TS. Võ Kim Cương
Thứ Tư, 15/9/2010, 17:10 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/40221/
(TBKTSG) - Dự án đề cập trong bài này là dự án đầu tư nói chung (theo Luật Đầu tư) và dự án đầu tư xây dựng công trình theo Luật Xây dựng. Khi đầu tư, chủ đầu tư phải lập dự án để xem xét, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội làm cơ sở cho việc ra quyết định đầu tư.
Cơ sở để quyết định đầu tư vào đâu
Đối với một doanh nghiệp, khi có sẵn một nguồn tài chính, việc cân nhắc đầu tiên là “cần đầu tư vào đâu?”. Để trả lời câu hỏi này, chủ doanh nghiệp buộc phải so sánh nhiều hướng khác nhau như đầu tư vào kinh doanh xây dựng bất động sản, hay vào kinh doanh hàng hóa, hay đơn giản là mua chứng khoán.
Đối với một thành phố hay một quốc gia, chính quyền vốn sinh ra là để huy động và sử dụng mọi nguồn lực phục vụ việc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng phải cân nhắc việc “đầu tư vào đâu” như vậy. Dựa trên cơ sở nào để quyết định việc đầu tư vào đâu?
Các chủ doanh nghiệp cũng như Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ hay chính quyền các cấp) đều cần có đủ thông tin để chọn hướng đầu tư hay quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, nội dung của dự án đầu tư theo Luật Xây dựng chỉ là những thông tin về dự án.
Cụ thể, tại điều 37 Luật Xây dựng, nội dung chủ yếu của phần thuyết minh là những thông tin sau: “Mục tiêu, địa điểm, quy mô, công suất, công nghệ, các giải pháp kinh tế kỹ thuật, nguồn vốn và tổng mức đầu tư, chủ đầu tư và hình thức quản lý dự án, hình thức đầu tư, thời gian, hiệu quả, phòng chống cháy nổ, đánh giá tác động môi trường”. Có thể thấy các thông tin trong thuyết minh dự án là những thông tin sau khi đã có quyết định về chủ trương đầu tư.
Đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, theo Luật Xây dựng: “Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phải lập báo cáo đầu tư để trình cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư”. Nội dung báo cáo đầu tư bao gồm sự cần thiết đầu tư, dự kiến quy mô đầu tư, phân tích lựa chọn sơ bộ về công nghệ, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và trả nợ, tính toán sơ bộ hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội...
Có thể thấy các nội dung này chủ yếu vẫn là những thông tin về bản thân dự án, ngoại trừ thông tin về “sự cần thiết phải đầu tư”. Những thông tin sơ bộ về dự án và nội dung thuyết minh về sự cần thiết phải đầu tư chỉ để trả lời câu hỏi: “Có nên đầu tư dự án này hay không?”, chứ chưa trả lời được câu hỏi: “Cần đầu tư vào đâu?”.
Để trả lời câu hỏi: “Cần đầu tư vào đâu?” phải so sánh hiệu quả của các dự án với nhau, đó là sự so sánh ngoài dự án.Hãy lấy dự án đường sắt cao tốc được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp vừa qua làm ví dụ. Ta có thể thấy có 4 cấp so sánh lựa chọn phương án chính:
1. So sánh các phương án của đường sắt cao tốc như phương án tuyến, phương án phân kỳ đầu tư, phương án huy động vốn...
2. So sánh các phương án đầu tư đường sắt như xây đường cao tốc, cải tạo từng bước hệ thống cũ, đổi đường 1 mét thành đường 1,435 mét, đổi đường đơn thành đường đôi...
3. So sánh giữa đầu tư cho đường sắt cao tốc với đầu tư cho các hệ thống giao thông khác như đường bộ, hàng không, đường thủy.
4. So sánh giữa đầu tư cho đường sắt cao tốc với các mục tiêu khác như đầu tư cho nguồn nhân lực, đầu tư cho nông nhiệp...
Trong 4 cấp so sánh trên đây, cấp 1 là so sánh trong dự án đường sắt cao tốc. Cấp 2, 3, 4 đều là các so sánh ngoài dự án. Trong đó cấp 2 phục vụ việc quyết định chủ trương đầu tư của ngành đường sắt. Khi chứng minh sự cần thiết phải đầu tư, tư vấn dự án chắc phải thực hiện so sánh ở cấp này.
Việc so sánh chọn phương án ở cấp 3 và cấp 4 thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ. Được biết việc so sánh này do các cơ quan thẩm định thực hiện để trình Chính phủ và Quốc hội. Để thẩm định dự án này, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã sử dụng các cơ quan chuyên môn và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia. Nhưng như đã thấy, các đại biếu Quốc hội vẫn thiếu thông tin, dự án đã bị gác lại.
Để biểu quyết, các đại biểu Quốc hội phải thực hiện so sánh phương án ở cấp 3 và 4 (so sánh ngoài dự án). Nhưng đến nay chưa có luật nào quy định về việc chuẩn bị thông tin cho việc so sánh này. Các luật chỉ quy định dự án phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nội dung thẩm định dự án được quy định rõ hơn trong các nghị định của Chính phủ cũng chỉ tập trung xem xét tính xác thực của bản thuyết minh dự án, nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch.
Việc so sánh ngoài dự án đã được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch và kế hoạch chưa? Xem xét dự án đường sắt cao tốc và đồ án quy hoạch mở rộng Thủ đô Hà Nội đều chưa thấy được điều đó. So sánh ngoài dự án đòi hỏi thông tin đầy đủ và toàn diện, đây là yêu cầu khó khăn ngay cả đối với các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan. Vừa qua, các ý kiến thảo luận ở Quốc hội cũng như trên báo đài nhiều lúc theo cảm tính hơn là trên cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, các ý kiến còn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích cục bộ riêng. Việc thương thảo để giải quyết hài hòa các lợi ích của nhân dân dễ biến thành việc cân đối các lợi ích cục bộ.
So sánh ngoài dự án: so sánh cấp chiến lược
Dù là dự án của doanh nghiệp hay của quốc gia, so sánh ngoài dự án đều là so sánh ở cấp chiến lược. Trong điều kiện chưa có các quy định cụ thể về nội dung và cách thức so sánh ngoài dự án, việc chọn phương án phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người đứng đầu. Quyết định đầu tư vào đâu cũng giống như quyết định mở chiến dịch ở đâu trong chiến tranh. Trước đây, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã để lại dấu ấn đậm nét khi quyết định đầu tư đường dây điện 500 KV Bắc - Nam.
Ở Hàn Quốc, Lý Thừa Vãn là một nhà độc tài, nhưng ông ta đã để lại cho Hàn Quốc thành quả của chủ trương đầu tư vượt trội cho giáo dục ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Hàn Quốc vừa thoát khỏi chiến tranh và còn rất nghèo khổ. Cho đến nay, khi so sánh hai nền kinh tế tương đương nhau - Tây Ban Nha và Hàn Quốc - người ta đã cho rằng Hàn Quốc sẽ nhanh chóng vượt xa Tây Ban Nha, vì Hàn Quốc đầu tư cho giáo dục cao hơn đáng kể. Các nhà chiến lược tài năng biết lựa chọn thông tin và so sánh ngoài dự án, biết chọn lọc và nghe ý kiến chuyên môn, nhiều khi ý kiến thiểu số đúng đắn hơn đa số.
Đối với một thành phố hay một quốc gia, rất cần những cơ quan nghiên cứu chiến lược mạnh. Nhiệm vụ số 1 và có tính chất bao trùm của các cơ quan này là tham mưu cho cấp thẩm quyền trả lời câu hỏi: “Đầu tư vào đâu?”. Trước hết, các cơ quan nghiên cứu này phải đồng thời là các trung tâm thông tin và có năng lực thu thập và xử lý thông tin mạnh.
“Nhà ta nghèo, khó kiếm được thức ăn nên chúng ta phải giỏi nấu nướng”, các bà mẹ thường dạy chúng ta như vậy. Suy rộng ra, nước ta còn nghèo nên phải giỏi khai thác và sử dụng nguồn lực phát triển đất nước, ngõ hầu sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ và các bậc tiền bối đã chiến đấu giành lại nền độc lập tự do ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét