Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Chi phí và lợi ích

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/33225/
Nguyên Tấn
Thứ Ba, 27/4/2010, 09:46 (GMT+7)
(TNKTSG) - Bao giờ cũng vậy, khi một chính sách, quyết định của nhà nước đưa vào thực thi thì ít nhiều đều có thể gây ra bất lợi đối với một nhóm người bị tác động liên quan. Thế nhưng, thực tế cho thấy yếu tố không kém phần quan trọng này lại dường như rất ít được quan tâm trong quá trình ban hành chính sách, quyết định. Theo các chuyên gia, đây là một vấn đề xã hội bức xúc và đáng lo ngại.

Khi ban hành lệnh cấm xe ba gác vào năm 2007, Chính phủ chỉ nhằm mục đích hạn chế ùn tắc giao thông ở các đô thị. Tuy nhiên, bằng một lệnh cấm ngắn gọn ấy hàng vạn gia đình đang hành nghề trên các phương tiện này đã bị ảnh hưởng, đến nay các địa phương vẫn lúng túng chưa biết phải hỗ trợ, xử lý ra sao. Điều đó cho thấy trong quá trình ra quyết định, cơ quan ban hành có thể đã chưa khảo sát và lường hết những tác động ngoài ý muốn lên một bộ phận dân cư có liên quan.

Có thể dẫn ra nhiều trường hợp tương tự nhưng nóng nhất có lẽ vẫn là lĩnh vực đất đai. Cách đây bảy năm, hơn 90 hộ dân tại thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, Đồng Nai, bị buộc giải tỏa để nhường đất xây dựng KCN Tân Phú. Mức bồi thường chỉ có 6.540 đồng/mét vuông, được các hộ dân phản ánh là chưa bằng giá một tô phở và so với giá thị trường thì thấp hơn tới những 5-6 lần.

Nhiều gia đình đang sống ổn định và có thu nhập khá cao từ vườn cây lâu năm sau khi nhận được số tiền đền bù ít ỏi bỗng rơi vào cảnh bấp bênh, mất thu nhập, mất đất sản xuất. Trong khi đó, KCN xây xong lại bị bỏ hoang, tiêu điều suốt nhiều năm nay. Một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường thỏa đáng nhưng đều không được chấp nhận.


Tương tự, tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, hơn 80 hộ dân đang yên ổn bằng nghề trồng rau thì được yêu cầu phải giao hơn 10 héc ta đất cho Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai (nay là Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở.

Các hộ dân suốt 20 năm nay sống bằng nghề trồng rau, trong đó nhiều gia đình khấm khá lên từ việc bán rau cho hệ thống Siêu thị Metro bỗng chốc trắng tay do bị mất đất sản xuất.

Cuộc sống của hàng chục hộ dân tại phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, mới đây cũng rơi vào cảnh xáo trộn không kém do bị cưỡng chế thu hồi đất. Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi 52 ha đất để giao cho Công ty May Nhà Bè (sau đó chuyển giao lại cho Công ty cổ phần May Phú Thịnh - Nhà Bè) làm chủ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Lộc Phát.

Do mức đền bù quá thấp, chỉ hơn 70.000 đồng/mét vuông và nhận thấy dự án có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch nên một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại. Thế nhưng, những khu vườn trồng cà phê, chè - nguồn thu nhập chính của họ vẫn bị cưỡng chế thu hồi. Mất đất sản xuất, tương lai cuộc sống mưu sinh của những gia đình này rồi sẽ ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Trên đây chỉ là vài thí dụ minh họa cho một tình trạng khá phổ biến hiện nay: cuộc sống bấp bênh, quyền lợi không được đảm bảo của những người dân bị tác động bởi chính sách thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế tại các địa phương. Thực ra, về vấn đề này pháp luật cũng đã có một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất như phải đền bù theo giá thị trường; hỗ trợ việc chuyển đổi nơi ở và nghề nghiệp; bố trí khu tái định cư… Tuy nhiên, việc thực thi thường chỉ mang tính đối phó. Chẳng hạn như luật quy định chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ nhưng trên thực tế rất ít có nơi nào làm được như vậy.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cũng cho biết hiện nay pháp luật chỉ yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động khi tổ chức soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, còn các văn bản hành chính thì hoàn toàn không quy định. Tuy nhiên, theo ông, ngay cả việc lập báo cáo tác động thực chất cũng được làm theo kiểu “chiếu lệ” vì ba lý do: thiếu kinh phí, thiếu quyết tâm và thiếu kỹ năng.

“Một văn bản quy phạm pháp luật là cụ thể hóa một chính sách của nhà nước. Để đánh giá khách quan và chính xác về tác động của dự thảo, làm cơ sở cho việc ban hành hay không ban hành văn bản thì việc nghiên cứu, đánh giá đó phải được thực hiện như một đề tài khoa học và có tính độc lập. Trong khi đó, cách đánh giá tác động hiện nay vẫn theo kiểu hành chính, nặng về hình thức” - ông Huỳnh nhận xét.

Nhìn từ góc độ chi phí và lợi ích, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cho rằng việc bỏ qua những đối tượng bị tác động thực chất là một thủ thuật nhằm giảm bớt chi phí. Chẳng hạn, khi một quyết định thu hồi đất được ban hành sẽ có sự xung đột lợi ích giữa một bên là chủ đầu tư dự án và một bên là những người dân bị tác động bởi dự án. Vì mục tiêu lợi nhuận, chủ đầu tư luôn tìm cách bỏ qua hoặc ép chi phí xuống, trong đó có những chi phí để bù đắp thiệt hại cho những người dân bị tác động trong quá trình triển khai dự án. Đó có thể là tiền đền bù do thu hồi đất; đền bù do mất việc làm; thiệt hại do chuyển đổi nơi sinh sống; thiệt hại do ô nhiễm môi trường…

Theo TS. Anh, một chính sách, quyết định của Nhà nước chỉ mang lại hiệu quả khi lợi ích thu được phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Đây chính là thước đo tốt nhất để làm cơ sở hình thành chính sách, trong đó với tư cách là đại diện của toàn dân Nhà nước phải cân nhắc, điều hòa lợi ích giữa các nhóm khi có xung đột về quyền lợi. “Tuy nhiên, phải dựa trên lợi ích chung làm nền tảng chứ không phải của doanh nghiệp hay của bản thân chính quyền, đấy mới là then chốt” - ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên HĐND TPHCM, rất nhiều chính sách vừa qua đã bị những nhóm lợi ích cục bộ tác động, làm cho méo mó. “Lợi ích từ những dự án, từ việc thu hồi đất đai lẽ ra phải được bù đắp cho bao nhiêu người dân bị thiệt hại thì hầu như lại lọt vào tay một số nhóm người. Những nhóm đó có quan hệ chặt chẽ và ăn chia lợi ích với những người quản lý nhà nước. Họ tìm cách lấy đất nhanh nhất với giá rẻ nhất, mặc kệ lợi ích của người khác. Họ giàu lên rất nhanh, họ chi phối tất cả”. Đây là một trong những nguyên nhân mà theo ông Khoa làm cho nhiều chính sách bị hỏng ngay từ khi mới ra đời vì không nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét