Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Chen chân vào thị trường phân phối

Quốc Hùng
Thứ Tư, 31/3/2010, 13:41 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/31669/

(TBKTSG) - Dù bị ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao, thị trường bán lẻ Việt Nam khép lại năm 2009 vẫn đạt mức tăng trưởng đến 18,6% và đang có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Điều này lý giải vì sao thị trường phân phối trong nước tiếp tục “nóng” và đang chứng kiến những loại hình đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự kiện tập đoàn bán lẻ của Malaysia Parkson khai trương trung tâm thương mại thứ tư tại TPHCM vào đầu năm nay (và là trung tâm Parkson thứ sáu trên cả nước) đã gây sự chú ý của nhiều nhà phân phối trong và ngoài nước.

Bởi lẽ trung tâm này, Parkson Flemington - có quy mô lớn nhất cả nước, xuất hiện ngay bên cạnh dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp The EverRich đang được xây dựng ở góc đường Ba Tháng Hai và Lê Đại Hành, quận 11, nơi mà tập đoàn Lotte Shopping của Hàn Quốc đã mất một thời gian dài đeo đuổi xin giấy phép mở trung tâm thương mại nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa được (gần đây Lotte đã được đồng ý về mặt nguyên tắc).

Vị trí đặt quảng cáo

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao đều là hai nhà đầu tư bán lẻ lớn của nước ngoài nhưng người được, người không?

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, sự việc trên không phải mới diễn ra. Vào giữa năm 2008, ngay cả các cơ quan quản lý cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực phân phối cũng bất ngờ khi thấy Parkson đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Parkson C.T gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi đó, trao đổi với TBKTSG, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) đều khẳng định là không có giấy phép mở trung tâm phân phối mới cho Parkson tại khu vực này. Tuy nhiên, trung tâm Parkson C.T đến nay vẫn hoạt động xuyên suốt.

Những thắc mắc này, được ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Công ty Parkson Việt Nam, gần đây tiết lộ rằng trung tâm thương mại Parkson Flemington có vốn đầu tư 10 triệu đô la Mỹ là do một công ty 100% vốn trong nước làm chủ đầu tư và Parkson chỉ là đơn vị được thuê làm quản lý điều hành.

Và theo ông Choy, dự án Parkson C.T gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng được đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước và Parkson chỉ là đơn vị được thuê quản lý.

Tuy nhiên, giới kinh doanh cho biết, thực chất việc quản lý của Parkson như thế nào còn chưa rõ, nhưng về cơ bản hai trung tâm đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước này lại đều mang tên Parkson và người tiêu dùng đến hai trung tâm này đều hưởng một số tiện ích giống như bốn trung tâm khác mà Parkson đã đầu tư kinh doanh trực tiếp. Như vậy, hai trung tâm mua sắm nói trên danh nghĩa là đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước, nhưng mang thương hiệu trung tâm thương mại nổi tiếng của nước ngoài và được điều hành quản lý của chính nhà đầu tư nước ngoài là Parkson.

Thị trường phân phối Việt Nam, đặc biệt là thị trường bán lẻ, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá phát triển rất nhanh và đầy tiềm năng trong những năm tới nhờ dân số đông, trẻ và đặc biệt hệ thống kênh phân phối hiện đại còn quá ít so với mô hình chợ truyền thống hiện nay. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách chen chân vào thị trường này. Trường hợp tương tự của Parkson cũng được giới chuyên môn phản ánh là một hệ thống bán lẻ đến từ Pháp. Đơn vị này đang sở hữu nhiều siêu thị quy mô lớn ở các thành phố lớn, riêng một siêu thị ở quận Gò Vấp đơn vị quản lý xác nhận rằng không phải là loại hình đầu tư theo hình thức có vốn nước ngoài.

Không dừng lại ở việc đầu tư trực tiếp hay dưới hình thức quản lý kinh doanh như trường hợp Parkson, một số nhà đầu tư nước ngoài gần đây đang vào thị trường Việt Nam theo một hướng đi khác đó là nhượng quyền kinh doanh (franchise). Gần đây, người tiêu dùng TPHCM được biết đến một cái tên lạ hoắc đó là Trung tâm mua sắm thời trang Debenhams, nằm ngay ở vị trí đắc địa của quận 1, TPHCM đó là Kumho Asiana Plaza.

Công ty TNHH Việt Thái International (VTI), chủ chuỗi cửa hàng Highlands Café, là đơn vị nhận nhượng quyền kinh doanh Trung tâm mua sắm Debenhams tại Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là trung tâm nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam của thương hiệu Debenhams nhưng chuỗi trung tâm thương mại đến từ xứ sở sương mù này đã có 155 cửa hàng ở khắp Anh Quốc, Ireland và 50 trung tâm nhượng quyền khác tại 17 quốc gia khắp thế giới.

Hình thức nhượng quyền kinh doanh này đã xuất hiện ba bốn năm nay, khi thị trường bán lẻ Việt Nam chưa chính thức mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ cho phép góp vốn liên doanh với doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, hướng phát triển theo mô hình kinh doanh nhượng quyền này hứa hẹn còn phát triển nhanh hơn các loại hình đầu tư kinh doanh khác vì nhà đầu tư không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc xin giấy phép, tìm địa điểm kinh doanh cũng như đầu tư một trung tâm mua sắm, cửa hàng - vốn là các công đoạn mất nhiều thời gian và tiền bạc nhất hiện nay. Các nhà phân phối nước ngoài chỉ cần tìm các nhà phân phối uy tín và có kinh nghiệm trong nước để xây dựng thương hiệu, truyền kinh nghiệm và kỹ thuật bán hàng và đưa sản phẩm vào kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng của Nhật với hơn 17.000 cửa hàng Family Mart trên thế giới cũng vừa bước chân vào thị trường Việt Nam theo hướng kinh doanh nhượng quyền này. Family Mart đã chọn tập đoàn Phú Thái là đơn vị có thế mạnh về logistics (hậu cần) để mở kinh doanh chuỗi cửa hàng này. Trong kế hoạch phát triển năm năm tới, Family Mart sẽ mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam trong chiến lược mở rộng từ 17.000 lên con số 40.000 cửa hàng trên toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TPHCM Online, ông Junichi Yamashita, Giám đốc chuỗi Family Mart tại Việt Nam, cho rằng: “Tại ba quốc gia và lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan thì Family Mart đều chọn hình thức liên doanh với doanh nghiệp sở tại để hiểu cách nghĩ, thói quen mua sắm của người bản địa. Tuy nhiên, Việt Nam bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước bằng hình thức ENT (thẩm định nhu cầu kinh tế) theo cam kết WTO. Do đó, khi mở từ cửa hàng thứ hai chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian chờ xét duyệt theo quy hoạch của địa phương”.

Tương tự, tập đoàn siêu thị đồng giá hàng đầu của Nhật - Daiso chỉ sau hơn một năm thông qua nhượng quyền kinh doanh cho đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Trí Phúc với cửa hàng đồng giá đầu tiên tại siêu thị miễn thuế Fuso thuộc khu kinh tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, đến nay đã nhân rộng được sáu cửa hàng Daiso tại Việt Nam, trong đó có hai cửa hàng tại TPHCM. Về cơ bản, người tiêu dùng trong nước phần lớn đều xem các siêu thị Daiso này là của Nhật Bản. Trí Phúc cho biết công ty sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kinh doanh cửa hàng này ở TPHCM và các thành phố lớn khác dưới hình thức nhượng quyền kinh doanh của Daiso.

Điều này lý giải vì sao tại các thành phố lớn mà đặc biệt là TPHCM ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm thương mại mới, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá của nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Thế nhưng theo các nhà quản lý về lĩnh vực phân phối ở các địa phương hoặc theo báo cáo của Bộ Công Thương trong năm 2009 (thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo cam kết với WTO) là chưa có thêm nhà bán lẻ theo hệ thống hay chuỗi có 100% vốn nước ngoài xin phép đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2009 chưa có thêm nhà bán lẻ 100% vốn nước ngoài nào xin phép đầu tư vào Việt Nam. Thực tế thì tại các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM, những trung tâm thương mại mới, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá của nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… lại xuất hiện khá rầm rộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét