Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

“Khoán 10” trong cải cách hành chính

Thanh Long
Thứ Bảy, 3/4/2010, 12:11 (GMT+7)

(TBKTSG) - Giới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, đại biểu Quốc hội và nhất là người dân vô cùng bức xúc về sự trì trệ của quá trình cải cách hành chính ở nước ta trong mấy thập niên qua. “Hành là chính” đã trở thành câu nói cửa miệng trong xã hội. Bộ máy và biên chế hành chính giảm rồi lại phình ra.

“Giấy phép mẹ” vừa bị cắt thì chỉ chốc lát hàng loạt “giấy phép con” đã ra đời. Thủ tục hành chính này vừa bị cắt thì thủ tục khác “hành” dân tinh vi hơn đã kịp đưa ra để thế chỗ. Liệu cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp diễn đến bao giờ? Liệu có giải pháp nào triệt để hơn để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay?

Bài này hy vọng góp thêm một tiếng nói về một cách tiếp cận tuy không mới nhưng đã bị lãng quên áp dụng trong cải cách hành chính: hãy quay về giải quyết từ gốc bằng cách áp dụng “Khoán 10”.

Cải cách hành chính bắt đầu từ ngọn?

Làm cải cách hành chính cũng gần giống như nhổ cỏ dại, phải đào hết cả gốc lẫn rễ. Nếu chỉ cắt phần trên ngọn, tạm thời cỏ có thể không phát triển nhưng chẳng bao lâu lại tươi tốt như cũ. Sự cam go của cải cách hành chính là ở chỗ nó không giống hoàn toàn việc nhổ cỏ dại. Nghĩa là trước mắt có thể phải chấp nhận giải pháp tạm thời, chưa triệt để, tức là bắt đầu làm từ ngọn, chưa làm được đến tận gốc. Nhưng về lâu về dài thì phải “diệt tận gốc, trốc tận rễ” những khiếm khuyết của bộ máy hành chính.

Năng lực xác định được cái ranh giới mong manh đó, tức là làm từ đâu, cả trong nội hàm cũng như về lộ trình thực hiện chính là chỉ báo, là tín hiệu tin cậy về tài nghệ của các nhà cải cách. Bài toán hóc búa này không có sẵn lời giải trong sách vở và cũng không có thầy cô nào có thể dạy nổi. Tuy nhiên ta đã có cả một kho báu kinh nghiệm từ thời chiến và từ cải cách kinh tế trước đây. Tương tự, cuộc “đại phẫu thuật” về kinh tế - xã hội (tức là sự nghiệp “đổi mới”) từ giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước (từ Đại hội Đảng lần thứ VI) cho thấy sự lựa chọn loại hình cải cách thích hợp ở mỗi giai đoạn phát triển có ý nghĩa sống còn như thế nào đối với dân tộc.

Kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Hiển nhiên tình hình ngày càng đổi khác. Người dân ngày càng khó chấp nhận cách tiếp cận “làm cho cái bánh to ra trước” rồi giải quyết các vấn đề khác sau. Do vậy trong chính sách cải cách cũng đã có những nội dung mới: bảo đảm bình đẳng xã hội ngay trong quá trình phát triển. Nói cách khác, cải cách chính trị đã từng bước cố gắng để đồng hành cùng cải cách kinh tế, mặc dù chưa theo kịp. Nói cách khác, sự lựa chọn không làm từ gốc ở giai đoạn đầu của lộ trình dài cải cách hành chính là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên điều làm cho nhiều người băn khoăn chính là ở chỗ hình như chúng ta đã duy trì cách làm tạm thời “từ ngọn” này quá lâu và phải chăng nếu tiếp tục cách tiếp cận này thì không còn thích hợp nữa?

Hãy xem xét một vài ví dụ: Luật Doanh nghiệp (1999) với triết lý phổ biến là “hậu kiểm” ra đời năm 1999 và có hiệu lực năm 2000 đã được coi như một “phép thần thông” vì nhờ nó mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân đã được khai sinh như nấm mọc sau mưa. Tiếp đó là việc ra đời của Luật Doanh nghiệp mới và Luật Đầu tư mới (2005). Với những luật này giới doanh nhân, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tưởng như bắt được phao cứu sinh để vượt qua bể ải của thủ tục hành chính. Tất cả các luật kinh tế nói trên bước đầu đều phát huy tác dụng rất tích cực, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sản xuất kinh doanh ở nước ta. Mô hình một cửa đã được xây dựng và thực hiện từ vài chục năm nay.

Thật vậy, khi các sáng kiến cải cách nêu trên mới ra đời, số giấy phép rất ít và hiện tượng “giấy phép con” chưa xuất hiện. Ấy vậy mà chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, không những số giấy phép (cả “mẹ” lẫn “con”) không giảm mà thủ tục còn tăng lên gấp bội. “Một dấu, một cửa” ngày càng mất thiêng nên lại phải quay lại nhiều dấu. “Một cửa” đã trở thành “một cửa, nhiều khóa”, sau đó phải đổi sang “một cửa liên thông”. Gần đây lại được tăng cường thêm bởi “Đề án 30” nhằm đoạn tuyệt với thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Liệu cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp diễn đến bao giờ và “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính sẽ đi đến đâu? Mẫu số chung của các nỗ lực nêu trên chính là tính không triệt để, tính nửa vời, chỉ cắt phần trên ngọn, tức là thủ tục, không giải quyết được các căn nguyên của các vấn đề cải cách hành chính tận gốc rễ.

Vị trí đặt quảng cáoHướng tới những giải pháp cải cách triệt để hơn: “Khoán 10”?

Muốn chữa bệnh hiệu quả phải chẩn bệnh tốt. Căn nguyên chính của tình trạng trì trệ trong cải cách hành chính hiện nay là do thiếu động lực và cơ chế khuyến khích thích hợp đối với đội ngũ cán bộ công chức của các cơ quan công quyền ở mọi ngành, mọi cấp. Cơ chế và thủ tục hành chính là do con người “đẻ” ra. Con người giảm được chúng thì cũng chính con người sẽ làm chúng tăng lên, thậm chí làm phức tạp thêm. Nghịch lý là ở động lực của việc làm này.

Hãy nhớ lại: Thời bao cấp sản xuất lương thực trì trệ đến mức phải nhập khẩu lương thực. Nguyên nhân chính là vì ruộng đất không được gắn với người cày. “Khoán 10” đã cởi trói cho mối quan hệ này, sản xuất bung ra, sản lượng lương thực tăng vọt và nước ta trở thành một trong vài ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Liệu một “Khoán 10” khác, một “Khoán 10” ở thế kỷ 21 có thể phát huy được tác dụng trong lĩnh vực cải cách hành chính? Hoàn toàn có thể.

Đó chính là một hệ thống và cơ chế gắn chặt trách nhiệm của cán bộ công chức với quyền lợi của họ. Làm sao để họ thấy rõ họ được lợi nhiều hơn khi thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa. Đây là một hệ thống các giải pháp trọn gói nhằm mục đích “cởi trói” động lực ở các cơ quan hành chính nhà nước, chứ không đơn thuần chỉ là một biện pháp đơn lẻ như “khoán chi” đã và đang được áp dụng ở các đơn vị sự nghiệp công. Nếu được như vậy thì chính công chức chứ không phải ai khác sẽ là người chủ động thiết kế và thi công việc hoàn thiện quy trình làm việc, làm cho năng suất và hiệu quả phục vụ tăng lên gấp bội. Nghĩa là cán bộ công chức phải là người làm chủ quá trình cải cách hành chính chứ không phải là đối tượng của nó. Dĩ nhiên họ phải sống được và sống tốt bằng đồng lương của mình, đồng lương tăng lên tới hàng chục lần so với hiện nay nhưng tương xứng với năng suất và hiệu quả phục vụ cũng tăng lên tương ứng. Trong quá trình cạnh tranh đó, tất yếu sẽ dẫn tới sự đào thải tự nhiên. Ai không theo kịp guồng máy năng suất và hiệu quả chóng mặt này thì tự họ sẽ phải rút lui, đi tìm việc khác, nhất là ở khu vực tư nhân. Nếu cải cách theo hướng này thì tổng số tiền lương mà ngân sách phải chi cho đội ngũ cán bộ này (số lượng đã giảm đáng kể) chưa hẳn đã lớn hơn tổng số tiền lương trước cải cách mặc dầu lương của họ đã tăng lên nhiều lần, không thua kém gì ở khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, một mặt phải tăng cường các biện pháp khuyến khích, cả vật chất lẫn tinh thần theo kiểu “Khoán 10” nhằm tạo động lực để người cán bộ công chức chủ động tiến hành cải cách chứ không để họ trở thành người cản trở cải cách. Mặt khác phải không ngừng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, làm “van xả hơi”, tạo ra thị trường lao động hấp dẫn cho sự dịch chuyển của một bộ phận cán bộ công chức không còn thích hợp ở một số vị trí tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Cuộc giải phẫu nào mà không chảy máu, chỉ là ít hay nhiều. Thắng lợi nào mà không có tổn thất. Nhưng chảy máu và tổn thất ở đây chỉ là giọt nước trong biển cả lợi ích được tạo ra cho xã hội. Hãy mạnh dạn cắt bỏ khi khối u đã không còn là u lành nữa. Hãy bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng để thực hiện thành công một “Khoán 10” mới trong lĩnh vực cải cách quan trọng này.

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Thống đốc “giãi bày” về tăng trưởng tín dụng

DUY CƯỜNG
02/04/2010 13:57 (GMT+7)

“Có ý kiến phê bình chúng tôi do không bơm mạnh thêm lượng tiền cung ứng trong tháng 1 và 2 nên thanh khoản và tín dụng tăng chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”.

Đó là chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, trong nội dung trả lời báo chí được đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước, xung quanh chủ đề dư luận quan tâm hiện nay về chỉ số giá tiêu dùng, thanh khoản ngân hàng, tỷ giá, kinh doanh vàng...

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, cũng có ý kiến đánh giá nếu bơm tiền cung ứng mạnh thêm trong hai tháng đầu năm sẽ tác động mạnh làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, khiến chỉ số này có thể cao hơn mức 4,12% trong quý 1.

3,34% tăng trưởng tín dụng trong quý 1

Theo Thống đốc, trong thời gian cuối năm 2009 và dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản do một số ngân hàng thương mại dự trữ thanh toán thấp và tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội rút khoảng 60.000 tỷ đồng để giải ngân theo tính quy luật hàng năm.

“Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời để đảm bảo khả năng an toàn thanh khoản. Vào những ngày giáp Tết, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại lên đến 70.000 tỷ đồng nhưng rút dần về sau Tết Nguyên đán”.

Thống đốc cho hay, trong quý 1/2010, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có xu hướng tăng dần, tín dụng tăng 3,34%. Huy động vốn đang có xu hướng tăng trở lại, đến cuối tháng 3 tăng 3,8% so với cuối năm 2009, đặc biệt là tiền gửi của dân cư tăng 9,2%.

Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng 3,34% trong quý 1/2010 mà Thống đốc đưa ra cao hơn so với con số ước tăng 2,95%, được đề cập trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại phiên họp Chính phủ diễn ra từ ngày 30/3 - 1/4/2010.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện nghị quyết của Chính phủ “về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%”, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp điều hành lãi suất thỏa thuận phù hợp với cơ chế thị trường.

Thống đốc cũng thừa nhận, công tác thanh tra, giám sát đạt hiệu quả chưa cao nên đã gây ra sự thiếu minh bạch trong khuyến mại huy động vốn, thu phí cho vay.

“Luôn luôn đồng thuận chính sách”

Thống đốc Giàu cho biết, hiện lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đang ở mức cao, xét theo lãi suất thực dương và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với ngân hàng thương mại với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế.

“Tôi tin chắc các ngân hàng thương mại Việt Nam, với ý thức chính trị của mình hoạt động vì lợi ích chung của đất nước, trong đó có lợi ích của ngân hàng mình. Các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh luôn luôn đồng thuận chính sách của Chính phủ. Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hoạt động tốt đẹp này”, Thống đốc nói.

“Thị trường ngoại tệ theo chiều hướng tích cực”

Về vấn đề tỷ giá, Thống đốc cho biết, đến nay, diễn biến thị trường ngoại tệ theo chiều hướng tích cực, nhiều ngân hàng thương mại đã cân đối được ngoại tệ.

“Các doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng, tạo điều kiện tăng thanh khoản trên thị trường ngoại hối, những ngày gần đây dân cư cũng bắt đầu cân nhắc việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng, sức ép tăng tỷ giá được giải tỏa”, ông Giàu nói.

Đối với sàn vàng, Thống đốc cho rằng, các ngân hàng thương mại đã chấp hành nghiêm chỉnh đóng cửa đúng thời gian quy định, việc gia hạn thêm 3 tháng là do qua thực tiễn có một số ngân hàng còn trạng thái mở tương đối lớn, nên phải có thêm thời gian tất toán tài khoản.

“Mấy ngày qua có vài thông tin một số doanh nghiệp hoạt động sàn vàng của doanh nghiệp không thuộc ngân hàng thương mại chuyển sang hình thức khác, báo chí gọi là “biến tướng”, chúng tôi sẽ phối hợp các ngành hữu quan kiểm tra nếu có thì xử lý theo pháp luật”, Thống đốc nói.

Về huy động vàng, gần đây các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động gần bằng 0%, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu theo hướng không cho phép chuyển đổi vốn huy động bằng vàng sang tiền đồng và có thể không thực hiện hoạt động huy động và cho vay bằng vàng vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đáng chú ý, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ký ban hành nghị định quản lý và kinh doanh vàng trong thời gian tới.

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Chưa thể lạc quan

Lê Đăng Doanh
Thứ Năm, 1/4/2010, 10:56 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/32039/
(TBKTSG) - Đằng sau những con số vừa mới được công bố về hoạt động kinh tế trong quí 1-2010 là những đặc điểm gì cần lưu ý? Xu hướng chuyển động của nền kinh tế trong những quí sắp tới là gì?

Nhìn lại các con số

Tại hội thảo quốc tế do Ngân hàng Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại Hà Nội ngày 22-3-2010, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã thông báo tốc độ tăng GDP quí 1 ước đạt 6% (con số thực tế là 5,8%). Có lẽ ai cũng vui về bất kỳ sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ nào của nền kinh tế.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng không thể quá lạc quan về những con số đó vì các chỉ tiêu tăng trưởng của quí 1 năm ngoái đều đặc biệt thấp:GDP chỉ tăng trưởng 3,1%, nông-lâm-ngư: 0,4%, công nghiệp-xây dựng: 1,5%, dịch vụ: 5,4%. Các chỉ tiêu tăng trưởng của quí 1-2010 cao là do dựa trên so sánh với một quí tăng trưởng yếu kém. Tăng trưởng ở mức cao là dấu hiệu tích cực song không thể là lý do để quá lạc quan vì các vấn đề cơ bản của nền kinh tế như cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế.

Một hiện tượng xuất hiện đột ngột và gay gắt khác thường đối với các doanh nghiệp là sự tăng giá đồng loạt, dồn dập trong thời gian ngắn, của hầu hết các mặt hàng là đầu vào của doanh nghiệp: điện, than, nước, xăng dầu, các vật tư nhập khẩu (do hai lần điều chỉnh tỷ giá) và lãi suất tín dụng. Bên cạnh đó, giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác đều đã tăng đáng kể như giá vé máy bay, giá thức ăn gia súc, giá sữa, thuốc chữa bệnh...

Nếu như các doanh nghiệp tiêu thụ hàng trong nước còn có khả năng tăng giá ở mức độ nhất định để bù đắp ít nhiều tác động của việc tăng giá thì các doanh nghiệp gia công, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước đó đặc biệt khó khăn vì họ không có khả năng thương thảo lại giá hợp đồng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa hoàn toàn hồi phục từ mức lạm phát, lãi suất cao và khan hiếm thanh khoản tín dụng trong hai năm 2008-2009 đã chịu thêm những khó khăn mới.

Điều này không thể không tác động tới tăng trưởng kinh tế trong những quí tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến yêu cầu kiềm chế lạm phát và đã có công điện, công văn nhắc nhở các bộ, các tỉnh, thành phố, song lạm phát không chỉ còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực tác động lên đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Nếu không có sự điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong những quí tiếp theo thì không những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ rất mong manh mà cả mục tiêu tăng trưởng cao cũng khó có thể thực hiện được theo hướng hiệu quả và bền vững.
Câu hỏi đặt ra là những quyết định tăng giá đó đã có phương án dự kiến đầy đủ các tác động đối với các doanh nghiệp và đời sống người dân chưa? Mặc dầu một số quan chức vẫn “yên tâm về khả năng kiểm soát lạm phát”, điều cần rút kinh nghiệm là dứt khoát không nên lặp lại lần nữa kịch bản tăng giá dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Lạm phát trong quí 1 cũng đã làm cho yêu cầu ổn định cân đối kinh tế vĩ mô trong những quí tiếp theo trở nên cấp bách và phức tạp hơn.

Trong khi các bộ đang sử dụng quá nhiều các công cụ hành chính như kiểm soát giá, ấn định trần lãi suất huy động vốn... để tác động riêng lẻ vào từng khâu của một hệ thống phức hợp, có tương tác chặt chẽ với nhau của kinh tế thị trường thì những quyết định đẩy mạnh đầu tư, việc khởi công nhiều dự án, công trình đầu tư lớn, được tài trợ từ vốn do Nhà nước vay hoặc do Nhà nước bảo lãnh lại tác động tới tỷ giá của đồng tiền. Việc hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo khả năng giảm mức độ xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế là một tín hiệu không thể bỏ qua.

Phân tích tình hình quí 1-2010 cho thấy rõ ràng ưu tiên tăng trưởng cao vẫn chiếm ưu thế trong chính sách kinh tế so với ổn định cân đối kinh tế vĩ mô và tiếp tục làm cho những mất cân đối đó kéo dài và phức tạp thêm. Và cũng không thể cho rằng, qua tình hình quí 1-2010, các cân đối kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Những nỗ lực ngắn hạn như vay thêm từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản hay phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế chỉ làm dịu đi cơn khát vốn của ngân sách nhưng không giải quyết nguyên nhân sâu xa của sự mất cân đối vĩ mô.

Chưa hết khó khăn trong các quí tới

Với mức tăng dân số 1,2 triệu người/năm, kinh tế phải tăng trưởng để bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống, vì vậy, cần đầu tư. Song, vấn đề là nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng, khắc phục tham ô, lãng phí, thực hiện tiết kiệm thay cho tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, đầu tư nhiều nhưng không ít công trình dở dang, kéo dài, tuy có tăng GDP nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.

Nếu không có sự điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong những quí tiếp theo thì không những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ rất mong manh mà cả mục tiêu tăng trưởng cao cũng khó có thể thực hiện được theo hướng hiệu quả và bền vững. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là tiền đề không thể thiếu được để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Nếu như năm 2009 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các biện pháp can thiệp hành chính của Chính phủ vào sự vận hành của cơ chế thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, thì trong quí 1-2010 xu thế đó không hề giảm. Không chỉ số lượng các thông tư, chỉ thị, quyết định dưới luật tăng lên mà mức độ, lĩnh vực can thiệp cũng ngày càng mở rộng hơn như kiểm soát giá các sản phẩm thương mại.

Thực tế cho thấy rằng, kiểm soát giá bằng biện pháp hành chính không ngăn được tăng giá bắt nguồn từ điều chỉnh tỷ giá và nâng giá đầu vào. Tương tự, ấn định lãi suất trần cũng không ngăn chặn được sự tăng lãi suất trên thực tế qua các loại phí để vay được vốn cũng như các hình thức thưởng, khuyến mại để huy động vốn.

Mức độ dày đặc của các chỉ thị thiếu căn cứ điều tra, nghiên cứu thực tế đã không đem lại hiệu lực cao hơn của văn bản. Thay vì quyết định dồn dập tác động vào hoạt động của doanh nghiệp (như các đợt tăng giá vừa qua), trong những quí sau, rất cần những quyết định căn cơ, dựa trên sự bàn bạc, trao đổi với các doanh nghiệp để góp phần giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Hiệu lực điều hành của Chính phủ sẽ được nâng cao hơn nếu như tính nhất quán, khả năng dự báo của các quyết định cao hơn thông qua tham khảo các doanh nghiệp và quá trình xây dựng văn bản công khai minh bạch hơn.

Quí 1-2010 cũng cho thấy sự hồi phục kinh tế thế giới không phải mạnh mẽ và xuôi chèo, mát mái như mong muốn. Bong bóng bất động sản Dubai, khủng hoảng ngân sách ở Hy Lạp, Ý, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang phủ bóng đen lên khu vực đồng euro. Ngay cả nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ của bong bóng bất động sản và tăng trưởng quá nóng.

Tất cả đều cho thấy cần phải đề phòng những biến động khó lường. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các vụ kiện bán phá giá tăng lên khiến cho nỗ lực tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp khó đạt kết quả hơn. Biến đổi khí hậu cũng đã tăng thêm khó khăn và chi phí cho nông nghiệp và công nghiệp. Câu trả lời phải là nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thông qua vận dụng khoa học - công nghệ, tái cơ cấu kinh tế.

Điều đáng mừng là trong quí 1 cũng đã có những quyết định đúng hướng như phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện hợp tác công tư (PPP Public-Private Partnership) trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển (ODA) và trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách hành chính theo Đề án 30...

Song, hiệu quả của các quyết định, dự án khởi công, công trình động thổ chỉ được quyết định trong thực tế chứ không phải trên giấy tờ hay qua hình ảnh truyền hình. Bước ngoặt quyết định chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả hơn, giá trị gia tăng cao hơn phải được thực hiện trong những quí tới để vừa ổn định cấn đối vĩ mô, vừa tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả.



Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Chen chân vào thị trường phân phối

Quốc Hùng
Thứ Tư, 31/3/2010, 13:41 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/31669/

(TBKTSG) - Dù bị ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao, thị trường bán lẻ Việt Nam khép lại năm 2009 vẫn đạt mức tăng trưởng đến 18,6% và đang có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Điều này lý giải vì sao thị trường phân phối trong nước tiếp tục “nóng” và đang chứng kiến những loại hình đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự kiện tập đoàn bán lẻ của Malaysia Parkson khai trương trung tâm thương mại thứ tư tại TPHCM vào đầu năm nay (và là trung tâm Parkson thứ sáu trên cả nước) đã gây sự chú ý của nhiều nhà phân phối trong và ngoài nước.

Bởi lẽ trung tâm này, Parkson Flemington - có quy mô lớn nhất cả nước, xuất hiện ngay bên cạnh dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp The EverRich đang được xây dựng ở góc đường Ba Tháng Hai và Lê Đại Hành, quận 11, nơi mà tập đoàn Lotte Shopping của Hàn Quốc đã mất một thời gian dài đeo đuổi xin giấy phép mở trung tâm thương mại nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa được (gần đây Lotte đã được đồng ý về mặt nguyên tắc).

Vị trí đặt quảng cáo

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao đều là hai nhà đầu tư bán lẻ lớn của nước ngoài nhưng người được, người không?

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sự việc trên không phải mới diễn ra. Vào giữa năm 2008, ngay cả các cơ quan quản lý cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực phân phối cũng bất ngờ khi thấy Parkson đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Parkson C.T gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi đó, trao đổi với TBKTSG, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) đều khẳng định là không có giấy phép mở trung tâm phân phối mới cho Parkson tại khu vực này. Tuy nhiên, trung tâm Parkson C.T đến nay vẫn hoạt động xuyên suốt.

Những thắc mắc này, được ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Công ty Parkson Việt Nam, gần đây tiết lộ rằng trung tâm thương mại Parkson Flemington có vốn đầu tư 10 triệu đô la Mỹ là do một công ty 100% vốn trong nước làm chủ đầu tư và Parkson chỉ là đơn vị được thuê làm quản lý điều hành.

Và theo ông Choy, dự án Parkson C.T gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng được đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước và Parkson chỉ là đơn vị được thuê quản lý.

Tuy nhiên, giới kinh doanh cho biết, thực chất việc quản lý của Parkson như thế nào còn chưa rõ, nhưng về cơ bản hai trung tâm đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước này lại đều mang tên Parkson và người tiêu dùng đến hai trung tâm này đều hưởng một số tiện ích giống như bốn trung tâm khác mà Parkson đã đầu tư kinh doanh trực tiếp. Như vậy, hai trung tâm mua sắm nói trên danh nghĩa là đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước, nhưng mang thương hiệu trung tâm thương mại nổi tiếng của nước ngoài và được điều hành quản lý của chính nhà đầu tư nước ngoài là Parkson.

Thị trường phân phối Việt Nam, đặc biệt là thị trường bán lẻ, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá phát triển rất nhanh và đầy tiềm năng trong những năm tới nhờ dân số đông, trẻ và đặc biệt hệ thống kênh phân phối hiện đại còn quá ít so với mô hình chợ truyền thống hiện nay. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách chen chân vào thị trường này. Trường hợp tương tự của Parkson cũng được giới chuyên môn phản ánh là một hệ thống bán lẻ đến từ Pháp. Đơn vị này đang sở hữu nhiều siêu thị quy mô lớn ở các thành phố lớn, riêng một siêu thị ở quận Gò Vấp đơn vị quản lý xác nhận rằng không phải là loại hình đầu tư theo hình thức có vốn nước ngoài.

Không dừng lại ở việc đầu tư trực tiếp hay dưới hình thức quản lý kinh doanh như trường hợp Parkson, một số nhà đầu tư nước ngoài gần đây đang vào thị trường Việt Nam theo một hướng đi khác đó là nhượng quyền kinh doanh (franchise). Gần đây, người tiêu dùng TPHCM được biết đến một cái tên lạ hoắc đó là Trung tâm mua sắm thời trang Debenhams, nằm ngay ở vị trí đắc địa của quận 1, TPHCM đó là Kumho Asiana Plaza.

Công ty TNHH Việt Thái International (VTI), chủ chuỗi cửa hàng Highlands Café, là đơn vị nhận nhượng quyền kinh doanh Trung tâm mua sắm Debenhams tại Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là trung tâm nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam của thương hiệu Debenhams nhưng chuỗi trung tâm thương mại đến từ xứ sở sương mù này đã có 155 cửa hàng ở khắp Anh Quốc, Ireland và 50 trung tâm nhượng quyền khác tại 17 quốc gia khắp thế giới.

Hình thức nhượng quyền kinh doanh này đã xuất hiện ba bốn năm nay, khi thị trường bán lẻ Việt Nam chưa chính thức mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ cho phép góp vốn liên doanh với doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, hướng phát triển theo mô hình kinh doanh nhượng quyền này hứa hẹn còn phát triển nhanh hơn các loại hình đầu tư kinh doanh khác vì nhà đầu tư không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc xin giấy phép, tìm địa điểm kinh doanh cũng như đầu tư một trung tâm mua sắm, cửa hàng - vốn là các công đoạn mất nhiều thời gian và tiền bạc nhất hiện nay. Các nhà phân phối nước ngoài chỉ cần tìm các nhà phân phối uy tín và có kinh nghiệm trong nước để xây dựng thương hiệu, truyền kinh nghiệm và kỹ thuật bán hàng và đưa sản phẩm vào kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng của Nhật với hơn 17.000 cửa hàng Family Mart trên thế giới cũng vừa bước chân vào thị trường Việt Nam theo hướng kinh doanh nhượng quyền này. Family Mart đã chọn tập đoàn Phú Thái là đơn vị có thế mạnh về logistics (hậu cần) để mở kinh doanh chuỗi cửa hàng này. Trong kế hoạch phát triển năm năm tới, Family Mart sẽ mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam trong chiến lược mở rộng từ 17.000 lên con số 40.000 cửa hàng trên toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TPHCM Online, ông Junichi Yamashita, Giám đốc chuỗi Family Mart tại Việt Nam, cho rằng: “Tại ba quốc gia và lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan thì Family Mart đều chọn hình thức liên doanh với doanh nghiệp sở tại để hiểu cách nghĩ, thói quen mua sắm của người bản địa. Tuy nhiên, Việt Nam bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước bằng hình thức ENT (thẩm định nhu cầu kinh tế) theo cam kết WTO. Do đó, khi mở từ cửa hàng thứ hai chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian chờ xét duyệt theo quy hoạch của địa phương”.

Tương tự, tập đoàn siêu thị đồng giá hàng đầu của Nhật - Daiso chỉ sau hơn một năm thông qua nhượng quyền kinh doanh cho đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Trí Phúc với cửa hàng đồng giá đầu tiên tại siêu thị miễn thuế Fuso thuộc khu kinh tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, đến nay đã nhân rộng được sáu cửa hàng Daiso tại Việt Nam, trong đó có hai cửa hàng tại TPHCM. Về cơ bản, người tiêu dùng trong nước phần lớn đều xem các siêu thị Daiso này là của Nhật Bản. Trí Phúc cho biết công ty sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kinh doanh cửa hàng này ở TPHCM và các thành phố lớn khác dưới hình thức nhượng quyền kinh doanh của Daiso.

Điều này lý giải vì sao tại các thành phố lớn mà đặc biệt là TPHCM ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm thương mại mới, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá của nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Thế nhưng theo các nhà quản lý về lĩnh vực phân phối ở các địa phương hoặc theo báo cáo của Bộ Công Thương trong năm 2009 (thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo cam kết với WTO) là chưa có thêm nhà bán lẻ theo hệ thống hay chuỗi có 100% vốn nước ngoài xin phép đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2009 chưa có thêm nhà bán lẻ 100% vốn nước ngoài nào xin phép đầu tư vào Việt Nam. Thực tế thì tại các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM, những trung tâm thương mại mới, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá của nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… lại xuất hiện khá rầm rộ.

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190099&ChannelID=2

TP - Sau một thời gian phát triển nóng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của Tập đoàn này để có những điều chỉnh kịp thời, đưa con tàu khổng lồ Vinashin theo đúng hướng.

Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 2006. Đây là tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con.


Với hàng loạt hợp đồng đóng tàu được ký kết cùng đối tác nước ngoài, đã không ít lần Vinashin được xếp vào hàng “đại gia” trong lĩnh vực đóng tàu và đưa Việt Nam lên top 5 nước đóng tàu hàng đầu thế giới. Đằng sau những vinh quang hào nhoáng đó là gì? Tại thời điểm 31-12-2007, nợ phải trả theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là trên 70.700 tỷ đồng ( chiếm 91,45% tổng tài sản của Tập đoàn). Có thể gọi đây là Tập đoàn 2N: Nóng và nợ

Giá trị Vinashin = nợ là chính!

Chỉ một năm rưỡi sau ngày thành lập Tập đoàn, số đơn vị thành viên của Vinashin đã tăng thêm 46. Trong đó, Tập đoàn thành lập mới 37 đơn vị và tiếp nhận từ các đơn vị khác 9 công ty.

Sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh là rất nóng và hệ quả kéo theo là các khoản vốn đầu tư tăng lên chóng mặt. Qua thanh tra tại 11 đơn vị thành viên Tập đoàn có 48 công ty con đã lộ ra nhiều con số đáng quan tâm.

Theo báo cáo của Công ty mẹ và các công ty thành viên, tổng giá trị tài sản của Tập đoàn đến hết năm 2007 là 77.322 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn đảm bảo giá trị gồm: Vốn chủ sở hữu: 6.613 tỷ đồng chiếm 8,5%. Còn lại là nợ chiếm tỷ lệ 91,4%, tương đương gần 71.000 tỷ đồng.

Thanh tra tại 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng cho thấy, tổng giá trị tài sản của các đơn vị này là gần 37.100 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ là con số rất khiêm tốn 464 tỷ đồng.


Vốn điều lệ: chiếc bánh vẽ

Không chỉ tạo nên siêu giá trị bằng những khoản vay khổng lồ chiếm đến 91% tổng giá trị doanh nghiệp, qua quá trình kiểm tra cũng phát lộ nhiều vấn đề về việc đăng ký vốn điều lệ của Tập đoàn cũng như một số công ty thành viên của Tập đoàn Vinashin.

Theo tổng hợp đăng ký kinh doanh của các đơn vị thành viên thì vốn điều lệ của toàn tập đoàn đến hết năm 2007 lên đến 23.131 tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ này được cơ cấu: Góp bằng thương hiệu: 1.694 tỷ đồng; góp bằng tiền, tài sản: 18.993 tỷ đồng; góp từ các cổ đông khác là 2.443 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng đã chỉ ra, tổng số nguồn vốn kinh doanh được phản ánh trên báo cáo tài chính của Tập đoàn tại thời điểm 31-12-2007 chỉ là 7.022 tỷ đồng. Qua đây có thể thấy rằng, vốn điều lệ thực có của Tập đoàn trên thực tế chỉ bằng 31%. Còn thiếu so với số vốn đã đăng ký là 69% (tương đương 17.112 tỷ đồng).

Tại 10 đơn vị thành viên lớn của Tập đoàn Vinashin, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 9.455 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu thực có đến hết ngày 31-12-2007 chỉ là 464 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,9% so với số vốn đã đăng ký.

Trong 10 đơn vị thành viên này có 48 Cty con với vốn điều lệ mà các Cty thành viên đầu tư vào các Cty con lên đến con số 5.872 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2007, vốn thực có tại các Cty con chỉ là 502 tỷ đồng. Trong đó, các Cty thành viên đóng tiền và tài sản bằng 8,56% so với số vốn đã đăng ký.

Kiểm tra cho thấy các đơn vị thành viên đã sử dụng hết vốn chủ sở hữu của mình, đồng thời còn huy động thêm vốn vay để góp vốn vào các Cty con trực thuộc.

Vay dài hạn: Gần 3 tỷ đô la

Như đã đề cập, Tập đoàn Vinashin chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động các khoản vốn vay lên đến 70.700 tỷ đồng. Đặc biệt trong số đó có đến trên 43.700 tỷ đồng được vay dài hạn. Vậy tiền từ đâu đổ về Vinashin nhiều đến vậy, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn đối với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không phải là chuyện dễ?

Trước hết phải kể đến khoản vay 750 triệu đô la tương đương 12.085 tỷ đồng đã làm cho thương hiệu của Vinashin nổi như cồn. Và nhờ khoản vay này, Vinashin được xem như “người hùng” trong số các tập đoàn, tổng Cty nhà nước.

Tập đoàn có 150 đơn vị trực thuộc, với 71.000 lao động, gồm: Công ty mẹ, các công ty con gồm: 35 doanh nghiệp nhà nước, 33 Cty TNHH nhà nước một thành viên, 70 công ty cổ phần, 7 trường nghiệp vụ, 5 công ty liên doanh liên kết. Tổng sản lượng của toàn tập đoàn năm 2007 là 27.500 tỷ đồng.
Theo quyết định 914 ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn Vinashin vay lại vốn phát hành trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hoá và nâng cấp ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính theo dõi, quản lý.

Trái phiếu quốc tế được phát hành vào ngày 3-11-2005 lãi suất 6,875 %/năm, trả gốc một lần vào ngày 15-1-2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15-1 và 15-7 hàng năm.

Để có khoản vay này, đơn vị được vay còn phải chịu một khoản phí gọi là phí phát hành trái phiếu quốc tế trả một lần 168 tỷ đồng. Sau khi có khoản tiền lớn trong tay, Tập đoàn đã uỷ thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ quản lý và cho các đơn vị trong Tập đoàn vay.

Ngoài khoản vay nói trên, Vinashin còn vay nước ngoài số tiền 600 triệu đô la, tương đương 9.657 tỷ đồng. Ngày 22-6-2007, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Tập đoàn vay 600 triệu đô la của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài do ngân hàng nước ngoài (Credit Suisse CN Singapore) sắp xếp tín dụng cho vay.

Sau đó, ngày 25-6-2007, Tập đoàn nhận được số tiền vay 600 triệu đô la, lãi suất Libor 6 tháng + 1,5%/năm (năm 2007 lãi suất bình quân 6,8%/năm) trả nợ gốc 6 tháng một lần vào ngày 25-6 và 25-12 hằng năm mỗi lần trả 60 triệu đô la...

Để vay được số tiền này, Vinashin cũng phải nộp khoản phí thu xếp tín dụng cho vay trả một lần 8 triệu đô la. Số tiền vay nước ngoài 600 triệu đô la, Tập đoàn cũng ủy thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy quản lý và cho các đơn vị thuộc Tập đoàn vay.

Ngoài hai khoản vay khổng lồ trên trong năm 2006 và 2007, Tập đoàn còn nhận được nguồn vốn từ 6 lần phát hành trái phiếu trong nước với số tiền 8.300 tỷ đồng, gồm: Phát hành đợt 1 (tháng 9-2006) số tiền 500 tỷ đồng; Đợt 2 (tháng 11-2006), số tiền 300 tỷ đồng. Đợt 1 và đợt 2 lãi suất phát hành là 9,6%/năm. Đợt phát hành thứ 3 (tháng 1/2007), số tiền 500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 5 năm trả gốc một lần.

Chỉ 13 ngày sau, 18-1-2007, Vinashin phát hành lần thứ 4 số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 10 năm trả gốc một lần. Đáng lưu ý là đợt phát hành thứ 5 số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng, đợt phát hành thứ 6 cũng có số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng. Số tiền này đều được Vinashin đầu tư vào các dự án đóng tàu, nâng cấp hạ tầng công nghiệp đóng tàu tại các đơn vị thành viên...

Ngoài các khoản vay quốc tế, 6 đợt phát hành trái phiếu trong nước, Vinashin còn có các khoản vay khác lên đến 13.672 tỷ đồng. Trong đó Công ty mẹ vay 805 tỷ đồng, các Cty con trực tiếp vay 12.866 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ các khoản vay dài hạn đã biến Vinashin thành con nợ khổng lồ với số tiền lên đến trên 43.700 tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ đô la (theo tỷ giá năm 2007). Ngoài ra, Tập đoàn này còn lãnh khoản nợ ngắn hạn 26.993 tỷ đồng.

Vay để cho vay cao hơn lãi suất huy động

Điều đáng lưu ý là, ngay sau khi đi vay được vốn, Tập đoàn Vinashin lại đóng vai là bên cho các đơn vị con vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất huy động.


Cụ thể: Lãi suất cho vay từ nguồn trái phiếu quốc tế cao hơn 2,96%/năm; các khoản cho vay khác cao hơn từ 2 đến 3%/năm. Như vậy thay vì tạo sự thuận lợi vì được nương nhờ ở Tập đoàn (Công ty mẹ), việc được vay với lãi suất cao đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất của các công ty con, làm cho giá thành sản xuất cao hơn so với các đơn vị không vay vốn của Tập đoàn mà tự huy động vốn tại cùng thời điểm.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên Tập đoàn, Vinashin đã gánh trên mình khoản nợ 70 ngàn tỷ đồng. Trong lúc nợ nần chồng chất, đáng ra Tập đoàn này phải biết chắt chiu từng đồng vốn nhưng trái lại Tập đoàn này đã vung tay quá trán.

Phùng Sưởng

Ràng buộc lệch chuẩn

http://vneconomy.vn/20100331110046103P0C5/rang-buoc-lech-chuan.htm
Cả hai bên đi thuê và làm thuê đều hy vọng Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có được những thay đổi dứt khoát, mạnh mẽ.


Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động chuẩn bị trình Quốc hội thông qua vẫn giữ lại nhiều quy định vướng mắc, bất cập, thậm chí còn thụt lùi so với Bộ luật Lao động hiện hành.

Những ràng buộc vô lý

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên, thể hiện kết quả thuận mua, vừa bán hàng hóa sức lao động. Tuy nhiên, dự thảo lại đưa ra quy định mới là, người sử dụng lao động không được yêu cầu thử việc đối với người lao động làm theo hợp đồng mùa vụ (điều 34).

Như vậy, khác nào bắt người thuê lao động làm việc vài tháng cứ phải nhắm mắt nhận bừa bất kể ai?

Dự thảo quy định, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày làm việc (điều 38). Quy định mốc ba ngày này là vô nghĩa, vì chẳng ràng buộc được điều gì.

Trong trường hợp này, bên đề nghị có quyền đưa ra lúc nào cũng được, còn nghĩa vụ về thời gian phải là của bên tiếp nhận. Do vậy, cần phải quy định ngược lại là, bên nhận được yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng phải trả lời bên kia trong thời hạn ba ngày.

Những vướng mắc chưa gỡ

Luật quy định các trường hợp buộc phải ký hợp đồng bằng văn bản (điều 28). Tuy nhiên, còn phổ biến nhiều trường hợp người lao động không được ký. Vậy quan hệ lao động trên thực tế có được thừa nhận hay không? Nếu vẫn không quy định rõ việc công nhận đây là hợp đồng lao động, thì mọi thiệt thòi lại vẫn rơi vào người lao động.

Chẳng hạn, muốn kiện ra tòa đòi quyền lợi, thì tòa án cũng không thụ lý chỉ vì không xuất trình được bản hợp đồng bằng giấy.

Thỏa ước lao động là văn bản chủ yếu nhằm ghi nhận quyền lợi của người lao động. Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn thì phải được ký lại. Tuy nhiên trên thực tế việc quá hạn thường xuyên xảy ra. Nếu dự thảo vẫn chọn lựa cách xử lý máy móc như cũ là xóa bỏ hiệu lực của thỏa ước, thì chỉ người lao động mất quyền lợi. Còn doanh nghiệp thường không thiệt hại, nên sẽ chẳng mặn mà gì với việc ký lại.

Cũng giống như bộ luật hiện hành, dự thảo xác định đại diện thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể của bên doanh nghiệp là giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền (điều 76). Sự áp đặt này trái với nguyên lý chung về thẩm quyền của người đại diện.

Người có đủ tư cách cần phải được quy định là người đại diện cho giới chủ doanh nghiệp hay ít nhất cũng phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chứ không thể ấn định là giám đốc. (Từ trước đến nay, nếu cứ để giám đốc ký hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì trái với cả Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp).

Dự thảo quy định trường hợp trả lương chậm thì phải trả thêm “một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” (điều 108). Quy định này tuy đã sửa sai được bất cập cơ bản của Bộ luật hiện hành, nhưng lại gây thiệt thòi cho người lao động, vì mức lãi suất cơ bản luôn rất thấp. Với mức lãi suất này cũng sẽ không có tác dụng thúc ép doanh nghiệp nhanh chóng trả lương cho người lao động. Tốt hơn hết là cần ấn định một mức lãi suất chậm trả cụ thể khoảng 2%/tháng hoặc giao cho Chính phủ xác định trong từng thời kỳ.

Những quy định lệch chuẩn

Dự thảo định nghĩa “doanh nghiệp” bao gồm cả các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, trang trại, tổ hợp tác, hộ cá thể có sử dụng lao động theo hợp đồng (điều 5). Khái niệm này là quá rộng, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế…

Rồi khái niệm “hộ cá thể” cũng không có trong các luật khác (chỉ có hộ gia đình và hộ kinh doanh, trước đây gọi là hộ kinh doanh cá thể).

Phụ lục hợp đồng theo Bộ luật Dân sự là một phần kèm theo để giải thích, bổ sung cho hợp đồng, nhưng dự thảo lại dùng cả cho việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng (điều 30).

Dự thảo quy định, người sử dụng lao động không được đòi hỏi người lao động phải có tài sản đặt cọc hay thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng (điều 32 và 33). Cứ theo như vậy, thì không được bắt đặt cọc, thế chấp nhưng lại tha hồ yêu cầu người lao động cầm cố, ký quỹ…

Chế độ trợ cấp thôi việc đã bị bãi bỏ từ đầu năm 2010 để thay thế bằng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Thế nhưng điều 53 của dự thảo vẫn cứ quy định doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động y nguyên như trước đây.

Điều 55 và 57 quy định một trong những trường hợp dẫn đến hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ và bị hủy bỏ, không được công nhận, đó là “người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền”.

Hậu quả nhìn thấy là thua thiệt đều dồn về phía người lao động. Trường hợp này cần xử lý theo hướng công nhận hợp đồng tương tự như trong lĩnh vực kinh tế, dân sự: ký không đúng thẩm quyền nhưng vẫn được công nhận là hợp pháp, vì doanh nghiệp đã mặc nhiên thừa nhận quan hệ lao động.

Dự thảo quy định có thể trả lương bằng “ngân phiếu” do Nhà nước phát hành (điều 106) là không hợp lý. Ngân phiếu thanh toán có giá trị lưu thông như tiền mặt, nhưng nó đã không còn được lưu hành cả chục năm nay rồi mà vẫn còn “lưu luyến” coi là một hình thức trả lương.

Cuối cùng, một bộ luật cần phải có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, hoàn chỉnh, đồng bộ, lâu dài và ít bị lệ thuộc vào các đạo luật khác cũng như văn bản hướng dẫn. Nhìn lại thì thấy một loạt nội dung cơ bản trong Bộ luật Lao động đã được tách ra thành nhiều đạo luật như: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.

Một nội dung khác có quan hệ mật thiết với Bộ luật Lao động là quy định về công đoàn, thì cũng đã có Luật Công đoàn riêng từ năm 1990, nay cũng đang được soạn thảo lại. Sắp tới còn dự kiến ban hành Luật Tiền lương tối thiểu và còn có thể một số luật khác nữa. Phần nội dung còn lại của bộ luật phải “sống” dựa vào hàng mấy chục nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Vì vậy, tuy dự thảo Bộ luật Lao động có số lượng tới 276 điều, nhiều hơn đáng kể so với Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng xét ra nó vẫn chỉ đáng gọi là Luật Lao động mà không nên tiếp tục gọi tên là bộ luật.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Searching questions

Google and China

Google defies China's censors and risks being blocked. Its woes send a chilling message

Mar 22nd 2010 | From The Economist online

AFTER a couple of months of talks with the Chinese authorities, Google announced on Monday March 22nd that it had stopped censoring search results on its China portal, Google.cn, and was automatically redirecting its users to Google.com.hk, an uncensored portal in Hong Kong. The company said it would try to maintain an advertising-sales operation in China, and would continue research and development work there. However, it acknowledged that the Chinese authorities might block access to its site, in effect putting it out of business. Google's decision follows several attempts to hack its e-mail system, ever stronger censorship of its searches, legal complaints tied to its digitisation of books, and—always a worrying sign in China—growing vitriol in the state-controlled press.

If Google, which first raised the prospect of withdrawal in January, seems to have hesitated on the way towards the exit, there are 400m reasons why. That is the number of people in China, the government reckons, who use the internet. Increasingly, they are choosing it over other media, notably television, as a source of entertainment, information and opinion, say Max Magni and Yuval Atsmon of McKinsey, a consultancy. Over the past decade revenues from digital advertising have grown exponentially, admittedly from a tiny base, and the trend, predicts Mr Atsmon, will continue for some time.

Foreign internet firms operating in China have been quick to see its potential but largely unable to grasp it

Foreign companies operating in China have been quick to see this potential but largely unable to grasp it. Facebook, Twitter and YouTube are all explicitly blocked. EBay faltered because of its own managerial errors, but also because of delayed approval for PayPal, its online payment system, which this week announced a partnership with a Chinese rival. Yahoo! caused a stir by allowing the Chinese authorities to probe its users’ e-mails in a hunt for political dissidents—something it has since pledged not to do.

There are now domestic Chinese equivalents of all these sites—Baidu for Google, Taobao for eBay, Renren for Facebook, QQ for instant messaging, games and social networking—and they are doing well (see chart). The vast traffic they attract brings huge potential revenues and lots of useful data that could help them shape the internet in future, rather than merely following Western models, says Duncan Clark, chairman of BDA China, a consultancy.

To the extent that Western firms have seized on the growth of the internet in China, it has often been as a marketing tool. McKinsey cites two examples: Nestlé has promoted coffee in a tea-drinking country with clever online ads about the joy of a coffee break, and Nokia has run music promotions and competitions, accessed via its handsets, in conjunction with video sites.

Outright revenues from the internet may become even harder to capture in years to come as China takes further steps to control access. Content providers like Google have always needed to obtain local licences, and have thus been required to have a Chinese subsidiary or partner. As awkward as this has been, new rules expand these impediments, requiring the licensing of domain names and, potentially, foreign sites as well.

Google’s possible departure from the Chinese market sends a chilling message to companies that remain. Advertisers and workers can both see that they will be better off with entities the Chinese government favours, which means domestic firms. A withdrawal would also cast a new light on Google itself. It is often perceived to be successful because of advanced technology, but, as China shows, it thrives only to the extent that local laws permit it to link to content and distribute it without interference. Alter the legal environment and the commercial results are quite different.

Chữ ký số đang dần phổ dụng


http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhteso/toancanh/31775/
Oanh Nguyễn
Thứ Ba, 30/3/2010, 08:57 (GMT+7)

(TBVTSG) - Hiện nay, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Để bảo đảm an toàn cho các giao dịch này, cần phải sử dụng đến giải pháp chữ ký số. Chữ ký số trong môi trường điện tử cũng có giá trị như một chữ ký bình thường trong các giấy tờ, văn bản.

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã khóa công khai. Mỗi người dùng chữ ký số phải có một cặp khóa (keypair), gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Khóa bí mật dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai dùng để thẩm định chữ ký số hay xác thực người tạo ra chữ ký số đó.

Hiện trạng

Hiện Bộ Thông tin - Truyền thông đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bkis và Công ty cổ phần công nghệ thẻ NacenComm SCT. Ngoài ra, một số đơn vị khác như Viettel, FPT… cũng đang chuẩn bị xin phép cung cấp dịch vụ này.

Thông thường, sau khi được cấp giấy phép, các đơn vị sẽ cung cấp các loại dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các đối tượng như: cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các trang web.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc NacenComm SCT, cho biết khoảng tháng Tư, tháng Năm tới NacenComm SCT sẽ hoàn thiện hệ thống để sẵn sàng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

“Thị trường cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa hình thành do chưa có nhiều đơn vị dùng chữ ký số. Tất nhiên ngay sau khi được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép thì các đơn vị sẽ xây dựng khung giá dịch vụ, nhưng doanh thu sẽ chưa có nhiều trong năm nay”, ông Khánh nói.

Công nghệ về chữ ký số ra đời cách đây khá lâu, tuy nhiên việc sử dụng chữ ký số ở Việt Nam thời gian qua chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hoặc thí điểm ở quy mô nhỏ do các chữ ký số này chưa có tính pháp lý đầy đủ.

Có một số đơn vị, cơ quan nhà nước đã sử dụng chữ ký số với các hệ thống chứng thực chuyên dùng trong các hoạt động nghiệp vụ nội bộ và trong các cơ quan nhà nước như Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Thông tin-Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM…

Sử dụng chữ ký số như thế nào?

Chữ ký số chỉ dùng được trong môi trường số, giao dịch điện tử với máy tính và mạng Internet. Trong môi trường số không thể dùng chữ ký tay nhưng lại có rất nhiều ứng dụng phải cần đến một cơ chế ký và xác thực người sử dụng như chữ ký tay.

Các công nghệ mã hóa và chữ ký số ra đời để giúp giải quyết vấn đề này. Như vậy, chữ ký số có thể dùng trong tất cả các trường hợp giao dịch cần đến chữ ký tay nhưng lại phải thực hiện trong môi trường số.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkis Telecom, dịch vụ chữ ký số công cộng là dịch vụ công cộng cho người dân và các doanh nghiệp. Bản thân người sử dụng khi đăng ký dùng dịch vụ của nhà cung cấp có thể tạo ra các chữ ký số của riêng mình đính kèm vào các tài liệu điện tử lưu chuyển trên môi trường số.

Để người nhận được các tài liệu điện tử có chữ ký số này có thể xác thực được ai là người tạo ra các chữ ký cần phải có một nhà cung cấp dịch vụ chứng thực đứng ra chứng nhận chữ ký đó là do một người cụ thể nào đó tạo ra. Việc chứng nhận này được thực hiện hoàn toàn tự động bằng các thuật toán đặc biệt giúp xác thực được tác giả chữ ký mà không thể chối bỏ hoặc làm giả chữ ký số được.

Chữ ký số có thể sử dụng trong các giao dịch thư điện tử, các e-mail, để mua bán hàng trực tuyến, đầu tư chứng khoán trực tuyến, chuyển tiền ngân hàng, thanh toán trực tuyến mà không sợ bị đánh cắp tiền như với các tài khoản Visa, Master; có thể sử dụng với các ứng dụng chính phủ điện tử bởi các cơ quan nhà nước trong tương lai sẽ làm việc với nhân dân hoàn toàn trực tuyến và một cửa. Khi cần làm thủ tục hành chính hay một sự xác nhận của cơ quan nhà nước người dân chỉ cần ngồi ở nhà khai vào mẫu đơn và ký số để gửi là xong.

Ngoài ra, chữ ký số cũng có thể dùng để kê khai, nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan và thông quan trực tuyến mà không phải in các tờ khai, đóng dấu đỏ của công ty và chạy đến cơ quan thuế xếp hàng và ngồi đợi vài tiếng đồng hồ, có khi đến cả ngày để nộp tờ khai này.

Chữ ký số giúp cho các đối tác có thể ký hợp đồng làm ăn hoàn toàn trực tuyến không cần ngồi trực tiếp với nhau, chỉ cần ký vào file hợp đồng và gửi qua e-mail. Ông Tuấn Anh nói: “Những ưu điểm của chữ ký số trong các ứng dụng giao dịch trực tuyến thì có rất nhiều, thời gian tới mọi người sẽ được chứng kiến sự phát triển của nó”.

Theo ông La Thế Hưng, người phụ trách dự án chữ ký số của Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (thuộc VNPT), dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thể sử dụng trong các giao dịch điện tử liên quan đến người sử dụng cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp, trong các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Riêng các giao dịch nội bộ của các cơ quan nhà nước hoặc giữa các cơ quan nhà nước với nhau là các giao dịch đặc thù, không dùng được hệ thống chứng thực công cộng mà phải dùng hệ thống riêng.

Về công nghệ, chữ ký số dựa trên hạ tầng mã hóa công khai (PKI), trong đó phần quan trọng nhất là thuật toán mã hóa công khai RSA. Công nghệ này bảo đảm rằng chữ ký số khi được một người nào đó tạo ra là duy nhất, không thể giả mạo được và chỉ có người sở hữu khóa bí mật mới có thể tạo ra được chữ ký số đó (đã được chứng minh về mặt toán học).

Khóa bí mật được tạo ra khi một người đăng ký sử dụng dịch vụ và được lưu trữ trong một thiết bị phần cứng đặc biệt an toàn là Token hoặc SmartCard. Thiết bị này là một máy tính thực sự với cấu trúc tinh vi, có đầy đủ CPU, RAM, bộ nhớ… bảo đảm cho khóa bí mật được lưu trữ an toàn, không thể sao chép hay nhân bản được và cũng không thể bị virus phá hỏng.

Để sử dụng chữ ký số cần phải đăng ký chứng thư số và tạo khóa bí mật lưu vào trong PKI Token với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (như VNPT, NacenComm, Bkis…). Các chương trình ứng dụng phải hỗ trợ chức năng ký số, khi đó việc sử dụng khá đơn giản: nhấp chuột vào nút lệnh ký số, cắm thiết bị Token vào cổng USB, nhập PIN code bảo vệ Token, nhấp chuột vào nút lệnh ký.

Thủ tục đăng ký tương tự như đăng ký các dịch vụ viễn thông, tuy nhiên do đặc thù pháp lý của chữ ký số, tương đương với chữ ký tay, nên có thể phải cần thêm một số giấy tờ xác thực nguồn gốc thông tin của doanh nghiệp hay người sử dụng cá nhân chặt chẽ hơn (ví dụ: bản sao giấy tờ có công chứng của doanh nghiệp...).

Đưa chữ ký số vào cuộc sống

Chữ ký số được sử dụng để bảo đảm tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của các thông tin giao dịch trên mạng Internet. Chữ ký số tương đương với chữ ký tay nên có giá trị sử dụng trong các ứng dụng giao dịch điện tử cần tính pháp lý cao.

Hơn nữa, ngoài việc là một phương tiện điện tử được pháp luật thừa nhận về tính pháp lý, chữ ký số còn là một công nghệ mã hóa và xác thực rất mạnh. Nó có thể giúp bảo đảm an toàn, bảo mật cao cho các giao dịch trực tuyến, nhất là các giao dịch chứa các thông tin liên quan đến tài chính.

Tại một cuộc hội thảo về chữ ký số do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức, ông Trần Văn Sơn, Phó trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, cho biết: “Chữ ký số là giải pháp tốt nhất trong việc bảo mật, xác thực và bảo toàn dữ liệu trong các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để đưa chữ ký số vào thực tế không hề đơn giản”.

Còn ông Khánh cho rằng, để có thị trường chữ ký số các đơn vị cung cấp cần nỗ lực hơn trong việc cải tiến các giải pháp, đưa mạnh ứng dụng vào cuộc sống. NacenComm cũng sẽ cố gắng đưa ra nhiều ứng dụng và hỗ trợ các tổ chức tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng để có thể sử dụng.

Ông Khánh cũng cho rằng cần thay đổi thói quen của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bằng các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích. Ngoài ra, ông Khánh cũng nhận định cuộc cải cách hành chính công sẽ góp phần đưa chữ ký số vào cuộc sống.

Trước đây, có không ít chuyên gia đã nói rằng, chữ ký số chỉ có thể được sử dụng rộng rãi khi có nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép. Như vậy, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đơn vị này, chữ ký số đang dần được phổ biến.

Ban kiểm soát bị vô hiệu hóa như thế nào?

http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/quantri/31719/

Ly Nguyễn
Thứ Ba, 30/3/2010, 09:03 (GMT+7)

(TBKTSG) - Trong các công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng và công ty niêm yết, vai trò của ban kiểm soát (BKS) là hết sức quan trọng.

Ngoài chức năng chính là giám sát hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc/giám đốc (TGĐ/GĐ), nhằm ngăn chặn và phát hiện những trường hợp sai phạm, thiếu sót, bất minh, bất hợp lý, xung đột lợi ích… trong việc quản lý, điều hành công ty; BKS còn đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất các biện pháp, giải pháp khắc phục, cải tiến để hoạt động quản lý, điều hành công ty đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong một công ty hoạt động minh bạch, hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch, HĐQT và TGĐ/GĐ công ty luôn nhìn nhận BKS dưới góc độ vừa là người “thổi còi”, giúp HĐQT ngừng ngay các sai phạm, để không đi quá xa; vừa là người hỗ trợ tích cực cho các hoạt động cải tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý quan hệ cổ đông…

Thế nhưng, ở không ít các công ty, BKS chỉ đóng vai trò như con bù nhìn, được chính HĐQT và các cổ đông lớn dựng lên cho có và hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thậm chí còn được xem là lực lượng hậu thuẫn, đứng sau, tiếp tay cho HĐQT, TGĐ/GĐ dấn sâu vào những hoạt động sai phạm, xâm phạm lợi ích các cổ đông nhỏ lẻ.

Vị trí đặt quảng cáo

Ban kiểm soát trong các công ty cổ phần thường bị vô hiệu hóa như thế nào?

Luật Doanh nghiệp, mặc dù có biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ thông qua điều khoản quy định tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên BKS, nhưng các ràng buộc trong luật lại khá lỏng lẻo, còn nhiều kẽ hở.

Điều 122, Luật Doanh nghiệp, (khoản 1, mục a) quy định thành viên BKS không được là “vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên HĐQT, TGĐ/GĐ và người quản lý khác”. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết với các thành viên HĐQT, TGĐ/GĐ không chỉ là các thành phần trên mà còn nhiều quan hệ khác như chú, bác, cô, dì ruột, anh, em nhà chú bác, cô, dì, anh, em vợ (chồng)… Nhiều công ty đã lợi dụng kẽ hở này để đưa người thân vào BKS nhằm có thêm tiếng nói ủng hộ hơn là để kiểm soát.

Khoản 2, điều 122 cũng quy định: “Thành viên BKS không được giữ các chức vụ quản lý công ty”. Sự ràng buộc này càng không có ý nghĩa khi HĐQT, TGĐ/GĐ đưa nhân viên cấp thấp vào làm thành viên BKS để dễ bề sai khiến. Rất dễ thấy lương, thưởng, hợp đồng lao động và các điều kiện thăng tiến của nhân viên cấp thấp đều trực tiếp do TGĐ/GĐ hoặc gián tiếp do HĐQT quyết định. Liệu có ai dám “kiểm soát” một người có quyền quyết định mức thu nhập và tương lai, sự nghiệp của mình?

Mặt khác, nếu không phải là người bà con họ hàng hay nhân viên trong công ty, HĐQT và TGĐ/GĐ vẫn có thể vô hiệu hóa BKS thông qua việc không bỏ phiếu cho những người có khả năng và dũng khí để làm công tác kiểm soát. Với số phiếu áp đảo, các thành viên HĐQT (thường là các cổ đông lớn) có quyền đề cử và bỏ phiếu cho người cùng phe cánh với mình vào BKS và loại bỏ những người không cùng phe cánh với mình ra ngoài. Nếu có ai đó không thuộc phe cánh của HĐQT, TGĐ/GĐ mà may mắn được lọt vào trong thành phần BKS, thì người này cũng sẽ bị làm khó, cản trở, không cho tiếp cận các thông tin nhạy cảm liên quan đến các sai phạm của HĐQT, TGĐ/GĐ.

Trong các trường hợp trên, sự hiện diện của BKS sẽ chỉ thêm tốn tiền của cổ đông (vì phải chi trả thu nhập cho các thành viên BKS) mà không đem lại lợi ích gì. Không ngạc nhiên khi hầu hết các báo cáo của BKS trong các cuộc họp đại hội cổ đông đều khen HĐQT, TGĐ/GĐ, chứ không mấy khi thấy chê.

Cơ chế nào để BKS thực sự là một tổ chức độc lập, làm đúng chức năng giám sát và kiểm soát mà không bị vô hiệu hóa hoặc được dựng lên như bù nhìn để hậu thuẫn sau lưng HĐQT và TGĐ/GĐ?

Cơ chế đơn giản và hiệu quả nhất là các thành viên HĐQT, TGĐ/GĐ không được quyền đề cử và không được quyền bỏ phiếu bầu thành viên BKS. Điều này là hợp lý, bởi lẽ BKS không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, không có vai trò trong việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay kém hiệu quả, mà chỉ đóng vai trò giám sát hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của HĐQT, TGĐ/GĐ.

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng Luật Doanh nghiệp là hạn chế thấp nhất những xung đột lợi ích trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi một người có quyền đề cử, ủng hộ hoặc loại bỏ một người có quyền giám sát mình thì hành vi đó được xem là có xung đột lợi ích. Tương tự như trong nguyên tắc bỏ phiếu trong HĐQT, khi sự việc có liên quan đến lợi ích của thành viên nào thì thành viên đó không được quyền bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi về luật, cổ đông nhỏ nên biết cách liên kết để tạo sức mạnh. Cần phải liên kết để đưa ít nhất một người vào trong BKS thông qua việc thành lập nhóm cổ đông thiểu số để đề cử người và sau đó tập hợp phiếu bầu để bầu dồn phiếu cho người mà mình đề cử. Thành viên BKS phải là người có năng lực, phải am hiểu điều lệ công ty, phải am hiểu Luật Doanh nghiệp và một số luật liên quan khác như Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng…; và có những hiểu biết nhất định về tài chính, kế toán, về hệ thống quản lý và các nguyên tắc quản trị công ty. Quan trọng nhất, thành viên BKS phải có đủ dũng khí và bản lĩnh để đương đầu với sức ép và cả sự mua chuộc bằng nhiều cách, từ HĐQT, TGĐ/GĐ đang cố ý làm trái.

Đằng sau các thành viên BKS chân chính luôn có sự ủng hộ của Điều lệ công ty (thường theo đúng chuẩn mực luật pháp) và các quy định của luật pháp. Nếu tiếng nói cảnh báo, ngăn chặn chính đáng của mình bị coi thường hoặc bỏ qua, thành viên BKS có quyền nêu vấn đề một cách độc lập (không phụ thuộc vào ý kiến của các thành viên khác trong BKS) ra Đại hội đồng cổ đông, ra các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan pháp luật, thậm chí có quyền khởi kiện ra tòa.

Thiết tưởng, một cơ chế chặt chẽ hơn để hạn chế sự lũng đoạn cố tình của HĐQT, TGĐ/GĐ và các cổ đông lớn trong các công ty cổ phần là hết sức cần thiết trong bối cảnh hoạt động của BKS, nhìn chung, chỉ mang nặng tính hình thức mà không mấy hiệu quả.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Chuẩn mực và luật pháp

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/31708/
Vân Cầm
Thứ Hai, 29/3/2010, 15:49 (GMT+7)

(TBKTSG) - Có nhiều vấn đề xã hội được nhìn nhận từ dưới nhiều góc độ, tùy thuộc vào chuẩn mực khác nhau của người quan sát. Đây là điều đáng cổ vũ vì nó tạo ra sự đa dạng trong ý kiến, xây dựng được một môi trường tranh luận lành mạnh, để từ đó hình thành nên những chuẩn mực mới được đa số công nhận.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, người công chức luôn phải dựa vào luật pháp và những quy định hiện hành làm cơ sở cho mọi ứng xử của mình để tránh sự tùy tiện của cá nhân. Nếu quy định chưa phù hợp với thực tế đã thay đổi, phải thay đổi quy định trước khi thay đổi ứng xử.

Lấy ví dụ chuyện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất dừng cấp giấy phép kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại tập trung đông người trên 153 đoạn, tuyến đường ở TPHCM. Đứng ở góc độ người dân đang bức xúc vì tình trạng kẹt xe, nhất là ở những đoạn đường có các trung tâm ngoại ngữ, mỗi lần tan học, xe phụ huynh đón con đứng tràn ra lòng đường, đây là đề xuất hợp lý. Ngược lại, với những ai dự định kinh doanh ở những nơi này, họ cũng sẽ bức xúc vì mất cơ hội làm ăn. Chính quyền quận ở những địa điểm trong danh mục sẽ bị “giằng xé” giữa hai “lợi ích”: cấm thì sẽ giải quyết vấn nạn giao thông trên địa bàn nhưng sẽ dẫn đến thất thu nhiều nguồn thuế.

Vị trí đặt quảng cáo

Nhưng áp dụng nguyên tắc làm gì cũng phải dựa vào luật pháp, người ta sẽ thấy đề xuất này có nhiều điểm bất ổn. Không thể dựa vào các quy định hiện hành để cấm kinh doanh chỉ vì lý do giải quyết ùn tắc giao thông.

Nếu muốn, sở phải phối hợp với nhiều nơi khác để biến ý muốn thành điều kiện kinh doanh do nơi có thẩm quyền ban hành, chẳng hạn, trung tâm ngoại ngữ phải có sân để xe chờ của phụ huynh (!) hay siêu thị phải có đủ chỗ giữ xe cho một lượng khách nhất định. Lúc đó, điều kiện kinh doanh sẽ trở thành lệnh cấm gián tiếp, đúng thẩm quyền luật định.

Hay một chuyện khác, khi báo chí nêu việc phôi bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo in ấn thiếu dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời, mà mới nghe qua rất hợp lý, rằng bằng tốt nghiệp không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính nên không trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.

Phải nhìn nhận câu chuyện này như thế nào? Ở góc độ hội nhập, nhiều người sẽ đồng tình, ghi tên nước là đủ và đúng chuẩn mực quốc tế. Dưới góc độ quen thuộc, nhiều người sẽ thấy ghi thiếu như vậy có gì đó không ổn, làm cho tấm bằng mất giá trị…

Nhưng cơ quan hành chính thì luôn phải dựa vào quy định hiện hành, như đã nói ở trên. Hình thức trình bày văn bằng đã được quy định chi tiết tại Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 20-6-2007, ban hành quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Điều 9 của quy chế này ghi rõ: Nội dung của các văn bằng, chứng chỉ gồm: 1/ Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/Độc lập-Tự do-Hạnh phúc…

Đã quy định rõ ràng như thế (kể cả cách viết hoa, viết thường) thì người soạn mẫu bằng phải tuân thủ, không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì. Còn nếu muốn sửa cách trình bày, trước tiên phải sửa lại quy chế chứ không thể tùy tiện được. Đáng lưu ý là nhiều cơ quan nhà nước cũng làm theo cách này mỗi khi muốn điều chỉnh quy định theo ý muốn nhưng lại dùng văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn để “điều chỉnh” một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, làm cho hệ thống quy định của chúng ta rối tung lên và cồng kềnh không cần thiết.

Nhà nước pháp quyền bắt đầu từ những chuyện cụ thể như thế chứ không phải bằng các khái niệm cao siêu hay phức tạp.

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Công ty tài chính cho kẻ “ít tóc” vay

11:49 (GMT+7) - Thứ Hai, 29/3/2010

http://vneconomy.vn/20100329114614497P0C6/cong-ty-tai-chinh-cho-ke-it-toc-vay.htm

Lãi suất cho vay cao gấp đôi mức của ngân hàng, công ty tài chính chọn một cách cho vay khác ngân hàng

Lãi suất cho vay cao gấp đôi mức của ngân hàng, công ty tài chính chọn một cách cho vay khác ngân hàng… Và đây là “cửa” của những người không thể vay ngân hàng.

Anh Hoàng, mới tốt nghiệp đại học, vay khoản tiền 30 triệu đồng của công ty tài chính để mua một chiếc xe máy. Anh trả trước khoản tiền 30% giá trị xe, nộp bản sao hộ khẩu và chứng minh nhân dân, trả góp hàng tháng với mức lãi suất 2,7%/tháng. Trước đó, anh đã bị một ngân hàng từ chối khi không thể chứng minh thu nhập của mình.

Lãi suất: 35,88%/năm

Đi vào hoạt động chính thức được tám tháng nay, công ty tài chính PPF Việt Nam đã cho vay được 60.000 khoản vay, trung bình một ngày PPF cho vay 250 khoản với mức lãi suất từ 1,69 - 2,99%/tháng. PPF hiện là một trong ba công ty tài chính hoạt động cho vay tiêu dùng trả góp, cho vay tiền mặt và là công ty có mức lãi suất cho vay cao nhất thị trường với 35,88%/năm.

Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2009 công bố tháng 1.2010 cho biết, hai nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công, trả lương chiếm khoảng 2/3 đến 3/4 tổng số người có việc làm năm 2007.

Thành ra, theo ông Ajay, tổng giám đốc PPF Việt Nam, các bước bắt buộc chứng minh thu nhập, đòi hỏi bảng lương, và trình ra sao kê ngân hàng trong hồ sơ vay của các ngân hàng đối với nhiều người vay tiêu dùng tín chấp là khó thể thực hiện được. “Trường hợp ngân hàng từ chối, không có chúng tôi, người có nhu cầu vay sẽ vay ai?”, ông nói. Theo ông, nếu PPF cho vay tiêu dùng với các thủ tục như ngân hàng, có lẽ chỉ cho vay được một nhóm nhỏ.

Khó khăn về giấy tờ là lý do chính khiến nhiều người, như anh Hoàng, chọn vay những khoản tiền nhỏ và ngắn hạn ở công ty tài chính, dù phải chịu lãi suất gấp đôi so vay của ngân hàng. Lãi suất cho vay ở các công ty tài chính dao động từ 20 - 35,88%/năm, thời hạn vay từ 6 - 24 tháng. Trị giá món hàng cho vay trả góp từ 2,8 - 45 triệu đồng. Muốn trả hết một lần khoản nợ, ví dụ ở PPF, người vay phải trả được ít nhất bốn kỳ, và bị phạt 4% trên số dư nợ còn lại.

Tuỳ vào việc chứng minh được thu nhập, thời gian vay, khoản tiền trả trước, lãi suất sẽ cao hay thấp như một cách đo lường rủi ro tín dụng ở các công ty tài chính.

“Trông mặt bắt hình dong”

Những người đi vay ở PPF là người đang theo học cao đẳng đại học, hoặc tốt nghiệp, hoặc là những người buôn bán, làm nghề tự do…, độ tuổi từ 20 đến 55, ông Ajay cho biết.

“Họ nhìn khuôn mặt tôi, hỏi chuyện gia cảnh, và mười phút sau tôi đã có thể lấy được xe”, anh Hoàng kể. Một người muốn vay được ở PPF Việt Nam phải đến nơi để PPF Việt Nam… nhìn mặt. Theo ông Ajay, ví dụ, một người muốn mua trả góp một chiếc xe, người đó phải trực tiếp đến đại lý chọn xe, giao tiếp trực diện với nhân viên tín dụng, cung cấp địa chỉ nhà, điện thoại, công ty (nếu có).

“Trông mặt bắt hình dong” là bước đầu tiên, người mua còn phải trả trước một khoản tiền”, nhân viên tín dụng tên X. của một công ty tài chính ngồi ở một đại lý bán xe trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, giải thích.

Thông thường, người vay phải trả trước từ 20 – 70% giá trị món hàng. “Việc trực tiếp đi chọn lựa, hoặc dẫn người thân cùng đi, và chuẩn bị một khoản tiền trả trước, chứng tỏ họ có nghiêm túc trong việc mua hàng”, ông Ajay nói.

Để đảm bảo người vay theo đuổi khoản trả nợ đến cùng, công ty tài chính thường giữ lại bản gốc đăng ký xe, và đưa bản sao cho người vay. Hơn nữa, việc gặp nhau trực tiếp ở một đại lý bán hàng, chứng kiến khách hàng lấy xe là cách biết món tiền được người vay sử dụng đúng mục đích.

Trung bình một khoản vay tại PPF khoảng 12 - 13 triệu đồng/người với thời hạn vay trung bình 15 tháng. Theo ông Ajay, PPF Việt Nam không dựa vào lãi suất để biết người vay có trả được số tiền, mà chia nhỏ số tiền phải trả từng kỳ phù hợp với thu nhập của từng người, sau khi trừ chi tiêu gia đình, họ còn để trả nợ.

Việc khó nắm bắt được thu nhập của người vay khiến PPF Việt Nam và công ty tài chính Việt SG mới chỉ thăm dò mở rộng cho vay tiền mặt ở nhóm khách hàng thân thiết.

Còn công ty tài chính Prudential cho vay tối đa 190 triệu đồng (theo lời mời chào của các nhân viên tín dụng Prudential), nhưng người vay vừa phải kê khai các loại giấy tờ không khác ngân hàng, vừa phải chịu lãi suất cao hơn.

Theo nhận xét của một nhân viên tín dụng: “Lãi suất cao nhưng người vay vẫn chấp nhận, vì trước khi đến với công ty tài chính, người vay đã bị ngân hàng từ chối”. Ngoài ra, theo lời nhân viên này, lãi suất cao nhưng tuỳ đối tượng. Nếu đối tượng thuộc khu vực mà công ty tài chính đã khảo sát trước về mức độ rủi ro, thì lãi suất sẽ thấp hơn.

Hồng Sương (SGTT)