Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Cơ chế tài chính đặc thù cho TPHCM

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cơ bản những kiến nghị của TPHCM về đầu tư phát triển hạ tầng. Cho thí điểm tăng mức thu phí đăng ký ô tô và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Ban hành lệ phí lưu hành ô tô, xe máy

Dành cả ngày (15-3) để làm việc với UBND TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng đều nhận thấy TPHCM giải bài toán giao thông bằng việc đầu tư phát triển hạ tầng, hạn chế phát triển xe cá nhân là việc làm cấp bách và cần thiết.

Một trong những kiến nghị quan trọng được Thủ tướng chấp thuận là cho TP thí điểm tăng mức thu phí đăng ký ô tô và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp tình hình đặc thù của TPHCM.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TPHCM vào ngày 15-3


Cả trăm ngàn tỉ đồng cho các dự án

Điểm qua những dự án giao thông lớn đã đưa vào hoạt động cũng như sắp về đích, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài nhận định: Những công trình này không những làm thay đổi bộ mặt TP mà còn tạo điều kiện để kết nối giao thông, phát triển kinh tế cho TPHCM và các tỉnh lân cận.

“Chỉ một đốt hầm dìm Thủ Thiêm được nối bờ quận 2 mà đất đai ở đây đã sôi động”. Ví dụ này được ông Tài nêu ra để chứng minh phát triển giao thông là điều cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tăng mức thu cấp mới giấy đăng ký ô tô lên 10 lần

Thủ tướng chấp thuận cho TP thí điểm tạo quỹ đầu tư hạ tầng từ việc điều chỉnh tăng mức thu khi cấp mới giấy đăng ký và biển số ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng; ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm đối với khu vực TPHCM (mô tô, xe máy: 500.000 đồng/năm; ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách: 5 triệu đồng/năm).

Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Thủ tướng chấp thuận cho điều chỉnh Nghị định 146 theo hướng tăng mức phạt lên nhiều lần.

Không chỉ dừng lại ở các công trình trọng điểm như cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông Tây, đường trục Bắc-Nam..., sắp tới hàng loạt dự án mà TPHCM và Trung ương sẽ thực hiện để giải bài toán giao thông ở TPHCM.

Điển hình là các tuyến metro, đường Vành đai 3 (điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương), đường Vành đai 4 (điểm đầu là huyện Trảng Bom - Đồng Nai, điểm cuối là KCN cảng Hiệp Phước - TPHCM), các tuyến đường trên cao và các tuyến đường cao tốc.

Theo UBND TP, hiện các dự án này đều nằm ở giai đoạn nghiên cứu, lập dự án và có số vốn đầu tư rất lớn nên rất cần Chính phủ hỗ trợ, nhất là về cơ chế huy động vốn.


Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết dự án đường Vành đai 3 và 4 có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng nên việc UBND TP xin Chính phủ phát hành trái phiếu là hợp lý.

Theo Thủ tướng, với dự án này, Bộ GTVT có nhiệm vụ báo cáo quy hoạch chi tiết, tiêu chuẩn kỹ thuật và thẩm định dự án. Còn lại nguồn vốn và kế hoạch đầu tư là của các địa phương có dự án đi qua.

Thu phí, tăng xử phạt để lập quỹ phát triển hạ tầng


Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã kiến nghị với Thủ tướng nhiều nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn. TP kiến nghị tăng mức thu phí cấp mới giấy đăng ký và biển số đối với ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. “Kinh phí thu được, TP sẽ đưa vào quỹ phát triển hạ tầng giao thông”- ông Quân khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, từ khi Luật Cư trú sửa đổi, số người nhập cư vào TPHCM và Hà Nội tăng nhanh. Từ đó kéo theo dân số tăng, phương tiện tăng và góp phần làm ùn tắc giao thông. Ông Quang cho biết Luật Cư trú vẫn còn chỗ “hở” nên các cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn khi cho đăng ký cư trú.

Về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, ông Quang ủng hộ đề xuất của TP vì cho rằng TP cần có cơ chế đặc thù chứ không thể xem TPHCM như các tỉnh, thành khác.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng đồng tình với đề xuất của TP về việc ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm. “TP có hàng triệu xe cá nhân nhưng chưa thu phí lưu thông là không phù hợp. Phải thu phí để kiểm soát việc gia tăng phương tiện” - ông Dũng đề xuất. Ngoài ra, TP nên kiểm soát phương tiện taxi vì hiện nay loại hình này đang phát triển quá nhiều.


Trao quyền chủ động cho TP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cơ bản những kiến nghị của TP về đầu tư phát triển hạ tầng như làm đường Vành đai 3 nhưng giao cho Bộ GTVT làm đầu mối chính báo cáo dự án, đề xuất phương thức đầu tư.

Sau đó, giao 4 tỉnh, thành có dự án đi qua (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) làm chủ đầu tư. Đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT phải đánh giá tác động môi trường trước khi kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng cũng chấp thuận việc TP triển khai thực hiện các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3, 4, trong đó ưu tiên làm tuyến số 1 trước vì đây là tuyến đường xương sống. Chấp thuận cho TPHCM sử dụng nguồn vốn ODA (do Tây Ban Nha tài trợ) để thực hiện dự án tuyến metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn).

Theo Thủ tướng, các nước và nhà tài trợ đánh giá việc TP sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA nên TP cần tranh thủ nguồn vốn này để thực hiện các dự án giao thông, kể cả nguồn vốn trong dân thông qua việc tạo cơ chế thị trường, bảo lãnh cho vay.

Để tạo điều kiện cho TP huy động vốn từ bên ngoài, Thủ tướng cho TPHCM thí điểm cơ chế tài chính đặc thù và Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định để hướng dẫn thực hiện.

Về dự án kiểm soát triều đang thực hiện tại TPHCM, Thủ tướng cũng chấp thuận chi 130 tỉ đồng để Bộ NN-PTNT hoàn tất công tác thiết kế kỹ thuật, sớm triển khai dự án.

Riêng vấn đề kiểm soát dân số, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của TPHCM và các bộ về việc sửa đổi một số quy định trong nghị định hướng dẫn Luật Cư trú nhưng trước mắt giao Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét