http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/30699/
(TBKTSG) - Tiếp theo vấn đề hợp đồng phù hợp hay vô hiệu của TBKTSG số 9-2010 ra ngày 25-2-2010, bài viết này của TS. Nguyễn Quốc Vinh sẽ phân tích về nguồn gốc học thuyết yêu cầu pháp nhân phải kinh doanh trong phạm vi đang ký kinh doanh (ĐKKD) trên thế giới, lược sử áp dụng quy định tại Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị để giải quyết vấn đề này.
Nguồn gốc của học thuyết ultra vires
Học thuyết yêu cầu doanh nghiệp phải kinh doanh trong phạm vi ĐKKD và trong văn kiện thành lập công ty, bao gồm điều lệ (Articles of Association) và thỏa thuận thành lập (Memorandum of Association), được hiểu chung trên thế giới là học thuyết về ultra vires (doctrine of ultra vires).
Học thuyết này có nguồn gốc từ nước Anh. “Ultra” theo tiếng La tinh có nghĩa là vượt quá còn “vires” có nghĩa là thẩm quyền của một người. Học thuyết được áp dụng phổ biến nhất trong pháp luật công ty với nghĩa là hành vi vượt quá phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty mà đã được nêu trong văn kiện thành lập công ty.
Về lịch sử, học thuyết ultra vires được áp dụng đầu tiên tại Anh đối với công ty thành lập theo các đạo luật của Nghị viện (Acts of Parliament). Tuy nhiên, học thuyết chỉ bắt đầu được áp dụng phổ biến sau sự ban hành Đạo luật về công ty cổ phần năm 1856 (Joint Stock Company Act 1856).
Khi ban hành đạo luật này, các nhà lập pháp Anh quốc có suy nghĩ rằng một khi cho phép trách nhiệm của cổ đông là hữu hạn thì chủ nợ của công ty sẽ không được đảm bảo. Bởi vì, cổ đông trong công ty có thể lạm dụng địa vị trách nhiệm hữu hạn để trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình. Vì lẽ đó, để bảo vệ chủ nợ và cổ đông tương lai, đạo luật về công ty cổ phần 1856 yêu cầu rằng trong thỏa thuận thành lập, các cổ đông phải có điều khoản về phạm vi hoạt động (object clause) của công ty, trong đó liệt kê các lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Bằng cách này, một chủ nợ hoặc một cổ đông tương lai có thể tham chiếu đến điều khoản về phạm vi hoạt động để biết phạm vi hoạt động của công ty và quyết định có cho nợ hoặc đầu tư vào công ty hay không. Nếu công ty có hành vi vượt quá phạm vi hoạt động đã quy định thì chủ nợ hoặc cổ đông có quyền yêu cầu tòa án ra lệnh yêu cầu công ty chấm dứt hành vi vượt quá thẩm quyền hoặc yêu cầu giải thể công ty. Đối với giao dịch vượt quá thẩm quyền đã giao kết với bên thứ ba, cổ đông hoặc chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu giao dịch với bên thứ ba.
Tuy nhiên, ngay từ khi học thuyết ultra vires được áp dụng thì nó đã bộc lộ ngay những nhược điểm của mình vì học thuyết hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những người điều hành doanh nghiệp hoặc bên đối tác luôn phải xác định xem hành vi của doanh nghiệp có nằm trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp hay không.
Ngoài ra, một nhược điểm khác của học thuyết là một bên ác ý luôn có thể lạm dụng học thuyết để yêu cầu vô hiệu hợp đồng, khiến học thuyết trở thành một cái bẫy cho những bên ngay tình. Chính bản thân tòa án Anh Quốc cũng nhận thấy sự bất hợp lý của quy định mà những án lệ sau đó, tòa án bằng cách này hay cách khác giảm thiểu đi tính hà khắc của học thuyết ultra vires mà chính tòa đã áp dụng.
Vì những lẽ trên mà Anh Quốc đã thực hiện một loạt những sửa đổi trong luật công ty của mình để loại bỏ ảnh hưởng bất lợi của học thuyết. Những sửa đổi lớn đối với học thuyết được thực hiện tại Đạo luật về công ty (Companies Act) vào những năm 1948, 1985 và 1989. Trong đó những sửa đổi tại Đạo luật về công ty 1989 được coi là triệt để nhất.
Điều 35.1, Đạo luật về công ty 1989 quy định rằng: “Tính có hiệu lực của một hành vi của công ty không bị ảnh hưởng bởi lý do rằng công ty không có thẩm quyền thực hiện hành vi đó như được quy định tại thỏa thuận thành lập công ty”.
Theo quy định trên dù công ty có hay không quy định tại văn kiện thành lập phạm vi hoạt động, kinh doanh của mình nhưng quy định này sẽ không có hiệu lực khi công ty thực hiện giao dịch với bên thứ ba. Nói cách khác, nhằm để bảo vệ bên ngay tình và tính an toàn của giao dịch, nhà lập pháp quy định giao dịch với bên thứ ba vẫn có hiệu lực dù giao dịch này vượt quá lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận tính có hiệu lực của giao dịch với bên thứ ba, các nhà lập pháp Anh vẫn cho phép học thuyết có giá trị ràng buộc trong nội bộ công ty. Giả sử các cổ đông trong văn kiện thành lập vẫn quy định về phạm vi hoạt động của công ty mà người đại diện cho công ty lại hành động vượt quá phạm vi này, gây thiệt hại cho công ty hay chủ nợ thì người đại diện sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với cổ đông hoặc chủ nợ công ty. Cổ đông hay chủ nợ khác có quyền kiện đòi người đại diện công ty cho hành vi ultra vires được thực hiện bởi người này.
Học thuyết ultra vires tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Ở Việt Nam, yêu cầu về doanh nghiệp phải hoạt động trong phạm vi ĐKKD được đề cập đầu tiên tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (HĐKT) 1989. Điều 8.1(b) pháp lệnh này quy định rằng hợp đồng sẽ vô hiệu toàn bộ nếu “Một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật…”.
Tiếp theo đó, Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995 quy định rằng một pháp nhân “phải hoạt động đúng mục đích [mà nó được thành lập]”. Quy định này là một quy định bắt buộc, việc vi phạm sẽ mang đến hậu quả, trong phạm vi giao dịch dân sự/kinh tế, là hợp đồng vô hiệu.
Luật Doanh nghiệp 1999 (LDN 1999) cũng quy định rằng doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng các ngành, nghề đã đăng ký”. Luật có quy định về hậu quả hành chính đối với hành vi vi phạm. Hậu quả về mặt pháp luật dân sự (giao dịch có vô hiệu hay không) luật không đề cập tới.
Các nhà làm luật Việt Nam không giải thích vì sao họ đặt ra các yêu cầu trên. Vì vậy, thật khó mà xác định được ý chí đích thực của nhà làm luật. Trong một bài nghiên cứu của mình về học thuyết ultra vires tại các nước theo hệ thống kinh tế XHCN, hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã chứng minh rằng việc quy định doanh nghiệp phải hoạt động trong phạm vi ĐKKD có nguồn gốc là nhằm để bảo đảm rằng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo đúng các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế của nhà nước giao cho mình.
Kể từ thời điểm ban hành Pháp lệnh HĐKT và BLDS 1995, quy định yêu cầu doanh nghiệp phải hoạt động trong phạm vi ĐKKD cũng đã tạo ra rất nhiều phiền toái cho doanh nghiệp làm ăn đứng đắn. Bên ác ý luôn viện đến quy định này để trốn tránh trách nhiệm trả nợ của mình. Tòa án đã vô hiệu rất nhiều hợp đồng chỉ vì doanh nghiệp vi phạm quy định này. Nhận thức được sự vô lý của quy định, TAND tối cao trong Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP đã nới lỏng tính hà khắc của quy định bằng việc cho phép bên không ĐKKD nếu đã bổ sung ĐKKD trước khi xảy ra tranh chấp (tất nhiên sau khi hợp đồng được giao kết) thì hợp đồng vẫn có hiệu lực.
Với việc ban hành BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 đã thay thế BLDS 1995 và Pháp lệnh HĐKT, hậu quả vô hiệu tại các văn bản trên đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn giữ nguyên điều khoản yêu cầu doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động trong phạm vi ĐKKD tại điều 9.1 của mình. Quy định này là tiền đề cho việc sự trở lại của hậu quả hợp đồng vô hiệu do doanh nghiệp vi phạm phạm vi ĐKKD mà các vụ án gần đây là ví dụ.
Để tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh và bảo vệ bên ngay tình, các nhà làm luật Việt Nam, vì lẽ đó, cần phải quy định triệt để về hậu quả dân sự của yêu cầu kinh doanh trong phạm vi ĐKKD. Giao dịch vượt quá phạm vi ĐKKD có vô hiệu hay không? Trường hợp nào thì vô hiệu và vì sao lại vô hiệu?
Để tìm giải pháp cho hậu quả hợp đồng của giao dịch vượt quá ĐKKD, các nhà lập pháp và thẩm phán Việt Nam cần xem xét đến giải pháp của Anh Quốc, nơi nguyên xứ của học thuyết ultra vires, để hiểu căn nguyên, diễn biến và thực tế áp dụng của học thuyết. Như nói ở trên, giải pháp tại nước này là trong mọi truờng hợp, giao dịch với bên thứ ba vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, chủ nợ, nếu giám đốc hoặc hội đồng quản trị/hội đồng thành viên có hành vi vượt quá phạm vi ĐKKD mà gây thiệt hại cho cổ đông, chủ nợ thì cổ đông, chủ nợ có quyền yêu cầu những người này chịu trách nhiệm bồi thường cho mình. Đây là hậu quả dân sự của hành vi vi phạm ĐKKD.
Còn về hậu quả hành chính của hành vi vi phạm yêu cầu ĐKKD do nhà nước đặt ra. Hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính, ví dụ, phạt tiền.
Ở đây có điểm lưu ý quan trọng. Như trên đã nói, một hợp đồng vi phạm yêu cầu về ĐKKD không đương nhiên bị vô hiệu mà các bên chỉ phải chịu chế tài hành chính. Tuy nhiên, hợp đồng này sẽ vô hiệu nếu yêu cầu ĐKKD cho một lĩnh vực kinh doanh cụ thể nào đó được đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích công cộng/trật tự công cộng.
Lợi ích công cộng được thừa nhận chung trên thế giới là hạn hẹp các vấn đề sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia, quyền cơ bản hiến định của một con người... Lợi ích này tách biệt với lợi ích quản lý hành chính (yêu cầu mang tính khai báo của ĐKKD chung) của cơ quan nhà nước. Vai trò của tòa án trong một vụ án là xác định khách thể bị xâm phạm có phải là lợi ích công cộng hay chỉ là lợi ích quản lý hành chính để quyết định hậu quả giao dịch.
Trong khi chờ đợi sự thay đổi từ cơ quan có thẩm quyền, về phần mình các doanh nghiệp cũng nên tự bảo vệ bằng cách kiểm tra lại nội dung ĐKKD của mình và của đối tác trước khi tiến hành một giao dịch để tránh hậu quả vô hiệu đáng tiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét