Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Vi tín dụng bóc lột người nghèo

http://sgtt.com.vn/Quoc-te/121037/Vi-tin-dung-boc-lot-nguoi-ngheo.html

Muhammed Yunus, nhà kinh tế học kiêm chủ ngân hàng Grameen, đã đi tiên phong trong việc phát triển loại hình tín dụng vi mô cho người nghèo vay tại Bangladesh và nhờ đó ông đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2006. Vào năm 2005, ý tưởng cho vay trên được đánh giá như một ý tưởng cực kỳ xuất sắc tại Liên Hiệp Quốc.

Kiếm lời trên xương máu người nghèo

Nay ý tưởng đó đang biến thành công cụ đem lại miếng bánh béo bở mà nhiều nơi đang ra sức vơ vét của người nghèo. Một số ngân hàng chủ chốt trong lĩnh vực này thực hiện mức lãi suất và phí lên đến 100% và có trường hợp còn cao hơn thế.

Tình trạng này đang trở nên đáng báo động, chính kinh tế gia Yunus phải cảnh báo tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc: “Chúng ta tạo ra tín dụng cho người nghèo để chống lại những kẻ cho vay nặng lãi chứ không phải chúng ta tạo ra tín dụng cho người nghèo để khuyến khích những kẻ cho vay nặng lãi mới. Vi tín dụng nên được xem như một cơ hội để giúp người dân thoát nghèo bằng một công việc kinh doanh nào đó hơn là cơ hội để kiếm lời từ người nghèo”.

Mức lãi suất cho người nghèo vay rất khác nhau ở các nước. Đặc biệt ở những quốc gia như Nigeria và Mexico, hai nước có số người nghèo cần vay rất lớn bởi dân số họ quá đông, mức lãi suất khá cao so với mức trung bình của thế giới. Điển hình như mức lãi suất và phí trung bình mỗi năm tại Mexico lên đến 70% trong khi của thế giới là 37%. Có cả những đơn vị cho vay như Te Creemos có mức lãi lên đến 125% và được xem là nơi có lãi suất cao nhất trong tài chính vi mô dành cho người nghèo.

Lợi nhuận khổng lồ

Trong thực tế, người ta không thể kiểm soát được lãi suất của các chương trình tài chính vi mô dành cho người nghèo. Các chương trình cho vay khiến cho không ít khách hàng hiểu khá lờ mờ về phần lãi suất mà họ phải trả. Nhiều công ty còn có yêu cầu người vay phải có cả khoản tiết kiệm bắt buộc trích từ khoản tiền vay. Điển hình như cô Anita Edward đã khá bất bình khi bị LAVO nơi cho cô vay 666USD bắt phải lưu lại khoản tiết kiệm trị giá 100USD từ khoản vay trong khi cô phải trả lãi suất đầy đủ cho tổng tiền vay. Những yêu cầu này vô tình làm cho lãi suất thực tăng lên.

Với lãi suất quá cao, những khoản tín dụng cho người nghèo đem đến cho các công ty tài chính những khoản lãi khổng lồ. Điển hình như tổ chức từ thiện CARE đặt tại Atlanta được một công ty cho vay hậu thuẫn. Tổ chức này bắt đầu hoạt động cho vay tại Peru vào năm 1997 với số vốn ban đầu chỉ 3,5 triệu USD. Nhưng vào năm ngoái một trong những ngân hàng lớn nhất Peru là Banco de Credito đã mua lại các phi vụ cho vay của CARE với giá 96 triệu USD, nên CARE đã kiếm lợi được 74 triệu USD.

Hay công ty Compartamos của Mexico bắt đầu như một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ nhưng đến năm 2007 nó đã phát hành cổ phiếu ra công chúng trị giá 458 triệu USD. Mức lãi suất và phí cho vay của Compartamos lên đến 82%.

Hiện tại, theo bà Elisabeth Rhyne, người điều hành Center for Financial Inclusion, các ngân hàng đang chiếm 60% thị phần cho người nghèo vay, các tổ chức phi chính phủ chiếm 35% và các ngân hàng nông thôn chiếm 5% còn lại. Giá trị của ngành tài chính vi mô dành cho người nghèo trên toàn cầu cũng đạt 60 tỷ USD

Tranh luận về lãi suất

Khi các công ty kiếm lợi lớn như thế từ người nghèo, người ta tự hỏi liệu việc cho người nghèo vay có đem lại nhiều điều tích cực như người ta vẫn nói. Một số kết luận gần đây tuy phản ánh những tiêu cực từ việc kiếm lãi cho người nghèo vay nhưng vẫn xem đó là một trong những nền tảng giúp cải thiện tình trạng đói nghèo. Giáo sư Dean S. Karlan của đại học Yale nhận xét: “Nó không phải là biện pháp duy nhất như những người cổ xúy nó rao giảng, nhưng nó vẫn có những lợi ích tích cực”.

Vì thế, người ta mong muốn các dịch vụ tài chính này có một mức lãi suất thỏa đáng. Theo kinh tế gia Muhammed Yunus, mức lãi suất vừa phải tính luôn phí nên dao động từ 10 – 15%. Ông cho rằng cần vạch ra một lằn ranh giữa sự thành thật và lạm dụng. Ông cho rằng những dịch vụ nào nằm quá mức lãi suất trên nên liệt vào nhóm báo động đỏ. Theo Adrian Gonzalez, đứng đầu nhóm nghiên cứu của trang web chuyên theo dõi về tài chính vi mô có tên MIX, nhận xét thì có đến 75% trong số hơn 1000 công ty tài chính vi mô mà công ty này theo dõi sẽ nằm trong nhóm các danh sách đỏ theo tiêu chuẩn của ông Yunus.

Các công ty cho vay thì cho rằng bởi người nghèo thường không có thế chấp nên khoảng chi phí đảm bảo các khoản vay là rất lớn. Nên nếu giảm lãi suất như yêu cầu đề ra thì những khoản vay sẽ khó đến với những người nghèo nhất. Khi đó, các chương trình sẽ khó đạt được như mong muốn.

Ngô Minh Trí (NYT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét