Thứ Tư, 07/04/2010, 09:02
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190875&ChannelID=3
TP - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam (VN) dừng cung cấp thông tin liên quan khủng khoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù NHNN không nói rõ lý do đưa ra yêu cầu trên, nhưng với những nhà đầu tư tài chính từng lao đao với các báo cáo không chuẩn xác, dự báo tiêu cực thì họ ngẫm ra nhiều điều.
Dự báo tiêu cực
Cuối tháng 3-2010, Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo: NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 1% trong một vài tuần tới và tỷ lệ lạm phát sẽ lên đến 12% vào cuối quý II/2010. Lập tức, VN- Index rớt từ 512 xuống còn 503 điểm và không ít Cty chứng khoán, chuyên gia tài chính cho rằng, tác động từ báo cáo của HSBC đã góp phần rất lớn. Không chỉ nhà đầu tư chứng khoán rơi vào tình trạng bất an khi có thông tin từ báo cáo của HSBC.
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM, đánh giá: “Báo cáo của HSBC đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, nên ảnh hưởng tâm lý rất lớn”. Ông Chí còn cho rằng, dự đoán tăng lãi suất vào cuối 2010 của HSBC đưa ra là không hợp lý với tình hình thực tiễn Việt Nam.
Giám đốc phân tích một quỹ đầu tư cho rằng, báo cáo của HSBC đưa ra đúng thời điểm nhà đầu tư đang lo ngại nhất về lạm phát nhảy vọt và lãi suất cơ bản tăng nên họ bán tháo cổ phiếu ngay. Nhiều nhà đầu tư đã thiệt hại không nhỏ vì tin theo báo cáo của HSBC.
Đây không phải là lần đầu tiên dự đoán của HSBC tác động tiêu cực đến thị trường tài chính VN. Từ năm 2007 đến nay, ít nhất 3 lần HSBC đưa ra báo cáo mà nội dung của báo cáo sau mâu thuẫn với báo cáo đưa ra trước, quay ngoắt 180 độ chỉ sau thời gian ngắn, thậm chí dùng số liệu sai để dự báo... Nhà đầu tư trong nước cũng từng cảnh giác với những báo cáo này, nhưng cũng không tránh khỏi “mất mát”.
Tổ chức dự báo cũng từng lỗ hàng tỷ đồng
Đầu năm 2009, hàng loạt báo cáo của các Cty BĐS nước ngoài đưa ra những dự báo thị trường bất động sản (BĐS) sẽ “bùng nổ nhẹ” vào cuối 2009. Nhưng thực tế chỉ là những cơn sốt ảo hoặc làm giá BĐS cục bộ ở một số nơi với sự góp sức của những báo cáo kể trên.
Ăn theo là những dự báo về cổ phiếu BĐS, vật liệu xây dựng sẽ tăng mạnh, cuối năm giá cổ phiếu ngành này có tăng nhẹ nhưng tăng theo thị trường chung chứ không phải do thị trường BĐS bùng nổ.
Bên cạnh đó, còn nhiều báo cáo, dự báo về mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, đầu tư nhiều ngành nghề... quá lạc quan với những con số ảo. Và nhà đầu tư nhỏ, lẻ rất dễ thua lỗ khi đầu tư vào lĩnh vực trên.
Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và từng nếm “đau thương” do quá tin theo dự báo từ báo cáo ngoại thì đưa ra lời khuyên rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, cảnh giác, thậm chí đầu tư mua cổ phiếu theo xu hướng đi ngược lại với nội dung báo cáo ngoại đưa ra!
Các chuyên gia chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư nên có nhiều góc nhìn khác nhau từ các báo cáo ngoại. Nhiều báo cáo xuất phát từ chính những tổ chức đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam nên việc phục vụ cho mục đích của họ không có gì lạ.
Nhà đầu tư không loại trừ tổ chức nước ngoài có thể đưa ra báo cáo có thể là để tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngoại gom cổ phiếu, vì thực tế rất nhiều lần họ gia tăng mua cổ phiếu, bất chấp HSBC đưa ra cảnh báo không nên mua vào. Chưa kể báo cáo ngoại còn là công cụ tạo đòn tâm lý đánh vào các nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam vốn dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngoại thao túng.
Dù đưa ra nhiều cảnh báo, dự đoán, nhận định... nhưng ngay cả HSBC cũng từng bị thua lỗ trong từng mảng hoạt động của mình như lỗ 7,74 tỷ USD tại chi nhánh Mỹ trong năm 2009. Vì vậy nếu họ có dự báo sai cũng không có gì khó hiểu.
Tháng 7-2007, Tổ chức tài chính Merrill Lynch (Mỹ) đưa ra báo cáo bi quan về TTCK VN, dù trước đó, tổ chức này ca ngợi thị trường này khá tốt. Tháng 1-2008, Công ty chứng khoán JP Morgan ( Mỹ) cũng đưa ra một bản báo cáo về chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam nhan đề: “Cập nhật chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam hiện nay trong thời điểm thị trường đang điều chỉnh vì chính sách và IPO (bán cổ phiếu ra thị trường lần đầu)”, với nhận định rằng, cơ hội mua gom các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE đã đến nhưng sau đó thực tế đã chứng minh ngược lại. Tháng 9 - 2009, Credit Suisse Group AG (Thụy Sỹ) khuyến cáo nhà đầu tư nên bán cổ phiếu, rút tiền khỏi TTCK Việt Nam, tuy nhiên sau đó TTCK VN ổn định cho đến nay.
Hà Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét