Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Mua tận gốc

Sơn Nghĩa
Thứ Hai, 5/4/2010, 09:52 (GMT+7)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/32112/

(TBKTSG) - Nhiều công ty nước ngoài mua hàng tại Việt Nam đang giúp nông dân và các nhà sản xuất trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên. Những lợi ích mà nông dân có được cũng giúp những nhà nhập khẩu tồn tại và mở rộng thị trường trong thời hậu suy thoái. Qua việc này, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về khả năng mất nguồn thu mua nguyên liệu và những hệ lụy khác...

Nhiều dự án hỗ trợ nông dân...

Đầu tuần qua, Công ty Mazzetta (Mỹ) đã công bố dự án giúp nông dân hướng đến việc phát triển bền vững nghề nuôi cá ở Việt Nam. Nông dân nuôi cá tra ở An Giang sẽ được hướng dẫn phương pháp nuôi trồng, chế biến phù hợp với những tiêu chuẩn do các quốc gia nhập khẩu đưa ra.

Theo ông Tom Mazzetta, Chủ tịch tập đoàn Mazzetta, thời gian gần đây, cá tra phi lê của Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vì vướng phải rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vị trí đặt quảng cáo

Trong chuyến đi thực tế ở An Giang, Mazzetta đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều nông dân và nhà máy chế biến cá tra ở Việt Nam để tìm hiểu quy trình nuôi cá tra.

Về cơ bản, sản phẩm cá tra của Việt Nam được nuôi và sản xuất ổn định, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. “Nhưng đáng tiếc, quy trình nuôi và chế biến vẫn chưa hợp lý và an toàn”.

Mỹ đang xem xét đạo luật Farm Bill để áp dụng đối với cá tra, cá ba sa từ Việt Nam. Theo luật này, cá tra Việt Nam sẽ bị coi là cá da trơn và phải tuân thủ theo những điều kiện nuôi tại Mỹ như nuôi ở ao nông, nước giếng khoan, khác hẳn môi trường nuôi trên sông như ở Việt Nam.

Thông qua chương trình hỗ trợ này, “chúng tôi sẽ đưa đến những thông tin cần thiết cho các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt những yêu cầu, tiêu chuẩn và vượt qua những rào cản của đạo luật Farm Bill”, ông Tom Mazzetta nói.

Bên cạnh đó, Mazzetta cũng sẽ thuyết phục những cơ quan thực thi luật Farm Bill của Mỹ xem xét các mức thuế và những khó khăn về thương mại trong việc thực thi luật đối với cá tra Việt Nam. Quan trọng hơn, những cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam phải có tiếng nói với nhà chức trách Mỹ về đạo luật Farm Bill áp dụng sao cho phù hợp với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 3 năm nay, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), và Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam thuộc tập đoàn Ecom đã chính thức thành lập Trung tâm Đào tạo cho nông dân trồng cà phê đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ hỗ trợ nông dân trồng cà phê đạt được các chứng chỉ quốc tế về trồng cà phê bền vững cũng như cải thiện năng suất và sự phát triển bền vững của cây cà phê, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Alexander Gruber, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam, cho biết dự kiến trong ba năm trung tâm sẽ đào tạo cho 4.000 nông dân và giúp các hộ trồng cà phê này đạt được các chứng chỉ cà phê bền vững như Utz, Rainforest, hay 4C. Hiện cà phê có những chứng chỉ này được mua cao hơn 20 đô la Mỹ/tấn so với cà phê truyền thống.

Nỗi lo đọng lại

Việc các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ cho nông dân làm tăng giá trị sản phẩm nông sản, xét về lâu dài, sẽ giúp nông sản Việt Nam được đánh giá tốt hơn khi được biết đến là sản phẩm sạch và an toàn với người tiêu dùng. Hiện nay các nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ đều là thành viên của các tổ chức bảo vệ môi trường nên họ ưu tiên dùng sản phẩm sinh thái và những sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. “Tuy nhiên, điều đáng lo là các công ty trong nước vẫn giậm chân tại chỗ trước những động thái này. Nguy cơ doanh nghiệp bị mất nguồn nguyên liệu để thu mua trên sân nhà là điều có thể tiên liệu được”, một chuyên gia kinh tế phân tích. Nếu vùng nguyên liệu và các sản phẩm nông sản đều do các công ty nước ngoài nắm giữ, sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy khác.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng thừa nhận rằng nhiều năm qua các doanh nghiệp cà phê đang gặp khó khăn trong vấn đề mua nguyên liệu. Hiện thị trường Việt Nam có đến năm tập đoàn nước ngoài lớn chuyên mua các mặt hàng nông sản. Riêng mặt hàng cà phê, năm công ty này mua đến 30% sản lượng cà phê mỗi năm.

Nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào vùng nguyên liệu là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam. Thời gian đầu, giá mua nguyên liệu sẽ được đẩy lên cao, nhưng khi nắm được toàn bộ vùng nguyên liệu, giá mua chắc chắn sẽ giảm xuống. “Vì khi đó, họ đã có vị thế độc quyền trong việc thu mua”, ông Nam nói. Doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính có hạn, không thể cạnh tranh nổi với các công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu trung gian nước ngoài, doanh nghiệp thu được phần lợi nhuận khá ít ỏi. Hiện tại, với cách “mua tận gốc, bán tận ngọn” của những tập đoàn thương mại quốc tế, “miếng bánh” lợi nhuận của các công ty xuất khẩu nông sản càng teo tóp hơn.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng tham gia sản xuất các sản phẩm “sạch”, nông dân phải bỏ ra công sức và chi phí nhiều hơn, nhưng giá bán chỉ nhỉnh hơn chút ít so với các sản phẩm thường.

Cụ thể, trước đây một công ty nước ngoài hợp tác với nông dân nuôi cá tra sinh thái ở An Giang. Giá mua chỉ cao hơn 15% so với sản phẩm nuôi thông thường. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2009, cá “sinh thái” được mua bằng với giá cá thông thường.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các quốc gia khác, những mặt hàng nông sản “sạch” xuất khẩu thường phụ thuộc vào các tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận cho các sản phẩm sinh thái. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, để bảo hộ thị trường trong nước, một số quốc gia đã đưa ra những rào cản mới và rút giấy chứng nhận sản phẩm trước đó. Những sản phẩm nông nghiệp sạch lại bị mất đầu ra. “Dĩ nhiên, Việt Nam cần khuyến khích những công ty nước ngoài đầu tư và hỗ trợ cho nông dân. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn xa hơn cho những vấn đề này”, chuyên gia nói trên phân tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét