Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Nhà nước không nên vừa đẵn vừa vác

http://www.sgtt.com.vn/Goc-nhin/129790/Nha-nuoc-khong-nen-vua-dan-vua-vac.htm
Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ.

Gần đây một số học giả dùng khái niệm “nhà nước lớn, xã hội nhỏ” để chỉ thực trạng Việt Nam hiện tại. Vì sao mà vai trò của Nhà nước vẫn lớn vậy dù chúng ta đã cải cách 25 năm rồi?

Hiện nay Nhà nước vẫn còn ôm một khối lượng công việc quá lớn mà chưa thoát ra được. Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng có nhiều lúng túng. Nhà nước vẫn sợ là đưa nhiều thứ ra ngoài cho tư nhân làm thì không yên tâm, không lo được cho dân, rồi lại tạo ra bất bình đẳng tiếp. Mới thị trường hoá một số dịch vụ công thôi mà đã sợ người dân đã không chịu được. Ví dụ, như trong ngành giáo dục, cho tư nhân đầu tư thì họ phải có lãi chứ.

Hơn nữa, các nhà làm chính sách của ta có phải của nền kinh tế thị trường đâu. Họ toàn xuất phát từ cơ chế cũ sang và mới chuyển nhờ thực tiễn gần đây.

Những lĩnh vực gì mà Nhà nước có thể chuyển cho khu vực tư nhân làm?

Nhiều lắm. Tất cả các khu vực dịch vụ công là Nhà nước có thể chuyển cho khu vực tư nhân, xã hội làm. Nhà nước chỉ làm chính sách, pháp luật, và giám sát xã hội thực hiện. Chứ Chính phủ không nên làm người vừa đẵn vừa vác như thời kinh tế tập trung, lo từ A đến Z. Bây giờ Chính phủ không nên làm thế. Nhà nước chỉ cần giữ lại những ngành, lĩnh vực cần thiết trọng yếu, hay tư nhân không muốn đầu tư.

Chúng ta phát hiện hết những vấn đề này nhưng làm sao giải quyết là đại sự. Mà lời giải không thể là bình thường được, phải có tính cách mạng. Mà ngay cả các nước tư bản cũng khó, họ có mấy trăm năm để xử lý những vấn đề đó.

Trong bình diện hiện nay, ông thấy lĩnh vực nào Nhà nước nắm giữ đang gây bức xúc xã hội nhất và cần thu hẹp vai trò lại?

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)! Khu vực này phải thu hẹp lại. Không thể để 1.500 DNNN mà lại giữ tới 70% tài sản. Nhà nước chỉ giữ mức độ thôi để đáp ứng những vai trò mà tôi vừa nói. Phải bán, khoán, cho thuê và cổ phần hoá khối doanh nghiệp này. Những chủ sở hữu tư nhân mới vẫn sống trên đất nước này, họ đóng thuế cho Nhà nước.

Gần đây Nhà nước đã cho tư nhân làm nhiều thứ. Ví dụ trong giao thông vận tải, tư nhân đã được cho phép khai thác sử dụng, hay trong viễn thông không chỉ có mình VNPT. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Ví dụ, ngành điện phải đa dạng hoá chứ sao lại cứ để mãi cái anh EVN độc quyền. Nếu không cạnh tranh thì không thể phát triển được.

Hơn nữa, ngân sách vẫn dùng để bao cấp cho các DNNN. Các ngân hàng của Nhà nước vẫn phải theo chỉ dẫn của các bộ, ngành, hay Chính phủ cho các DNNN vay. Ví dụ mấy ngân hàng lớn buộc phải cho Vinashin vay. Nếu họ có nợ hay gì đó thì Nhà nước phải trả nợ. Nợ là chuyện của Nhà nước chứ đâu phải của các ông DNNN đâu. Tức là Nhà nước vẫn chịu tránh nhiệm. Cơ chế đó chưa thoát. Ta phải làm sao giải phóng được việc này.

Theo ông, những vấn đề chính của hệ thống công vụ là gì?

Trong ba năm qua có 16 ngàn viên chức bỏ việc. Con số này thấp hơn nhiều so với số người mới, bình quân tăng gần 100 ngàn người tương ứng với 5%. Nhưng đáng lo là phần lớn trong những người bỏ việc là có trình độ cao ở khu vực công, làm ở ngân hàng, tài chính, quản trị doanh nghiệp, chứ không phải người lao động thường đâu. Ta tinh giảm bộ máy nhưng số người lại tăng lên.

Tôi nghĩ công chức nên có sự dấn thân, quyết liệt. Ngày xưa trong chiến tranh ta dám đi dù chết, nay vì sự hưng thịnh của đất nước thì cần dấn thân. Có nhiều bất cập, mâu thuẫn thì công chức cần cùng nhau giải quyết, chứ không thể chờ vào ai. Càng không thể nhờ vào nước ngoài. Tất cả cái thiên hạ cho đều có giá hết, không trả cái này thì phải trả cái kia.

Tuy nhiên, những người giỏi muốn cống hiến phải được trọng dụng, chứ không phải chủ nghĩa bình quân như thế này. Tôi giỏi, làm được việc mà cứ bị mấy ông đồng nghiệp chả có tí sáng kiến nào phê phán suốt thì làm sao làm được.

Có cần cam kết chính trị cao để giải quyết những trở lực này?

Ngày nay đã có nhận thức rất rõ là phải đảm bảo cho công chức đủ sống và xác định vấn đề này là trọng điểm xử lý. Chúng ta có chủ trương rồi, nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII có rồi (biểu thị quyết tâm chính trị lớn về cải cách hành chính, đặt cải cách hành chính trong tổng thể của đổi mới hệ thống chính trị – PV). Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà chúng ta vẫn không làm được. Rất lúng túng.

Mà vai trò của Nhà nước vẫn còn rất lớn. Ví dụ, đầu tư công của Nhà nước vẫn còn rất lớn mà Nhà nước vẫn ôm. Hiện nay đầu tư công ở ta hơn 40% GDP là cao quá, các nước khác chỉ có 20 – 25% GDP thôi. Phải làm sao cơ cấu lại mức chi đó và rộng hơn là phải cải cách cơ cấu chi tiêu công.

Nhưng Nhà nước có từ bỏ được không? Bảo cắt sự nghiệp công để xã hội hoá cũng làm nửa vời. Ví dụ, trước chuyển trường bán công thành tư thục, thì nay lại trở về trường công. Tức là quyết tâm chính trị có, chủ trương có nhưng không nhất quán, không kiên quyết thực hiện. Đấy là quyết tâm không cao của cả hệ thống.

Tư Giang (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét