Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Cần làm rõ một số điểm


Luật sư Nguyễn Hoàng Anh (*)
Thứ Sáu, 19/3/2010, 09:20 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/31383/
(TBKTSG) - Gần đây trang tin điện tử của Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là dự thảo nghị định) để lấy ý kiến (xem nguồn http://www.chinhphu.vn/portal). Đây là một văn bản pháp quy quan trọng được soạn thảo nhằm hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua tháng 6-2009. Bài viết này góp một vài ý cho dự thảo nêu trên.

Về nghĩa vụ trả nợ

Một vấn đề quan trọng chưa được đề cập trong dự thảo Nghị định là việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ đối với trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP). Theo quy định tại điều 31 của dự thảo, “ngân sách địa phương có trách nhiệm thanh toán” nợ gốc và lãi cho trái phiếp CQĐP. Quy định này dường như cho thấy nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành là UBND chỉ giới hạn trong phạm vi nguồn ngân sách địa phương. Nhà đầu tư sẽ rất quan tâm trong trường hợp ngân sách địa phương không đủ để tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu CQĐP. Nên chăng có quy định Chính phủ có thể sử dụng nguồn ngân sách trung ương để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Vị trí đặt quảng cáo

Ngoài ra, quy định ngân sách địa phương có trách nhiệm thanh toán nợ là không chính xác vì “ngân sách địa phương” là một khái niệm không dùng để chỉ một tổ chức hay cá nhân có năng lực pháp luật dân sự để có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ theo các công cụ nợ này cần được làm rõ trong dự thảo Nghị định có bao gồm nghĩa vụ trả nợ lãi quá hạn theo thỏa thuận hay không. Đây là vấn đề các nhà đầu tư vào trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh sẽ quan tâm.

Luật áp dụng trong giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế

Dự thảo Nghị định cụ thể hóa quy định của Luật Quản lý nợ công về phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu CQĐP trên cả hai thị trường vốn trong nước và thị trường vốn quốc tế. Sau khi được ban hành, nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20-11-2003 và các điều khoản liên quan đến việc phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế quy định tại Nghị định 53/2009/NĐ-CP ngày 4-6-2009.

Đây là một trong các điểm mới rất đáng khích lệ vì về mặt bản chất pháp lý, không có sự khác biệt giữa các giao dịch phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn trong nước và thị trường vốn quốc tế, do đó việc nhất thể hóa các quy định pháp luật như vậy là cần thiết.

Về nguyên tắc, các giao dịch phát hành trái phiếu trong nước sẽ được điều chỉnh bằng nội luật (trong trường hợp này là luật Việt Nam). Theo thông lệ thị trường vốn, các tài liệu hợp đồng cho giao dịch phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế (được gọi là eurobond market) thường được điều chỉnh bởi luật Anh Quốc hoặc luật của bang New York, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại quy định các tài liệu pháp lý phát hành trái phiếu quốc tế cần được lập theo “luật pháp quốc tế” (điều 37.1). Khái niệm “luật pháp quốc tế” thuộc về công pháp quốc tế và thường không dùng để chỉ luật của một quốc gia cụ thể. Do vậy, sẽ phù hợp hơn nếu dự thảo Nghị định quy định các bên tham gia giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế có thể lựa chọn luật điều chỉnh là luật nước ngoài phù hợp với thông lệ thị trường vốn quốc tế.

Phản ánh thông lệ thị trường áp dụng trong giao dịch phát hành trái phiếu

Một điểm đáng lưu ý là dự thảo Nghị định đề cập khá chi tiết về một vài khía cạnh của thông lệ thị trường phát hành trái phiếu quốc tế. Điển hình là việc dự thảo đưa ra các định nghĩa về vai trò của các tổ chức trung gian (như đại lý chuyển nhượng, đại lý ủy thác...), hay có liên quan (như tư vấn pháp lý) tham gia giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế. Các định nghĩa này đôi khi mang tính chất liệt kê và thực sự không cần thiết nếu xét từ góc độ kỹ thuật soạn thảo văn bản (như định nghĩa “tổ hợp bảo lãnh phát hành” tại điều 2.20).

Do thông lệ thị trường vốn có tính linh hoạt và có thể được thay đổi theo từng giao dịch cụ thể, nên các quy định như vậy không thể phản ánh mọi cấu trúc giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế. Dự thảo Nghị định có quy định cả vể đại lý ủy thác (trustee) và đại lý tài chính (fiscal agent), phản ánh hai cấu trúc giao dịch phát hành trái phiếu khác nhau trên thị trường trái phiếu quốc tế. Với cấu trúc giao dịch sử dụng đại diện người sở hữu trái phiếu (trustee structure), tổ chức phát hành thường phải chịu chi phí cao hơn do phải chỉ định một tổ chức làm đại diện cho các nhà đầu tư.

Cấu trúc đại lý tài chính (fiscal agent structure) không đòi hỏi phải chỉ định người đại diện sở hữu trái phiếu nên sẽ giúp tổ chức phát hành giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, tổ chức phát hành sẽ phải trực tiếp giao dịch hay đàm phán với nhiều người sở hữu trái phiếu khác nhau trong các tình huống cần sự chấp thuận của họ (như hoãn nợ hay cơ cấu lại nợ).

_______________________________________

(*) Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật Mayer Brown JSM, Trưởng tiểu ban Pháp lý, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét