Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Nếu ai cũng sợ bị “chụp mũ”

Nếu ai cũng sợ bị “chụp mũ”

"Nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận ở nước ta còn kéo dài" - ý kiến của GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.

Vấn đề "nhạy cảm" hay là sự né tránh trách nhiệm

Tranh luận sòng phẳng

Cá nhân ông từng là người tham gia soạn thảo một số văn kiện Đại hội Đảng, ông có ưu tư gì để công tác xây dựng, lấy ý kiến của người dân đạt hiệu quả ngày càng cao hơn?

- GS. TS Dương Phú Hiệp: Bắt đầu từ Đại hội VI, các văn kiện đã được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, việc làm này là rất cần thiết và rất đáng hoan nghênh nhưng theo tôi nên có cách xử lý đổi mới vì nếu nó chỉ dừng lại ở tính hình thức, tính tuyên truyền thì không có nhiều ý nghĩa thực chất.

Người chuẩn bị văn kiện ĐH khi đã đưa ra hỏi ý kiến thì phải biết lắng nghe, thực sự cầu thị. Hỏi ý kiến ở đây là hỏi thật, nghe là nghe thật và phải tổ chức công việc tiếp nhận, phản hồi rõ ràng và cần một không khí tranh luận sòng phẳng.

Cứ theo tiêu chuẩn lớn nhất là "ích nước lợi dân". Vấn đề gì lớn tiếp thu thì nói rõ ra, cái này chúng tôi xin tiếp nhận để đưa vào, hoặc cái này thì tiếp thu nhưng xin để nhiệm kỳ sau hoặc nếu không tiếp nhận thì vì sao.

Ban soạn thảo phải phân công người đọc và nên có trả lời đăng rộng rãi trên báo chí chứ không phải từng người. Điều đó sẽ chứng tỏ rằng Đảng có trách nhiệm với những người đóng góp ý kiến, từ đó củng cố thêm lòng tin của người ta, lần sau người ta hăng hái đóng góp tốt hơn.

Nếu nhiều ý kiến được gửi lên mà không có sự phản hồi thì đó là một sự mất lịch sự, làm mất niềm tin của những người có thiện chí đóng góp.


Ngoài ra, ban soạn thảo cần nghiên cứu xác định được những vấn đề lớn của mỗi kỳ ĐH để đưa ra tranh luận, mỗi ĐH nên tập trung bàn một vài vấn đề lớn mà nếu gỡ được cái này là gỡ được nhiều cái khác.

Chúng ta không nên bàn quá nhiều, mất quá nhiều thời gian cho những vấn đề còn lý luận xa xôi. Thay vào đó, việc lựa chọn vấn đề của mỗi ĐH nên sát với thực tế hơn, phải xuất phát từ thực tế chứ không phải xuất phát từ lý luận, mà như vậy thì nhân dân cũng dễ góp ý.

Ví dụ như ĐH X, chúng ta tập trung tranh luận đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không. Phải tranh luận cho ra nhẽ để đưa ra được quyết định cuối cùng. Như thế mới có hiệu quả và đem lại những lợi ích to lớn.

Cầu thị

Ý của ông là rất cần những người có trách nhiệm lắng nghe thực sự cầu thị, chân thành?

Sự thành thực rất quan trọng, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức có lần xuống nói chuyện ở Viện Khoa học Xã hội, đã nói một câu rất chân thành: "Trong ĐH VIII có một câu là, nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ ra, nhưng riêng tôi vẫn chưa thấy rõ lắm".

Lối tư duy không tin nhân dân, không dám nói thẳng, nói thật những khó khăn thiếu sót và sai lầm của Đảng trước nhân dân đã trở thành cách suy nghĩ lỗi thời.

Câu nói đó phần nào cho thấy sự thành thực, thẳng thắn và cầu thị của ông. Vì vậy, chúng tôi cũng không ngần ngại gì trong việc đóng góp ý kiến của mình.

Nghĩa là khi mình muốn nghe góp ý thì phải chấp nhận có người nói dễ nghe, người nói khó nghe. Phát biểu trái với lãnh đạo, trái với nghị quyết chưa chắc đã sai. Ông là lãnh đạo, tôi nói trái với ông rồi ông bảo tôi sai, thế thì độc quyền chân lý à?

Sai hay đúng thì thực tiễn sẽ trả lời vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là điểm xuất phát, đồng thời cũng là điểm cuối cùng để kiểm nghiệm chân lý.

Ông từng là thành viên nhóm tư vấn của cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội VI, chắc ông cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Hồi tôi ở trong nhóm tư vấn của cố TBT Trường Chinh thì anh em cũng đóng góp ý kiến một cách rất thẳng thắn. Ông Trường Chinh mặc dù là cán bộ cao cấp như thế nhưng rất biết lắng nghe các ý kiến từ các nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến trái chiều.

Một người chân thành muốn nghe thì mình cũng chân thành phát biểu mà không e ngại gì cả. Ai cũng có thể đúng, có thể sai nhưng đã tham khảo ý kiến người ta thì sai đúng gì cũng phải nghe đã, còn quyết định cuối cùng lại là chuyện khác.

Tôi nhớ một buổi chiều đồng chí Trường Chinh nói hôm nay tôi hỏi các đồng chí một câu thôi, các đồng chí trả lời không cần lập luận nhiều: Bao giờ kết thúc chặng đường đầu tiên và bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam?

Mỗi người đưa những mốc thời gian khác nhau, đến lượt tôi thì tôi trả lời là không biết vì lý lẽ của tôi là phải xem đường lối của Đảng như thế nào đã, chứ nếu như hiện nay thì có thể dẫm chân tại chỗ hoặc có thể bị lùi lại thêm nữa.

Hồi bấy giờ có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Ý kiến khó nhất là đánh giá đường lối của ĐH IV, ĐH V tiếp tục đường lối đó, bây giờ ĐH VI phải xử lý thế nào.

Đường lối đại hội của Đảng ta vẫn luôn luôn nói là đúng nhưng thực tế lại dẫn đất nước vào khủng hoảng là vì sao?

Một luồng ý kiến giải thích rằng đường lối đúng nhưng nhận thức chưa đúng. Người Việt Nam cũng thông minh, nói như vậy thì ở Việt Nam này ai nhận thức đúng? Người soạn thảo ra đường lối phải có trách nhiệm làm cho người khác hiểu đúng đường lối chứ!

Luồng ý kiến thứ hai thì bảo đường lối đúng nhưng chưa cụ thể hóa thành những chính sách đi vào cuộc sống. Thế thì các Hội nghị BCH Trung ương Đảng hàng năm họp mấy lần nếu không cụ thể hóa đường lối trong khóa ấy thì làm gì?

Luồng ý kiến thứ ba lại lý luận là đường lối đúng, chính sách đúng, cụ thể hóa đúng nhưng việc tổ chức thực hiện kém. Tôi bảo, nếu cái gì nó hay, đúng với tâm lý của quần chúng thì cứ vạch ra là người ta tự động theo. Giống như bài hát mà hay thì chinh phục người nghe nhanh lắm, chẳng cần phải dạy, chỉ cần nghe một vài lần người ta cũng thuộc, không hay thì anh cứ cò cưa mãi trên đài cũng chả vào gì cả.

Tranh luận với cấp trên

Từng giữ cương vị Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, ông nghĩ sao về những đòi hỏi mới của công tác nghiên cứu lý luận ngày hôm nay?

Tôi nhớ lúc Hội đồng Lý luận Trung ương khi thảo luận dự thảo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về công tác tư tưởng và công tác lý luận, tôi có bảo là hai cái này không nên nhập làm một.

Công tác tư tưởng hay tuyên huấn là phải tuyên truyền đúng như nghị quyết đã nói, không được nói trái, còn công tác lý luận thì có chức năng khác. Nó cho phép nói khác, nói trái chiều thì mới mong đi tìm cái mới, đi tìm chân lý được.

Chúng ta cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu khoa học, cho phép các nhà khoa học có quyền nói và viết những suy nghĩ của mình. Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả.

Ở nước ta, do chưa có truyền thống dân chủ, chưa có thói quen tranh luận, nhất là tranh luận với cấp trên, thì việc mở rộng bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học là một trong những điều kiện để khắc phục tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận.

Nếu quan liêu hóa công tác nghiên cứu lý luận, nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có độc thoại, không có đối thoại, nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, chỉ thụ động "gọi dạ, bảo vâng", không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận còn kéo dài.

Chúng ta cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu khoa học, cho phép các nhà khoa học có quyền nói và viết những suy nghĩ của mình. Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học.

Trong Báo cáo Chính trị tại ĐH VI của Đảng, tư duy biện chứng duy vật đã được thể hiện trong việc đánh giá tình hình bằng cách "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Còn lối tư duy không tin nhân dân, không dám nói thẳng, nói thật những khó khăn thiếu sót và sai lầm của Đảng trước nhân dân đã trở thành cách suy nghĩ lỗi thời.

Trong một thời kỳ dài đã từng tồn tại lối tư duy lạ lùng: chỉ nói đến những mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản, còn trong chủ nghĩa xã hội thì hình như không có mâu thuẫn. Tư duy mới là tư duy dám nói đến những mâu thuẫn hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và tìm cách giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn đó, không e ngại, che giấu mâu thuẫn.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng trong những năm qua, chúng ta không những chậm phát hiện mâu thuẫn mà còn chậm giải quyết mâu thuẫn. Đổi mới tư duy chính là phải khắc phục tình trạng đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét