Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Lãi lớn nhờ chênh lệch lãi suất

http://sgtt.com.vn/Kinh-te/123241/Lai-lon-nho-chenh-lech-lai-suat.html
SGTT - Nhiều ngân hàng vẫn công bố lãi lớn dù ngay từ đầu năm nay, họ đã kêu khó như không còn hỗ trợ lãi suất, bị khống chế trần cho vay, sàn vàng đóng cửa... Nguồn thu chính cho lợi nhuận chủ yếu từ chênh lệch lãi suất.

Khiêm tốn nguồn thu từ dịch vụ

Theo công bố kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, mặc dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Ngân hàng Phương Đông (OCB), chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm, lãi tới 112 tỉ trước thuế, tăng 116% so với cùng kỳ.

Hay như ngân hàng Sài Gòn (SCB), bốn tháng đầu năm, SCB đạt lợi nhuận tới hơn 352 tỉ đồng, đạt mức tăng kỷ lục 370,16% so với cùng kỳ 2009. Hết tháng 4, ngân hàng An Bình (ABBANK) đạt lợi nhuận 204,44 tỉ đồng, tăng 180%; Kết thúc Quý I/2010, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt trên 510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ), tăng 46% so với cùng kỳ năm 2009; LienViet Bank đạt 202 tỉ đồng; VCB trên 2.000 tỉ đồng…

Trong cơ cấu nguồn thu từ lợi nhuận, hoạt động thu từ dịch vụ của các ngân hàng khá khiêm tốn và chủ yếu vẫn từ hoạt động tín dụng.

Ví dụ như, trong cơ cấu thu nhập luỹ kế của Sacombank đến hết ngày 30.4, nguồn thu từ lãi (bao gồm tín dụng, kinh doanh vốn liên ngân hàng…) chiếm 64% và dịch vụ là 15%, còn lại là thu nhập ngoài lãi. Nguồn thu của VCB cũng vậy, thu từ lãi chiếm khoảng 55 – 60%, phần còn lại thuộc về hoạt động dịch vụ.

Theo ông Hưởng, về cơ bản, nguồn thu chính từ hoạt động ngân hàng trong bốn tháng đầu năm được hình thành từ lãi cho vay, đầu tư (góp vốn, tham gia thị trường tài chính chứng khoán, hoạt động phái sinh…) và dịch vụ. Nguồn thu từ dịch vụ chưa được kỳ vọng nhiều, vì trên thực tế, ngân hàng đang chịu lỗ từ những dịch vụ liên quan đến ATM, kể cả VCB. Hoạt động đầu tư trong bốn tháng đầu năm cũng không khả quan do doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh và đang chịu lãi suất cao. Riêng hoạt động đầu tư chứng khoán đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ do một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư đã tăng trưởng 100% và ngân hàng được hoàn lại trích lập dự phòng rủi ro đầu tư tài chính năm trước và hạch toán vào lợi nhuận những tháng đầu năm. Còn hoạt động cho vay, dù giai đoạn khó khăn hay thuận lợi, nguồn thu từ hoạt động này bao giờ cũng là nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.


Thu lợi từ chênh lệch lãi suất

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời báo chí, tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 8%. Tuy tăng thấp, nhưng theo ông Hưởng, sự chênh lệnh lớn giữa lãi suất huy động và cho vay đã đem lại nguồn thu chính cho ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn rẻ.

Một nguồn thu nữa mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng tính đến giữa tháng 4.2010, đó là kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Trước khi bị siết, thị trường hai là nơi mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng có lợi thế về thanh khoản do lãi suất luôn cao hơn thị trường một. Với biến động lãi suất từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, những ngân hàng có lợi thế về vốn đã kịp thu lợi rồi, ông Nguyễn Quyết Thắng, tổng giám đốc ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP.Bank), bình luận.

Ông Trần Xuân Quảng, phó tổng giám đốc ngân hàng Bảo Việt cho biết, nhìn một cách tổng quan thì lợi nhuận của ngân hàng đều từ hoạt động truyền thống là cho vay. Đặc biệt, một số ngân hàng đã hưởng lợi từ khi ngân hàng Nhà nước thực hiện lãi suất cho vay thoả thuận. Đầu tiên là đối với cho vay tiêu dùng, cho vay trung và dài hạn và cuối cùng thực hiện lãi suất thoả thuận hoàn toàn. Ngay sau khi quyết định đó được ban hành, các ngân hàng đã đẩy lãi suất cho vay và huy động lên cao. Tuy nhiên, với những ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn rẻ thì lợi nhuận thu được giai đoạn này là rất lớn.

“Mặc dù Chính phủ có chủ trương giảm lãi suất huy động và cho vay xuống còn 10% và 12%, nhưng mặt bằng lãi suất khó giảm ngay. Vì vậy, lợi nhuận từ nay đến cuối năm của ngân hàng vẫn phải trông chờ vào tăng trưởng tín dụng và sau năm tháng chạy “rốt đa” thì từ tháng 6 tín dụng sẽ bật mạnh trở lại”, ông Quảng nhận xét.

Thực tế, một số ngân hàng như ACB phấn đấu đến cuối năm, tỷ trọng nguồn thu từ lãi (cả hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng, trái phiếu…) chiếm khoảng 50% tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng. ABBANK kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ lên 25% trong tổng doanh thu nhằm giảm sự phụ thuộc từ hoạt động cho vay…

Minh Huệ

Vì sao lãi suất ngân hàng chưa giảm?

http://sgtt.com.vn/Kinh-te/123253/Vi-sao-lai-suat-ngan-hang-chua-giam.html
Một số ngân hàng lại vào đợt tăng lãi suất huy động cả tiền đồng và USD, khuyến mãi thưởng tiền và lãi suất, chào mời các loại chứng từ có giá với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn. Có phải các ngân hàng thiếu vốn nên tăng lãi suất?

Bà Hai Loan, một cán bộ hưu trí ngụ quận Tân Bình vừa đi rút gốc 300 triệu đồng và hưởng trọn lãi ba tháng tiết kiệm từ một ngân hàng để gửi vào ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn, dù còn 21 tháng nữa mới đến kỳ đáo hạn tiền gửi của bà.

Tưởng dài... hoá ngắn

Đó là một trong những sản phẩm tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay nhằm thu hút người gửi: cho phép khách hàng rút gốc trước hạn. Đa số các sản phẩm này đều là loại hình tiền gửi huy động dài hạn từ 2 – 3 năm, có đặc điểm chung là lãi suất cao và điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường, người gửi được quyền rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gốc bất cứ lúc nào mà vẫn bảo toàn lãi, có thể rút gốc và lãi vào mỗi cuối định kỳ...

Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, với sản phẩm này, các ngân hàng không những thoả được tâm lý thích gửi ngắn hạn của khách hàng, mà trên sổ sách vẫn thể hiện được là tiền gửi trung dài hạn.

Theo đó, không chỉ lách được ở giá tiền gửi (khuyến mãi, thưởng); các ngân hàng còn có thể cho vay trung dài hạn mà không bị vướng quy định chỉ được dùng không quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết đối với các ngân hàng trên địa bàn, tiền gửi ngắn hạn chiếm khoảng 70 – 80%, trong đó đa số từ 1 – 3 tháng, trong khi kỳ hạn cho vay thường từ 3 – 6 tháng trở lên. Trong khi đó, theo cục Thống kê TP.HCM, dư nợ tín dụng trung dài hạn trong năm tháng đầu năm chiếm 45,4%. Do cơ cấu tiền gửi chủ yếu là kỳ hạn ngắn, ngân hàng dù huy động được nhiều, cũng gặp khó khăn với các khoản vay trung và dài hạn. Và đây cũng là một nguyên nhân đẩy chi phí vốn tăng cao, khiến ngân hàng khó giảm lãi suất.

Cũng theo cục Thống kê, tính đến đầu tháng 5, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 571,8 ngàn tỉ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; sít sao với vốn huy động đạt 629,8 ngàn tỉ đồng. Tỷ lệ tín dụng trên huy động lên tới trên 90%, cho thấy các ngân hàng vẫn còn chật vật trong việc tìm nguồn vốn đầu vào.

“Thuốc” nào để giảm lãi suất?

Khảo sát tại một số ngân hàng, trong thời gian qua, họ cho vay với mức lãi suất dao động 14 – 17%/năm. Còn lãi suất huy động nếu cộng thêm khuyến mãi và thưởng, có mức 12 – 13%/năm. Trong khi đó, lãi suất đang được NHNN định hướng xuống, với lãi suất huy động 10%, lãi suất cho vay 12%/năm.

Trong đợt đấu thầu 2.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ vào cuối tháng 5, chỉ có 200 tỉ đồng trái phiếu trúng thầu với lãi suất 11,2%/năm, trong khi nhà đầu tư đòi mức lãi suất dao động 11,19 – 12,5%. Theo bà Hoàng Thị Hoa, trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trái phiếu chính phủ được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn, nên lãi suất luôn thấp hơn lãi suất ngân hàng huy động ngoài thị trường dân cư. Vì vậy, để huy động được vốn, thì lãi suất ở ngân hàng phải cao hơn lãi suất trái phiếu, cụ thể là phải cao hơn mức 11,2%.

Ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, tâm lý người dân đang kỳ vọng một mức lãi suất tiết kiệm cao hơn, do lo ngại lạm phát trong năm nay. Một khi giảm được chỉ số tăng giá tiêu dùng thì lãi suất tiền gửi sẽ giảm, kéo lãi suất cho vay giảm theo.

Theo TS Lê Thẩm Dương, NHNN đang hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhưng các ngân hàng nhỏ không thể hưởng lợi nhiều trên thị trường này vì không nắm nhiều giấy tờ có giá. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại không được vay tại thị trường liên ngân hàng quá 20% tổng huy động ngoài thị trường dân cư. Muốn vay được trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng nhỏ phải tăng hút vốn ở thị trường dân cư. Để hút vốn được, thì lãi suất ở các ngân hàng này phải cao hơn những ngân hàng quy mô lớn.

Quy định 20% này đang khiến người vay thì không vay được, người có tiền đành ôm vốn. Vì vậy, dù lãi suất liên ngân hàng giảm những tuần gần đây, nhưng lãi suất ngoài thị trường dân cư vẫn cứ tịnh tiến.

Theo ông Dương, NHNN nên điều chỉnh lại nút thắt trên thị trường liên ngân hàng này bằng việc nâng tỷ lệ cao hơn mức 20%, hoặc quy định trên mức vốn chủ sở hữu, nếu không, ngân hàng sẽ còn lách lãi suất với nhiều hình thức tinh vi hơn.

HỒNG SƯƠNG