http://sgtt.com.vn/Kinh-te/123253/Vi-sao-lai-suat-ngan-hang-chua-giam.html
Một số ngân hàng lại vào đợt tăng lãi suất huy động cả tiền đồng và USD, khuyến mãi thưởng tiền và lãi suất, chào mời các loại chứng từ có giá với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn. Có phải các ngân hàng thiếu vốn nên tăng lãi suất?
Bà Hai Loan, một cán bộ hưu trí ngụ quận Tân Bình vừa đi rút gốc 300 triệu đồng và hưởng trọn lãi ba tháng tiết kiệm từ một ngân hàng để gửi vào ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn, dù còn 21 tháng nữa mới đến kỳ đáo hạn tiền gửi của bà.
Tưởng dài... hoá ngắn
Đó là một trong những sản phẩm tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay nhằm thu hút người gửi: cho phép khách hàng rút gốc trước hạn. Đa số các sản phẩm này đều là loại hình tiền gửi huy động dài hạn từ 2 – 3 năm, có đặc điểm chung là lãi suất cao và điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường, người gửi được quyền rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gốc bất cứ lúc nào mà vẫn bảo toàn lãi, có thể rút gốc và lãi vào mỗi cuối định kỳ...
Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, với sản phẩm này, các ngân hàng không những thoả được tâm lý thích gửi ngắn hạn của khách hàng, mà trên sổ sách vẫn thể hiện được là tiền gửi trung dài hạn.
Theo đó, không chỉ lách được ở giá tiền gửi (khuyến mãi, thưởng); các ngân hàng còn có thể cho vay trung dài hạn mà không bị vướng quy định chỉ được dùng không quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết đối với các ngân hàng trên địa bàn, tiền gửi ngắn hạn chiếm khoảng 70 – 80%, trong đó đa số từ 1 – 3 tháng, trong khi kỳ hạn cho vay thường từ 3 – 6 tháng trở lên. Trong khi đó, theo cục Thống kê TP.HCM, dư nợ tín dụng trung dài hạn trong năm tháng đầu năm chiếm 45,4%. Do cơ cấu tiền gửi chủ yếu là kỳ hạn ngắn, ngân hàng dù huy động được nhiều, cũng gặp khó khăn với các khoản vay trung và dài hạn. Và đây cũng là một nguyên nhân đẩy chi phí vốn tăng cao, khiến ngân hàng khó giảm lãi suất.
Cũng theo cục Thống kê, tính đến đầu tháng 5, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 571,8 ngàn tỉ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; sít sao với vốn huy động đạt 629,8 ngàn tỉ đồng. Tỷ lệ tín dụng trên huy động lên tới trên 90%, cho thấy các ngân hàng vẫn còn chật vật trong việc tìm nguồn vốn đầu vào.
“Thuốc” nào để giảm lãi suất?
Khảo sát tại một số ngân hàng, trong thời gian qua, họ cho vay với mức lãi suất dao động 14 – 17%/năm. Còn lãi suất huy động nếu cộng thêm khuyến mãi và thưởng, có mức 12 – 13%/năm. Trong khi đó, lãi suất đang được NHNN định hướng xuống, với lãi suất huy động 10%, lãi suất cho vay 12%/năm.
Trong đợt đấu thầu 2.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ vào cuối tháng 5, chỉ có 200 tỉ đồng trái phiếu trúng thầu với lãi suất 11,2%/năm, trong khi nhà đầu tư đòi mức lãi suất dao động 11,19 – 12,5%. Theo bà Hoàng Thị Hoa, trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trái phiếu chính phủ được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn, nên lãi suất luôn thấp hơn lãi suất ngân hàng huy động ngoài thị trường dân cư. Vì vậy, để huy động được vốn, thì lãi suất ở ngân hàng phải cao hơn lãi suất trái phiếu, cụ thể là phải cao hơn mức 11,2%.
Ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, tâm lý người dân đang kỳ vọng một mức lãi suất tiết kiệm cao hơn, do lo ngại lạm phát trong năm nay. Một khi giảm được chỉ số tăng giá tiêu dùng thì lãi suất tiền gửi sẽ giảm, kéo lãi suất cho vay giảm theo.
Theo TS Lê Thẩm Dương, NHNN đang hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhưng các ngân hàng nhỏ không thể hưởng lợi nhiều trên thị trường này vì không nắm nhiều giấy tờ có giá. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại không được vay tại thị trường liên ngân hàng quá 20% tổng huy động ngoài thị trường dân cư. Muốn vay được trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng nhỏ phải tăng hút vốn ở thị trường dân cư. Để hút vốn được, thì lãi suất ở các ngân hàng này phải cao hơn những ngân hàng quy mô lớn.
Quy định 20% này đang khiến người vay thì không vay được, người có tiền đành ôm vốn. Vì vậy, dù lãi suất liên ngân hàng giảm những tuần gần đây, nhưng lãi suất ngoài thị trường dân cư vẫn cứ tịnh tiến.
Theo ông Dương, NHNN nên điều chỉnh lại nút thắt trên thị trường liên ngân hàng này bằng việc nâng tỷ lệ cao hơn mức 20%, hoặc quy định trên mức vốn chủ sở hữu, nếu không, ngân hàng sẽ còn lách lãi suất với nhiều hình thức tinh vi hơn.
HỒNG SƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét