Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

“Làm giá” trên thị trường chứng khoán

http://www.tuanvietnam.net/2010-04-08-lam-gia-tren-thi-truong-chung-khoan

Một xã hội thượng tôn pháp luật là một xã hội trong đó công dân được phép làm những gì mà luật không cấm. Nhưng trong trường hợp người ta vẫn cố tình thực hiện điều ngược lại "chỉ được làm những gì mà luật cho phép" thì vấn đề đã khác về bản chất mất rồi!

Mấy ngày gần đây, các báo đồng loạt đưa tin về việc “làm giá” thao túng thị trường của một cổ đông lớn. Cụ thể ngày 3/2/2010, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV. Sau sự kiện này, giá cổ phiếu VTV tăng mạnh và có đến 5 phiên tăng trần liên tiếp. Đến ngày 19/3, giá cổ phiếu VTV đã lên tới 66.000 đồng.

Có nhiều bài viết, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Nhưng tựu trung lại, quan điểm chung đều nhìn nhận đây là một hành động "không đẹp","làm giá" trục lợi bất chính và xâm hại đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Để có thêm một góc nhìn đánh giá vụ việc, nên bắt đầu từ gốc của vấn đề.

Thị trường chứng khoán

Nói một cách dễ hiểu thị trường chứng khoán là một cái chợ! Trong chợ thì có nhiều người bán và cũng lắm người mua. Có người thì bán cá, người bán thịt, người bán trái cây.... Một trong những vấn đề căn bản nhất của việc mua bán đó là giá cả. Khi muốn đem một món đồ ra chợ bán, ví dụ con cá, bản thân người bán phải xác định trước mình sẽ phải bán con cá này bao nhiêu tiền. Cái giá này có thể được giữ nguyên cho đến khi kết thúc phiên chợ hoặc cũng có thể thay đổi so với cái giá dự định bán lúc đầu.

Giả sử phiên chợ ngày hôm ấy có nhiều người muốn mua mà cá của bà bán cá thì có hạn. Do vậy, bà này có quyền "đỏng đảnh" kêu giá cao hơn so với dự tính ban đầu. Nhưng cũng có khả năng trong phiên chợ, ngày đó người ta không muốn mua cá mà chọn mua rau hoặc giả sử ngày đó có nhiều người bán cá nói cách khác nguồn cung cấp rất dồi dào mà nhu cầu thì lại ít, nếu muốn bán được hàng bà không thể "đỏng đảnh" như khi một mình bà một chợ được. Kinh tế học gọi một cách hoa mĩ là qui luật cung cầu. Theo đó, nếu cá của bà bán cá ít mà số người nội trợ muốn mua cá nhiều, thì bà bán cá có quyền tăng giá. Ngược lại có nhiều người cùng bán cá, bà bán cá muốn bán được hàng thì phải giảm giá.

Về cơ bản giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng bị chi phối theo cách tương tự. Mệnh giá cổ phần của một công ty niêm yết có giá là 10.000 theo qui định của luật chứng khoán. Nhưng khi lên sàn, giá của cổ phiếu có thể khác đi dựa trên qui luật cung cầu cũng tương tự như chuyện đi chợ mua cá của các bà nội trợ. Người mua nhiều thì giá cổ phiếu cao, người mua ít giá chứng khoán giảm.

Làm giá

Cung và cầu có tác động lớn đến giá cả. Bà bá bán cá muốn bán hết hàng và bán với giá cao thì phải làm sao? Cần phải thấy việc quyết định mua hay không mua cá là quyền của bà nội trợ. Bà bán cá không thể ép bà nội trợ phải mua cá của bà. Đã không ép được thì phải tìm cách "dụ" bà mội trợ tự nguyện mua và mua với giá cao. Từ đó phát sinh những toan tính không lành mạnh tác động đến giá cả thông qua việc tác động đến cung và cầu một cách giả tạo. Có nhiều cách để thực hiện cho mục đích này. Nhưng suy cho cùng, dù thực hiện dưới dạng hành vi nào đi chăng nữa thì cũng chỉ nhằm tạo nên cơn sốt ảo về việc có một lượng lớn người mua cá của bà. Như một tất yếu theo qui luật cung cầu bà sẽ bán cá với giá cao.

Nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi bất chính xuất phát từ những toan tính không lành mạnh không có lợi cho thị trường, cần phải có sự điều phối từ phía quản lí nhà nước. Theo đó những dạng hành vi nhằm tạo ra sự giả tạo về quan hệ cung cầu trên thị trường qua đó thao túng thị trường, tác động đến giá cổ phiếu sẽ bị cấm. Cụ thể:

Giao dịch thao túng thị trường chứng khoán là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các hành vi giao dịch để làm cho mọi nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, cụ thể về các khoản giao dịch như sau:

Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa các người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường;

Tạo ra giao dịch giữa người bán và người mua nhưng không hưởng lợi nhuận, các chi phí về giao dịch đó đều do người thứ ba chi trả;

Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi đó là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường

(Thông tư 97/2007/TT-BTC)

Nghi án làm giá

Trở lại với nghi án "làm giá" của bà Nguyễn Thị Kim Phượng. Ngày 3/2/2010, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV. Việc một nhà đầu tư chào mua cổ phiếu của một công ty đại chúng là một chuyện hết sức bình thường. Chuyện này cũng thường như chuyện bà nội trợ đi chợ mua thức ăn vậy thôi. Chỉ khác một điều vì bà Phượng muốn mua một số lượng lớn cổ phiếu nên bà này phải chào mua.

Nói một cách nôm na, hành vi chào mua cổ phiếu cũng tư tự như hành vi "đặt hàng". Theo đó, bà này có quyền đặt mua với những thoả thuận về số lượng, giá cả. Theo đó các yêu cầu bà này đưa ra là: Số lượng mua là 1,3 triệu cổ phiếu, giá chào mua là 40.000 kèm theo điều kiện trong trường hợp giá cổ phiếu VTV tăng quá 30% giá chào mua thì lệnh chào mua này sẽ bị huỷ bỏ.

Đến đây bà này đã thực hiện những việc mà pháp luật về chứng khoán không cấm đối với nhà đầu tư. Trong trường hợp bà Phượng có hành vi phân biệt hoặc từ chối không mua cổ phiếu của các nhà đầu tư khác khi họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện bà đưa ra hoặc hết hạn 60 ngày trên mà bà không thực hiện việc mua thì bà này vi phạm các qui định về chào mua chứng khoán. Nhưng theo những diễn biến được đưa tin thì bà Phượng đã không vi phạm những điều mà pháp luật về chứng khoán đã cấm. Sau năm phiên tăng liên tiếp giá cổ phiếu VTV đã lên tới 66.000 đồng vượt quá cao so với yêu cầu mà bà này đã đặt ra từ đầu.

Tại thời điểm bà Phượng chào mua, chưa có cơ sở để xác định giá của cổ phiếu VTV có tăng hay không và tăng như thế nào. Việc khẳng định hành vi chào mua của bà Phượng là "làm giá" là chưa đủ căn cứ. Hành vi chào mua là hành vi được luật chứng khoán cho phép. Có quá vội vã chăng khi "kết tội" nhà đầu tư làm giá khi họ thực hiện hành vi mà luật không cấm?

Mặt khác, việc bán cổ phiếu khi cổ phiếu này đang lên giá cũng là một hành vi bình thường. Chúng ta đừng thấy rằng bà này được một khoản lợi nhuận khoảng 8 tỷ đồng mà suy rằng bà này trục lợi bất chính. Việc đánh giá một hành vi là bất chính hay không phải căn cứ trên cơ sở của pháp luật chứ không thể căn cứ vào việc suy đoán cũng như phản ứng của đám đông. Từ các qui định của nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bà Phượng là "làm giá" thao túng thị trường chứng khoán.

Một xã hội thượng tôn pháp luật là một xã hội trong đó công dân được phép làm những gì mà luật không cấm. Có thể trong một chừng mực nào đó nhiều người cảm thấy không đồng tình. Nhưng dưới góc độ luật học, bà này không vi phạm điều cấm của pháp luật. Cũng có nghĩa bà đã làm đúng nguyên tắc "được làm những gì pháp luật không cấm". Nhưng trong trường hợp người ta vẫn cố tình thực hiện điều ngược lại "chỉ được làm những gì mà luật cho phép" thì vấn đề đã khác về bản chất mất rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét