Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Còn tốn nhiều công phu soạn thảo

Lê Văn Tứ
Thứ Hai, 5/4/2010, 10:00 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/dothi/nhadat/32103/

(TBKTSG) - Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Luật Thuế nhà đất tại kỳ họp tháng 5-2010. Xem xét dự luật trước khi trình Quốc hội, ngày 15-3-2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút nhà ở ra khỏi đối tượng chịu thuế và đổi tên thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN), bao gồm đất ở và đất sản xuất - kinh doanh (SXKD). Mặc dù đã có tới bản thứ 6, dự luật này vẫn rất sơ sài, chưa đạt tới tầm của một luật thuế.

Mục tiêu chưa minh định

Khi một luật thuế được soạn thảo, mục tiêu của luật là vấn đề phải minh định đầu tiên. Tiếc rằng cho đến nay giải trình của các tác giả Luật Thuế SDĐPNN về vấn đề này còn rất chung chung. Mục tiêu tài chính chỉ được nêu là để tăng cường nguồn thu ngân sách. Nêu vậy tuy không sai, nhưng thực ra chưa nói lên điều gì. Trong điều kiện bội chi ngân sách lớn như hiện nay, vấn đề cần làm rõ là vai trò của thuế SDĐPNN trong cân đối tài chính quốc gia để chứng minh tính bức thiết và tầm quan trọng của thuế này, đồng thời cũng vạch ra định hướng cho các quy định cụ thể.

Trong các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được giải trình, mới nêu được vấn đề khuyến khích sử dụng hợp lý đất, nhưng lại chưa nhấn mạnh yêu cầu điều hòa thu nhập từ sử dụng đất đang rất bất hợp lý hiện nay. Nêu ra mục tiêu tăng cường quản lý đất đai phải chăng nhằm sử dụng thuế để tăng cường hơn nữa cơ chế quản lý đất theo luật đất đai hiện đã rất phức tạp ? Đáng chú ý là mục tiêu chống đầu cơ. Định ra và nhấn mạnh mục tiêu này, thuế SDĐPNN có nguy cơ lạc hướng.

Cần xác định rõ tiêu chí đất ở và đất sản xuất kinh doanh

Vị trí đặt quảng cáo

Trong thuế SDĐPNN, đối tượng chịu thuế gồm hai loại: đất ở và đất SXKD. Người nộp thuế là người có quyền sử dụng đất (xin gọi tắt là chủ đất). Vì vậy việc phân biệt các loại đất này phải căn cứ vào mục đích sử dụng đất của chủ đất. Một ngôi nhà được người chủ sử dụng làm nhà ở thì lô đất đó là đất ở. Nhưng cũng ngôi nhà đó, nếu người chủ cho thuê, dù người thuê cũng dùng để ở, thì từ giác độ thuế, lô đất đó là đất SXKD.

Tuy đều là đất, nhưng nội dung kinh tế của mỗi loại đất lại khác nhau. Đất ở thuộc phạm trù hàng tiêu dùng, vì nó không tạo ra thu nhập cho người nộp thuế (chủ đất), do đó tiền thuế phải trích từ thu nhập sau thuế của chủ đất. Còn nếu là đất SXKD, kể cả đất có nhà ở cho thuê, lại thuộc phạm trù phương tiện kinh doanh (vốn), vì nó đem lại cho chủ đất hoa lợi (thu nhập). Đất này tự tạo ra nguồn tiền nộp thuế.

Từ phân tích trên rút ra: 1) Cơ sở kinh tế (hay nguồn tiền nộp thuế) của thuế đất ở và thuế đất SXKD không giống nhau, do đó phải có chính sách khác nhau. Một bên là chính sách đối với mức tiêu dùng của dân, bên kia là chính sách đối với đầu tư và sử dụng vốn và tất cả đều phải khuyến khích sử dụng hợp lý.

2) Việc phân loại đất ở với đất SXKD không đơn giản, bởi nó không căn cứ vào công dụng vật chất của các công trình trên đất, mà căn cứ vào sự sử dụng công trình trên đất của chủ đất, thêm nữa sự sử dụng này lại không cố định, mà có thể thay đổi, hoán vị cho nhau. Nếu chủ đất sử dụng nhà làm nhà ở của mình thì nộp thuế đất ở, xét về nội dung kinh tế là thuế thu vào một loại hàng tiêu dùng, còn nếu các công trình trên đất là nhà xưởng, kho tàng, chuồng trại chăn nuôi, nhà ở cho thuê... thì nộp thuế đất SXKD, thực chất là thuế thu vào vốn kinh doanh. Tiếc rằng dự luật không đề cập tới vấn đề quan trọng và phức tạp này, thậm chí không thấy định nghĩa và định rõ tiêu chí phân loại.

3) Dự luật quy định thuế suất lũy tiến cho đất ở là 0,03%, 0,06%, 0,09%, tùy theo diện tích đất sử dụng so với hạn mức đất ở và thuế suất bình quân cho đất SXKD là 0,05%, không phân biệt diện tích sử dụng. Nhìn bề ngoài thuế suất quy định như vậy có vẻ chống đầu cơ, song thực tế là điều tiết tài sản của người có nhiều đất ở, không phù hợp với đường lối “dân giàu, nước mạnh” trong giai đoạn hiện nay.

Theo luật hình sự, đầu cơ là một tội. Người phạm tội đầu cơ phải bị kết án và xử lý theo luật hình. Dùng thuế để chống đầu cơ là khiên cưỡng xử lý sai đối tượng. Dù là đất ở hay đất SXKD, tất cả đều là tài nguyên quốc gia có hạn. Cho nên thuế đất phải khuyến khích sử dụng đất hợp lý.

Quy định hạn mức đất ở là cần thiết. Song, ngày nay phải có tư duy mới về hạn mức đất ở. Nếu quan niệm rằng đất đai ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân và đất ở đáp ứng một nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của dân, chỉ dưới cái ăn, thì Nhà nước phải lo đất ở cho dân. Một hạn mức đất ở tối thiểu nào đó cần được coi là chủ quyền của mỗi công dân. Sử dụng trên mức đó phải nộp thuế, coi như sử dụng đất SXKD. Đấy là ý tưởng có sức thuyết phục về mặt chính sách, lại giảm tải cho bộ máy hành thu.

Phân hạng đất: vấn đề quan trọng nhất và khó nhất

Theo dõi quá trình thảo luận, góp ý kiến cho dự thảo, vấn đề phân hạng đất hầu như chưa bao giờ được đề cập, nhưng đó lại là khâu quan trọng nhất và cũng là khó nhất, mất thời gian nhất trong chế định thuế sử dụng đất, dù là đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp.

Theo dự luật, căn cứ tính thuế SDĐPNN gồm giá tính thuế, thuế suất và các chính sách miễn giảm. Trong bất cứ thuế nào, từ giác độ tính thuế, giá tính thuế bao giờ cũng là đại lượng hình thành khách quan.

Thí dụ: doanh thu mua bán trong thuế giá trị gia tăng, lãi trước thuế trong thuế thu nhập doanh nghiệp... Còn thuế suất và chính sách miễn giảm là những đại lượng do các nhà làm luật chủ quan quy định nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra cho thuế. Bởi vậy chúng phải được quy định ngay trong luật. Nhưng dự thảo Luật Thuế SDĐPNN lại giao quyền quy định giá tính thuế cho chính quyền địa phương.

Với quy định như vậy, cả ba căn cứ tính thuế đều là sự áp đặt chủ quan và những thuế suất luật định là 0,03%, 0,05%, 0,06%... không còn ý nghĩa, vì giá tính thuế (con số 100%) lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, tức là ngoài thẩm quyền của Quốc hội. Thuế SDĐPNN thực tế trở thành thuế địa phương, quyền quyết định thực tế thuộc về địa phương. Để tránh tình trạng này cần sửa lại quy định về căn cứ tính thuế.

1) Căn cứ mang tính khách quan phải là diện tích đất sử dụng.

2) Do đó thuế suất không áp dụng theo cách tính tỷ lệ phần trăm (%) trên giá đất như dự luật, mà tính bằng những thuế suất tuyệt đối, tính bằng một số tiền nhất định cho một đơn vị diện tích đất sử dụng.

3) Nêu rõ các chính sách miễn giảm nhằm ưu đãi những trường hợp cần ưu đãi.

Những điều nêu trên thực ra không mới. Nó đã được áp dụng trong thuế sử dụng đất nông nghiệp và chúng ta đã có kinh nghiệm. Điều kiện quyết định để xác định diện tích đất sử dụng là hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng là lập xong sổ địa bạ trên toàn quốc, nhiệm vụ được hứa hẹn hoàn thành trong năm 2010.

Tuy nhiên vấn đề công phu nhất do khó và mất thời gian nhất là định thuế suất hợp lý. Muốn làm tốt việc này, phải xác định được hai yếu tố:

1) Khả năng nộp thuế của người nộp thuế. Đối với đất ở, khả năng này phụ thuộc vào thu nhập sau thuế của người nộp thuế. Đối với đất SXKD, phụ thuộc vào hoa lợi có thể thu được từ sử dụng đất. Muốn xác định yếu tố này, cần tiến hành điều tra cơ bản về khả năng thu nhập trên một đơn vị diện tích ở các vùng khác nhau, trên cơ sở đó tiến hành phân hạng đất. Đây là những công trình nghiên cứu công phu, đòi hỏi phương pháp luận khoa học, lại phải có thời gian và chi phí không nhỏ; và 2) Chính sách điều tiết thu nhập. Yếu tố này phụ thuộc vào mục tiêu tài chính của thuế và chính sách khoan sức dân từng thời kỳ.

Những điều còn cần làm nêu trên cho thấy dự luật thuế SDĐPNN chưa đạt tới mức cần có, bởi vấn đề quan trọng và sát sườn nhất là quy định mức thuế hợp lý. Mức này xét cho cùng phải dựa vào định hạng đất, nhưng việc này chưa làm. Vì vậy những quy định trong dự luật hiện chỉ là ang áng. Và quan trọng hơn là thẩm quyền quyết định các chính sách cụ thể về thuế này hầu như đều giao Chính phủ và chính quyền địa phương, tức là vượt khỏi thẩm quyền Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét