Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Bớt 'làm văn' và 'tô hồng' văn kiện

Cập nhật lúc 04:50, Thứ Ba, 23/03/2010 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201003/Bot-lam-van-va-to-hong-van-kien-900177/
- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong văn kiện là nêu lên được các tư tưởng, chủ trương then chốt, không nên quá dài dòng và nặng yếu tố "làm văn" - ý kiến của TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (RIBD).

Dồn đến chân tường rồi mới bật dậy

- Thưa ông, Hội nghị Trung ương khai mạc lần này sẽ thông qua dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI để đưa xuống lấy ý kiến đóng góp tại các Đại hội Đảng bộ cơ sở và sau đó lấy ý kiến của nhân dân. Là người từng tham gia xây dựng một số văn kiện của Đại hội Đảng trước đây, ông có ý kiến gì để việc đóng góp, xây dựng các văn kiện ngày càng có chất lượng?

Không phải chỉ Đảng viên mà nhân dân ai ai cũng mong chờ Đại hội Đảng với suy nghĩ là Đại hội sẽ có những quyết đáp cho những vấn đề vừa cơ bản vừa bức xúc trong cuộc sống, những vấn đề mà các cấp chính quyền không tự giải quyết được.

Không phải trước Đại hội 1-2 năm chúng ta mới bắt tay vào xây dựng văn kiện cho Đại hội, mà đấy là một quá trình liên tục. Rất nhiều công trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn được tiến hành trong suốt 5 năm của một nhiệm kỳ để phục vụ cho việc xây dựng văn kiện cho Đại hội của nhiệm kỳ mới.

Điều đầu tiên mà tôi mong muốn là các văn kiện Đại hội phải kết tinh được những thành tựu, những kết quả nghiên cứu được tiến hành trước đó, làm sao các kết quả nghiên cứu đó sẽ được thể hiện vào trong các văn kiện của Đại hội.

Nói như vậy cũng để thấy rằng muốn có văn kiện tốt thì phải làm tốt từ đầu các công trình nghiên cứu lý luận và và tổng kết thực tiễn, chứ đầu năm sau là tiến hành ĐH rồi, bây giờ nếu có muốn thay đổi căn bản cũng rất khó.

Trong thực tế tôi biết thì bây giờ những nội dung cơ bản đã được định hình.

"Có những đồng chí là Ủy viên TƯ, Bộ trưởng còn đếm số dòng trong phần đánh giá ngành mình phụ trách xem được bao nhiêu dòng để so sánh với các ngành khác"
Đây chính là điều để ta hiểu và đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào khâu góp ý lúc này, khó có thể có những gì đột biến để có một văn kiện ĐH khác đi nhiều so với dự thảo.

Nhiều người nói giữa dự thảo văn kiện đưa ra xin ý kiến với văn kiện hoàn thiện cuối cùng không thay đổi mấy thì đó là sự thật và lý do chính là ở điểm này.

Chúng ta có một đặc điểm là khi nào bị “dồn đến chân tường” rồi thì mới bật dậy, tìm cách thoát ra. Chứ chừng nào vẫn còn thấy bình bình, vẫn có thể duy trì và có thể tăng trưởng được thì hầu như cái sức ép đòi hỏi đổi mới nó không đủ mức để buộc chúng ta phải có những thay đổi một cách căn bản, đột phá.

Trong lịch sử, cũng có trường hợp đặc biệt, như Đại hội VI năm 1986 cho đến những giờ phút chót thì báo cáo chính trị và văn kiện ĐH mới được sửa đổi căn bản và viết lại; và kỳ diệu thay chính Đại hội đó đã mở ra thời kỳ Đổi mới cho đất nước.

Đừng để thành "chiến lược mũi nhọn hình quả mít”

- Trong phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 12 hôm qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Người dân cũng đang mong chờ một không khí nói thẳng, nói thật, trung thực với chính mình, dám đối diện với những vấn đề còn tồn đọng và bức xúc của cuộc sống chứ không phải là những báo cáo đôi khi còn nặng về thành tích như đã từng xảy ra. Ông nghĩ sao về yêu cầu này?

Tôi chia sẻ với nhận định đó vì thực ra nó là kết quả của "tư duy nhiệm kỳ" mà chúng ta vẫn thường coi như là một căn bệnh rất khó khắc phục. Ai làm lãnh đạo cũng muốn nhiệm kỳ của mình tình hình phải rực rỡ, nhất là sắp đến Đại hội.

Cho nên vì sao các báo cáo vẫn thường có "màu hồng", vì sao không dám mổ xẻ những vấn đề gai góc, vì sao không dám gọi các vấn đề tường minh bằng đúng tên của nó… không phải là điều quá khó hiểu.

Ngay cả chuyện khủng hoảng kinh tế vừa qua, chúng ta vẫn thường nghe quen những câu như: “do thế giới khủng hoảng nên ảnh hưởng tới mình, rồi là mặc dù vậy nhưng mình đã vượt qua khủng hoảng nhanh hơn thế giới…”.

Nhưng yêu cầu phải tái cơ cấu nền kinh tế là xuất phát từ những vấn đề nội tại bản thân nền kinh tế của chúng ta. Tác động từ bên ngoài chẳng qua nó chỉ là “giọt nước tràn ly” làm cho cái yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế trở nên cấp bách hơn, rõ ràng hơn mà thôi.

Những vấn đề như đầu tư kém hiệu quả thì đâu phải là do khủng hoảng thế giới gây ra đâu? Nó là hệ quả của toàn bộ chính sách từ trước đến nay của chúng ta gây ra chứ?!

- Vậy theo ông thì điều quan trọng mà các văn kiện Đại hội cần có là gì?

Mô tả ảnh.
Ảnh: Thanh Nga
Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất trong văn kiện là nêu được các tư tưởng chủ đạo, các nguyên tắc cơ bản, các chủ trương then chốt. Vì vậy, chúng ta nên bớt yếu tố “làm văn”, “tô hồng”, mà đi vào thực chất, nêu được quan điểm và chủ trương rõ ràng trong Văn kiện.

Tiếc rằng các báo cáo trình ĐH vẫn còn tình trạng quá dài vì cái gì cũng nói. Phần "làm văn" của các báo cáo vẫn còn nhiều và phần lớn chỉ nói chung chung, làm loãng đi cái nội dung quan trọng của văn kiện Đại hội.

Theo tôi thì chỉ cần một nửa số trang đó thôi là đủ để chuyển tải những nội dung cần thể hiện.

Chúng ta nên tập trung nói những vấn đề gì cần phải thảo luận, cần phải có quyết sách thì nói, và đã nói thì nói cho đến cùng, cho ra nhẽ; không cần phải nói tất cả mọi thứ từ A-Z để rồi cuối cùng chẳng nói được gì; cái gì cũng nói nên mới có chuyện "chiến lược mũi nhọn hình quả mít”.

Nói thì dễ, chứ làm thì khó đấy; vì ngành nào cũng chăm chắm xem trong Báo cáo đánh giá thế nào về ngành mình. Thậm chí có những đồng chí là Ủy viên TƯ, Bộ trưởng còn đếm số dòng trong phần đánh giá ngành mình phụ trách xem được bao nhiêu dòng để so sánh với các ngành khác

"Thời gian qua chúng ta đã tập trung giải quyết vấn đề “ý thức hệ” nhưng bây giờ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề “lợi ích nhóm”

Về cách bố cục báo cáo, theo tôi nên “bổ dọc”, không nên “bổ ngang” như hiện nay. Đề cập đến vấn đề gì thì phân tích tình hình rồi đề xuất định hướng giải quyết luôn.

Cách lâu nay chúng ta vẫn hay làm là đánh giá tình hình trong một phần rồi mới nêu các giải pháp trong một phần khác tách riêng, thành ra tình hình và giải pháp nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nhau.

Phải quan tâm giải quyết vấn đề "lợi ích nhóm"

- Trong phát biểu Tổng Bí thư có nói tập trung thảo luận những vấn đề cấp bách và cần thiết. Theo dõi sát về lĩnh vực kinh tế, theo ông thì đâu là những vấn đề cấp bách cần được đưa vào văn kiện để thảo luận?

Đầu tiên là về đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Tôi cho rằng đề án này có tầm cao hơn Chính phủ có thể giải quyết một cách căn bản. Nó động chạm đến nhiều quan điểm, đường lối mà cấp cao hơn cần phải bàn bạc, quyết định.

Có hai cách quan niệm về vấn đề này. Nếu coi tái cấu trúc nền kinh tế chỉ là giải quyết hậu quả của khủng hoảng kinh tế thì chỉ cần một đề án của Chính phủ. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Tái cấu trúc nền kinh tế là giải quyết những vấn đề cơ bản đã bị gác lại từ nhiều năm nay; khủng hoảng kinh tế chỉ làm nó trở thành cấp bách hơn mà thôi. Nếu vậy thì đây là một vấn đề của chiến lược phát triển, vấn đề tầm Đại hội Đảng toàn quốc phải giải quyết.

Vấn đề tiếp theo là đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước. Về việc này chúng ta đã làm được khá nhiều, nhưng đấy là những phần dễ, những việc còn lại phải giải quyết mới là phần khó nhất.

Nếu không có quyết tâm chính trị cao thì không làm được, vì có khi phải sửa đến cả Hiến pháp. Nhưng chính vì thế mà cần đưa ra Đại hội, tầm của Đại hội phải quyết những vấn đề như thế.

Trước đây, khi nhắc đến việc cổ phần hóa các DNNN thì rất sợ bị chạm đến các quan điểm về kinh tế nhà nước, sợ “phạm húy”… còn hiện nay, cái đang cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN lại chính là vấn đề quyền lợi, nhất của đội ngũ quản lý doanh nghiệp.

Vì thế, thời gian qua chúng ta đã tập trung giải quyết vấn đề “ý thức hệ” thì bây giờ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề “lợi ích nhóm”. Mà muốn giải quyết vấn đề “lợi ích nhóm” thì minh bạch hóa, công khai hóa là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định.

"Đại hội VI năm 1986 cho đến những giờ phút chót thì báo cáo chính trị và văn kiện ĐH mới được sửa đổi căn bản và viết lại; kỳ diệu thay chính Đại hội đó đã mở ra thời kỳ Đổi mới cho đất nước"
Một vấn đề tôi thấy cũng rất cần phải lưu tâm nữa là Cải cách hành chính. Mặc dù nó không phải là vấn đề kinh tế, nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến thành bại của chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Dễ thấy nhất là cải cách thủ tục hành chính; đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đã làm rất rầm rộ thời gian qua; nhưng cải cách thủ tục hành chính mới chỉ giải quyết “phần ngọn” chứ chưa phải là cái gốc của vấn đề hiệu lực, hiện quả của bộ máy hành chính nhà nước.

Vấn đề cơ bản là ở con người, ở bộ máy; không giải quyết những cái đó thì sẽ khó giải quyết được cơ bản vấn đề thủ tục hành chính, thủ tục hành chính vẫn như một thứ “cỏ dại”, cắt đi rồi nó lại mọc lên thậm chí còn nhiều hơn trước.

  • Cao Nhật - Thanh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét