http://sgtt.vn/Goc-nhin/129469/Cong-bang-cua-chu-nghia-xa-hoi.html
Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi thêm với TS Nghĩa về chủ đề này.
Ông đã đề cập đến vấn đề cốt lõi mà chủ nghĩa xã hội hướng tới. Có cách giải quyết nào tốt hơn không?
Có học giả quốc tế gần đây bình luận rằng người Trung Quốc coi chủ nghĩa xã hội như là một brand name (thương hiệu). Dưới chữ đó người ta có thể hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Nếu bám vào học thuyết cũ mà coi chủ nghĩa xã hội với những nền tảng số một là doanh nghiệp nhà nước, số hai là sở hữu toàn dân về các loại tư liệu sản xuất, số ba là nền kinh tế chỉ huy thì thất bại. Vì thế Trung Quốc và các nước cộng sản phải chuyển đổi cách hiểu một cách uyển chuyển. Người Việt Nam cũng như thế thôi, chúng ta đã cải cách bằng uyển ngữ, những ngôn ngữ có thể phát huy được các sức mạnh xã hội. Vậy phải tìm cách định nghĩa lại những giá trị xã hội chủ nghĩa cho nó tử tế hơn, nhân văn hơn, linh hoạt hơn.
Chúng tôi đi theo hướng thứhai, coi chủ nghĩa xã hội là phúc lợi được chia một cách công bằng cho các nhóm, đặc biệt là nhóm yếu thế. Chủ nghĩa xã hội là quan niệm về phân bổ phúc lợi, làm cho doanh nghiệp phải có trách nhiệm và người dân phải có tiếng nói trong xã hội. Hiểu cách đó giúp cho chúng ta tiếp tục cải cách. Còn nếu cứ bám chặt vào các khái niệm cũ thì chúng ta tự giam chúng ta trong lâu đài quan niệm.
Gần đây một số học giả nói nhiều về các nhóm lợi ích tác động đến chính sách, gây bất bình đẳng trong kinh doanh, trong xã hội. Vậy đâu là tính công bằng của chủ nghĩa xã hội, theo ông?
Quả thật khác với cách đây mười năm, các nhóm lợi ích ngày nay không còn che giấu vai trò ngày càng tích cực của họ trong việc vận động chính sách. Ví dụ như các tập đoàn thường xuyên có các cuộc gặp với lãnh đạo hay tham gia vào đề xuất chính sách. Vì vậy, nhiều người đánh giá luật kinh tế của Việt Nam có lợi thứ nhất cho Nhà nước để quản lý, thứ hai cho các tập đoàn và doanh nhân. Còn người tiêu dùng không được gì. Ví dụ, anh thử đi mua một căn hộ đi, anh có được đàm phán với người bán căn hộ về hợp đồng không? Anh sẽ thấy trong bối cảnh bất cân xứng về thông tin, cuộc chơi thuộc về người có tiền và quyền lực.
Ví dụ cụ thể về vấn đề này, theo cách hiểu của ông, là việc gần đây bộ Tư pháp và tổng cục Thuế ký hợp đồng hỗ trợ tư pháp cho Petro Vietnam có phải không?
Đó là một hành vi không khéo về chính trị. Vì bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành luật pháp cho quốc gia chứ không phải cho một doanh nghiệp.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá cao, nên cần nhiều đất đai. Nhà nước đã quy định là doanh nghiệp lấy đất cần trực tiếp thoả thuận với dân nhưng hầu như chính quyền địa phương lại làm thay họ. Kết cục là người dân bị thu hồi đất mà không thể kêu. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?
Đó là một câu hỏi hay. Cần nghiên cứu thêm về vấn đề đó. Còn cá nhân tôi chỉ nói là Nhà nước mà bảo lãnh cho doanh nghiệp, đi vay vốn, làm thay doanh nghiệp là điều không nên.
Ông có thể nói gì thêm về khái niệm sở hữu toàn dân?
Tôi đã từng nói công khai rằng sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị. Chừng nào mà khái niệm chính trị đó không có hại thì không sao. Nhưng dưới cái mũ sở hữu toàn dân nó đã gây ra rất nhiều bất công, làm cho sở hữu của toàn dân tộc rơi vào tay của những nhóm người có ảnh hưởng. Vì vậy, cần có những khái niệm có thể dùng được để bảo vệ lợi ích quốc gia và phúc lợi công bằng.
Chúng tôi quan niệm Nhà nước chỉ là một thành tố trong quốc gia và vì thế sở hữu phải của nhiều thế hệ. Ví dụ như bờ biển, sông ngòi, rừng,… Ngoài ra, còn đòi hỏi phải có sự phân quyền rạch ròi cho chính quyền địa phương… Vì thế chúng tôi cho rằng nên thay đổi quan niệm chính trị sở hữu toàn dân thành quan niệm pháp lý rạch ròi hơn, là pháp nhân quốc gia.
Pháp nhân quốc gia hình thành ở hai cấp độ, cấp toàn quốc và cấp chính quyền địa phương. Điều này sẽ dẫn đến luận điểm chắc chắn là toàn bộ tài sản đấy thuộc về một cơ quan quản lý công sản. Một bộ hay một sở không thể bán trụ sở của mình.
Mới đây một số sở tư nhân hoá trụ sở là hiện tượng quá lạm quyền bởi lẽ sở chỉ là cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương. Chỉ có cơ quan quản lý công sản mới có quyền đó.
Thế thì, nếu chuyển đổi như vậy sẽ giúp minh định rõ hơn trách nhiệm của chính phủ với khối tài sản quốc gia. Nếu chính phủ không quản lý được thì quốc hội mới chất vấn và buộc chính phủ chịu trách nhiệm. Càng không nên để chính phủ có quá nhiều quyền trong việc tiêu dùng tài sản quốc gia.
Ví dụ một bộ lại giao cho hai ông làm chủ tịch hai tập đoàn. Hai người đó có quyền biểu quyết khổng lồ với khối tài sản. Bên cạnh đó, tài sản của hàng ngàn năm tích lũy như bờ biển hay đảo đang bị tư nhân hoá. Đó là bi kịch đã diễn ra trong năm năm vừa rồi. Khối lượng công sản đã vào tay tư nhân tăng lên khủng khiếp. Anh có thể thấy hiện tượng tư nhân hoá ở khắp nơi.
Nhưng sở hữu toàn dân là khái niệm gắn với thể chế. Làm sao mà sửa được?
Luật sinh ra để phục vụ con người, không phải là những thứ bất biến. Nếu luật pháp không hợp với thời đại thì phải sửa, thì luật mới sống.
Không có gì không làm được. Nếu không sửa được hiến pháp thì người ta phải giải thích hiến pháp, hay phải ban hành đạo luật cắt nghĩa hiến pháp. Hay một cách khác, nếu nó khó sửa quá thì tôi đưa ra công cụ thay thế, cho vào đó linh hồn mới rồi giải thích nó theo nghĩa mới.
Cả cuộc cải cách của Việt Nam trong bốn năm liền từ sau 1986 đã diễn ra kinh tế tư bản tư nhân nhưng có sửa hiến pháp năm 80 đâu. Đến năm 92 mới sửa đấy thôi.
Tức là sửa khái niệm này về mặt thực tế thì chả khó gì cả.
Hiện nay, ông thấy sức ép đó ở mức độ nào?
Một đất nước tồn tại nó có những cán cân. Nhưng hiện nay đất đai cho nông nghiệp suy giảm, sông Mekong bị đe doạ, người nông dân khiếu kiện tập thể tăng lên, sự bức bối trong làng xã tăng lên, nông dân chán ruộng,… Anh sẽ thấy sức ép dữ dội xuất phát từ những nông dân không còn duy trì cuộc sống của họ được nữa.
Tư Giang (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét