2010, 09:56 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/30971/
TBKTSG) - Chính sách kích cầu dựa trên cơ sở lý luận của nhà kinh tế John Maynard Keynes lại được thực hiện rộng rãi ở khắp mọi nước trên thế giới vì cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng khắp nơi.

Chính sách này đơn giản chỉ như thế này: khi kinh tế không toàn dụng lao động, vì một lý do nào đó, đưa đến sự mất tin tưởng vào tương lai, thì nhà nước phải can thiệp.

Thí dụ thị trường nhà đất lên giá quá cao so với giá trị thực, người mua từ chối mua, người bán phải xuống giá, thị trường địa ốc đình đốn. Hệ quả là ngân hàng và hệ thống tài chính không còn dám cho vay dễ dàng và như thế phải tăng lãi suất, ngành xây dựng đình đốn, kéo theo hàng loạt các hoạt động khác đình đốn. Đồng thời vì tín dụng giảm và lãi suất tăng, nhiều hoạt động tài chính mang tính đầu cơ bị phá sản vì mất khả năng chi trả, phải sa thải người.

Để ngăn chặn một phản ứng dây chuyền như thế, nhà nước làm hai động tác: bơm tiền để giảm lãi suất, đẩy mạnh tín dụng và tăng chi tiêu nhà nước bằng biện pháp chấp nhận thiếu hụt ngân sách nhằm lấp khoảng trống và tăng sản xuất.

Về ngắn hạn, suy thoái kinh tế bị chặn đứng. Từ đó các nhà làm chính sách hy vọng niềm tin được củng cố lại và kinh tế sẽ trở lại bình thường.

Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định chi kích cầu 789 tỉ đô la (65% nhằm tăng chi và 35% là nhằm giảm thuế) với mục tiêu giảm thất nghiệp ngay sau khi ông Obama nhậm chức Tổng thống vào ngày 11-2-2009. Chương trình chi tiêu có hiệu lực ngay, nhưng có thể kéo dài tới năm năm. Không một dân biểu Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu thuận của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Số chi kích cầu đang được bàn có thể tăng lên 862 tỉ đô la, bằng 6% GDP. Nhà Trắng cho rằng với số tiền như thế sẽ tạo ra thêm 3,5 triệu việc làm, và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 8% năm 2009.

Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 10% vào tháng 1 và 9,7% vào tháng 2-2010, tức là khoảng hơn 10 triệu người. Nguyên năm 2009, có hơn 3 triệu người mất việc. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng nếu không có kích cầu như thế, số người mất việc năm 2009 đã là 5 triệu người, như vậy thực tế đã tạo thêm được 2 triệu việc làm. Đảng Cộng hòa chỉ muốn giảm thuế thay vì tăng chi nên tiếp tục chống Obama. Dù có thành công, thì rõ ràng Obama đã không đạt được điều mà chính sách kích cầu đưa ra ngay từ đầu.

Thế là nổ ra cuộc tranh luận mới đây về hiệu quả của chính sách kích cầu.

Ông Robert Barro, Giáo sư Đại học Harvard, trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 22-2-2010 cho rằng tỷ số hiệu ứng (multiplier) chỉ là 0,4 trong năm chi đầu tiên và 0,6 trong hai năm đầu. Có nghĩa là nếu nhà nước dùng biện pháp tăng chi bằng vay mượn thì chi 300 tỉ đồng trong năm đầu chỉ tăng GDP được 120 tỉ và 300 tỉ đồng tiêu năm thứ hai sẽ tăng GDP được 180 tỉ.

Nói tóm lại, hiệu ứng ngắn hạn là dương nhưng tỷ lệ hiệu ứng nhỏ hơn 1. Và tổng tỷ lệ hiệu ứng tính trong năm năm là -300 tỉ, hiệu ứng là âm ở những năm sau là do phải tăng thuế để trả tiền vay. Như vậy kích cầu có lợi trước mắt vì tăng GDP nhưng về dài lâu hiệu ứng tổng cộng là âm. Tiêu đi tất cả 600 tỉ nhưng lại làm giảm GDP 300 tỉ.

Bà Christina D. Romer, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Tổng thống Obama, trước đây là Giáo sư Đại học Berkely trong một bài diễn văn xuất hiện trước khi ông Barro có bài ngắn trên WSJ nói ở trên, đã trả lời rằng ông Barro đã tính toán dựa vào số liệu thời chiến tranh Hàn Quốc, bằng cách lấy số tăng GDP chia cho số tăng chi phí nhà nước, và do đó tìm thấy hiệu ứng nhỏ hơn 1, nhưng ông Barro quên rằng thời đó, chi tiêu nhà nước đã được tài trợ bằng thuế, do đó hiệu ứng của tăng thuế là làm giảm sản xuất. Làm thế ông Barro quên hiệu ứng của các yếu tố khác trong thời kỳ hiện nay.

Theo bà Romer, cắt 1 đồng thuế thì tăng GDP được 1 đồng, nhưng tăng chi tiêu (bằng vay mượn) thì tăng GDP được 1,6 đồng. Tỷ lệ hiệu ứng là 1,6. Tất nhiên người viết bài này chỉ đọc các bài viết trên báo, chứ chưa đọc các bài viết khoa học của hai tác giả trên nên không thể bàn về các nguyên tắc tính toán của hai tác giả. Tuy nhiên kết quả quá khác nhau trên là điều khó tưởng tượng.

Vậy thì cũng nên xem xét lại kết quả này dựa trên lý luận kinh tế.

Cuộc tranh luận không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, vì có yếu tố con người không dễ dự đoán. Nhà kinh tế không thể sử dụng các biện pháp phòng thí nghiệm, giữ các yếu tố kinh tế khác cố định và chỉ xem xét hiệu ứng giữa hai yếu tố là GDP và chi tiêu nhà nước. Yếu tố con người là kỳ vọng về tương lai khó đoán.

Tất nhiên có hai loại kỳ vọng: kỳ vọng dùng thống kê đoán được và kỳ vọng không thể đoán được. Thời gian qua chính cái kỳ vọng không thể đoán được đã xảy ra và đã tạo ra khủng hoảng. Về mặt lý thuyết kinh tế, có thể ai cũng đồng ý rằng khi giá cả đi quá xa mức giá “hợp lý” thì các yếu tố trên thị trường sẽ bắt nó điều chỉnh, nhưng vấn đề là khi nào đám đông kia thấy nó là bất hợp lý.

Kết luận của bà Romer là nhà nước cứ tăng chi 1 đồng thì sẽ tạo ra 1,6 đồng GDP, có vẻ khó tin vì như vậy nhà nước có thể giải quyết vấn đề suy thoái quá dễ dàng: cứ việc vung tiền chi để đưa kinh tế đến toàn dụng, nhanh chóng giải quyết thất nghiệp.Vậy thì chính phủ nào mà chẳng làm?

Về mặt lý thuyết, bà Romer hình như chỉ nói đến một nửa vấn đề - vấn đề hiệu ứng ngắn hạn. Còn nửa hiệu ứng sau khi chi thì hình như bà ta quên. Nửa vấn đề kia nằm ở điều tưởng như phức tạp nhưng đơn giản như thế này. Nếu tôi mượn ở đâu đó 1 đồng để tiêu (tránh in tiền để tạo ra lạm phát) và nếu như người có tiền cho vay không giảm chi tiêu của họ, thì tôi sẽ tạo thêm ngay ra 1 đồng GDP, và khi cộng thêm hiệu ứng thúc đẩy sản xuất và chi tiêu ở chỗ khác trong thời gian sau đó thì tổng hiệu ứng là 1,6 đồng chẳng hạn như bà Romer tính.

Thế nhưng trong tương lai, nhà nước phải trả lại 1 đồng đi vay này bằng cách đánh thuế. Người bị đánh thuế tất giảm chi, nhưng giả dụ họ giảm chi ở mức cao nhất là 1 đồng. Như vậy hiệu ứng của đồng bị đánh thuế cao nhất cũng sẽ là -1,6 đồng. Và nhìn tổng thể toàn quá trình vận hành của chính sách, tổng GDP không thay đổi: tăng GDP lúc đầu sẽ bị trả giá bằng giảm GDP lúc sau. Hay nói một cách đơn giản, chính sách tài khóa đổi tăng GDP trong ngắn hạn, bằng giảm GDP trong dài hạn, nếu như các yếu tố khác không thay đổi.

Nếu phân tích sâu hơn một chút thì ta có thể sửa đổi các giả thiết mà tôi đã dùng ở trên, chẳng hạn nhà nước vay thì có thể làm tư nhân không vay được (điều này có thể không xảy ra trong thời khủng hoảng vì tư nhân không muốn vay nhằm tăng sản xuất lúc này) và khi đánh thuế, người bị đánh thuế sẽ không giảm tiêu bằng số thuế phải trả mà giảm ít hơn.

Như vậy thời kỳ hai, GDP có thể giảm ít hơn 1,6 đồng. Tuy nhiên, nếu ta lại giả định rằng nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn tư nhân, việc chuyển sản xuất của tư nhân sang nhà nước nói chung sẽ làm giảm GDP ở thời kỳ hai. Tổng hợp hiệu ứng trong toàn chu kỳ áp dụng chính sách kích cầu, GDP có thể khoảng bằng 1 và ở Việt Nam thì chắc là âm.

Cho nên nếu nhìn tổng quát, ta phải thấy có sự trả giá cho việc mượn hôm nay để tiêu. Tất nhiên, chính sách Keynes là cần thiết để ngăn chặn suy thoái quá mức trong hiện tại, nhưng không thể coi chính sách kích cầu là biện pháp nhằm phát triển.

Và đây chính là vấn đề Việt Nam cần xem xét. Kích cầu tăng chi nhà nước, và việc tăng chi này chỉ có thể dựa vào hai nguồn, phát hành thêm tiền, tăng tín dụng hoặc/và vay mượn nước ngoài. Ở Việt Nam thì không thể nói đến việc vay mượn trên thị trường nội địa. Biện pháp kích cầu bằng biện pháp tăng cung tiền, tăng tín dụng lại đẻ ra vấn đề lạm phát và hậu quả của nó. Hậu quả phân chia lại lợi tức trong xã hội là người nghèo sẽ nghèo thêm vì sức mua giảm và người giàu nắm tài sản được cứu nguy vì chính sách bù lỗ lãi suất.

Hậu quả thứ hai là nếu tăng cung tiền, tăng tín dụng thì sẽ nhập siêu, đồng tiền mất giá và áp lực lạm phát. Và với biện pháp vay mượn, thì sẽ phải trả nợ. Muốn trả nợ thì phải tăng thuế. Và như ai cũng biết khu vực quốc doanh có hiệu quả thấp hơn khu vực tư, chính sách kích cầu ở Việt Nam tất nhiên về dài lâu tính chung chắc chắn có hiệu quả âm với GDP.

Chính sách kích cầu tất nhiên là giảm được ảnh hưởng của khủng hoảng nhưng đồng thời tạo thêm ra các yếu tố tiêu cực cho nền kinh tế.

Cho nên vấn đề của Việt Nam hiện nay và kể cả của Mỹ là giải quyết vấn đề nợ quốc gia, áp lực lạm phát vì tăng cung tiền như thế nào, để nền kinh tế thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách kích cầu? Kích cầu có cái giá phải trả của nó.

Một điều cuối cùng cũng cần nói là việc in tiền rất lớn ở Mỹ chưa làm tăng thêm tổng cung tiền tệ (thậm chí nói chung trong 13 tháng qua cung tiền tệ gần như không tăng), vì nền kinh tế Mỹ giống như quả bóng thủng lỗ, xì hơi, nên các máy bơm có chạy hết công suất cũng chỉ làm quả bóng đỡ xẹp. Do đó, khi mà các lỗ thủng tự hàn thì phải có các biện pháp tháo gỡ máy bơm.

Ở Việt Nam, chính sách kích cầu đã đưa tổng cung tiền tăng cao, không thua gì năm 2008, vì vậy không thể không xem xét các yếu tố tiêu cực nhằm giải quyết chúng. Những biện pháp giải quyết cần thiết này cũng chỉ nhằm đưa nền kinh tế trở về lại điều kiện như trước đây, chứ không làm nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề hiệu quả là kết quả của cải cách.

Sức mạnh của người hướng nội

picture

Minh họa: Khều.

http://vneconomy.vn/20100315100029561P0C5/suc-manh-cua-nguoi-huong-noi.htm

10:09 (GMT+7) - Thứ Hai, 15/3/2010

Vì sao những người hướng nội lại là những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất?

Abraham Lincoln, mẹ Teresa, Martin Luther King, Harry Truman, John Rockerfeller, Bill Gates, Warren Buffet, Steven Spielberg, Barrack Obama…

Bạn có biết đâu là điểm chung của những nhân vật này? Họ đều là những nhà lãnh đạo tài ba, những vị lãnh tụ xuất chúng? Đúng, nhưng một câu trả lời đầy đủ hơn sẽ bao gồm cả việc họ đều là những người hướng nội!

Nhận diện một người hướng nội

Theo các khảo sát, những người hướng nội và hướng ngoại thường khác nhau ở những đặc điểm cơ bản được liệt kê trong bảng bên dưới.

Có nhiều ý kiến cho rằng trong môi trường kinh doanh năng động ngày nay, tính cách hướng nội là một nhược điểm lớn khiến con người không được đánh giá cao. Tuy nhiên, các số liệu thống kê lại chỉ ra rằng có khoảng 50% dân số thế giới và 40% các nhà lãnh đạo là những người hướng nội, sống nội tâm.

Tiến sĩ Kahnweiler, một người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tư vấn và phát triển tổ chức, cho biết tính cách hướng nội không những kiểm soát được mà còn có thể trở thành một nguồn sức mạnh to lớn.

Bên cạnh những nhược điểm như ngại nói trước đám đông hay không giỏi xây dựng các mối quan hệ, tính cách hướng nội lại có những ưu điểm lớn là khả năng lắng nghe và viết lách. Điểm mấu chốt nằm ở thái độ và cách nhìn nhận của mỗi cá nhân đối với vấn đề này.

Vậy các nhà lãnh đạo tài ba nhìn nhận và phát huy tính cách hướng nội của họ như thế nào để thành công?

Biến sự tĩnh lặng thành sức mạnh

Vì sao những người hướng nội lại là những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất? Câu trả lời là họ biết khai thác các thế mạnh mà những người hướng ngoại không có.

Dưới đây là năm đặc điểm then chốt giúp các nhà lãnh đạo nội tâm phát huy được thế mạnh của mình và vươn tới thành công.

Nghĩ trước khi nói. Những nhà lãnh đạo nội tâm luôn luôn suy nghĩ trước khi nói ra một điều gì đó. Ngay cả trong các cuộc đối thoại thân mật thường ngày, họ luôn xem xét ý kiến của những người khác một cách cẩn trọng, sau đó dừng lại để suy nghĩ trước khi trả lời.

Một giám đốc điều hành nọ kể rằng khi lắng nghe ý kiến đề xuất từ nhóm điều hành của mình, ông thường chỉ ngồi yên lặng vì điều đó giúp ông nghĩ thêm được những ý tưởng mới. Nhìn chung, những người sống nội tâm đều có cùng một đặc điểm: họ học hỏi từ việc lắng nghe chứ không học từ việc phát biểu.

Phong thái điềm tĩnh và ung dung khiến lời nói của họ có sức nặng và đáng để lắng nghe. Có một thực tế là một lời nhận xét tinh tế cũng đủ để đưa cả cuộc họp tiến một bước dài. Thêm vào đó, trong kinh doanh, những lời nói hớ thường phải trả giá rất đắt.

Tập trung vào chiều sâu. Các nhà lãnh đạo nội tâm thiên về chiều sâu nhiều hơn bề rộng. Họ có xu hướng đào sâu, tìm tòi, nghiền ngẫm thấu đáo một vấn đề rồi mới chuyển sang vấn đề khác. Họ thích tham gia vào những cuộc đối thoại nghiêm túc hơn là những cuộc tán gẫu vô thưởng vô phạt. Họ thường đưa ra những câu hỏi sâu sắc rồi chăm chú lắng nghe câu trả lời.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, bà Deborah Dunsire, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Millennium, một công ty dược phẩm lớn có trụ sở tại Cambridge, cho biết: “Tôi không chỉ thực hiện các cuộc khảo sát trong nội bộ công ty và tổ chức các cuộc họp lớn mà còn thường xuyên đi thăm các phòng ban. Tôi chỉ chào hỏi những câu thông thường như: Này, sao anh hay về trễ thế? Chị đang làm gì vậy? Hiện tại anh thích làm công việc nào nhất? Chị thấy chúng ta cần cải tiến thêm những lĩnh vực nào?...”.

Bà Dunsire khẳng định những cuộc chuyện trò nghiêm túc kiểu này giúp các nhà quản lý tìm hiểu chính xác tình hình tổ chức và giữ chân những tài năng ưu tú. Thực tế cho thấy kiểu chuyện trò như vậy là sở trường của những nhà lãnh đạo nội tâm.

Có thừa sự bình tĩnh. Các nhà lãnh đạo nội tâm thường điềm đạm. Họ thường thể hiện sự điềm tĩnh trước mọi cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn Tổng thống Obama. Ông luôn nói năng nhẹ nhàng và từ tốn, gần như không bao giờ nôn nóng. Những nhà lãnh đạo hướng nội khác cũng vậy. Trong bất cứ cuộc họp, trước một bài phát biểu hay sự kiện quan trọng nào, bí quyết thành công của họ chỉ gói gọn trong một từ: chuẩn bị. Họ thường lên kế hoạch chi tiết và viết sẵn câu hỏi ra giấy. Đối với những cuộc họp quan trọng, họ diễn tập kỹ càng từ trước. Thậm chí họ còn tự đóng vai một nhân vật nào đó. Một giám đốc điều hành kể rằng ông ta đã từng tưởng tượng mình là James Bond trước khi tham dự một cuộc hội thảo công nghiệp lớn. Điều đó khiến ông cảm thấy tự tin và điềm tĩnh hơn.

Các nhà lãnh đạo nội tâm còn chuẩn bị tinh thần bằng cách không nghĩ về những gì tiêu cực mà chỉ hình dung về những điều sắp xảy ra một cách tích cực. Trước mỗi sự kiện lớn, Bob Goodyear, một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Atlanta, thường tự nói với bản thân rằng: “Tôi có thể làm mọi việc chỉ trong 30 phút”.

Viết nhiều hơn nói. Các nhà lãnh đạo nội tâm thích viết hơn nói. Họ dễ dàng diễn đạt suy nghĩ của mình bằng việc viết ra giấy. Mặt khác, việc viết lách giúp họ khai thác sức mạnh truyền thông của các trang mạng xã hội hiện nay, từ đó kết nối hiệu quả với nhân viên, khách hàng và đối tác của mình.

Chẳng hạn, khi sử dụng Best Buy’s Blue Shirt Nation, một trang mạng xã hội nội bộ của nhân viên tại các cửa hàng bán sản phẩm của Best Buy, các nhà quản lý và các đại lý liên kết của hãng có thể liên tục cập nhật tình hình nhân viên của họ.

Trong giới kinh doanh hiện nay đang lưu truyền câu chuyện về một giám đốc tài chính có thói quen viết blog (nhật ký trên mạng) hàng ngày. Trong một trang nhật ký gần đây, ông ta đã miêu tả chi tiết cách luyện tập để có được một bài diễn thuyết hay.

Bằng việc viết bài chia sẻ như thế, ông đã đạt được cả hai mục tiêu. Một mặt, ông cho mọi người thấy mình là một nhà lãnh đạo cởi mở và chân thành. Mặt khác, kinh nghiệm được ông chia sẻ là một tài liệu huấn luyện tuyệt vời cho hàng ngàn nhân viên.

Đam mê sự tĩnh lặng. Các nhà lãnh đạo nội tâm thường nạp năng lượng cho bản thân bằng cách ngồi một mình. Công việc khiến họ chịu nhiều áp lực nên việc tự “sạc pin” thường xuyên là vô cùng cần thiết. Những quãng thời gian nghỉ ngơi như vậy tuy ngắn ngủi nhưng có thể giúp họ lấy lại khả năng tư duy sáng suốt, óc sáng tạo, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn. Đặc biệt khi áp lực lên cao, tính cách hướng nội giúp họ phản ứng một cách tích cực thay vì tiêu cực.

Tất cả những điều này giúp các nhà lãnh đạo nội tâm hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất và đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.

Những phân tích trên có thể giúp ích cho các nhà quản lý và những người làm việc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, tài chính, đặc biệt là phụ nữ làm việc trong những ngành nghề mà đàn ông chiếm ưu thế. Hãy biết tận dụng tối đa tố chất bẩm sinh của bản thân để tiến xa hơn, khai thác triệt để các mối quan hệ cũng như gia tăng giá trị cho tổ chức của bạn!

Bảo Châu (TBKTSG)

Có một “Từ Hải” thời nay...

picture

Minh họa: Khều.

http://vneconomy.vn/20100315023742794P0C5/co-mot-tu-hai-thoi-nay.htm

14:40 (GMT+7) - Thứ Hai, 15/3/2010

Một ví dụ điển hình về việc quản trị doanh nghiệp theo những nguyên tắc cổ xưa của nền “văn minh lúa nước”

Đã hai năm nay, nhiều người thân gọi đùa ông K., Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần KHB (vì lý do tế nhị, tên công ty và các nhân vật đã được thay đổi) là ông Từ Hải thời @, tức là ông K. đang bị “chết đứng”.

Nhưng không phải ông K. chết đứng vì ái tình mà vì sự việc hy hữu của công ty cổ phần nơi ông là chủ tịch hội đồng quản trị. Kể câu chuyện của ông K. thiết nghĩ cũng bổ ích và lý thú đối với việc kinh doanh và luật pháp ở Việt Nam.

Tóm tắt sự việc

Đầu năm 2008, bốn người tâm đắc gồm các ông K., H., B., Đ. hợp tác, góp vốn thành lập Công ty Cổ phần KHB, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tổ chức sự kiện, đào tạo, quảng cáo... vốn là thế mạnh về chuyên môn của cả bốn người, đặc biệt là của ông K. và ông H. - những người đã có học vị tiến sĩ chuyên ngành.

Số vốn điều lệ của công ty là 1 tỉ đồng, trong đó ông K. góp 300 triệu, ông H. 300 triệu, ông B. 200 triệu và ông Đ. 200 triệu đồng. Đáng lưu ý là ông B. và ông Đ. là hai anh em ruột. Ông B. được bầu làm Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty, còn ông K. là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tháng 3/2008, việc góp vốn hoàn tất. Công ty đã thuê văn phòng và khai trương hoạt động. Ngay khi góp vốn, một sự kiện không bình thường đã xảy ra: ông Đ. đề nghị ông K. cho vay 200 triệu đồng để góp vốn và sẽ trả trong thời hạn 10 ngày. Ông K. đã đồng ý cho vay, ông Đ. đã có tên trong danh sách các cổ đông sáng lập và phiếu thu tiền góp vốn là 200 triệu đồng.

Nhưng sau đó, dù đã đôn đốc rất nhiều lần, ông Đ. vẫn không thanh toán trả cho ông K.Từ tháng 5 đến tháng 8/2008, ông B. - Tổng giám đốc công ty - đã lập nhiều giấy biên nhận “tạm ứng” tiền của công ty với tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi đã “ứng” đủ 400 triệu đồng, ông B. bỗng dưng biến mất, không hề đến công ty nữa.

Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông K. đã đến kiểm tra và thu giữ được con dấu của công ty. Song, tiền trên tài khoản của công ty không còn, tiền mặt đã bị “tạm ứng” hết. Ông K. đã ký rất nhiều giấy mời mời ông B. đến điều hành công ty, nhưng ông B. vẫn...im lặng.

Đến kỳ phải nộp tờ khai thuế, ông K. đành ký và đóng dấu công ty với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Song, cơ quan quản lý thuế đã không nhận vì theo Luật Quản lý thuế, ký tên, đóng dấu vào tờ khai thuế hàng tháng phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ông K. quyết định triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.

Song, đã qua bốn lần triệu tập họp, tham dự vẫn chỉ có ông K. và ông H., chiếm 60% số vốn điều lệ của công ty. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp quy định, để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty phải có số phiếu nhất trí đại diện cho ít nhất 75% số vốn có quyền biểu quyết.

Sự “bùng nhùng” của Công ty Cổ phần KHB kéo dài từ tháng 5/2008 đến nay và hàng tháng, do không có người đại diện theo pháp luật, công ty đều bị phạt vi phạm hành chính vì... không nộp tờ khai thuế. Cũng vì không có người đại diện theo pháp luật, nên công ty không thể thông báo tạm ngừng kinh doanh.

Tháng 12/2009, ông K. làm công văn đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh cử cán bộ đến dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường, triệu tập lần thứ 5 và chứng kiến việc có hai cổ đông, chiếm 40% vốn điều lệ, cố tình không dự họp. Song, Phòng Đăng ký kinh doanh đã từ chối và hướng dẫn ông K. làm đơn khởi kiện ra tòa án.

Thấy gì trong công tác quản trị doanh nghiệp?

Từ sự kiện người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần KHB bỗng nhiên “biến mất” và Chủ tịch Hội đồng Quản trị tự nhiên trở thành một “Từ Hải” thời @, chúng ta có thể nhận thấy một số điều cần bổ sung cho Luật Doanh nghiệp.

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ quy định nào về việc xử lý khi một cổ đông của công ty cổ phần hay một thành viên góp vốn của công ty TNHH vô trách nhiệm đối với công ty thông qua việc không tham gia họp đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, không ủy quyền cho người khác và cũng không chuyển nhượng vốn cho ai.

Vì vậy, chỉ cần một cá nhân chiếm 25,2% vốn điều lệ là đã có thể vô hiệu hóa tất cả các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên.

Trường hợp của Công ty cổ phần KHB, vốn của ông B. và ông Đ. chiếm tới 40% vốn điều lệ và đã đưa công ty tới tình trạng “dở sống, dở chết” là một ví dụ điển hình.Trong giai đoạn hiện nay, những bất đồng trong nội bộ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang có xu hướng gia tăng và tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như ở Công ty Cổ phần KHB nêu trên không phải là ít.

Phải chăng, cần nghiên cứu để bổ sung vào Luật Doanh nghiệp điều khoản về “xóa tư cách cổ đông/thành viên góp vốn” để những người đồng sở hữu có thể tự xử lý những trường hợp vô lý như ví dụ nêu trên?

Thứ hai, rất cần có quy định thống nhất về thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết những bất đồng trong nội bộ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, đây là vấn đề chưa rõ ràng, do đó mỗi địa phương xử lý theo một nguyên tắc riêng.

Có nơi, cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp tham dự các cuộc họp của doanh nghiệp và xử lý những vướng mắc phát sinh. Song, có một số nơi Phòng Đăng ký kinh doanh lại cho rằng, việc xử lý những tranh chấp nội bộ doanh nghiệp không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình mà đó là việc của tòa án.

Song, lại có một số trường hợp, sau khi tòa án đã phán quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản khác với phán quyết của tòa dẫn đến tình trạng một công ty song song tồn tại hai hội đồng quản trị, hai chủ tịch hội đồng quản trị và thậm chí là hai tổng giám đốc như đã xảy ra ở Nghệ An, Tp.HCM và một số nơi khác nữa.

Thứ ba, với những người góp vốn thành lập doanh nghiệp, bài học quan trọng được rút ra là, không bao giờ được sử dụng lòng tin thay cho những thủ tục pháp lý cần thiết. Lòng tin là vô cùng quan trọng. Nếu không tin nhau thì không thể hợp tác được với nhau. Song, lòng tin lại rất vô hình. Do đó, bên cạnh lòng tin, không thể bỏ qua những thủ tục hành chính cần thiết.

Trường hợp của ông K., Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty KHB, nêu trên đã vì lòng tin mà gánh hậu quả rất nghiêm trọng. Khi ông K. cho ông Đ. vay 200 triệu đồng để góp vốn cũng chỉ qua trao đổi bằng lời nói. Đến nay, ông Đ. không trả cho ông K. và ông B. anh của ông Đ. đã rút hết vốn góp ra khỏi công ty. Ông K. không có bất kỳ chứng từ gì để đòi lại tiền của ông Đ. Đó là sai lầm thứ nhất của ông K. vì lòng tin.

Sau đó, việc ông B. biến mất với thời gian khá dài, ông K. vẫn không khởi kiện ra tòa vì “là anh em với nhau, ai nỡ...” là sai lầm thứ hai. Vì vậy, toàn bộ số tiền góp vốn đã hết, cán bộ, nhân viên không được trả lương và đã ra đi, công ty chỉ còn một cách là giải thể.

Câu chuyện của Công ty KHB và ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị bỗng nhiên trở thành một “Từ Hải thời @” có thể là một ví dụ điển hình về việc quản trị doanh nghiệp theo những nguyên tắc cổ xưa của nền “văn minh lúa nước” - một nhược điểm rất lớn trong quản trị doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

Luật gia Vũ Xuân Tiền (TBKTSG)

Chưa đánh thuế với nhà ở

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Bat-Dong-san/2010/03/3BA19AFE/

Dự thảo Luật Thuế nhà đất công bố tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay đã loại nhà ở ra khỏi diện chịu thuế.

Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra đưa 2 phương án lựa chọn đánh thuế với nhà ở hoặc không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Đối với phương án tính thuế nhà, Bộ đề nghị mức khởi điểm tính tính thuế sẽ là nhà có diện tích 200 m2 hoặc nhà có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, theo dự thảo mới nhất được công bố sáng nay, nhà ở đã bị loại ra khỏi diện chịu thuế. Tên của dự luật cũng được đề nghị đổi thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thay vì Luật Thuế nhà đất như trước..

Theo dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đối tượng chịu thuế của luật bao gồm đất ở tại nông thôn, đô thị và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng khu công nghiệp, đất làm mặt bằng xây cơ sở sản xuất kinh doanh...). Thuế suất với đất ở trong hạn mức là 0,03%, thu 0,06% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức, phần diện tích trên 3 lần hạn mức áp mức 0,1% thay vì 0,09% như đề xuất ban đầu. Hạn mức đất tính thuế được căn cứ trên quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng đất lấn chiếm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được áp dụng mức thuế suất chung là 0,15%.

Việc không đưa nhà ở vào diện chịu thuế được nhiều đại biểu trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành. Đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế là chưa phù hợp. Số tiền thu từ thuế nhà cho Ngân sách Nhà nước ước tính không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu lại không nhỏ. Nhà là tài sản gắn liền với công sức cũng như sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có tiền để thuê nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua vật liệu, thi công công trình. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế. Tổng hợp ý kiến từ 54 đoàn đại biểu Quốc hội sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu cũng cho thấy đa số ý kiến đề nghị không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế sẽ gây tâm lý không đồng thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, nhận định, không nên đánh thuế nhà bởi về cơ bản, giá nhà của Việt Nam thực chất là giá đất. Nhà là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Cần phải nêu rõ thuế nhà ở là thuế đánh vào tài sản hay thuế đánh chỗ ở. "Nếu là tài sản thì tại sao những tài sản có giá trị khác như máy bay, du thuyền lại chỉ đánh thuế một lần", ông Thuận thắc mắc.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay chưa nên đánh thuế nhà. Người dân bình thường có quyền sở hữu một mảnh đất ở. Nếu đất chỉ ể ở, không kinh doanh buôn bán, chuyển nhượng sẽ không phát sinh nguồn thu. Đất kinh doanh đã có thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân... "Người dân làm công ăn lương ở các đô thị đã phải vất vả giờ lại chịu thêm thuế nhà đất là không công bằng", ông Nam nói.

Tại phiên họp sáng nay, vấn đề thu thuế đối với đất lấn chiếm được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, không nên dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tính thuế bởi thực tế có hiện tượng cơi nới lấn chiếm, vượt quá diện tích ghi trong giấy tờ. Theo Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, phải căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thu thuế. Ông Đàn lý giải, nếu thu thuế đối với đất lấn chiếm thì coi như đã thừa nhận tính hợp pháp của loại đất này, khuyến khích người dân không tuân thủ pháp luật. Ông Đàn đề xuất, đất lấn chiếm phải phạt nặng, thu hồi.

Các đại biểu đều thừa nhận, có một thực trạng hiện nay là nơi vui chơi ở các khu tập thể, hồ Tây đều đã bị người dân lấn chiếm rất nhiều. Có nên thu thuế đối với đất lấn chiếm hay không là một bài toán nan giải. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn, cơ quan quản lý còn đang lúng túng với đất lấn chiếm, bởi nếu xử lý nghiêm, các công trình xây trên đất này sẽ phải phá đi rất nhiều. Trong khi đó, nếu không thu thuế đất lấn chiếm, ngân sách Nhà nước sẽ mất một khoản lớn. Theo ông Hiển, trước mắt cần phải áp cả thuế đối với đất lấn chiếm để tăng thu ngân sách và thể hiện tính công bằng của pháp luật.

Không đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, trên thực tế, ta đã thu thuế đối với đất lấn chiếm và người dân có đất này rất mong được nộp thuế tiền sử dụng đất. Họ tích các hóa đơn nộp và coi đó là bằng chứng mà cơ quan Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp. Thứ trưởng Nam đề xuất, không nên thu thuế đối với đất lấn chiếm để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. "Nếu Nhà nước thu thuế 5 lần so với hạn mức rồi lại không công nhận quyền sở hữu của người dân lấn chiếm thì sẽ rất khó ăn nói", ông Nam nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về nguyên tắc, loại đất có giấy chứng nhân hay không trong quá trình sử dụng đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. "Tôi cho rằng, đất lấn chiếm cũng phải thu thuế. Bởi đây chính là một hình thức phạt. Không phải thu thuế đối với đất lấn chiếm là thừa nhận đất đó sử dụng hợp pháp", ông Kiên nhận định.

1/ Áp dụng thuế suất đối với đất ở theo biểu thuế lũy tiến từng phần:

Hạn mức đất tính thuế được quy định như sau:

a) Hạn mức đất làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

b) Trường hợp đất đã cấp với hạn mức được quy định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tiếp tục công nhận hạn mức đã được cấp trước để xác định thuế suất. Nếu hạn mức cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi thành thấp hơn hạn mức mới thì áp dụng theo mức mới để làm căn cứ tính thuế.

2/ Đối với đất ở nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư: Áp dụng mức thuế suất 0,03%.

3/ Đối với đất lấn chiếm: Áp dụng thuế suất chung là 0,15%, không áp dụng quy định về hạn mức đối với diện tích lấn chiếm; việc thu thuế không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích lấn chiếm.

(Trích dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp)

Hoàng Lan

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

AFTER THE BLOWUP

The New Yorker
January 11, 2010

LETTER FROM CHICAGO


AFTER THE BLOWUP

Laissez-faire economists do some soul-searching—and finger-pointing

BY JOHN CASSIDY



Some visitors to the Everett M. Dirksen United States Courthouse, in downtown Chicago, come in search of justice, others leniency. I went looking for apostasy. After passing security and riding the elevator to the twenty-seventh floor, I was shown into the chambers of Judge Richard A. Posner, the famously prolific jurist, law professor, author, and, lately, blogger, who for decades has been a leading figure in the conservative Chicago School of economics. Arranging his thin frame on a leather sofa that afforded him a gull's-eye view of Lake Michigan, Posner held forth on the global economic slump that began in 2007, and the failure of many economists to foresee it. In a soft voice, he said, "I think the challenge is to the economics profession as a whole but to Chicago most of all"

A lawyer by training, Posner is also one of the country's most influential economics writers. In his 1973 treatise "Economic Analysis of Law”, he applied the maxims of free-market economics to the courtroom, arguing that enforcing economic efficiency ought to be a primary goal of judges. Posner, who was then a young professor at the University of Chicago Law School, helped create the law-and-economics movement, which has populated many of America's courts with judges of similar mind. In 1981, Ronald Reagan nominated him to the Seventh Circuit Court of Appeals, and since then he has written more than two dozen books, including one defending the 2000 Supreme Court decision that gave George W. Bush the Presidency.

Earlier this year, Posner published "A Failure of Capitalism" in which he argues that lax monetary policy and deregulation helped bring on the current slump. “We are learning from it that we need a more active and intelligent government to keep our model of a capitalist economy from running off the rails," Posner writes, "The movement to deregulate the financial industry went too far by exaggerating the resilience -- the self-healing powers -- of laissez-faire capitalism." Posner also accuses professional economists, including some of his Chicago colleagues, of being "asleep at the switch." In September, he came out as a Keynesian; in a long piece in The New Republic, he hailed “The General Theory of Employment, Inter­est, and Money," which John Maynard Keynes published in 1936, as a "masterpiece," saying that “despite its antiquity, it is the best guide we have to the crisis."

As acts of betrayal go, this was roughly akin to Johnny Damon’s shaving off his beard, forsaking Red Sox Nation, and joining the Yankees. Ever since Milton Friedman, George Stigler, and others founded the Chicago School, in the nineteen-forties and fifties, one of its goals has been to displace Keynesianism, and it had largely succeeded. For three decades after the Second World War, economics was dominated by Keynesian ideas about how the government should use monetary and fiscal policy to prevent slumps. Since 1974, however, more than a dozen scholars associated with the U. of C. have been awarded the Nobel Memorial Prize in Economic Sciences; in the areas of regulation, trade, anti-trust law, taxes, inter­est rates and welfare, Chicago thinking greatly influenced policymaking in the United States and many other parts of the world. Keynes appeared to have been consigned to history.

But in the year after the crash Keynes’s name appeared to be everywhere; several books were published about him, and policymakers again embraced his ideas. Until the banking crisis erupted, Posner hadn’t bothered to investigate “The General Theory.” When he picked it up, he was greatly impressed by the economic insights and practical detail it contained. “Even though is kind of loose—it doesn't dot all the ‘i’s and cross the 't's," Keynesian economics “seems to have more of a grasp of what is going on in the economy," Posner said to me. Much of modern economics, by contrast, is “on the one hand, very mathematical, and, on the other hand, very …. credulous about the self-regulating power of mar­kets. That combination is dangerous.”

In "A Failure of Capitalism," Posner singles out several. economists, including Robert Lucas, one of Friedman's most eminent successors, and John Cochrane, another prominent Chicago economist, for failing to appreciate the magnitude of the subprime crisis. During our con­versation, Posner questioned the entire methodology that Lucas and his col­leagues pioneered. Its basic notions were the efficient-market hypothesis, which says that the prices of stocks and other financial assets accurately reflect all the available information about economic fundamentals, and the rational-expectations theory, which posits that individuals and firms are hyper-intelligent decision-makers who have a correct model of the economy in their heads. In rational-expectations theory, the economy is rep­resented in very simplified and spare fashion. Many models, including some relied on by the Fed and other central banks, don't even feature banks or other financial intermediaries. In Posner's view, older, less dogmatic theories better ex­plained how the problems in the financial sector dragged down the rest of the economy.

"Of course, you have to know a lot about banking, and that was not the case, with economists," he said. "Odd, in a way, because macroeconomists and finance theorists have always been inter­ested in banking, but I don't think they really understood a lot about it”

Although Posner was unfailingly polite, I detected an edge of anger in his comments about the economics profession and its embrace of such patently unrealistic theories. I asked what he thought economists had learned from the past two years. “Well, one possibility is that they have learned nothing,” he replied slowly. "Because -- how should I put it -- because market correctives work very slowly in dealing with academic markets. Professors have tenure. They have lots of graduate students in the pipeline who need to get their Ph.D.s. They have techniques that they know and are comfortable with. It takes a great deal to drive them out of their accustomed way of doing business."

After leaving Posner’s office, I drove south to the University of Chicago's Hyde Park campus, which for more than half a century has been a thriving hub of conservative thought and disputation, housing thinkers as diverse as Leo Strauss and acolytes in political philosophy, Albert Wohlstetter and his fellow Cold Warriors in nuclear strategy, and Posner, Richard Epstein, and others in law. The archetypal Chicago intellectual -- embodied by Ravelstein, the chain-smoking professor of political philosophy who appears in Saul Bellow's 2000 novel of the same name -- has combined an interest in big ideas with urgent engagement in current affairs. Last fall, as the financial crisis intensified, many Chicago economists halted their own research to concentrate on the moment. "Everybody here was blindsided by the magnitude of what happened,” James Heckman, whose work on labor economics and statistics won him a share of the 2000 Nobel Prize, told me. "But it wasn’t just here. The entire profession was blindsided." Conferences were organized, seminars were held, and faculty lunchrooms were full of vigorous debate. One panel session at which half a dozen prominent Chicago economists discussed “The Future of Markets" drew more than a thousand people to a Sheraton downtown. "Everybody got involved," Eugene Fama, a veteran finance specialist at the university's Booth School of Business, said. "Everybody's got a cure. I don't trust any of their prescriptions."

In the course of a few days, I talked to economists from various branches of the subject. The overall reaction I encountered put me in mind of what happened to cosmology after the astronomer Edwin Hubble, in 1929, discovered that the universe was expanding, and was much larger than scientists had believed. The profession fell into turmoil. Some physicists stuck to the existing theories, which posited a stable universe. Others, Albert Einstein included, tried to adapt the old models to Hubble’s data. Still others attempted to come up with a new account of how the galaxies formed; it was this effort that ultimately produced the theory of the big bang.



Fama, whom I interviewed in his office at the Booth School, was firmly in the denial camp. A short, wiry man of seventy, with cropped hair and wearing a short sleeved flowery shirt, he looked more like a retired marine in Miami Beach than like one of the founders of modern finance. Beginning in the nineteen-sixties and seventies, Farna, who holds the title of Robert R. McCormick Distinguished Service Professor of Finance, propounded the efficient­-markets hypothesis, which underpinned the deregulation of the banking system championed by Alan Greenspan and others. I asked him how this theory had fared in the recent crisis, which many, myself included, have described as an example of gross inefficiency. Fama was unruffled. “I think it did quite well in this episode," he said, traces of his native Boston audible in his voice. "Stock prices typically decline prior. to a recession and in a state of recession. This was a particularly severe recession. Prices started to decline in advance of when people recognized that it was a recession and then continued to decline. That was exactly what you would expect if markets are efficient".

The emphasis that Fama placed on the stock market surprised me. Surely, I said, we had experienced a giant credit bubble, which eventually had burst. "I don't know what a credit bubble means," Fama replied, his eyes twinkling. "I don't even know what a bubble means. These words have become popular. I don't think they have any meaning.” Fama wasn't kidding. He became so tired of seeing the word "bubble" in The Economist that he didn't renew his subscription. “People have become entirely sloppy,” he went on. "People have jumped on the bandwagon of blaming financial markets. I can tell a story very easily in which the financial markets were a casualty of the recession, not a cause of it."

The crux of Fama’s argument was that the economic slowdown predated the collapse of the mortgage market, in 2007. As job and income growth slowed, he said, some homeowners couldn't make their monthly payments, especially the subprime borrowers who had taken out the riskiest mortgages. With delinquencies and foreclosures rising, banks and other financial institutions that had invested heavily in subprime-mortgage bonds suffered big losses, which prompted them to cut back their lending to others. "As a consequence, we had a so-called credit crisis,” Fama said. "It wasn't really a credit crisis: it was an economic crisis."

Fama’s story was logically consistent, but it appeared to contain a big gap. If the mortgage blowup didn't cause the recession, what did? When I raised this question, Fama laughed. “That's where economies has always broken down,” he said. "We don't know what causes recessions. Now, I'm not a macroeconornist, and I don't feel badly about that." He cackled again. "We've never known. Debates go on to this day about what caused the Great Depression."

A theory of the economic downturn that relies on inexplicable gyrations in the economy didn't sound like a great advance, but Farna seemed content with it. He insisted that the real culprit in the mortgage mess was the federal government, which instructed Fannie Mae and Freddie Mac to buy subprime mortgages and mortgage securities. “That was a government failure; that was not a failure of the market," Fama said. According to figures quoted in the Washington Post Fannie and Freddie's purchases accounted for less than a third of the subprime market at the height of the boom. When I pointed out that private investors bought most of the subprime securities issued, and the two big government mortgage companies considerably less, Farms said simply, "How much does it take?"

In addition to accusing the government of causing the subprime problem, Fama argues that it botched its handling of last fall's financial crisis. Rather than bailing out A.I.G., Citigroup, and other firms, Flama says, the Treasury Department and the Federal Reserve should have allowed them to go bankrupt. "Let them all fail,” he said, with another laugh."We let Lehman fail. We let Washington Mutual fail. These were big financial institutions. Some we didn't let fail. To me, it looks like there was not a lot of rhyme or reason to it." He conceded that the entire financial system might well have shut down for a period, hut he expressed confidence that investors and healthy banks would have stepped in to buy the good assets of the collapsed firms, and that, within a week or two, the system would have been operating again. "It pretty much stopped in a week or two, anyway, he said. "The credit market stopped for more than a week or two."

Fama was no less genial on the subject of Posner. "He's not an economist," he said. “He’s an expert on law and economics. We are talking macroeconomics and finance." Even when I brought up Paul Krugman, who had criticized efficient-markets thinking in a recent essay in the Times Magazine, Fama’s equanimity was unshaken, "My attitude is this," he said. "If you are getting attacked by Ktugman, you must be doing something right."



In the office next to Fama's, I encountered another true believer, John Cochrane. During last year's financial turmoil, Cochrane, who happens to be Fama's son-in-law, helped to organize a petition against the Treasury Department's seven-hundred-billion-dollar Troubled Asset Relief Program; more than forty Chicago economists signed it. "What is there about recent events that would lead you to say markets are inefficient?" he said to me. "The market crashed. To which I would say, We had the events last September in which the President gets on the television and says the financial markets are near collapse. On what planet do markets not crash after that?" Earlier this year, Cochrane wrote several articles arguing that the Obarna Administration's stimulus package lacked a theoretical basis. When I brought up Posner and the broader Keynesian revival, he insisted that Keynesian economics had been plagued for decades with logical inconsistencies, which recent events had done nothing to remove. "We threw it out for a reason," he said. "It didn't work in the data. When inflation came in the nineteen-seventies, that was a major failure of Keynesian economics."

After talking to Fama and Cochrane, I understood what Posner meant when he said that his opponents were "sticking to their guns." (Robert Lucas refused to see me, saying in an e-mail, "I don't want to do this.") Elsewhere, however, found more willingness to acknowledge errors and seek new ways forward. "There are a lot of things that people got wrong, and I got wrong, and Chicago got wrong,” Gary Becker, who won the Nobel in 1992, said when I caught up with him late one afternoon. "You take derivatives and not fully understanding how the aggregate risk of derivatives operated. Systemic risk: I don't think we understood that, either -- at Chicago or anywhere else. Maybe some of the calls for deregulation of the financial sector went a little too far, and we should have required higher capital requirements. Although that was not just Chicago. Larry Summers -- the Harvard economist, who is now President Obama’s top economic adviser -- "when he was at Treasury supported deregulation."

Becker is famous for extending economic analysis to areas such as education, crime, and family behavior -- he has gone so far as to suggest that having children is driven partly by financial considerations. At the age of seventy-nine, he still teaches three graduate courses; notes were piled up on his desk, next to a twenty-inch iMac. A major cause of the crisis, he said, was that. Wall Street financial engineers devised a series of new instruments that neither they nor the people who traded them fully understood. In the housing market, buyers had unrealistic expectations about future price gains, and a bubble formed. "Yeah, markets aren’t fully efficient," Becker said, with a wave of his hand. "But the general thrust that markets are more efficient than any alternative -- that aspect I don’t think is going to be changed." He added, "I don't see China, or Brazil, or a lot of other developing countries making any radical changes in their movements toward the market, and I think for good reason.”

Unlike some of his colleagues, Becker believes that the federal government did a pretty good job of reacting to the financial crisis, both in extending trillions of dollars to frozen credit markets through the Federal Reserve and in bailing out the big banks. "I don't accept the view that in this crisis we should just have let everything fall where it may," he said, "Yeah, the economy would have picked itself up, but it would have been a much more severe recession.”

Becker writes a popular economics blog with Posner, where the two of them have debated Posner's late-life conversion. When I brought it up, Becker said that Posner wasn't the only apostate; the revival of interventionism had led him to believe that ninety percent of economists had been Keynesians all along but had been too afraid to admit it. Still, he conceded, Posner and others had raised fair critiques of Chicago economics: "Some of the models that were being promoted in macro didn't turn out to be that useful in helping us to understand what to do to combat a major recessionary event."

That sounded likes criticism of Lucas, whose office was just down the hall. In Lucas's rational-expectations theory, the economy is self-regulating. If in one period a shock -- a big rise in the price of oil, for instance -- causes output to fall and unemployment to rise, in the next period the economy automatically adjusts back to a state of full employment. The explanation for long stretches of mass unemployment, such as the Great Depression, is that workers refuse to accept lower-paying jobs and prefer to remain out of work In such a world, most forms of government intervention are inherently futile. When I asked Becker about Lucas, he said that his colleague had made "a major contribution" to economic theory (he won the economics Nobel in 1995), but suggested that Lucas’s followers might have erred. "Some people did rule out the whole financial sector, seeing money as being unimportant," he said. “I think that stuff just turned out to be wrong." James Heckman, one of five current faculty members to win the economics Nobel, was more explicit in his criticism of Lucas's methods, and he told me that Friedman, who died in 2006, had also been skeptical of them. During the seventies, Heckman recalled, he and Friedman took part in the oral examination of a Ph.D. candidate whose thesis employed rational-expectations techniques, which were then sweeping the field. In the course of the examination, Friedman turned to Heckman and said, "Look, I think it’s a good idea, but these guys have taken it way too far."

By Chicago standards, Heckman is a centrist; his research on preschool education and other issues has influenced both Democrats and Republicans, and during the 2008 Presidential election, the Obama campaign asked him to assess its education proposals. But, like most of his colleagues, he places a great deal of emphasis on incentives and has expressed skepticism about many government programs. "I think the underlying ideas of the Chicago School are still very powerful," he said, "The base of the rocket is still intact. It is what I see as the booster stage -- the rational-expectations hypothesis and vulgar versions of the efficient-markets hypothesis -- that has run into trouble. I think what happened is that people got too far away from the data, and confronting theories with data. That part of the Chicago tradition was neglected.”



If the economic equivalent of a big-bang theory is to emerge, it will almost certainly come from scholars much less invested in the old doctrines than Fama and Lucas. Ambitious tenure-track professors at Chicago, like their rivals at other schools, are busy trying to incorporate into their theorizing previously neglected facets of reality, such as banking failures, financial-market bubbles, and credit crunches. This research presents a formidable challenge. A big reason that rational-expectations models proved so alluring to economists was their tractability: with some clever math and a computer, they could be "solved out" to generate explicit solutions for important economic variables, such as unemployment and inflation. Adding institutional detail complicates things greatly; so does allowing for psychological factors, such as overconfidence. "People say economics needs to incorporate the insights of' psychology,” Cochrane said to me. "Great, thanks! I've heard that from Bob Shiller"— a well-known Yale economist, who wrote the 2000 book "Irrational Exuberance"— "for thirty years. Do it! Let's see a measure of the psychological state of the market. That’s hard to do.”

In the nineteen-sixties and seventies, Chicago economics was largely cut off. Other leading schools, such as Harvard and Berkeley, rarely hired Chicago graduates, and Chicago returned the favor. Today, the gap is much narrower, partly because many of Chicago's ideas have been incorporated into mainstream thinking, and partly because it has recruited more widely. The most famous Chicago economist today is Steven Levitt, an M.I.T. Ph.D, and the co-author of "Freakonomics," who is known for innovative empirical studies of crime, abortion, and teacher performance. Richard Thaler, one of the creators of behavioral economics, which seeks to combine the insights of psychology and the rigor of economics, moved to Chicago fifteen years ago; his office is now around the corner from Fama’s. In the old days, Fama recalled, "Chicago economics was basically under attack the world over. There was a type of bunker mentality. But now we’ve become more confident."

Fama and Thaler maybe friendly -- the two occasionally play golf together -- but their analysis of the financial crisis and its aftermath could hardly be more different. Fama clings to the idea of efficient markets; Thaler takes the view that in the past ten years the U.S. economy has experienced two ruinous speculative bubbles, and that policymakers ought to focus on ameliorating them. “I think we know what a bubble is," he said. "It's not that we can predict bubbles -- if we could, we would be rich. But we can certainty have a bubble warning system." Such a system would focus on standard valuation measures, such as price-to-earnings ratios for stocks and price-to-rent ratios for housing. If these warning signs start flashing, Thaler went on, the government should rein in speculative activity, by, for example, raising lending requirements in overheated, real-estate markets, "God did not say, 'Thou shalt be able to borrow one hundred per cent of the price of a house,' " he added.

To Thaler, the key causes of the financial crisis were high leverage and human frailty. Many of the home buyers who were taking out subprime-mortgage loans didn't know what they were doing, he insisted, and Wall Street C.E.O.s failed to understand what their traders were up to. "Go down the list—A.I.G., Citigroup, Bear Stearns, Lehman. All of these companies were destroyed or devastated by a small part of the business that was hurling forward and risking the entire firm. The people in charge were greedy or stupid, or possibly both."

At Chicago and elsewhere, behavioral economists have elucidated many activities that appear to contradict rational-choice theories. So far, however, they haven't converted these insights into a workable model of the economy as a whole. A useful new economics will need to integrate an awareness of human with extensive practical knowledge and high-level mathematical expertise. In an office a floor above Fama's, I met with Raghuram Rajan, a forty-six-year-old Indian-born scholar who is one of the few economists who warned about the dangers of a financial crash. At a conference organized by the Fed in 2005, he said that deregulation, trading in complex financial products, and the proliferation of bonuses for traders had greatly increased the risk of a blowup. Senior Fed officials and other prominent economists dismissed his concerns. Lawrence Summers said that Rajan's critical tone supported "a wide variety of misguided policy impulses."

Rajan, with his colleagues Douglas Diamond and Anil Kashyap, has for years been examining potential problems in the banking sector. The work of this group didn't attract much public attention, but it turned out to be very useful to policymaking and other economists in analyzing the credit crisis and formulating the government’s response, which Rajan supported. "Research drives thinking, and there is all sorts of research being done here," he said. "People at the extremes get a lot of press -- people who say, “Let’s not do anything, let’s liquidate’....There are people at Chicago who hold that view. There are others who understand that the banking system is a lot more important than, and different from, most corporations. Yes, you can close down some banks without a problem, but there are some banks that are so intertwined that you don’t have an option."

Rajan, who worked from 2003 to 2006 as the chief economist at the International Monetary Fund, has experience with financial blowups in developing countries, where irresponsible macroeconomic policies, poor supervision, and crony capitalism -- banks extending reckless loans to influential people -- often distort economic behavior. "The whole point about development is that you deal with some of these problems," Rajan said. "You don't have populist extensions of credit. You don't have banks going haywire.” In some ways, Rajan went on, the subprime crisis resembled earlier collapses in Southeast Asia and Latin America. "You can't pin it all on Greenspan," as many have done. "It is a systemic breakdown, and we need to look more broadly at why it happened!'

In a new book he is working on, entitled. "Fault Lines," Rajan argues that the initial causes of the breakdown were stagnant wages and rising inequality. With the purchasing power of many middle-class households lagging behind the cost of living, there was an urgent demand for credit. The financial industry, with encouragement from the government, responded. by supplying home-equity loans, subprime mortgages, and auto loans. (Notwithstanding the government’s involvement, this is ultimately a traditional Chicago argument: in response to changing economic circumstances, the free market provided financial products that people wanted.) The side effects of unrestrained credit growth turned out to be devastating -- a possibility that most economists had failed to consider. "The fault of the economics profession was not so much rational expectations, which is a convenient and useful device," Rajan said. "It was to ignore the plumbing. Economists could afford to do that for a long time because the plumbing didn’t backup. Now that the plumbing has backed up, you find that loans aren't really made in a pure, pristine market. Things can break down."



Twelve months ago, it appeared that history had turned against laissez faire economics. Even among the Chicago faithful, there was reluctant acceptance that, if politicians were unwilling to let big banks fail, stricter financial regulation was needed to prevent further taxpayer bail­outs. Fama and Becker both endowed limits on bank leverage, so that bankers are playing with more of their firm's own money. Cochrane called for a breakup of big financial firms, such as Citigroup and. Goldman Sachs, with their trading activities being separated from the banking services they provide to customers. Rajan and Kashyap, meanwhile, advocated reforms in the compensation packages of Wall Street traders and C.E.O.s.

Today, though, the political and financial environment is somewhat different. Thanks to government action on an enormous scale, the banking system has been stabilized and the economy is expanding, if at a moderate pace. Ironically, the rescue program has taken some of the heat out of the economic debate. In Chicago, as elsewhere, most economists have returned to their own research projects. "If this recession had got a lot worse, we would have seen two major things," Becker said to me. "Much more government involvement in the economy and a lot more concentration in economics on understanding what went wrong." Assuming that the economic recovery continues, he went on, "there will be nothing like the revolution in the role of government and in thinking that dominated the economics profession after the Great Depression."

Becker maybe right, but the impact of the financial crisis shouldn't be underestimated, especially for Chicago-style economics. "Rational expectations and strong views of efficient markets have taken a terrific hit," Posner pointed out to me. "Keynes is back, and behavioral finance is on the march." Outside of Fama and his followers, it is hard to find anybody, even in Chicago, who believes that speculative bubbles aren't a serious problem, or that the U.S. economy automatically adjusts to full employment. And even most of the diehards now support efforts to regulate Wall Street more effectively.

Posner, in a new book he is working on entitled "The Crisis of Capitalist Democracy", reiterates his call for economists to embrace some of Keynes's original ideas, and questions the U.S. government's ability to pay off its vast debts without resorting to inflation. Before I left Posner's office, he gave me a brief history lesson. By the late nineteen-eighties, with the collapse of Communism, the basic insights of the Chicago School about deregulation and incentives had been accepted worldwide, he recalled, and the bitter enmity between Chicago and its rival economics departments had faded. Eventually, many of the founders of the Chicago School died, and were replaced by more moderate figures, such as Thaler and Levitt. Now, largely as a result of misguided efforts to extend de­regulation to the finance industry, we have experienced the biggest economic blowup since the nineteen-thirties. Posner, who appeared to be enjoying his new role as a heretic, paused, then said, "So probably the term 'Chicago School' should be retired."