Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

“Hội chứng” tư vấn chính sách

Thanh Long

Thứ Tư, 17/3/2010, 09:55 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/30972/

(TBKTSG) - Tư vấn chính sách đã và đang trở thành mốt thời thượng, nhất là ở các chương trình, dự án có sự tài trợ của nước ngoài (xin gọi chung là dự án). Thậm chí có lúc, có nơi người ta còn cực đoan, thái quá tới mức chỉ quan tâm đến tư vấn chính sách hoặc đối lập tư vấn chính sách với tăng cường năng lực, vốn đã trở thành nội dung cốt lõi của hầu hết dự án nhiều thập niên vừa qua.

Có cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế còn lập hẳn nhóm cố vấn chính sách với kỳ vọng đóng góp ý kiến tư vấn được nhiều hơn cho việc hoạch định chính sách ở nước ta. Có một số dự án lập hẳn ra “nhóm tư vấn chính sách” để tư vấn cho lãnh đạo. Thậm chí một số nhóm còn có sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo bộ. Người ta đưa ra không chỉ “tầm nhìn” mà cả “lộ trình” để thực hiện tầm nhìn và tư vấn cho lãnh đạo bộ/ngành đó.

Xem ra thì có vẻ như tư vấn chính sách có yếu tố nước ngoài đã ăn sâu, bén rễ trong quá trình hoạch định chính sách ở nước ta. Vậy đã đến lúc phải dành cho chủ đề này một sự quan tâm thích đáng hơn chăng? Vì sao có “hội chứng” tư vấn chính sách như vậy? Ai cần tư vấn, vì mục đích gì, thực hiện như thế nào và làm thế nào để việc này đạt hiệu quả mong đợi? Bài này thử đưa ra một vài mổ xẻ về các vấn đề nêu trên để cùng trao đổi, bàn luận.

Các dự án tăng cường năng lực đã hết thời?

Như đã nói trên, tăng cường năng lực đã từng là nội dung cơ bản của hầu hết dự án trong những thập niên vừa qua. Nhờ các dự án này, phần nào môi trường thể chế, tổ chức, chính sách, nguồn nhân lực, các phương pháp, công cụ và kỹ năng nghiệp vụ công tác của cán bộ nhân viên của nhiều cơ quan đơn vị ở trung ương cũng như địa phương đã được cải thiện và tăng cường. Kết quả là năng suất lao động, hiệu quả và hiệu lực công tác của họ được cải thiện. Mặt hạn chế của các dự án tăng cường năng lực là hiệu quả, hiệu lực và tác động chính sách của chúng thường thấp và xảy ra khá chậm và không rõ rệt như mong đợi của cơ quan thực hiện dự án và nhất là của các nhà tài trợ.

Vị trí đặt quảng cáo

Trong một số trường hợp vốn viện trợ bị “băm vụn” ra, rải mành mành khắp nơi, mỗi cơ quan đơn vị địa phương một ít (“mưa cho đều”) dẫn đến khó kiểm soát được hiệu quả của vốn viện trợ. Hơn nữa và quan trọng nhất là ở các dự án này, tăng cường năng lực không nhất thiết dẫn đến hiệu ứng chính sách, vốn là mục đích gián tiếp của bất kỳ dự án nào.

Trong bối cảnh đó, tư vấn chính sách được đưa ra và kỳ vọng như một phép mầu nhiệm, một lời giải tối ưu cho các nhà tài trợ. Thậm chí có người còn coi nó như “chiếc đũa thần” để chữa trị nhiều căn bệnh mãn tính trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật (không hoàn lại).

Thực ra, quan niệm như vậy chưa hẳn đã phù hợp với thực tế và thiếu cơ sở vững chắc. Nếu biết làm, các dự án tăng cường năng lực vẫn có thể phát huy tác dụng tốt, nhất là khi các hợp phần tư vấn chính sách được lồng ghép một cách nhuần nhuyễn và hợp lý vào trong các dự án tăng cường năng lực và được phối hợp thực hiện với các hợp phần đó.

Một đội bóng đá không thể chỉ có tiền vệ. Trung vệ và hậu vệ chính là rường cột, là nền tảng để tiền vệ ghi bàn. Ở các dự án cũng vậy, nếu thiếu quan tâm đến nội dung tăng cường năng lực mà chỉ tập trung vào tư vấn chính sách thì chẳng khác gì người khổng lồ gắn trên đôi chân đất sét, sớm muộn gì cũng không thể đứng vững, nói gì đến đi xa. Tách rời tăng cường năng lực thì tư vấn chính sách như hồn lìa khỏi xác, tưởng có thể bay cao, bay xa nhưng dễ mất đà và lạc lối. Bài học tưởng rất đơn giản này nhưng không hẳn ai cũng hiểu rõ và vận dụng được.

Tư vấn chính sách có “ông chủ” đích thực?

Ở nước ta tư vấn chính sách không phải là mới. Có chăng chỉ là ở cách gọi. Trong lịch sử quản lý kinh tế, ngay từ thời cố Tổng bí thư Lê Duẩn, đã từng có các nhóm chuyên gia cả trong và ngoài nước (thường là từ Liên Xô cũ) thường xuyên cung cấp ý kiến tư vấn cho lãnh đạo trong các quyết sách quan trọng. Đặc biệt, đường lối đổi mới được Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) thông qua cũng dựa trên nhiều ý kiến tư vấn chính sách của Tổ chuyên gia trong nước do cố Tổng bí thư Trường Chinh triệu tập. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã khai thác thành công nhiều ý kiến tư vấn, kể cả của các chuyên gia nước ngoài khi ông tại nhiệm. Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) được đưa vào nước ta thay cho hệ thống MPS (hệ thống thống kê sản xuất vật chất của khối SEV cũ) là một ví dụ.

Vậy vì lý do gì mà gần đây tư vấn chính sách lại trở nên thời thượng như vừa nói ở đầu bài? Có thể một trong những lý do là sự bế tắc của các dự án tăng cường năng lực như vừa phân tích ở trên và tư vấn chính sách được coi như một giải pháp thay thế hữu hiệu? Bên cạnh đó, liệu có thể kể thêm vai trò xúc tác của báo chí? Bất kỳ một “diễn đàn chính sách” nào, một “diễn đàn đối tác” nào cũng đều được báo chí quan tâm sát sao, chứ không như ngày xưa.

Người ta cảm nhận rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm vấn đề ai là người ra đầu bài, ai đặt ra những vấn đề chính sách quan trọng cần phải trao đổi thảo luận với các chuyên gia trong và ngoài nước? Ai là người theo dõi và theo đuổi đến cùng những vấn đề đó để đưa vào chính sách hoặc để thực thi chúng?

Thực tế cho thấy trả lời câu hỏi này không dễ chút nào. Nếu như các nhà lãnh đạo nước ta trước đây có dụng ý rất rõ ràng khi sử dụng các tổ chuyên gia thì dường như ngày nay các cơ quan đối tác nước ta chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này. Có vẻ như “nước chảy bèo trôi”, thậm chí trong nhiều trường hợp là do sự chủ động đề xuất của các nhà tài trợ.

Sự vô tư ở đây có nên xem lại? Vậy thì tư vấn chính sách có phải xuất phát từ phía “cầu” hay chủ yếu là do phía “cung” gợi ý, định hướng? Nếu vậy thì tư vấn chính sách có thực sự cần thiết hay không, nếu có là vì mục đích gì? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan, đơn vị hiện đang có hoạt động tư vấn chính sách.

Để tư vấn chính sách thật sự có ích cho sự phát triển của Việt Nam

Nguồn lực ở các dự án rất lớn, đặc biệt là các cơ hội để khai thác trí tuệ và kinh nghiệm thế giới cho các vấn đề ở tầm chính sách, kể cả để tránh “vết xe đổ”. Do vậy nếu biết khai thác thì đây thực sự là kho báu theo kiểu “nồi cơm Thạch Sanh”, vơi rồi lại đầy. Dưới đây chỉ là một vài gợi ý.

• Phát huy trí tuệ của xã hội trong việc xác định “cầu” tư vấn chính sách. Đây vừa là biện pháp cần thiết để đảm bảo cho tư vấn chính sách có chủ nhân đích thực của mình (chính là nhân dân, không nên chỉ có các cơ quan đơn vị có dự án) trong việc xác định “cầu” tư vấn chính sách, mặt khác cũng là cách để xã hội giám sát việc tư vấn chính sách như đề cập thêm ở điểm dưới.

Muốn vậy cần công khai việc xác định “cầu” tư vấn chính sách để mọi người có cơ hội tham gia hiến kế. Ví dụ: xác định phương hướng, mục tiêu và nội dung trọng tâm ưu tiên của chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Tương tự như vậy là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta trong mười năm tới. Hệ thống pháp luật và hành chính nhà nước tác động trực tiếp và liên quan mật thiết đến đời sống và công việc làm ăn của mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy cần công bố rộng rãi việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân biết và tham gia góp ý tránh tình trạng chỉ bó hẹp trong phạm vi các cơ quan nhà nước như hiện nay.

• Tăng cường việc giám sát của xã hội đối với việc cung ứng tư vấn chính sách. Chất lượng tư vấn và tính vô tư của các hoạt động tư vấn chính sách cần được giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu hiệu ứng ngược của việc tư vấn chính sách, nhất là ở những vấn đề mới và hóc búa do mở cửa và hội nhập đặt ra.

Ví dụ: vấn đề tỷ giá, lạm phát, thất nghiệp, cơ cấu kinh tế, sở hữu tài sản, quản lý các tập đoàn nhà nước, môi trường... Trước hết cần gia tăng sự tham gia phản biện của các chuyên gia, kể cả trong và ngoài nước. Chú trọng việc lấy ý kiến của những người có cách nhìn và quan điểm khác với các cơ quan, đơn vị và chuyên gia đã tham gia cung cấp ý kiến tư vấn vòng đầu.

• Phát triển đội ngũ tư vấn chính sách trong nước. Điều rất mừng là hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều diễn đàn chính sách do chính các cơ quan Việt Nam chủ trì thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia trong nước với chất lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả và tính vô tư, không thiên vị của các hoạt động này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đây là một thực tế khách quan và cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này. Vả lại cũng không có cơ chế quản lý nào có thể giải quyết được vấn đề này.

Phải chăng giải pháp hữu hiệu và thiết thực nhất là khuyến khích tinh thần chấp nhận rủi ro (có đúng, có sai), với thái độ thực sự cầu thị và nhìn về phía trước. Trong đó cần khai thác tối đa nguồn lực của các dự án có sự tài trợ của nước ngoài, chủ yếu theo hướng làm bà đỡ nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ tư vấn chính sách trong nước. Như vậy, bên cạnh một số nội dung tư vấn cụ thể ở các dự án, Chính phủ nên đặt ra yêu cầu các dự án cần hỗ trợ việc xây dựng và phát triển đội ngũ tư vấn chính sách trong nước theo kiểu “vừa học, vừa làm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét