Những cảnh báo về lạm phát chưa đủ sức thay đổi hành vi của các nhà đầu tư cũng như mức cung hàng hóa còn chưa đên độ khan hiếm so với tổng giá trị lượng tiền lưu thông.
Lạm phát kỳ vọng và lạm phát thực
Các yếu tố cơ bản của đầu vào cho sản xuất và lưu thông đã đồng loại tăng giá tạo nên mức giá hàng hóa mới trên thị trường. Các mặt hàng tăng giá đều thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ hoặc do doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần chủ yếu quyết định. Theo tính toán của các cơ quan đề nghị tăng giá, việc biến động giá do tăng giá các yếu tố lần này sẽ chỉ góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát khoảng dưới 1% và đó là những quyết định để bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường.
Trong ngày 25/2, khi tất cả các thông tin về đợt tăng giá đã công khai, trên các phương tiện thông tin đại chúng "lạm phát" đã trở thành ngôn từ xuất hiện với tần xuất cao nhất thì trên thị trường chứng khoán chỉ số vẫn giao động ở biên hẹp; tính thanh khoản tăng, các ngân hàng tuyên bố: "sẽ không huy động vốn bằng mọi giá"; giá vàng giảm theo giá thế giới và VTV đưa tin: giá cả ngoài chợ đã trở lại với mức giá cũ; nông dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đứng trước điệp khúc "được mùa mất giá" khi lúa vụ Đông Xuân đang kỳ thu hoạch...
Dường như những cảnh báo về lạm phát - sự mất giá của đồng tiền so với hàng hóa chưa đủ sức thay đổi hành vi của các nhà đầu tư cũng như mức cung hàng hóa còn chưa đên độ khan hiếm so với tổng giá trị lượng tiền lưu thông.
Trong các nguyên nhân gây nên lạm phát, và làm cho cho nó thêm trầm trọng, là do: "Các kỳ vọng về lạm phát kích thích công nhân đòi hỏi tăng lương cao hơn. Các nhà quản lý kinh doanh khi dự đoán lạm phát tiếp tục sẽ đáp ứng yêu cầu của công nhân bằng cách đẩy việc tăng chi phí cho người tiêu dùng... Những người cho vay đòi hỏi lãi suất cao hơn vì họ dự đoán tiền bị mất giá khi thanh toán khoản cho vay sau khi giá cả sẽ tăng. Người tiêu dùng mua hàng lâu bền đề phòng với giá tương lai cao hơn. Vì thế, một khi đã xảy ra, lạm phát sẽ tiếp diễn vì mọi người dự đoán nó sẽ tiếp tục" (Kinh tế học các nước phát triển, E.Wayne Nafziger, Tr592; NXB Thống kê 1998).
Như vậy, lạm phát có thể trở nên trầm trọng, ngoài các yếu tố kinh tế còn có yếu tố về tâm lý.
Có lẽ vì thế, một số quan chức cơ quan tài chính đã mạnh dạn cho rằng: "Lạm phát chưa đến mức phải có biện pháp xử lý vội vàng" và "Có thể đợi đến khi có chỉ số tăng giá của tháng 3 thì chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ cho phù hợp" ...
Cũng có những nhận định tương đồng ở nhiều nhà phân tích: tỷ lệ lạm phát năm nay sẽ nghiêm trọng và khó lường khi cùng với sự hồi phục kinh tế thế giới, giá nguyên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài do tỷ giá VND đã được nâng lên so với USD. Và do đó, các chính sách ứng phó với lạm phát của Chính phủ sẽ phải linh hoạt, khó dự báo và quyết liệt giữa quyết định lựa chọn mục tiêu tăng trưởng và tỷ lệ lạm phát.
Phản ứng trước lạm phát
Có lẽ, ở thời điểm hiện nay, vấn đề đang được đặt ra ở tầm vi mô không còn là "kìm chế" hay "có hay không đạt chỉ tiêu 7%" mà làm thế nào để thích nghi và điều hành tương thích với một tỷ lệ lạm phát đã hình thành, dự báo khả năng tiêu thụ của thị trường để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh đạt mục tiêu tối ưu nhất.
Về phía Nhà nước, trong khi chưa cần đưa ra những quyết định can thiệp trực tiếp vào thị trường có thể cân nhắc ngay đến việc hạn chế, tiết giảm chi tiêu công. Cần lưu ý một vấn đề đó là khoản chi tiêu công của Chính phủ hiện nay đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của việc đầu tư tràn lan, hiệu quả thấp của nhiều năm trở về trước - và tiếc thay, giá trị ấy cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP của những năm trước đây.Theo số liệu không chính thức từ một chuyên gia kinh tế thì vốn nợ đọng của ngân sách từ những công trình dở dang và chưa thanh toán đến cuối năm 2009 lên đến khoảng 500 triệu USD. Do đó các yếu tố tăng chi tiêu hiện nay không chỉ phản ảnh nhu cầu và mục tiêu hiện tại mà còn phải tiếp tục nuôi những dự án; công trình đã trót đầu tư, trót phân cấp và cả trót hứa trên đường kinh lý ...
Nên chăng, Chính phủ tiến hành ngay việc đánh giá, phân loại các dự án còn tồn đọng dở dang trong đó tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo duy nhất để mạnh dạn tạm dừng những dự án không khả thi về hiệu quả kinh tế-xã hội, bất cập về nguồn vốn, chưa cấp bách về nhu cầu. Các dự án công trình khác có thể phân loại để thay đổi cơ cấu đầư tư từ 100% ngân sách sang hình thức BT, BOT, BO...
Đặc biệt các chi tiêu công cho chuẩn bị lễ hội, các ngày và dịp kỷ niệm nên được xem xét chặt chẽ để hoàn thành những dự án mục tiêu và loại bỏ những công trình, hoạt động mang tính phô trương, hình thức.
Một khía cạnh thứ hai từ vai trò của Nhà nước là giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất thông qua cải cách hành chính.
Số liệu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: chỉ xem xét hiệu quả tiết kiệm của việc cắt giảm 256 thủ tục hành chính trong tổng số khoảng 5.000 thủ tục hiện hành đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 6.000 tỷ đồng. Theo mục tiêu của Chính phủ sẽ cắt giảm 30% tổng số các thủ tục này trong năm nay thì có thể mường tượng con số giá trị tiền tương đối mà xã hội, trong đó các các doanh nghiệp có thể không phải đưa vài giá thành.
Mặt khác, cũng với vị thế độc quyền Nhà nước hoặc lợi thế độc quyền do quy mô, một số ngành sản xuất như điện; xăng; than...cần được kiểm soát chi phí sản xuất và mức lợi nhuận giữ mức bình quân chung, không để xảy ra độc quyền dẫn đến lợi ích đặc quyền.
Đợt kiểm toán vừa qua của Kiểm toán Nhà nước mới chỉ đụng đến sự hợp pháp và hợp lý của các khoản chi tiêu trong các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước chứ chưa phân tích được tính hợp lý về tài chính; kỹ thuật của các khoản chi phí trong giá thành. Vấn đề này cần được làm rõ trong thời gian tới vì có một thực tế là giá xăng dầu luôn tăng dù biến động giá thế giới là biến động hai chiều.
Hơn nữa chúng ta đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà vẫn phụ thuộc 100% biến động giá bên ngoài là điều khó hiểu; nhiều nhà máy thủy điện; điện sử dụng khí gaz được Nhà nước và các thành phần kinh tế đã và đang đầu tư rầm rộ nhưng các cuộc thảo luận giá mua điện của Tập đoàn điện lực (EVN) với các chủ đầu tư ngoài ngành điện vẫn luôn căng thẳng giá điện vẫn theo chiều hướng tăng chứ chưa thấy tín hiệu của sự giảm giá nhờ lợi thế về quy mô...
Về phía các doanh nghiệp, có lẽ, đợt tăng giá lần này sẽ xác lập một mặt bằng giá mới cho đầu vào của sản xuất. Trên các diễn đàn của Quốc hội, hội nghị của Chính phủ, công luận luôn nhấn mạnh yêu cầu bức thiết của nền kinh tế Việt Nam là phải chuyển hướng cơ cấu từ nền sản xuất phát triển theo chiều rộng, lạm dụng vốn và lao động sang nền kinh tế sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm chứa nhiều chất xám; tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Việc tăng chi phí nguyên liệu thô như than; xăng; điện sẽ là môi trường thanh lọc những cơ sở kinh tế sản xuất tiêu hao nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ sáp nhập; liên doanh liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm của khu vực và thậm chí trong nước.
Bằng quyết định vận hành các khâu sản xuất theo cơ chế thị trường, tiếp cận với mức giá ngang bằng khu vực, những sản phẩm còn tồn tại được trên thị trường sau đợt tăng chi phí lần này sẽ có sức sống bền vững hơn, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế về chất lượng. Một khía cạnh thứ hai của việc tăng tỷ giá cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước thay thế hàng nhập khẩu đã đắt lên đáng kể, đồng thời cũng buộc các nhà sản xuất khi vay các khoản tín dụng ngoại tệ cũng phải tính toán kỹ hơn về hiệu quả sử dụng vốn.
Cái giá phải trả
Đợt tăng giá lần này dường như bớt gây bức xúc trong dự luận xã hội như những lần trước về mức tăng cũng như lý do tăng, duy chỉ có sự tranh luận về thời điểm áp dụng từ phía các nhà kinh tế. Những hộ nghèo có thể yên tâm vì đợt tăng giá điện lần này không buộc họ phải gánh chịu vì giá 50 "số" đầu tiên không đổi. Người tiêu dùng Việt Nam đã dần quen với không khí của một xã hội sản xuất và tiêu dùng trong cơ chế thị trường, do đó họ lẳng lặng gánh chịu và tự lo toan cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.
Mấy hôm nay, đường phố Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn ách tắc do lưu lượng xe chạy không đổi mặc dù giá xăng có tăng. Duy chỉ có những ngư dân vùng Phú Yên và các tỉnh Tây Nam Bộ đã phải tính ngay tác động của việc tăng giá đối với những chuyến biển xa ...
Hy vọng, lạm phát kỳ vọng không làm cho chỉ số lạm phát của cả nền kinh tế trong năm nay thêm trầm trọng. Chính phủ cùng các doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao sẽ chung vai gánh vác và giải quyết những tồn dư để loại bỏ chi phí bất hợp lý trong giá thành và chi ngân sách phải trả giá cho con số tăng trưởng của hàng chục năm về trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét