Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Áp dụng triệt để nguyên tắc “ngân sách cứng”

http://sgtt.vn/Ban-doc/132056/Ap-dung-triet-de-nguyen-tac-%E2%80%9Cngan-sach-cung%E2%80%9D.html

SGTT.VN - Cho đến nay, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ta chưa thành công hoặc ít thành công nhất so với các nội dung cải cách khác. Điều đó đã và đang làm giảm mức độ thành công của cải cách và phát triển kinh tế. Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Cung ở viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về một số giải pháp cần thực hiện ít nhất trong 5 năm 2011 – 2015 để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các DNNN.

Nguyên nhân chưa thành công, cơ bản không phải là do sở hữu – “cha chung không ai khóc” mà do cách thức, thể chế và công cụ thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước không phù hợp. Thứ đến, tuy nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường nhưng DNNN chưa thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Các DNNN, những người quản lý DNNN và một số người có liên quan đã tận dụng được những điểm lợi về tính tự phát của thị trường mà chưa bị chi phối, điều tiết bởi các quy luật của thị trường, nhất là chưa bị đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt bởi các quy luật đó và hệ thống trách nhiệm giải trình trong các DNNN rất yếu, thậm chí chưa có. Thứ đến nữa, tuy nền kinh tế đã hội nhập, nhưng đa số các DNNN vẫn chưa thực sự hội nhập, chưa có tầm nhìn, tư duy toàn cầu, chưa đối mặt với cạnh tranh toàn cầu để tìm kiếm thị trường, huy động vốn, nhân lực, công nghệ, nhất là về quản trị.

Giải pháp cụ thể đầu tiên: ngân sách cứng

Định hướng cải cách, cơ cấu lại DNNN trong năm năm tới đây nên tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc và cơ chế thị trường đối với DNNN và hoàn thiện khung quản trị DNNN theo các nguyên tắc và chuẩn quốc tế, áp dụng thống nhất.

Giải pháp cụ thể đầu tiên là áp dụng triệt để nguyên tắc “ngân sách cứng, tức là xoá bỏ những hình thức còn sót lại của “hạn chế ngân sách mềm” hiện nay.

Theo đó, cần xoá bỏ chế độ, hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cũng như các doanh nghiệp khác, khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng của DNNN cũng phải dựa trên tình hình tài chính lành mạnh, dự án đầu tư tốt, và thực tiễn quản trị tốt.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài sản cố định của DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng, cần thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đối với các DNNN theo giá thị trường (đất đai, tài nguyên khác, các tài sản cố định chưa được điều chỉnh hay đánh giá lại giá trị…)

Trong năm năm tới đây nên tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc, cơ chế thị trường và hoàn thiện khung quản trị theo chuẩn quốc tế.

Đồng thời, cần tuyên bố chính sách và cam kết rõ ràng, từ nay trở đi, Chính phủ sẽ không ra các quyết định “khoanh nợ, giãn nợ”, không trả nợ – xử lý nợ thay, doanh nghiệp phải tự vay – tự trả theo quan hệ kinh tế – dân sự giữa chủ nợ và con nợ. Nếu sắp tới không may có doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì phải để doanh nghiệp và chủ nợ tự cơ cấu lại hoặc để cho phá sản.

Ngoài ra, cần xem xét trên thực tế các hình thức, biểu hiện đặc quyền, đặc lợi còn tồn tại và hạn chế đến mức tối đa chúng, nhất là quyền kinh doanh; tiếp cận đất đai, tài nguyên khác; tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về các loại quy hoạch; tiếp cận các nhà hoạch định chính sách.

Cuối cùng, tiếp tục mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền doanh nghiệp, mở cửa thị trường điện theo phương án của bộ Công thương.

Làm gì và không làm gì?

Giải pháp thứ hai là xác định rõ, cụ thể và nhất quán mục tiêu của DNNN nói chung là công cụ thực hiện chính sách công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế lên thang bậc phát triển cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn. Đó là vì khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn quá nhỏ, quá yếu và công nghiệp hoá không thể và không nên dựa nhiều vào FDI. Tuy nhiên, mục tiêu nói trên phải đạt được theo cơ chế thị trường.

Như vậy, sẽ không giao và không sử dụng DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô nữa, không sử dụng DNNN điều tiết thị trường, để thực hiện các nhiệm vụ xã hội. Các trách nhiệm nói trên của DNNN nằm trong khuôn khổ pháp luật chung, giống như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Việc cần làm là xác định lại vị trí của từng tập đoàn, tổng công ty trong từng ngành cụ thể. Sau đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể, giao cho chúng sứ mệnh là trong 10 – 15 năm tới phải phát triển, trở thành một trong số các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á. Chỉ có như thế thì không gian phát triển kinh tế của nước ta mới được mở rộng. Đó cũng chính là một trong các cách chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể hàng năm, ngoài tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, nhà nước trong vai trò là chủ sở hữu còn xác định và giao cho tập đoàn, tổng công ty các mục tiêu cụ thể, bao gồm: doanh thu xuất khẩu, mức độ và trình độ phát triển công nghệ trong một thời hạn nhất định, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, vị thế hay thị phần trên thị trường khu vực và thế giới… Đồng thời, thực hiện đánh giá việc thực hiện các mục tiêu nói trên.

Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu

Thứ nhất, từng bước tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các bộ, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu và thực hiện quyền chủ sở hữu đó một cách chuyên nghiệp, tập trung và thống nhất (tham khảo mô hình SASACs ở Trung Quốc hay các bộ chuyên trách quản lý tài sản sở hữu nhà nước ở một số quốc gia khác).

Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý doanh nghiệp, gồm thông tin về tài chính, thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về các rủi ro và biến động bất thường liên quan.

Thứ ba, thực hiện công khai hoá và minh bạch hoá thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chuẩn mực đang áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan chủ sở hữu phải kiểm soát, giám sát việc công bố thông tin đảm bảo thông tin được công bố đầy đủ và kịp thời. Người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực.

Thứ tư, xây dựng bộ quy tắc quản trị theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế để áp dụng cho các công ty có sở hữu nhà nước, các công ty có sở hữu nhà nước trên 50%.

Thứ năm, đưa ra yêu cầu bắt buộc và có lộ trình cụ thể thực hiện niêm yết một số tập đoàn, tổng công ty quan trọng trên thị trường chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong hay thậm chí là New York.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hoá có lựa chọn như đã định.

Để thực hiện được những việc này, trước mắt cần củng cố và tăng cường năng lực chuyên môn và thẩm quyền của ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, bổ sung thêm các chuyên gia thuộc loại hàng đầu về phân tích tài chính doanh nghiệp; phân tích thị trường; phân tích, đánh giá và thẩm định dự án đầu tư; chuyên gia về quản trị công ty, đảm bảo cơ quan này đủ năng lực, thẩm quyền tham mưu cho thủ tướng về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước cũng như xây dựng hệ chính sách tổng hợp về cải cách DNNN. Không nên giao cho các bộ chuyên ngành việc này vì mỗi bộ chỉ chuyên về một số vấn đề và các bộ thường lo về quản lý hành chính nhà nước chứ không chuyên sâu các chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ quản lý với vai trò là người đầu tư vốn.

TS Nguyễn Đình Cung

Cái lợi của việc công khai, minh bạch thông tin

Việc công khai hoá và minh bạch hoá thông tin đối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ có một số điểm lợi:

– Buộc các tập đoàn, tổng công ty phải tập hợp, phân tích thông tin một cách có hệ thống, đầy đủ, chính xác, kịp thời, qua đó giúp công tác quản lý tốt hơn và nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cán bộ quản lý có liên quan.

– Góp phần hình thành hệ thống thông tin quản lý xuyên suốt từ các doanh nghiệp đến cơ quan chủ sở hữu, giúp cơ quan này giám sát tốt hơn họat động của doanh nghiệp.

– Tạo điều kiện để dân chúng, chủ nợ, khách hàng, chuyên gia và các bên liên quan khác theo dõi, đánh giá và giám sát được các hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nói chung và từng công ty trong tập đoàn nói riêng. Đây chính là giám sát của thị trường, mỗi bên có lợi ích liên quan thực hiện giám sát theo cách riêng của họ, làm cho giám sát này luôn hiệu quả, hiệu lực, giảm áp lực và gánh nặng giám sát cho cơ quan chủ sở hữu.