Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Áp dụng triệt để nguyên tắc “ngân sách cứng”

http://sgtt.vn/Ban-doc/132056/Ap-dung-triet-de-nguyen-tac-%E2%80%9Cngan-sach-cung%E2%80%9D.html

SGTT.VN - Cho đến nay, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ta chưa thành công hoặc ít thành công nhất so với các nội dung cải cách khác. Điều đó đã và đang làm giảm mức độ thành công của cải cách và phát triển kinh tế. Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Cung ở viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về một số giải pháp cần thực hiện ít nhất trong 5 năm 2011 – 2015 để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các DNNN.

Nguyên nhân chưa thành công, cơ bản không phải là do sở hữu – “cha chung không ai khóc” mà do cách thức, thể chế và công cụ thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước không phù hợp. Thứ đến, tuy nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường nhưng DNNN chưa thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Các DNNN, những người quản lý DNNN và một số người có liên quan đã tận dụng được những điểm lợi về tính tự phát của thị trường mà chưa bị chi phối, điều tiết bởi các quy luật của thị trường, nhất là chưa bị đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt bởi các quy luật đó và hệ thống trách nhiệm giải trình trong các DNNN rất yếu, thậm chí chưa có. Thứ đến nữa, tuy nền kinh tế đã hội nhập, nhưng đa số các DNNN vẫn chưa thực sự hội nhập, chưa có tầm nhìn, tư duy toàn cầu, chưa đối mặt với cạnh tranh toàn cầu để tìm kiếm thị trường, huy động vốn, nhân lực, công nghệ, nhất là về quản trị.

Giải pháp cụ thể đầu tiên: ngân sách cứng

Định hướng cải cách, cơ cấu lại DNNN trong năm năm tới đây nên tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc và cơ chế thị trường đối với DNNN và hoàn thiện khung quản trị DNNN theo các nguyên tắc và chuẩn quốc tế, áp dụng thống nhất.

Giải pháp cụ thể đầu tiên là áp dụng triệt để nguyên tắc “ngân sách cứng, tức là xoá bỏ những hình thức còn sót lại của “hạn chế ngân sách mềm” hiện nay.

Theo đó, cần xoá bỏ chế độ, hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cũng như các doanh nghiệp khác, khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng của DNNN cũng phải dựa trên tình hình tài chính lành mạnh, dự án đầu tư tốt, và thực tiễn quản trị tốt.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài sản cố định của DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng, cần thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đối với các DNNN theo giá thị trường (đất đai, tài nguyên khác, các tài sản cố định chưa được điều chỉnh hay đánh giá lại giá trị…)

Trong năm năm tới đây nên tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc, cơ chế thị trường và hoàn thiện khung quản trị theo chuẩn quốc tế.

Đồng thời, cần tuyên bố chính sách và cam kết rõ ràng, từ nay trở đi, Chính phủ sẽ không ra các quyết định “khoanh nợ, giãn nợ”, không trả nợ – xử lý nợ thay, doanh nghiệp phải tự vay – tự trả theo quan hệ kinh tế – dân sự giữa chủ nợ và con nợ. Nếu sắp tới không may có doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì phải để doanh nghiệp và chủ nợ tự cơ cấu lại hoặc để cho phá sản.

Ngoài ra, cần xem xét trên thực tế các hình thức, biểu hiện đặc quyền, đặc lợi còn tồn tại và hạn chế đến mức tối đa chúng, nhất là quyền kinh doanh; tiếp cận đất đai, tài nguyên khác; tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về các loại quy hoạch; tiếp cận các nhà hoạch định chính sách.

Cuối cùng, tiếp tục mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền doanh nghiệp, mở cửa thị trường điện theo phương án của bộ Công thương.

Làm gì và không làm gì?

Giải pháp thứ hai là xác định rõ, cụ thể và nhất quán mục tiêu của DNNN nói chung là công cụ thực hiện chính sách công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế lên thang bậc phát triển cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn. Đó là vì khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn quá nhỏ, quá yếu và công nghiệp hoá không thể và không nên dựa nhiều vào FDI. Tuy nhiên, mục tiêu nói trên phải đạt được theo cơ chế thị trường.

Như vậy, sẽ không giao và không sử dụng DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô nữa, không sử dụng DNNN điều tiết thị trường, để thực hiện các nhiệm vụ xã hội. Các trách nhiệm nói trên của DNNN nằm trong khuôn khổ pháp luật chung, giống như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Việc cần làm là xác định lại vị trí của từng tập đoàn, tổng công ty trong từng ngành cụ thể. Sau đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể, giao cho chúng sứ mệnh là trong 10 – 15 năm tới phải phát triển, trở thành một trong số các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á. Chỉ có như thế thì không gian phát triển kinh tế của nước ta mới được mở rộng. Đó cũng chính là một trong các cách chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể hàng năm, ngoài tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, nhà nước trong vai trò là chủ sở hữu còn xác định và giao cho tập đoàn, tổng công ty các mục tiêu cụ thể, bao gồm: doanh thu xuất khẩu, mức độ và trình độ phát triển công nghệ trong một thời hạn nhất định, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, vị thế hay thị phần trên thị trường khu vực và thế giới… Đồng thời, thực hiện đánh giá việc thực hiện các mục tiêu nói trên.

Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu

Thứ nhất, từng bước tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các bộ, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu và thực hiện quyền chủ sở hữu đó một cách chuyên nghiệp, tập trung và thống nhất (tham khảo mô hình SASACs ở Trung Quốc hay các bộ chuyên trách quản lý tài sản sở hữu nhà nước ở một số quốc gia khác).

Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý doanh nghiệp, gồm thông tin về tài chính, thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về các rủi ro và biến động bất thường liên quan.

Thứ ba, thực hiện công khai hoá và minh bạch hoá thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chuẩn mực đang áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan chủ sở hữu phải kiểm soát, giám sát việc công bố thông tin đảm bảo thông tin được công bố đầy đủ và kịp thời. Người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực.

Thứ tư, xây dựng bộ quy tắc quản trị theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế để áp dụng cho các công ty có sở hữu nhà nước, các công ty có sở hữu nhà nước trên 50%.

Thứ năm, đưa ra yêu cầu bắt buộc và có lộ trình cụ thể thực hiện niêm yết một số tập đoàn, tổng công ty quan trọng trên thị trường chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong hay thậm chí là New York.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hoá có lựa chọn như đã định.

Để thực hiện được những việc này, trước mắt cần củng cố và tăng cường năng lực chuyên môn và thẩm quyền của ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, bổ sung thêm các chuyên gia thuộc loại hàng đầu về phân tích tài chính doanh nghiệp; phân tích thị trường; phân tích, đánh giá và thẩm định dự án đầu tư; chuyên gia về quản trị công ty, đảm bảo cơ quan này đủ năng lực, thẩm quyền tham mưu cho thủ tướng về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước cũng như xây dựng hệ chính sách tổng hợp về cải cách DNNN. Không nên giao cho các bộ chuyên ngành việc này vì mỗi bộ chỉ chuyên về một số vấn đề và các bộ thường lo về quản lý hành chính nhà nước chứ không chuyên sâu các chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ quản lý với vai trò là người đầu tư vốn.

TS Nguyễn Đình Cung

Cái lợi của việc công khai, minh bạch thông tin

Việc công khai hoá và minh bạch hoá thông tin đối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ có một số điểm lợi:

– Buộc các tập đoàn, tổng công ty phải tập hợp, phân tích thông tin một cách có hệ thống, đầy đủ, chính xác, kịp thời, qua đó giúp công tác quản lý tốt hơn và nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cán bộ quản lý có liên quan.

– Góp phần hình thành hệ thống thông tin quản lý xuyên suốt từ các doanh nghiệp đến cơ quan chủ sở hữu, giúp cơ quan này giám sát tốt hơn họat động của doanh nghiệp.

– Tạo điều kiện để dân chúng, chủ nợ, khách hàng, chuyên gia và các bên liên quan khác theo dõi, đánh giá và giám sát được các hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nói chung và từng công ty trong tập đoàn nói riêng. Đây chính là giám sát của thị trường, mỗi bên có lợi ích liên quan thực hiện giám sát theo cách riêng của họ, làm cho giám sát này luôn hiệu quả, hiệu lực, giảm áp lực và gánh nặng giám sát cho cơ quan chủ sở hữu.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

'Ai cũng muốn làm bên Chính phủ để có quyền'

Cập nhật lúc 20:56, Thứ Hai, 13/09/2010 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201009/Ai-cung-muon-lam-ben-Chinh-phu-de-co-quyen-935288/
"Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phải làm theo luật. Không thể đồng chí A đồng ý cho tỉnh này vài tỷ, đồng chí B lại vài tỷ cho tỉnh kia" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước.

Sáng 13/9, buổi họp đầu tiên của phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH cho ý kiến về định mức phân bổ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ và cơ quan trung ương trong 5 năm 2011 - 2015.

Dù chỉ làm chuyên viên...

Cả nửa đầu buổi sáng chỉ dành cho việc đọc báo cáo. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đọc xong Tờ trình Xây dựng hệ thống định mức chi thường xuyên của NSNN năm 2011, lại đến Tờ trình về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn NSNN giai đoạn 2011 - 2015. Sau đó, đến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách.
Thời gian còn lại không nhiều nên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị các ủy viên UBTVQH cho ý kiến tập trung vào một số chủ đề định trước, "để Chính phủ có thể tiếp thu và điều chỉnh ngay, còn bắt tay phẩn bổ dự toán chi cho các bộ ngành, địa phương cho năm 2011". Một vấn đề rất quan trọng, nhưng không biết do thời gian dành cho thảo luận không nhiều hay vì số lượng tài liệu quá lớn, nói như Phó Chủ tịch Kiên là "đọc hết các báo cáo chi tiết cũng đủ nhức đầu" mà có nhiều khoảng im lặng, chỉ vỏn vẹn 4 ĐB lên tiếng.

Điểm đồng thuận lớn nhất giữa các ý kiến là việc giảm bớt chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước (60 chương trình) và chương trình mục tiêu quốc gia (15) vì "phân tán nguồn lực, hiệu quả đầu tư giảm sút". Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị rà soát hiệu quả để "xem cái nào để lại, cái nào trung ương đầu tư, còn cái nào để địa phương đầu tư", Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn "phê" chính những chương trình này "tạo tùy tiện người có quyền phẩn bổ ngân sách".

Riêng Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn "chương trình mục tiêu quốc gia phản ánh lợi ích nhóm, lĩnh vực, bộ ngành nào cũng muốn có một cái" và đề xuất dừng lại tất cả, không quyết định chương trình mục tiêu nào mới nữa, cái nào đang dở thì làm cho nốt, còn từ nay, tất cả chuyển hóa thành phân bổ ngân sách hàng năm.

"Không thể để bộ ngành xây dựng tiêu chí riêng cho chương trình mục tiêu quốc gia như đề xuất của Chính phủ được. Bộ KH - ĐT chỉ tổng hợp tiêu chí của các bộ ngành khác thì sinh ra làm gì? Câu chuyện Vinashin cũng là do có quy chế hoạt động riêng do Thủ tướng quyết định, trái pháp luật mà đúng quy chế vẫn cứ làm, nghĩa là bất chấp pháp luật. Thủ tướng bận trăm công nghìn việc, làm sao theo dõi được hết", ông Thuận nói.

Tương tự, với nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ, vốn ODA, ông Hà Văn Hiền đề nghị phải có tiêu chí rõ ràng trong việc phân bổ cho các tỉnh thành, "không thể cứ tỉnh nào làm dự án nhanh là được cấp, vì dự án như vậy thường rất sơ khai, khi có vốn về không thể thực hiện, không thể giải ngân". Còn ông Thuận lại nhấn mạnh "Quốc hội là cơ quan quyền lực, Chính phủ là cơ quan chấp hành", để khẳng định QH phải quyết định mọi phân bổ ngân sách hàng năm, và mọi nguồn thu - chi đều cần đưa qua ngân sách.

Ngay với quỹ dự phòng (đang chiếm 3 - 4% ngân sách các tỉnh), ông Thuận cũng đề nghị phải giảm đi, để phòng chống thiên tai thì để chung vào quỹ phòng chống thiên tai, chứ tách riêng thế này lại tạo cơ chế xin cho hàng năm, "khiến ai cũng muốn làm bên Chính phủ để có quyền, dù chỉ làm chuyên viên, chứ không chịu sang bên lập pháp", ông Thuận "cảm thán".

Tăng thu, tiết kiệm chi

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước còn mạnh dạn đề nghị không nên duy trì việc chi đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bởi "các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phải làm theo luật. Không thể đồng chí A đồng ý cho tỉnh này vài tỷ, đồng chí B lại vài tỷ cho tỉnh kia".
Các tiêu chí xây dựng định mức phân bổ ngân sách cũng được các ĐB mổ xẻ nhiều.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị khi xác định định mức phải xét đến yếu tố trượt giá, trong tiêu chí phân bổ ngân sách cho các tỉnh phải có hệ số bổ sung riêng với các tỉnh vùng biên giới.

Là Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nên bà Trương Thị Mai băn khoăn nhiều về mục tiêu phân bổ ngân sách bởi giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tăng trưởng kinh tế liên tục, trong khi chênh lệch giữa các vùng miền, giữa đô thị với nông thôn, giữa vùng trung tâm với vùng sâu, vùng xa ngày càng lớn.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định tiêu chí phân bổ phải đảm bảo tính công khai, bình đẳng, nhưng phải tạo động lực và sự chủ động cho các địa phương, bộ ngành góp sức nhiều vào thu ngân sách, để các đơn vị khác phải phấn đấu tăng thu, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn thu - chi.

"Những tỉnh có nguồn thu đóng góp cho Trung ương cũng cần có cơ chế khuyến khích, vì bỏ 1 đồng cho các tỉnh này thu được hàng nghìn đồng, khác với tỉnh bỏ một đồng, thu được vài hào".
13 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về trung ương, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ (như thời kỳ ổn định ngân sách 2007 - 2010) và 2 tỉnh mới là Bắc Ninh, Quảng Ngãi.

* Khánh Linh

Phân bổ ngân sách 2011-2015: Nước chảy chỗ trũng

15:20 (GMT+7) - Thứ Bảy, 11/9/2010

ANH QUÂN

Các tỉnh nghèo, nguồn thu thấp có thể sẽ bị giảm tỷ trọng trong phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách

“Hôm qua tôi làm việc với Tp.HCM, họ đề nghị tính thêm điểm cho tiêu chí điều tiết về ngân sách trung ương. Mà cứ tăng 1% thì bằng 1.000 tỷ đồng đấy”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp nói bên lề kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, như để giải thích cho việc bộ này khó xử thế nào với chênh lệch lớn trong định mức phân bổ ngân sách giữa các địa phương.

Trước phát biểu của ông Nghiệp ít phút, cuộc họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (diễn ra trong hai ngày 9-10/9, thảo luận về tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015) đã “phủ” đầy các kiến nghị nâng điểm cho tỉnh nghèo, tỉnh khó khăn, địa bàn biên giới, hải đảo…

Chênh lệch giữa các địa phương quá lớn

“Tỉnh nghèo mong phát triển, tỉnh giàu cũng muốn tăng trưởng tiếp, cái đó là đúng thôi, nhưng nên xem xét chênh lệch giữa các tỉnh”, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham dự cuộc họp mở lời.

Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số trên 10,5 nghìn điểm được chấm cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tiêu chí trình độ phát triển chiếm gần 7 nghìn điểm, nhưng “chẻ” nhỏ nữa thì tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo chỉ có hơn 200 điểm, còn lại đa phần là tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương và thu nội địa.

Như vậy, với những tỉnh có số thu nội địa cao (không bao gồm thu từ sử dụng đất) và có điều tiết một phần thu ngân sách về trung ương đương nhiên sẽ được hưởng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước lớn hơn.

Biểu tổng hợp về vấn đề này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 21 tỉnh, thành phố chỉ chiếm tỷ trọng từ 0,5% trở xuống (mức thấp nhất là Ninh Thuận chỉ chiếm 0,3%) trong tổng số điểm trên 10,5 nghìn kể trên, được hiểu cũng sẽ chiếm tỷ trọng tương ứng trong vốn đầu tư phát triển trong suốt thời kỳ 5 năm tới.

Trong khi đó, một số tỉnh có số điểm và tỷ trọng rất cao so với phần còn lại, ví dụ như Tp.HCM đạt trên 2,3 nghìn điểm và có tỷ trọng tới 22,2% trong tổng điểm; Hà Nội xếp thứ hai với trên 1,6 nghìn điểm và chiếm tỷ trọng 15,7%...

Tỷ trọng trong phân bổ vốn đầu tư phát triển của hai thành phố kể trên thậm chí còn cao hơn của khu vực miền núi phía Bắc (7,6% tổng điểm); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (13,5%); Tây Nguyên (3,6%); đồng bằng sông Cửu Long (10,2%).

“Cứ nói miền núi tiến kịp miền xuôi, nhưng chúng tôi tiến một bước thì các đồng chí đi 3-4 bước”, đại biểu quốc hội tỉnh Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ bức xúc. Chứng minh cho điều bà Mỷ nói, hàng loạt địa phương có tỷ trọng thấp trong phân bổ vốn đầu tư tập trung từ ngân sách sẽ bị giảm “phần bánh”, theo dự thảo.

Đã có những kiến nghị phải tăng gấp hai, gấp ba số điểm cho tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, cho diện tích thay vì dân số, cho số nhân khẩu người dân tộc thiểu số, cho biên giới, hải đảo… Với vùng sâu, vùng xa, sắt thép, xi măng và phí vận chuyển, nhân công đều đắt nhưng cấp vốn thấp là không hợp lý, nhiều đại biểu nhấn mạnh điểm này.

Tuy vậy, “ai cũng đòi lợi thế cho mình thì cuối cùng, chẳng ai có lợi thế cả”, đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang Trần Hồng Việt lưu ý các thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tham dự cuộc họp.

Cơ quan lập dự thảo dường như cũng khó tìm ra giải pháp toàn vẹn cho vấn đề này. “Vĩnh Phúc năm ngoái được 1,1 nghìn tỷ đồng, năm nay tăng vọt lên khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Nếu năm tới mà rút xuống độ 1,2 nghìn tỷ đồng thì chắc họ không chịu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh bộc bạch.

Khoảng trống xin - cho?

Trên thực tế, chênh lệch giữa tỉnh 34,8 điểm (Ninh Thuận) và tỉnh 2.337,4 điểm (Tp.HCM) không hoàn toàn thể hiện tương quan tổng vốn đầu tư cấp từ ngân sách nhà nước cho các tỉnh này. Trong khi các đại biểu tập trung thảo luận về tiêu chí, định mức phân bổ, tổng vốn đầu tư mới là con số cuối cùng đáng quan tâm.

Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, còn những nguồn vốn khác là chương trình mục tiêu, cũng khá lớn, có thể “du di” đi phần chênh lệch của điểm số và tỷ trọng giữa các đơn vị hành chính kể trên.

Theo báo cáo của bộ này, phần hỗ trợ có mục tiêu chiếm khoảng một nửa số vốn đầu tư trong cân đối ngân sách nhà nước, với năm 2011 là khoảng trên 31 nghìn tỷ đồng so với trên 62,4 nghìn tỷ đồng, thì với các tỉnh, khu vực khó khăn, phần hỗ trợ này gần như tương đương, thậm chí cao hơn trong cân đối.

Ngoài ra, vẫn còn các nguồn vốn khác như trái phiếu Chính phủ mà theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gần đây các bộ, địa phương đề nghị nhiều dự án được tiếp cận nguồn vốn này.

Năm 2010, vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện đạt 68 nghìn tỷ đồng, năm 2011 dự kiến đạt 60 nghìn tỷ đồng, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sở dĩ có thể “du di” các nguồn vốn kể trên cho địa phương nghèo, có nguồn thu thấp và không có khả năng tăng vốn đầu tư trong cân đối là vì những nguồn vốn này chưa được xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ.

“Việc phân bổ các nguồn vốn này vẫn chỉ dựa vào các nguyên tắc chung, chưa được lượng hóa và còn mang tính chủ quan”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận vấn đề này trong phần tồn tại, hạn chế đối với tiêu chí phẩn bổ vốn bổ sung có mục tiêu.

Theo TS. Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tình trạng không xây dựng tiêu chí rõ ràng trong phân bổ vốn đầu tư cũng xảy ra tương tự với vốn ODA. Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu việc xây dựng thang, bảng điểm và định mức phân bổ vốn đầu tư tập trung có còn giá trị khi các nguồn vốn khác tiếp tục được phân bổ mang tính chủ quan?

* Định mức phân bổ vốn đầu tư tập trung thuộc ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 dự kiến gồm có 5 tiêu chí chính là dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính và tiêu chí bổ sung. Chia nhỏ hơn thì gồm tiêu chí dân số và dân số dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo, điều tiết về ngân sách trung ương, thu nội địa (không bao gồm sử dụng đất); diện tích và diện tích trồng lúa; đơn vị hành chính cấp huyện, huyện miền núi, huyện vùng cao hải đảo, huyện biên giới đất liên; thành phố đặc biệt, thành phố trực thuộc trung ương, vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm phát triển vùng, đô thị loại 1, 2, 3.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Công hữu đất đai không hợp với thời quá độ

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-09-20-cong-huu-dat-dai-khong-hop-voi-thoi-qua-do
Bài học "cưỡng bức" hiện tại


Trong những ngày đầu ĐỔI MỚI, Đảng và Nhà nước đã ban hành một quyết định dũng cảm, mang tính bản lề tạo nên thành công, đó là chính sách giao đất sản xuất nông nghiệp do các hợp tác xã nông nghiệp đang sử dụng cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài. Chính sách này đã đưa nước ta từ tình trạng thiếu lương thực trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Như trên biểu đồ về giá trị sản xuất nông nghiệp dưới đây, có thể thấy từ năm 1991 trở đi mức tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp khá đều đặn với khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng tăng thêm mỗi năm (theo giá so sánh năm 1994).


Giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh 1994 (tỷ đồng) sau ĐỔI MỚI (1990-2009)

Để có được quyết định quan trọng này, cũng phải trải qua một quá trình nhận thức nhất định và cũng đã có cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh phải chịu thiệt thòi như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Từ thực tiễn, ai cũng thấy được tổng sản lượng canh tác của các hộ gia đình trên 5% diện tích ruộng được hợp tác xã giao cho sử dụng riêng còn cao hơn sản lượng canh tác trên 95% diện tích ruộng do hợp tác xã tổ chức sử dụng chung.
Nhìn vào bản chất của sự việc, có thể thấy người nông dân chưa vứt bỏ được tư duy tư hữu đã chất chứa từ hàng nghìn năm nay ở vùng nông thôn nước ta.

Phương thức sản xuất tập thể theo mô hình hợp tác xã cần tới một trình độ cao về tổ chức sản xuất, tư duy mới về công nghiệp hóa trong nông nghiệp nhưng lãnh đạo các hợp tác xã ở nông thôn ta chưa có được.

Cũng chính tính tư hữu đã tạo ra tình trạng tham nhũng nặng nề trong bộ máy lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp. Lúc đó, câu ca dao mới "mỗi người làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài mua xe" gần như phổ biến ở khắp các miền quê.

Phương thức sản xuất tập thể theo mô hình hợp tác xã đã mất động lực, người nông dân tập trung vào chăm lo cho mảnh đất 5% của mình. Hầu hết các nhà lý luận kinh tế chính trị đã có giải thích rằng quan hệ sản xuất tập thể trong nông nghiệp chưa phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất còn nhỏ nhoi, lạc hậu nên phải đổi mới quan hệ sản xuất. Cần chuyển từ mô hình hợp tác xã sang mô hình hộ gia đình. Đây là một giải thích rất đúng đắn.

Chắc chắn rằng trong xã hội đã đạt được điều kiện của xã hội xã hội chủ nghĩa thì mô hình sản xuất hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả cao hơn mô hình sản xuất hộ gia đình. Lúc đó, ngoài các điều kiện về hạ tầng cần có, người nông dân phải có nhận thức tốt về tổ chức sản xuất lớn, biết hạn chế lại tư hữu để nâng cao hiệu quả của hợp tác chung, có thu nhập cao để chủ động loại trừ tham nhũng trong khâu phân phối lợi ích.

Khi chưa đạt được những điều kiện của xã hội xã hội chủ nghĩa này thì mô hình sản xuất hợp tác xã nông nghiệp không những không tạo được hiệu quả mà còn tạo nên tình trạng thiếu lương thực.

Một sự việc tương tự nhưng ở tầm vĩ mô hơn đã xẩy ra vào năm 1991 là việc Đảng và Nhà nước ta tiếp tục ban hành một quyết định quan trọng thứ hai: thay thế cơ chế kinh tế bao cấp - chỉ huy tập trung bằng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế kinh tế có điều khiển đó chỉ có thể phát huy được ưu việt khi đã đạt được các điều kiện của xã hội xã hội chủ nghĩa. Cơ chế kinh tế tự điều chỉnh mới phù hợp với điều kiện hạ tầng, con người trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Từ thực chứng lịch sử này, có thể rút ra bài học kinh nghiệm: sự tốt đẹp trong tương lai không thể cưỡng bức phải tốt đẹp ngay trong hiện tại khi hiện tại chưa có đủ điều kiện để tạo nên sự tốt đẹp đó, sự cưỡng bức này thường gây ra hậu quả ngược lại và cái giá phải trả là thời gian bị kéo lùi. Tiền nhân đã có câu "dục tốc bất đạt" là vì lẽ đó.

Điều chúng ta mong muốn trong tương lai chỉ có thể thành tựu được khi hiện tại được sắp xếp đúng quy luật, điều mong muốn đó sẽ đến nhanh hơn.

Công hữu đất đai không hợp với thời quá độ


Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của nước ta được quy định trong Hiến pháp từ năm 1980, dựa trên lý luận kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa là các tư liệu sản xuất chủ yếu đều được công hữu hóa. Đất đai là một loại tư liệu sản xuất chủ yếu nên phải thuộc chế độ công hữu mà ta gọi là sở hữu toàn dân. Điều này là hợp lý vì trong nền sản xuất xã hội xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại một tầng lớp người là chủ đất, không thực hiện đầu tư trên đất mà chỉ thu lợi từ việc cho nhà đầu tư thuê đất (chủ đất thu toàn bộ địa tô tuyệt đối từ nhà đầu tư).

Đất đai thuộc chế độ công hữu thì xóa bỏ được việc thu tư lợi từ địa tô tuyệt đối. Xác lập được đúng đắn chế độ công hữu về đất đai là tạo được sự bình đẳng giữa mọi người đối với quyền được tiếp cận đến đất đai và quyền hưởng dụng đất đai.

Chế độ công hữu về đất đai trong xã hội xã hội chủ nghĩa cần phải được hiểu đúng nghĩa là mọi quyền chiếm hữu, định đoạt, sử dụng đều thuộc Nhà nước, Nhà nước cho mọi người có nhu cầu sử dụng đất thuê đất có thời hạn, người thuê đất phải trả địa tô tuyệt đối cho Nhà nước.

Trong thời gian qua từ 1987 tới nay, việc xây dựng pháp luật về đất đai đã phải đối mặt với những khó khăn rất lớn đặt ra giữa chế độ công hữu về đất đai trong xã hội xã hội chủ nghĩa ở thì tương lai và hoàn cảnh xã hội hiện tại chưa đủ điều kiện là một xã hội xã hội chủ nghĩa. Luật Đất đai 1987 đã được xây dựng rất nghiêm túc trên cơ sở chế độ công hữu về đất đai.

Ảnh: dotsquangtri.gov.vn
Luật Đất đai 1993 tiếp tục giữ vững nguyên tắc cơ bản của chế độ công hữu này, mọi loại đất đều được sử dụng có thời hạn nhưng đã cho phép hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được thực hiện 5 quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê đối với quyền sử dụng đất trong thời hạn sử dụng nhằm tạo sự phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Về bản chất, các quyền này thực hiện trong thời hạn sử dụng đất không làm mất đi nguyên tắc cơ bản của chế độ công hữu về đất đai.
Năm 1994, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở chính trị cho quá trình phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Nhu cầu sử dụng đất cho các doanh nghiệp tăng lên rất cao, kèm theo những đòi hỏi về quyền của các nhà đầu tư đối với đất đai và nhu cầu mở rộng chế độ sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp.

Quốc hội đã quyết định thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào năm 1998 với nhiều quy định trái với nguyên tắc của chế độ công hữu đối với đất đai. Thứ nhất là đất ở được sử dụng vô thời hạn.

Thứ hai là nhà đầu tư cũng được giao đất sử dụng vô thời hạn trong trường hợp thực hiện các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở và trường hợp được Nhà nước đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.

Thứ ba là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có chế độ sử dụng vô thời hạn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn đối với quyền sử dụng đất.

Trên thực tế, đây không phải là khuyết điểm của các nhà xây dựng luật pháp lúc đó mà là sự thiếu phù hợp của chế độ công hữu về đất đai trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 2003, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai lần thứ ba, mục tiêu đầu tiên là xác định chi tiết nội hàm của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Tức là, xác định cụ thể quyền lực và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai, xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai.

Nhà nước có quyền quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất; quyết định về giá đất trên nguyên tắc phù hợp với giá đất hình thành trên thị trường.

Người sử dụng đất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn đối với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tới lúc này, nội dung về các quyền cụ thể của Nhà nước và của người đang giữ đất đối với đất đai có liên quan đến quyền sở hữu về đất đai ở nước ta và các nước tư bản không khác nhau nhiều lắm.

Chúng ta đang đi theo hướng mở rộng chế độ công hữu về đất đai để chuyển một phần sang tư hữu, các nước tư bản đã và đang đi theo hướng thu hẹp quyền sở hữu tư nhân về đất đai để chuyển một phần sang công hữu. Sự khác nhau chỉ còn ở 2 điểm: một là có sự khác nhau về tên gọi của chế độ sở hữu đất đai (đây là khác nhau về hình thức); hai là Nhà nước ta có quyền thu hồi đất do người này đang sử dụng để giao cho người khác sử dụng khi chưa hết hạn sử dụng đất (đây là khác nhau về nội dung).

Như vậy, trong thời gian gần 15 năm qua kể từ ngày ĐỔI MỚI, pháp luật về đất đai đã buộc phải đổi mới để vượt qua những khó khăn thực tế do chế độ công hữu về đất đai không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất với nhiều thành phần kinh tế đang tạo nên phát triển.

Những đổi mới đó đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chế độ công hữu về đất đai nhưng những đổi mới đó là bức thiết vì chế độ công hữu về đất đai là không phù hợp với giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Còn nữa



Vì sao chủ đầu tư không mặn mà?

http://sgtt.vn/Kien-truc-doi-song/Chi-tiet/129892/Vi-sao-chu-dau-tu-khong-man-ma.html
SGTT.VN -Quan điểm chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là căn hộ giá thấp khó thực hiện, nhưng không phải không làm được. Tuy nhiên, do những bất cập trong các quy định hiện hành, khiến cho việc thực hiện dự án nhà giá thấp khó thực hiện.

Theo các doanh nghiệp, muốn có quỹ đất sạch hoặc đất rẻ thì phải về vùng sâu. Nhưng nếu về vùng sâu, nhiều khi chi phí thành phẩm của căn hộ lại cao hơn giá đất nền khu dân cư hiện hữu ven đô, nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, muốn xây được nhà giá rẻ, cần có quỹ đất lớn và phải xây thấp tầng để kéo đơn giá xây dựng xuống thấp. Tuy nhiên, nếu làm theo cách này, quỹ đất lại không đáp ứng được, cho nên, rất khó thực hiện dự án nhà giá thấp.

Ưu đãi nhiều, nhưng không mặn mà

Theo ông Lê Quốc Duy, tổng giám đốc công ty cổ phần nhà Hoà Bình, công ty đang chuẩn bị triển khai dự án nhà thu nhập thấp tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, với mức giá bán dự kiến từ 7 – 8 triệu đồng/m2. Theo ông Duy, giá khó có thể giảm thêm được vì hiện nay, riêng đơn giá xây dựng cho một chung cư có chất lượng trung bình đã là vào khoảng từ 5 – 6 triệu đồng/m2, chưa kể giá đất. Chủ đầu tư một dự án nhà giá rẻ ở TP.HCM cho biết, để có thể xây nhà ở giá thấp tại TP.HCM tương tự như Vinaconex xây ở Xuân Mai với giá từ 4 – 5 triệu đồng/m2, là rất khó khả thi. Bởi vì, các căn hộ này đã được xây dựng với nhiều lợi thế như: Vinaconex làm chủ công nghệ bêtông đúc sẵn của mình; khu vực sản xuất bêtông đúc sẵn ngay bên cạnh dự án; chi phí vận chuyển chuyên chở thấp; giá đất khu vực rẻ...

Để được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án bất động sản nói chung, ngoài việc gặp khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian, doanh nghiệp còn phải chi phí rất tốn kém và chịu nhiều biến động rủi ro trong thi công. Do đó, nếu chỉ lãi 10% trong thời gian dài đầy rủi ro, nên không doanh nghiệp nào dám thực hiện. Do đó, nếu xin được đất, nếu đầu tư vào dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp sẽ có lãi gấp hàng chục lần, tính thanh khoản cũng cao hơn so với làm nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, về việc ưu đãi vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay, do mới chỉ có ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai cho vay xây dựng nhà ở xã hội, với hơn 7.000 tỉ đồng. Do chưa có nguồn vốn ưu đãi, nên khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng. Với lãi suất hiện tại là 1,3 – 1,5%/tháng, nếu đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị lỗ do chỉ thu tiền nhà với lãi suất thấp hơn rất nhiều lần.

Nhà ở xã hội cho thuê

Trước thực trạng đang vướng mắc về cơ chế khiến các dự án nhà xã hội chậm trễ, nhiều ý kiến cho rằng, nên phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giải pháp nhà ở xã hội cho thuê sẽ giúp những người làm công ăn lương, những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với môi trường sống tốt hơn. Nếu thực hiện mô hình nhà cho thuê, chắc chắn sẽ có khung giá thấp hơn nhiều so với giá thuê thực tế. Cũng theo ông Châu, để mô hình này khả thi, có thể quy hoạch ở những vùng ven để giảm giá thành, nhưng quan trọng là phải đủ lớn để trở thành những đô thị thực sự. Tính khả thi của những dự án này không khó, với nguồn quỹ đất và tài chính của thành phố hiện nay có thể thực hiện được ngay.

Bảo Chương – Tùng Quang

Lập quỹ tiết kiệm nhà ở

Bộ Xây dựng đang đề xuất với các cấp lãnh đạo về việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, tất cả những người đi làm có thu nhập đã có nhà, hoặc chưa có nhà, có nhu cầu mua nhà, hay không có nhu cầu mua nhà đều trích nộp quỹ với mức 1% thu nhập hàng tháng. Lượng tiền của mỗi người đóng góp vào quỹ là không nhiều, song toàn xã hội hưởng ứng tham gia thì số tiền là cực lớn. Đây sẽ là một nguồn vốn dài hạn không hề nhỏ để dành cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và đặc biệt là những người có nhu cầu mua nhà vay vốn để đầu tư xây dựng, hoặc mua nhà với lãi suất hợp lý. Đối với người đóng quỹ, khi về hưu, ai không có nhu cầu vay mua nhà thì lấy lại số tiền đã đóng nhân với lãi suất hàng năm.

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Nhà nước không nên vừa đẵn vừa vác

http://www.sgtt.com.vn/Goc-nhin/129790/Nha-nuoc-khong-nen-vua-dan-vua-vac.htm
Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ.

Gần đây một số học giả dùng khái niệm “nhà nước lớn, xã hội nhỏ” để chỉ thực trạng Việt Nam hiện tại. Vì sao mà vai trò của Nhà nước vẫn lớn vậy dù chúng ta đã cải cách 25 năm rồi?

Hiện nay Nhà nước vẫn còn ôm một khối lượng công việc quá lớn mà chưa thoát ra được. Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng có nhiều lúng túng. Nhà nước vẫn sợ là đưa nhiều thứ ra ngoài cho tư nhân làm thì không yên tâm, không lo được cho dân, rồi lại tạo ra bất bình đẳng tiếp. Mới thị trường hoá một số dịch vụ công thôi mà đã sợ người dân đã không chịu được. Ví dụ, như trong ngành giáo dục, cho tư nhân đầu tư thì họ phải có lãi chứ.

Hơn nữa, các nhà làm chính sách của ta có phải của nền kinh tế thị trường đâu. Họ toàn xuất phát từ cơ chế cũ sang và mới chuyển nhờ thực tiễn gần đây.

Những lĩnh vực gì mà Nhà nước có thể chuyển cho khu vực tư nhân làm?

Nhiều lắm. Tất cả các khu vực dịch vụ công là Nhà nước có thể chuyển cho khu vực tư nhân, xã hội làm. Nhà nước chỉ làm chính sách, pháp luật, và giám sát xã hội thực hiện. Chứ Chính phủ không nên làm người vừa đẵn vừa vác như thời kinh tế tập trung, lo từ A đến Z. Bây giờ Chính phủ không nên làm thế. Nhà nước chỉ cần giữ lại những ngành, lĩnh vực cần thiết trọng yếu, hay tư nhân không muốn đầu tư.

Chúng ta phát hiện hết những vấn đề này nhưng làm sao giải quyết là đại sự. Mà lời giải không thể là bình thường được, phải có tính cách mạng. Mà ngay cả các nước tư bản cũng khó, họ có mấy trăm năm để xử lý những vấn đề đó.

Trong bình diện hiện nay, ông thấy lĩnh vực nào Nhà nước nắm giữ đang gây bức xúc xã hội nhất và cần thu hẹp vai trò lại?

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)! Khu vực này phải thu hẹp lại. Không thể để 1.500 DNNN mà lại giữ tới 70% tài sản. Nhà nước chỉ giữ mức độ thôi để đáp ứng những vai trò mà tôi vừa nói. Phải bán, khoán, cho thuê và cổ phần hoá khối doanh nghiệp này. Những chủ sở hữu tư nhân mới vẫn sống trên đất nước này, họ đóng thuế cho Nhà nước.

Gần đây Nhà nước đã cho tư nhân làm nhiều thứ. Ví dụ trong giao thông vận tải, tư nhân đã được cho phép khai thác sử dụng, hay trong viễn thông không chỉ có mình VNPT. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Ví dụ, ngành điện phải đa dạng hoá chứ sao lại cứ để mãi cái anh EVN độc quyền. Nếu không cạnh tranh thì không thể phát triển được.

Hơn nữa, ngân sách vẫn dùng để bao cấp cho các DNNN. Các ngân hàng của Nhà nước vẫn phải theo chỉ dẫn của các bộ, ngành, hay Chính phủ cho các DNNN vay. Ví dụ mấy ngân hàng lớn buộc phải cho Vinashin vay. Nếu họ có nợ hay gì đó thì Nhà nước phải trả nợ. Nợ là chuyện của Nhà nước chứ đâu phải của các ông DNNN đâu. Tức là Nhà nước vẫn chịu tránh nhiệm. Cơ chế đó chưa thoát. Ta phải làm sao giải phóng được việc này.

Theo ông, những vấn đề chính của hệ thống công vụ là gì?

Trong ba năm qua có 16 ngàn viên chức bỏ việc. Con số này thấp hơn nhiều so với số người mới, bình quân tăng gần 100 ngàn người tương ứng với 5%. Nhưng đáng lo là phần lớn trong những người bỏ việc là có trình độ cao ở khu vực công, làm ở ngân hàng, tài chính, quản trị doanh nghiệp, chứ không phải người lao động thường đâu. Ta tinh giảm bộ máy nhưng số người lại tăng lên.

Tôi nghĩ công chức nên có sự dấn thân, quyết liệt. Ngày xưa trong chiến tranh ta dám đi dù chết, nay vì sự hưng thịnh của đất nước thì cần dấn thân. Có nhiều bất cập, mâu thuẫn thì công chức cần cùng nhau giải quyết, chứ không thể chờ vào ai. Càng không thể nhờ vào nước ngoài. Tất cả cái thiên hạ cho đều có giá hết, không trả cái này thì phải trả cái kia.

Tuy nhiên, những người giỏi muốn cống hiến phải được trọng dụng, chứ không phải chủ nghĩa bình quân như thế này. Tôi giỏi, làm được việc mà cứ bị mấy ông đồng nghiệp chả có tí sáng kiến nào phê phán suốt thì làm sao làm được.

Có cần cam kết chính trị cao để giải quyết những trở lực này?

Ngày nay đã có nhận thức rất rõ là phải đảm bảo cho công chức đủ sống và xác định vấn đề này là trọng điểm xử lý. Chúng ta có chủ trương rồi, nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII có rồi (biểu thị quyết tâm chính trị lớn về cải cách hành chính, đặt cải cách hành chính trong tổng thể của đổi mới hệ thống chính trị – PV). Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà chúng ta vẫn không làm được. Rất lúng túng.

Mà vai trò của Nhà nước vẫn còn rất lớn. Ví dụ, đầu tư công của Nhà nước vẫn còn rất lớn mà Nhà nước vẫn ôm. Hiện nay đầu tư công ở ta hơn 40% GDP là cao quá, các nước khác chỉ có 20 – 25% GDP thôi. Phải làm sao cơ cấu lại mức chi đó và rộng hơn là phải cải cách cơ cấu chi tiêu công.

Nhưng Nhà nước có từ bỏ được không? Bảo cắt sự nghiệp công để xã hội hoá cũng làm nửa vời. Ví dụ, trước chuyển trường bán công thành tư thục, thì nay lại trở về trường công. Tức là quyết tâm chính trị có, chủ trương có nhưng không nhất quán, không kiên quyết thực hiện. Đấy là quyết tâm không cao của cả hệ thống.

Tư Giang (thực hiện)

Pháp điển hóa, tại sao không?

11:38 (GMT+7) - Thứ Tư, 22/9/2010
http://vneconomy.vn/2010092211370388P0C5/phap-dien-hoa-tai-sao-khong.htm

Làm thế nào để biết quy định nào còn hiệu lực trong “mớ bòng bong” của hệ thống pháp luật vô cùng phức tạp, rối rắm hiện nay?



Làm thế nào để biết quy định nào còn hiệu lực trong “mớ bòng bong” của hệ thống pháp luật vô cùng phức tạp, rối rắm hiện nay?

Nhiều ý kiến cho rằng hình thành bộ pháp điển cho hệ thống pháp luật Việt Nam chính là một biện pháp giúp giải quyết tình trạng nói trên.

Khốn khổ với “rừng” luật

Ông Phùng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, ví hệ thống pháp luật hiện nay giống như một khu rừng mà trong đó trung bình mỗi năm lại “mọc” thêm 4.000 văn bản quy phạm pháp luật. Với khối lượng đồ sộ như vậy, lại liên tục thay đổi do đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống pháp luật gây rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và xác định hiệu lực của các quy định, văn bản.

Có những văn bản mà theo luật sư Trần Mạnh Hùng thuộc chi nhánh Công ty Luật Baker & Mckenzie tại Việt Nam, ngay cả luật sư không phải ai cũng biết. Đó phần nhiều là những công văn mang tính hướng dẫn của một bộ, ngành nào đó.

Ví dụ như công văn của Tổng cục Thuế giải thích Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04-Tài sản cố định vô hình ban hành kèm theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Theo văn bản này, thương hiệu không được ghi nhận là tài sản và vì vậy không được góp vốn bằng thương hiệu. Trong khi đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật lại thừa nhận giá trị thương hiệu, tuy nhiên theo luật sư Hùng, “nếu không biết công văn nói trên thì rất có thể luật sư sẽ tư vấn sai”.

Tìm văn bản đã khó, làm thế nào để phân biệt giá trị pháp lý của từng điều khoản, từng văn bản đó lại là chuyện mà theo luật sư Hùng có thể gây nên một “cơn ác mộng” thực sự cho người sử dụng. Một trong những nguyên nhân dễ thấy chính là do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật.

Một ví dụ được ông Trần Mạnh Hùng dẫn chứng là quy định về việc thành lập doanh nghiệp có vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều 9, Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: nếu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 49% vốn điều lệ thì thủ tục thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, điều 50 Luật Đầu tư lại quy định: nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam phải có dự án đầu tư và đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hướng dẫn khác: nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 49% vốn điều lệ vừa vẫn phải có dự án đầu tư và đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư và vừa phải tuân theo các thủ tục quy định tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP! “Đó là chưa kể 64 tỉnh thành phố trên cả nước với mỗi nơi thực hiện một kiểu”, ông Hùng than thở.

Luật sư Hùng dẫn thêm một ví dụ liên quan đến Thông tư 13/TT-BKHĐT ngày 8/10/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn bản này quy định về phí quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nguồn dẫn chiếu là Luật Đầu tư nước ngoài và Nghị định 12/CP hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ một văn bản nào tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Thông tư 13/TT-BKHĐT và văn bản này vẫn được áp dụng mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 12/CP đã bị bãi bỏ. Sở dĩ có chuyện trái khoáy như vậy là do chưa thống nhất hoặc còn nhiều bất hợp lý trong cách quy định về hiệu lực của văn bản pháp luật.

Khoản 4, điều 78, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định: “Văn bản hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hay một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản mới”. Điều đó có nghĩa bản thân văn bản thì hết hiệu lực nhưng toàn bộ hay một phần nội dung văn bản đó có thể vẫn còn hiệu lực!

Hoặc ngược lại, có văn bản quy định: “Các quy định trước đây trái với văn bản này đều bị bãi bỏ”. Điều này có thể suy ra rằng chỉ có quy định cũ trái với văn bản mới bị bãi bỏ, còn bản thân văn bản cũ nếu có những nội dung không trái hoặc khác với văn bản mới thì chưa chắc đã hết hiệu lực. Như vậy, giá trị pháp lý của văn bản cũ đến mức nào? Có được đưa ra để áp dụng không?... Quả là rối rắm và khó hiểu!

Thu về một mối?

Ông John Bentley, cố vấn trưởng pháp luật của dự án Star Việt Nam, cho rằng để giúp cho việc sử dụng văn bản pháp luật dễ dàng, thuận lợi thì giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là pháp điển hóa hệ thống pháp luật. Tức là cập nhật, hệ thống hóa và gom tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực về một đầu mối, thay vì tản mạn, rối rắm như hiện nay.

Ông John Bentley cho biết tình trạng “rừng luật” hiện nay ở Việt Nam cũng chẳng khác gì ở Mỹ trong thời kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Để khắc phục khủng hoảng, hoạt động của các cơ quan lập pháp và lập quy được đẩy mạnh đến mức các văn bản pháp luật gần như bùng nổ và không thể kiểm soát.

Đỉnh điểm của tình trạng này là vào năm 1934 một công dân đã bị tòa xử oan trong khi quy định của pháp luật về tội này đã hết hiệu lực (vụ “dầu nóng” nổi tiếng). Dưới sức ép của người dân, năm 1937 luật về pháp điển hóa đã được ban hành.

Theo đó, tất cả các quy định còn hiệu lực nằm rải rác ở các văn bản pháp luật được một ủy ban có trách nhiệm rà soát và hệ thống hóa lại trong Bộ Pháp điển và bộ pháp điển này được sử dụng, có giá trị pháp lý thay thế cho các văn bản pháp luật nói trên. Bộ Pháp điển thoạt đầu có 15 tập với 50 đề mục khác nhau và đến nay đã lên tới 234 tập. “Bộ Pháp điển cho phép tra cứu rất nhanh chóng, tiện lợi các quy định pháp luật còn hiệu lực để thi hành. Nó thông dụng tới mức người dân Mỹ sinh ra một tật... xấu là sống không thể thiếu pháp điển”, ông John Bentley kể.

Hầu hết các chuyên gia pháp lý đều ủng hộ ý tưởng về một bộ pháp điển cho hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật sư Trần Mạnh Hùng gọi đây là “một giấc mơ”. Còn ông Phạm Hồng Quất, Phó chánh thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng pháp điển hóa sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của hệ thống pháp luật, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng. Đặc biệt, quá trình thực hiện pháp điển hóa sẽ giúp phát hiện và loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. TS. Nguyễn Ngọc Điện, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM, băn khoăn: nếu bộ pháp điển được công nhận có giá trị pháp lý thay thế các văn bản pháp luật thì hóa ra trao quyền ban hành luật cho cơ quan pháp điển?

Ông Điện cho biết khác với Mỹ, ở châu Âu bộ pháp điển do các chuyên gia chọn lọc, tập hợp, chú giải, hay nói cách khác là do tư nhân làm chứ không phải việc của nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù chỉ được xem là nguồn tài liệu tham khảo nhưng chúng vẫn có giá trị sử dụng rất cao nếu chất lượng về nội dung tốt. Ông Điện đề nghị nên cân nhắc giữa hai trường phái Mỹ và châu Âu để có một giải pháp phù hợp với điều kiện của nước ta.

Một ý kiến băn khoăn khác là với tình trạng pháp luật thay đổi liên tục như ở Việt Nam thì liệu có khả năng để xây dựng bộ pháp điển? Theo ông Phùng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, nơi từng triển khai một dự án thí điểm xây dựng bộ pháp điển do Ủy ban Châu Âu tài trợ, đây chỉ là khó khăn mang tính kỹ thuật và hoàn toàn có thể khắc phục được.

Ví dụ, bộ pháp điển có thể chia thành nhiều tập của từng năm và trong khi chờ tập mới ra đời cơ quan pháp điển có thể ban hành những tập phụ lục để cập nhật các văn bản mới. Ông Hùng cho rằng điều quan trọng lúc này là cần tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, từ đó tìm ra các phương án khả thi cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đề xuất một dự án luật về pháp điển hóa để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Theo ông, một đạo luật như vậy là rất cần.

Nguyên Tấn (TBKTSG)

Phát hành đại chúng... cưỡng ép

HOÀNG THẠCH LÂN
10:28 (GMT+7) - Thứ Tư, 22/9/2010

http://vneconomy.vn/20100922102156867P0C7/phat-hanh-dai-chung-cuong-ep.htm
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, người viết tạm gọi nhiều trường hợp phát hành đại chúng trên sàn là phát hành cưỡng ép. Vì sao?



Về lý thuyết, có ba cách phát hành tăng vốn: phát hành riêng lẻ, đấu giá ra bên ngoài và phát hành đại chúng.

Ba cách phát hành này có những đặc trưng riêng và phù hợp với từng hoàn cảnh của doanh nghiệp lẫn điều kiện cho phép của thị trường chứng khoán, nhưng trong 3 cách đó, phát hành đại chúng có vẻ dễ thực hiện nhất, đặc biệt nếu doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG-HOSE) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (mã NVB-HNX) là 2 trường hợp nổi tiếng nhất xét từ góc độ phát hành ngay sau khi niêm yết. NVB lên sàn vài hôm là có ngày chốt quyền mua cổ phiếu mới, tỷ lệ 100:98,9 giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, người viết tạm gọi nhiều trường hợp phát hành đại chúng trên sàn là phát hành cưỡng ép. Vì sao?

Cưỡng ép, tức là bắt người ta phải làm cái gì đó, không có lựa chọn. Trong trường hợp phát hành đại chúng, cưỡng ép có nghĩa là bắt nhà đầu tư phải mua cổ phiếu phát hành thêm. Cho dù tại những thời điểm nhất định, với mức giá cổ phiếu nhất định..., một nhà đầu tư có thể không mua, nhưng nhìn chung thì tỷ trọng số lượng không mua rất thấp.

Đứng từ góc độ tổ chức phát hành, từ cưỡng ép có lẽ mới là từ đáng dùng, tức là về tổng thể luôn luôn có người nắm giữ cổ phiếu, do đó luôn luôn có người phải đóng tiền mua cổ phiếu mới. Sự thành công của đợt phát hành loại này có xác suất khá cao và công ty niêm yết có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh giá phát hành sao cho “nhà đầu tư không mua không được”.

Như trường hợp của QCG: quyền mua 1:1 giá 15.000 đồng/cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền: 24/8/2010, giá đóng cửa ngày 23/8 là 36.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá tham chiếu ngày 24/8 sẽ giảm còn = ((1 x 36) + (1 x 15)) / (1 + 1) = 25,5 nghìn đồng/cổ phiếu, so với giá ngày 23/8 thì “giảm” = 25,5 – 36 = -10,5 nghìn đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 29,2%.

Sẽ không ai bị thiệt hại 29,2%, do đây chỉ là động tác điều chỉnh kỹ thuật, nhưng nếu một nhà đầu tư nào bỏ quyền mua (có tên trong danh sách nhưng đến hạn đóng tiền thì bỏ), thì ngay lập tức cái thiệt hại -29,2% này sẽ chuyển từ ảo thành thật. Ai dám bỏ quyền?

Đứng từ góc độ một người đang nắm giữ cổ phiếu QCG, anh ta có thể không mua cổ phiếu mới bằng cách bán số cổ phiếu cũ trước ngày giao dịch không hưởng quyền và qua ngày đó thì mua lại, hoặc nếu anh ta tính rằng mức thiệt hại do bỏ quyền không còn là giảm 29,2% mà chỉ là giảm 5% (nếu giá phát hành là 32.500 đồng/cổ phiếu thì mức thiệt hại như cách tính trên sẽ là giảm 4,86%) thì có thể anh ta cũng bỏ luôn, hy vọng rằng trên sàn cổ phiếu QCG sớm tăng giá bù cho mức lỗ đó.

Tuy nhiên như đã nói, đứng ở góc độ công ty phát hành thì luôn phải có người đóng tiền mua cổ phiếu mới. Giá phát hành càng chênh lệch thấp hơn nhiều thị giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền thì mức “thiệt hại” do bỏ quyền sẽ càng lớn, tức là xác suất người ta bỏ quyền sẽ càng thấp. Cưỡng ép là ở chỗ đó.

Trường hợp QCG nói trên (số cổ phiếu đang lưu hành trước khi chốt quyền là hơn 60 triệu CP), cũng vẫn có ai đó “bỏ của chạy lấy người”, nhưng số tiền công ty thu được chắc vẫn rất cao, ít ra cũng đạt hơn 90% của số tiền = 60triệu cổ phiếu x 15.000 đồng/cổ phiếu = 900 tỷ đồng. Nói cách khác, QCG sẽ “lấy” bớt từ sàn giao dịch thứ cấp gần cỡ 810 - 900 tỷ đồng, một đợt phát hành quá thành công cho công ty đang cần vốn!

Và để đạt thành công này, yếu tố quyết định chính là sự chênh lệch giữa cái giá phát hành với thị giá sát ngày giao dịch không hưởng quyền, và yếu tố phụ là công ty phải... lên sàn (không lên sàn thì làm sao nhà đầu tư biết chênh lệch giá mà tính được thiệt hại?).

Cũng có rủi ro cho tổ chức phát hành là càng gần ngày giao dịch không hưởng quyền, thị giá cổ phiếu càng rớt về gần giá phát hành, khi đó nguy cơ bỏ quyền sẽ càng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng vẫn có thể có những chiêu thức thức như “ém sẵn” thông tin tốt để công bố sát ngày đẩy giá lên, hoặc chấp nhận phát hành với giá thấp hơn cả thư giá và thậm chí về tới mệnh giá.

Cho nên dạo này cho dù thị trường suy giảm, giá cổ phiếu có bị “đạp xuống bùn đen” thì công ty niêm yết vẫn phát hành tăng vốn, với giá phát hành = 10.000 đồng/cổ phiếu cho chắc ăn. Nếu kết hợp phát hành quyền + thưởng thêm cổ phiếu (hay trả cổ tức bằng cổ phiếu) thì càng dễ thành công.

Nhà đầu tư đang đổ lỗi cho công ty niêm yết khi bảo rằng họ (công ty niêm yết) đã phát hành pha loãng quá nhiều. Thực tế khó mà trách họ được, do việc phát hành kiểu này "dễ ăn" quá. Từ trước đến giờ Luật Chứng khoán không bắt buộc cứ phải có dự án mới được phép phát hành, mà chỉ cần lấy lý do tái cấu trúc tài chính, tăng vốn lưu động, mua vài ba cái máy cày, máy xúc, mua đất, góp vốn cho công ty khác, hay đơn giản là tăng vốn điều lệ là cũng có thể được phát hành.

Phát hành như vậy đâm ra quá tiện lợi, lấy được tiền của thiên hạ thì cứ lấy, đâu cần thu đủ tiền, được đồng nào hay đồng nấy đối với một số công ty cũng là thành công rồi.

Trở lại với trường hợp các ngân hàng như NVB. Quy định tăng vốn điều lệ của nhà nước đang là một thách thức lớn cho các ngân hàng thương mại khi thời hạn chỉ còn vài tháng. Mà để tăng vốn được qua kênh riêng lẻ, tìm đối tác chiến lược đâu dễ, vẫn mất rất nhiều thời gian và thủ tục cho dù có bán với giá bằng mệnh giá, chưa tính đến yếu tố cạnh tranh. Đấu giá cũng vậy.

Do đó, sớm lên sàn và phát hành liền như NVB có lẽ lại đang là lối ra cho chính ngân hàng. Đây cũng có thể là một trường hợp cho các ngân hàng khác noi theo chăng?

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

So sánh ngoài dự án

TS. Võ Kim Cương
Thứ Tư, 15/9/2010, 17:10 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/40221/
(TBKTSG) - Dự án đề cập trong bài này là dự án đầu tư nói chung (theo Luật Đầu tư) và dự án đầu tư xây dựng công trình theo Luật Xây dựng. Khi đầu tư, chủ đầu tư phải lập dự án để xem xét, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội làm cơ sở cho việc ra quyết định đầu tư.

Cơ sở để quyết định đầu tư vào đâu

Đối với một doanh nghiệp, khi có sẵn một nguồn tài chính, việc cân nhắc đầu tiên là “cần đầu tư vào đâu?”. Để trả lời câu hỏi này, chủ doanh nghiệp buộc phải so sánh nhiều hướng khác nhau như đầu tư vào kinh doanh xây dựng bất động sản, hay vào kinh doanh hàng hóa, hay đơn giản là mua chứng khoán.

Đối với một thành phố hay một quốc gia, chính quyền vốn sinh ra là để huy động và sử dụng mọi nguồn lực phục vụ việc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng phải cân nhắc việc “đầu tư vào đâu” như vậy. Dựa trên cơ sở nào để quyết định việc đầu tư vào đâu?

Các chủ doanh nghiệp cũng như Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ hay chính quyền các cấp) đều cần có đủ thông tin để chọn hướng đầu tư hay quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, nội dung của dự án đầu tư theo Luật Xây dựng chỉ là những thông tin về dự án.

Cụ thể, tại điều 37 Luật Xây dựng, nội dung chủ yếu của phần thuyết minh là những thông tin sau: “Mục tiêu, địa điểm, quy mô, công suất, công nghệ, các giải pháp kinh tế kỹ thuật, nguồn vốn và tổng mức đầu tư, chủ đầu tư và hình thức quản lý dự án, hình thức đầu tư, thời gian, hiệu quả, phòng chống cháy nổ, đánh giá tác động môi trường”. Có thể thấy các thông tin trong thuyết minh dự án là những thông tin sau khi đã có quyết định về chủ trương đầu tư.

Đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, theo Luật Xây dựng: “Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phải lập báo cáo đầu tư để trình cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư”. Nội dung báo cáo đầu tư bao gồm sự cần thiết đầu tư, dự kiến quy mô đầu tư, phân tích lựa chọn sơ bộ về công nghệ, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và trả nợ, tính toán sơ bộ hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội...

Có thể thấy các nội dung này chủ yếu vẫn là những thông tin về bản thân dự án, ngoại trừ thông tin về “sự cần thiết phải đầu tư”. Những thông tin sơ bộ về dự án và nội dung thuyết minh về sự cần thiết phải đầu tư chỉ để trả lời câu hỏi: “Có nên đầu tư dự án này hay không?”, chứ chưa trả lời được câu hỏi: “Cần đầu tư vào đâu?”.
Để trả lời câu hỏi: “Cần đầu tư vào đâu?” phải so sánh hiệu quả của các dự án với nhau, đó là sự so sánh ngoài dự án.Hãy lấy dự án đường sắt cao tốc được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp vừa qua làm ví dụ. Ta có thể thấy có 4 cấp so sánh lựa chọn phương án chính:

1. So sánh các phương án của đường sắt cao tốc như phương án tuyến, phương án phân kỳ đầu tư, phương án huy động vốn...

2. So sánh các phương án đầu tư đường sắt như xây đường cao tốc, cải tạo từng bước hệ thống cũ, đổi đường 1 mét thành đường 1,435 mét, đổi đường đơn thành đường đôi...

3. So sánh giữa đầu tư cho đường sắt cao tốc với đầu tư cho các hệ thống giao thông khác như đường bộ, hàng không, đường thủy.

4. So sánh giữa đầu tư cho đường sắt cao tốc với các mục tiêu khác như đầu tư cho nguồn nhân lực, đầu tư cho nông nhiệp...

Trong 4 cấp so sánh trên đây, cấp 1 là so sánh trong dự án đường sắt cao tốc. Cấp 2, 3, 4 đều là các so sánh ngoài dự án. Trong đó cấp 2 phục vụ việc quyết định chủ trương đầu tư của ngành đường sắt. Khi chứng minh sự cần thiết phải đầu tư, tư vấn dự án chắc phải thực hiện so sánh ở cấp này.

Việc so sánh chọn phương án ở cấp 3 và cấp 4 thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ. Được biết việc so sánh này do các cơ quan thẩm định thực hiện để trình Chính phủ và Quốc hội. Để thẩm định dự án này, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã sử dụng các cơ quan chuyên môn và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia. Nhưng như đã thấy, các đại biếu Quốc hội vẫn thiếu thông tin, dự án đã bị gác lại.

Để biểu quyết, các đại biểu Quốc hội phải thực hiện so sánh phương án ở cấp 3 và 4 (so sánh ngoài dự án). Nhưng đến nay chưa có luật nào quy định về việc chuẩn bị thông tin cho việc so sánh này. Các luật chỉ quy định dự án phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nội dung thẩm định dự án được quy định rõ hơn trong các nghị định của Chính phủ cũng chỉ tập trung xem xét tính xác thực của bản thuyết minh dự án, nguồn vốn, khả năng hoàn vốn và sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch.

Việc so sánh ngoài dự án đã được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch và kế hoạch chưa? Xem xét dự án đường sắt cao tốc và đồ án quy hoạch mở rộng Thủ đô Hà Nội đều chưa thấy được điều đó. So sánh ngoài dự án đòi hỏi thông tin đầy đủ và toàn diện, đây là yêu cầu khó khăn ngay cả đối với các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan. Vừa qua, các ý kiến thảo luận ở Quốc hội cũng như trên báo đài nhiều lúc theo cảm tính hơn là trên cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, các ý kiến còn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích cục bộ riêng. Việc thương thảo để giải quyết hài hòa các lợi ích của nhân dân dễ biến thành việc cân đối các lợi ích cục bộ.

So sánh ngoài dự án: so sánh cấp chiến lược

Dù là dự án của doanh nghiệp hay của quốc gia, so sánh ngoài dự án đều là so sánh ở cấp chiến lược. Trong điều kiện chưa có các quy định cụ thể về nội dung và cách thức so sánh ngoài dự án, việc chọn phương án phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người đứng đầu. Quyết định đầu tư vào đâu cũng giống như quyết định mở chiến dịch ở đâu trong chiến tranh. Trước đây, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã để lại dấu ấn đậm nét khi quyết định đầu tư đường dây điện 500 KV Bắc - Nam.

Ở Hàn Quốc, Lý Thừa Vãn là một nhà độc tài, nhưng ông ta đã để lại cho Hàn Quốc thành quả của chủ trương đầu tư vượt trội cho giáo dục ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Hàn Quốc vừa thoát khỏi chiến tranh và còn rất nghèo khổ. Cho đến nay, khi so sánh hai nền kinh tế tương đương nhau - Tây Ban Nha và Hàn Quốc - người ta đã cho rằng Hàn Quốc sẽ nhanh chóng vượt xa Tây Ban Nha, vì Hàn Quốc đầu tư cho giáo dục cao hơn đáng kể. Các nhà chiến lược tài năng biết lựa chọn thông tin và so sánh ngoài dự án, biết chọn lọc và nghe ý kiến chuyên môn, nhiều khi ý kiến thiểu số đúng đắn hơn đa số.

Đối với một thành phố hay một quốc gia, rất cần những cơ quan nghiên cứu chiến lược mạnh. Nhiệm vụ số 1 và có tính chất bao trùm của các cơ quan này là tham mưu cho cấp thẩm quyền trả lời câu hỏi: “Đầu tư vào đâu?”. Trước hết, các cơ quan nghiên cứu này phải đồng thời là các trung tâm thông tin và có năng lực thu thập và xử lý thông tin mạnh.

“Nhà ta nghèo, khó kiếm được thức ăn nên chúng ta phải giỏi nấu nướng”, các bà mẹ thường dạy chúng ta như vậy. Suy rộng ra, nước ta còn nghèo nên phải giỏi khai thác và sử dụng nguồn lực phát triển đất nước, ngõ hầu sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ và các bậc tiền bối đã chiến đấu giành lại nền độc lập tự do ngày nay.

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Công bằng của chủ nghĩa xã hội

http://sgtt.vn/Goc-nhin/129469/Cong-bang-cua-chu-nghia-xa-hoi.html
Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi thêm với TS Nghĩa về chủ đề này.

Ông đã đề cập đến vấn đề cốt lõi mà chủ nghĩa xã hội hướng tới. Có cách giải quyết nào tốt hơn không?

Có học giả quốc tế gần đây bình luận rằng người Trung Quốc coi chủ nghĩa xã hội như là một brand name (thương hiệu). Dưới chữ đó người ta có thể hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Nếu bám vào học thuyết cũ mà coi chủ nghĩa xã hội với những nền tảng số một là doanh nghiệp nhà nước, số hai là sở hữu toàn dân về các loại tư liệu sản xuất, số ba là nền kinh tế chỉ huy thì thất bại. Vì thế Trung Quốc và các nước cộng sản phải chuyển đổi cách hiểu một cách uyển chuyển. Người Việt Nam cũng như thế thôi, chúng ta đã cải cách bằng uyển ngữ, những ngôn ngữ có thể phát huy được các sức mạnh xã hội. Vậy phải tìm cách định nghĩa lại những giá trị xã hội chủ nghĩa cho nó tử tế hơn, nhân văn hơn, linh hoạt hơn.

Chúng tôi đi theo hướng thứhai, coi chủ nghĩa xã hội là phúc lợi được chia một cách công bằng cho các nhóm, đặc biệt là nhóm yếu thế. Chủ nghĩa xã hội là quan niệm về phân bổ phúc lợi, làm cho doanh nghiệp phải có trách nhiệm và người dân phải có tiếng nói trong xã hội. Hiểu cách đó giúp cho chúng ta tiếp tục cải cách. Còn nếu cứ bám chặt vào các khái niệm cũ thì chúng ta tự giam chúng ta trong lâu đài quan niệm.

Gần đây một số học giả nói nhiều về các nhóm lợi ích tác động đến chính sách, gây bất bình đẳng trong kinh doanh, trong xã hội. Vậy đâu là tính công bằng của chủ nghĩa xã hội, theo ông?

Quả thật khác với cách đây mười năm, các nhóm lợi ích ngày nay không còn che giấu vai trò ngày càng tích cực của họ trong việc vận động chính sách. Ví dụ như các tập đoàn thường xuyên có các cuộc gặp với lãnh đạo hay tham gia vào đề xuất chính sách. Vì vậy, nhiều người đánh giá luật kinh tế của Việt Nam có lợi thứ nhất cho Nhà nước để quản lý, thứ hai cho các tập đoàn và doanh nhân. Còn người tiêu dùng không được gì. Ví dụ, anh thử đi mua một căn hộ đi, anh có được đàm phán với người bán căn hộ về hợp đồng không? Anh sẽ thấy trong bối cảnh bất cân xứng về thông tin, cuộc chơi thuộc về người có tiền và quyền lực.

Ví dụ cụ thể về vấn đề này, theo cách hiểu của ông, là việc gần đây bộ Tư pháp và tổng cục Thuế ký hợp đồng hỗ trợ tư pháp cho Petro Vietnam có phải không?

Đó là một hành vi không khéo về chính trị. Vì bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành luật pháp cho quốc gia chứ không phải cho một doanh nghiệp.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá cao, nên cần nhiều đất đai. Nhà nước đã quy định là doanh nghiệp lấy đất cần trực tiếp thoả thuận với dân nhưng hầu như chính quyền địa phương lại làm thay họ. Kết cục là người dân bị thu hồi đất mà không thể kêu. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?

Đó là một câu hỏi hay. Cần nghiên cứu thêm về vấn đề đó. Còn cá nhân tôi chỉ nói là Nhà nước mà bảo lãnh cho doanh nghiệp, đi vay vốn, làm thay doanh nghiệp là điều không nên.

Ông có thể nói gì thêm về khái niệm sở hữu toàn dân?

Tôi đã từng nói công khai rằng sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị. Chừng nào mà khái niệm chính trị đó không có hại thì không sao. Nhưng dưới cái mũ sở hữu toàn dân nó đã gây ra rất nhiều bất công, làm cho sở hữu của toàn dân tộc rơi vào tay của những nhóm người có ảnh hưởng. Vì vậy, cần có những khái niệm có thể dùng được để bảo vệ lợi ích quốc gia và phúc lợi công bằng.

Chúng tôi quan niệm Nhà nước chỉ là một thành tố trong quốc gia và vì thế sở hữu phải của nhiều thế hệ. Ví dụ như bờ biển, sông ngòi, rừng,… Ngoài ra, còn đòi hỏi phải có sự phân quyền rạch ròi cho chính quyền địa phương… Vì thế chúng tôi cho rằng nên thay đổi quan niệm chính trị sở hữu toàn dân thành quan niệm pháp lý rạch ròi hơn, là pháp nhân quốc gia.

Pháp nhân quốc gia hình thành ở hai cấp độ, cấp toàn quốc và cấp chính quyền địa phương. Điều này sẽ dẫn đến luận điểm chắc chắn là toàn bộ tài sản đấy thuộc về một cơ quan quản lý công sản. Một bộ hay một sở không thể bán trụ sở của mình.

Mới đây một số sở tư nhân hoá trụ sở là hiện tượng quá lạm quyền bởi lẽ sở chỉ là cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương. Chỉ có cơ quan quản lý công sản mới có quyền đó.

Thế thì, nếu chuyển đổi như vậy sẽ giúp minh định rõ hơn trách nhiệm của chính phủ với khối tài sản quốc gia. Nếu chính phủ không quản lý được thì quốc hội mới chất vấn và buộc chính phủ chịu trách nhiệm. Càng không nên để chính phủ có quá nhiều quyền trong việc tiêu dùng tài sản quốc gia.

Ví dụ một bộ lại giao cho hai ông làm chủ tịch hai tập đoàn. Hai người đó có quyền biểu quyết khổng lồ với khối tài sản. Bên cạnh đó, tài sản của hàng ngàn năm tích lũy như bờ biển hay đảo đang bị tư nhân hoá. Đó là bi kịch đã diễn ra trong năm năm vừa rồi. Khối lượng công sản đã vào tay tư nhân tăng lên khủng khiếp. Anh có thể thấy hiện tượng tư nhân hoá ở khắp nơi.

Nhưng sở hữu toàn dân là khái niệm gắn với thể chế. Làm sao mà sửa được?

Luật sinh ra để phục vụ con người, không phải là những thứ bất biến. Nếu luật pháp không hợp với thời đại thì phải sửa, thì luật mới sống.

Không có gì không làm được. Nếu không sửa được hiến pháp thì người ta phải giải thích hiến pháp, hay phải ban hành đạo luật cắt nghĩa hiến pháp. Hay một cách khác, nếu nó khó sửa quá thì tôi đưa ra công cụ thay thế, cho vào đó linh hồn mới rồi giải thích nó theo nghĩa mới.

Cả cuộc cải cách của Việt Nam trong bốn năm liền từ sau 1986 đã diễn ra kinh tế tư bản tư nhân nhưng có sửa hiến pháp năm 80 đâu. Đến năm 92 mới sửa đấy thôi.

Tức là sửa khái niệm này về mặt thực tế thì chả khó gì cả.

Hiện nay, ông thấy sức ép đó ở mức độ nào?

Một đất nước tồn tại nó có những cán cân. Nhưng hiện nay đất đai cho nông nghiệp suy giảm, sông Mekong bị đe doạ, người nông dân khiếu kiện tập thể tăng lên, sự bức bối trong làng xã tăng lên, nông dân chán ruộng,… Anh sẽ thấy sức ép dữ dội xuất phát từ những nông dân không còn duy trì cuộc sống của họ được nữa.

Tư Giang (thực hiện)

17 phím tắt vô giá trên bàn phím

http://nld.com.vn/20100916032554920P0C1039/17-phim-tat-vo-gia-tren-ban-phim.htm
F2: Đặt lại tên file trong lúc vội vàng có thể khiến bạn dễ dàng thao tác sai - click quá nhanh và bạn tình cờ mở một file. Đơn giản hơn là hãy nhấn phím F2 trên bàn phím khi file được chọn.

Ctrl + F2: Preview (xem sơ lược) văn bản. Muốn bỏ chế độ preview, làm lại Ctrl + F2.
Shift + F3: Để làm nổi bật đoạn văn bản bằng chữ in hoa, đơn giản là bôi đen đoạn văn bản, nhấn đồng thời phím Shift + F3. Nếu muốn cho đoạn văn bản trở lại chữ thường, hãy lập lại động tác nhấn đồng thời Shift + F3. Muốn cho chữ cái đầu tiên trở thành chữ in hoa, đặt con trỏ trước chữ đó và nhấn phím Shift + F3.

Windows + E: Windows Explorer là cổng tới file và tài liệu của bạn, song để mở nó thường phải liên quan đến desktop hoặc thanh Start Menu. Có một cách khác nhanh hơn là nhấn phím Windows-E và nó sẽ đưa bạn đến ngay Computer (Vista) hay My Computer (XP), một vị trí mặc định sẵn.

Windows + F: Tìm kiếm file có thể là một rắc rối nếu bạn là một người tích trữ tài liệu và cách không lãng phí thời gian săn tìm file là sử dụng phím tắt , sẽ mở ra một cửa sổ tìm kiếm và điền vào càng nhiều thông tin có thể về file bạn đang cần tìm.

Windows + L: Động tác này sẽ khóa ngay PC của bạn mà không cần chờ cho đến khi chế độ bảo vệ màn hình hoạt động.

Windows + M: Vào cuối ngày làm việc, mọi người bị bội thực với một bộ sưu tập các cửa sổ đang mở. sẽ thu nhỏ những cửa sổ này để lộ ra màn hình chính (desktop) và sẽ khôi phục lại những thứ bạn đã bị thu nhỏ trước đó.

Windows + R: Hộp Run này là cách tiết kiệm thời gian cực lớn với XP. Từ đây, bạn có thể mở tất cả loại ứng dụng mà không cần chuột.

Windows + F1: Trong khi F1 sẽ đưa ra cho bạn file Help (Hỗ trợ) trong hầu hết các ứng dụng, sẽ mở cửa sổ Windows Help. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian khi bạn không thể nhớ làm thế nào thay đổi một sự sắp đặt hoặc tìm một tính năng nhất định.

Windows + Tab: Chuyển dịch giữa các chương trình bạn đang sử dụng. Ở XP, bạn có thể chuyển các cửa sổ bằng cách nhấn phím để chọn đơn vị taskbar với màu sắc khác (xám hoặc xanh) để nhấn mạnh, rồi dùng các phím điều hướng lên hoặc xuống. Nhấn phím Enter sẽ đưa bạn đến cửa sổ đã được lựa chọn.

Windows + Pause/Break: Với những người nâng cấp và điều chỉnh phần cứng, truy cập quản lý thiết bị Device Manager và các cài đặt là một nhiệm vụ thường xuyên. Phím tắt này sẽ đem lại ngay cửa sổ cần thiết cho họ trong nháy mắt.

Shift + Delete: Thùng rác Recycle Bin là chỗ tuyệt vời dành cho những ai hay xóa các file mà không suy nghĩ song nó cũng tiềm ẩn nguy cơ cho phép người khác có thể truy cập vào các file nhạy cảm. Giữ phím (hoặc giữ phím Shift trong khi kéo file hoặc tệp vào thùng rác). Các file sẽ bị xóa ngay tức thì.

Ctrl + Enter: Một khi bạn đã chọ thanh địa chỉ trong trình duyệt Firefox hoặc Internet Explorer, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng việc gõ chỉ phần giữa của một tên miền. sẽ thêm www. và .com cho bạn. thêm www. Và .org.

Alt + Esc: Nếu bạn cần chuyển nhanh đến một cửa sổ khi đang làm việc ở một cửa sổ khác, bạn có thể chọn nó từ thanh taskbar. sẽ “khử” cửa sổ phía sau của bạn và đưa bạn đến một cửa sổ kế ngay đó.

Alt + F4: Bỏ ứng dụng đang hoạt động hoặc tắt Windows nếu không có ứng dụng nào.

Alt + PrtScrn: Nếu bạn cần chụp một cửa sổ, chỉ cần giữ để tóm được một cửa sổ hoạt động.

Alt + Backspace: Trong Microsoft Office, bạn có thể làm lại bất kỳ hiệu chỉnh tự động nào và định dạng tự động bằng việc nhẫn phím .

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Doanh nghiệp chấm điểm các bộ: Không có điểm tốt!

Các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chỉ chớm ngưỡng điểm khá, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu nhóm trung bình, trong khi Xây dựng và Y tế ở cuối bảng xếp hạng chỉ số LDEA.

Sáng 8/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp (LDEA 2010) với kết quả xếp hạng của 14 bộ (bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước).

Đa số các bộ chỉ đạt điểm trung bình

Phản ánh ý kiến đánh giá của 124 hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, phân theo 2 chỉ tiêu chính là xây dựng và thi hành pháp luật, nhóm nghiên cứu chỉ số LDEA cho rằng chất lượng các hoạt động này của 14 bộ là không cao.

Ở mức cao nhất, các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạt từ 6,13-6,05 điểm trên thang điểm 10. Trong khi đó, Bộ Xây dựng và Y tế chỉ đạt 4,74 và 4,66 điểm, ở vào nhóm tương đối thấp.

Một nửa trong tổng số các bộ rơi vào nhóm trung bình, gồm Ngân hàng Nhà nước (5,92 điểm), Bộ Tư pháp (5,9 điểm), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,87), Bộ Thông tin và Truyền thông (5,68), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (5,45), Bộ Tài nguyên và Môi trường (5,16) và Bộ Giao thông Vận tải (5,07).

Tuy nhiên, khi “chẻ” nhỏ các chỉ tiêu chính, đáng chú ý là chất lượng hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật ở mức khá (6,55 điểm), song chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lại chỉ đạt mức trung bình (5,71 điểm). Các hiệp hội cũng đánh giá khá thấp chỉ tiêu tiếp cận thông tin pháp luật (4,09 điểm).

Theo nhóm nghiên cứu, ý kiến của các hiệp hội cho thấy hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật của các bộ hiện nay là tương đối tốt, cụ thể là mức độ công khai lấy ý kiến xây dựng pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, các hiệp hội đánh giá về mức độ cầu thị của các bộ chưa cao, không có bộ nào được xếp loại tốt, hầu hết chỉ xếp ở loại khá hoặc trung bình”, báo cáo cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Trần Hữu Huỳnh cho biết, mức độ cầu thị của các bộ nói chung là yếu, văn hóa đối thoại giữa nhà nước và các doanh nghiệp còn chưa phổ biến.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có nhiều trường hợp việc xin ý kiến góp ý văn bản pháp luật của các bộ còn mang tính hình thức.

3 khó khăn của hiệp hội doanh nghiệp

Có 3 khó khăn lớn nhất đối với các hiệp hội được rút ra từ báo cáo của VCCI. Thứ nhất, khả năng tiếp cận thông tin, thể hiện ở cả hai nội dung: tiếp cận các thông tin xây dựng pháp luật và các quy định pháp luật sau khi được ban hành.

Thứ hai, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không cao dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, thể hiện ở chỗ pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh, còn chồng chéo, mâu thuẫn, pháp luật không rõ ràng.

Thứ ba, các hoạt động thi hành pháp luật của các bộ còn chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, hiệp hội.

Các hiệp hội cho rằng họ gặp khó khăn nhất trong việc tiếp cận tới các thông tin xây dựng pháp luật để có thể tham gia góp ý, hoặc là không thể tiếp cận được tới các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc là không được mời tham gia góp ý đối với những dự thảo đó.

Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội cho rằng việc xây dựng pháp luật hiện hành vẫn còn thiên về tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước mà chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Theo các hiệp hội, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ hiện nay vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều bộ chậm giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát chưa hiệu quả dẫn đến tham nhũng và lãng phí. Chế tài, mức xử phạt chưa cụ thể, khung áp dụng rộng dễ gây ra tình trạng thiếu thống nhất trong thực tế.

Bên cạnh đó, các Bộ vẫn chưa có hướng dẫn kịp thời để bảo đảm việc áp dụng đồng bộ, thống nhất pháp luật tại các địa phương.

Thành lập doanh nghiệp dễ, xin đất khó

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo đánh giá LDEA là nghiên cứu đề cập đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thuộc 27 lĩnh vực liên quan nhất đến doanh nghiệp dựa trên phân ngành kinh tế quốc dân.

Kết quả cho thấy có sự phân biệt khá lớn giữa lĩnh vực có điểm số cao nhất. Trong khi thành lập doanh nghiệp được cho là đã thông thoáng hơn với cơ chế một cửa vận hành khá trơn chu, lĩnh vực đất đai được xem là có nhiều vướng mắc nhất, liên quan đến xây dựng và thực thi pháp luật.

Ở nhóm điểm khá gồm có thành lập, hoạt động, giải thể doanh nghiệp (6,49 điểm), sở hữu trí tuệ (6,48 điểm), kế toán, kiểm toán (6,47 điểm)…Các lĩnh vực có điểm số thấp nhất là đấu thầu (4,7 điểm), giao thông vận tải (4,54 điểm), thuế phí lệ phí (4,44 điểm), xây dựng bất động sản (4,11 điểm), đất đai (4,06 điểm).

Khu vực điểm số trung bình đáng chú ý có ngân hàng (5,76 điểm), công nghiệp (5,72 điểm), cạnh tranh (5,64 điểm), xuất nhập khẩu (5,6 điểm), bảo hiểm (5,34 điểm), hải quan (5,27 điểm), đầu tư (5,27 điểm), chứng khoán (5,26 điểm)…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc cho rằng, những bộ có điểm số thấp không hẳn cán bộ ở đó không có năng lực, kém cởi mở, hay lĩnh vực họ phụ trách chậm chuyển biến mà còn do sự phức tạp của từng vấn đề khác nhau.

Nhiều đại biểu đồng tình rằng với kết quả này, dù rằng còn nhiều vấn đề bàn cãi song cũng đủ làm cơ sở cho các bộ trưởng “soi” vào hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật của ngành mình.

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Lãi lớn nhờ chênh lệch lãi suất

http://sgtt.com.vn/Kinh-te/123241/Lai-lon-nho-chenh-lech-lai-suat.html
SGTT - Nhiều ngân hàng vẫn công bố lãi lớn dù ngay từ đầu năm nay, họ đã kêu khó như không còn hỗ trợ lãi suất, bị khống chế trần cho vay, sàn vàng đóng cửa... Nguồn thu chính cho lợi nhuận chủ yếu từ chênh lệch lãi suất.

Khiêm tốn nguồn thu từ dịch vụ

Theo công bố kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, mặc dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Ngân hàng Phương Đông (OCB), chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm, lãi tới 112 tỉ trước thuế, tăng 116% so với cùng kỳ.

Hay như ngân hàng Sài Gòn (SCB), bốn tháng đầu năm, SCB đạt lợi nhuận tới hơn 352 tỉ đồng, đạt mức tăng kỷ lục 370,16% so với cùng kỳ 2009. Hết tháng 4, ngân hàng An Bình (ABBANK) đạt lợi nhuận 204,44 tỉ đồng, tăng 180%; Kết thúc Quý I/2010, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt trên 510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ), tăng 46% so với cùng kỳ năm 2009; LienViet Bank đạt 202 tỉ đồng; VCB trên 2.000 tỉ đồng…

Trong cơ cấu nguồn thu từ lợi nhuận, hoạt động thu từ dịch vụ của các ngân hàng khá khiêm tốn và chủ yếu vẫn từ hoạt động tín dụng.

Ví dụ như, trong cơ cấu thu nhập luỹ kế của Sacombank đến hết ngày 30.4, nguồn thu từ lãi (bao gồm tín dụng, kinh doanh vốn liên ngân hàng…) chiếm 64% và dịch vụ là 15%, còn lại là thu nhập ngoài lãi. Nguồn thu của VCB cũng vậy, thu từ lãi chiếm khoảng 55 – 60%, phần còn lại thuộc về hoạt động dịch vụ.

Theo ông Hưởng, về cơ bản, nguồn thu chính từ hoạt động ngân hàng trong bốn tháng đầu năm được hình thành từ lãi cho vay, đầu tư (góp vốn, tham gia thị trường tài chính chứng khoán, hoạt động phái sinh…) và dịch vụ. Nguồn thu từ dịch vụ chưa được kỳ vọng nhiều, vì trên thực tế, ngân hàng đang chịu lỗ từ những dịch vụ liên quan đến ATM, kể cả VCB. Hoạt động đầu tư trong bốn tháng đầu năm cũng không khả quan do doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh và đang chịu lãi suất cao. Riêng hoạt động đầu tư chứng khoán đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ do một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư đã tăng trưởng 100% và ngân hàng được hoàn lại trích lập dự phòng rủi ro đầu tư tài chính năm trước và hạch toán vào lợi nhuận những tháng đầu năm. Còn hoạt động cho vay, dù giai đoạn khó khăn hay thuận lợi, nguồn thu từ hoạt động này bao giờ cũng là nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.


Thu lợi từ chênh lệch lãi suất

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời báo chí, tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 8%. Tuy tăng thấp, nhưng theo ông Hưởng, sự chênh lệnh lớn giữa lãi suất huy động và cho vay đã đem lại nguồn thu chính cho ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn rẻ.

Một nguồn thu nữa mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng tính đến giữa tháng 4.2010, đó là kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Trước khi bị siết, thị trường hai là nơi mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng có lợi thế về thanh khoản do lãi suất luôn cao hơn thị trường một. Với biến động lãi suất từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, những ngân hàng có lợi thế về vốn đã kịp thu lợi rồi, ông Nguyễn Quyết Thắng, tổng giám đốc ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP.Bank), bình luận.

Ông Trần Xuân Quảng, phó tổng giám đốc ngân hàng Bảo Việt cho biết, nhìn một cách tổng quan thì lợi nhuận của ngân hàng đều từ hoạt động truyền thống là cho vay. Đặc biệt, một số ngân hàng đã hưởng lợi từ khi ngân hàng Nhà nước thực hiện lãi suất cho vay thoả thuận. Đầu tiên là đối với cho vay tiêu dùng, cho vay trung và dài hạn và cuối cùng thực hiện lãi suất thoả thuận hoàn toàn. Ngay sau khi quyết định đó được ban hành, các ngân hàng đã đẩy lãi suất cho vay và huy động lên cao. Tuy nhiên, với những ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn rẻ thì lợi nhuận thu được giai đoạn này là rất lớn.

“Mặc dù Chính phủ có chủ trương giảm lãi suất huy động và cho vay xuống còn 10% và 12%, nhưng mặt bằng lãi suất khó giảm ngay. Vì vậy, lợi nhuận từ nay đến cuối năm của ngân hàng vẫn phải trông chờ vào tăng trưởng tín dụng và sau năm tháng chạy “rốt đa” thì từ tháng 6 tín dụng sẽ bật mạnh trở lại”, ông Quảng nhận xét.

Thực tế, một số ngân hàng như ACB phấn đấu đến cuối năm, tỷ trọng nguồn thu từ lãi (cả hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng, trái phiếu…) chiếm khoảng 50% tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng. ABBANK kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ lên 25% trong tổng doanh thu nhằm giảm sự phụ thuộc từ hoạt động cho vay…

Minh Huệ

Vì sao lãi suất ngân hàng chưa giảm?

http://sgtt.com.vn/Kinh-te/123253/Vi-sao-lai-suat-ngan-hang-chua-giam.html
Một số ngân hàng lại vào đợt tăng lãi suất huy động cả tiền đồng và USD, khuyến mãi thưởng tiền và lãi suất, chào mời các loại chứng từ có giá với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn. Có phải các ngân hàng thiếu vốn nên tăng lãi suất?

Bà Hai Loan, một cán bộ hưu trí ngụ quận Tân Bình vừa đi rút gốc 300 triệu đồng và hưởng trọn lãi ba tháng tiết kiệm từ một ngân hàng để gửi vào ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn, dù còn 21 tháng nữa mới đến kỳ đáo hạn tiền gửi của bà.

Tưởng dài... hoá ngắn

Đó là một trong những sản phẩm tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay nhằm thu hút người gửi: cho phép khách hàng rút gốc trước hạn. Đa số các sản phẩm này đều là loại hình tiền gửi huy động dài hạn từ 2 – 3 năm, có đặc điểm chung là lãi suất cao và điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường, người gửi được quyền rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gốc bất cứ lúc nào mà vẫn bảo toàn lãi, có thể rút gốc và lãi vào mỗi cuối định kỳ...

Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, với sản phẩm này, các ngân hàng không những thoả được tâm lý thích gửi ngắn hạn của khách hàng, mà trên sổ sách vẫn thể hiện được là tiền gửi trung dài hạn.

Theo đó, không chỉ lách được ở giá tiền gửi (khuyến mãi, thưởng); các ngân hàng còn có thể cho vay trung dài hạn mà không bị vướng quy định chỉ được dùng không quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết đối với các ngân hàng trên địa bàn, tiền gửi ngắn hạn chiếm khoảng 70 – 80%, trong đó đa số từ 1 – 3 tháng, trong khi kỳ hạn cho vay thường từ 3 – 6 tháng trở lên. Trong khi đó, theo cục Thống kê TP.HCM, dư nợ tín dụng trung dài hạn trong năm tháng đầu năm chiếm 45,4%. Do cơ cấu tiền gửi chủ yếu là kỳ hạn ngắn, ngân hàng dù huy động được nhiều, cũng gặp khó khăn với các khoản vay trung và dài hạn. Và đây cũng là một nguyên nhân đẩy chi phí vốn tăng cao, khiến ngân hàng khó giảm lãi suất.

Cũng theo cục Thống kê, tính đến đầu tháng 5, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 571,8 ngàn tỉ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; sít sao với vốn huy động đạt 629,8 ngàn tỉ đồng. Tỷ lệ tín dụng trên huy động lên tới trên 90%, cho thấy các ngân hàng vẫn còn chật vật trong việc tìm nguồn vốn đầu vào.

“Thuốc” nào để giảm lãi suất?

Khảo sát tại một số ngân hàng, trong thời gian qua, họ cho vay với mức lãi suất dao động 14 – 17%/năm. Còn lãi suất huy động nếu cộng thêm khuyến mãi và thưởng, có mức 12 – 13%/năm. Trong khi đó, lãi suất đang được NHNN định hướng xuống, với lãi suất huy động 10%, lãi suất cho vay 12%/năm.

Trong đợt đấu thầu 2.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ vào cuối tháng 5, chỉ có 200 tỉ đồng trái phiếu trúng thầu với lãi suất 11,2%/năm, trong khi nhà đầu tư đòi mức lãi suất dao động 11,19 – 12,5%. Theo bà Hoàng Thị Hoa, trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trái phiếu chính phủ được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn, nên lãi suất luôn thấp hơn lãi suất ngân hàng huy động ngoài thị trường dân cư. Vì vậy, để huy động được vốn, thì lãi suất ở ngân hàng phải cao hơn lãi suất trái phiếu, cụ thể là phải cao hơn mức 11,2%.

Ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, tâm lý người dân đang kỳ vọng một mức lãi suất tiết kiệm cao hơn, do lo ngại lạm phát trong năm nay. Một khi giảm được chỉ số tăng giá tiêu dùng thì lãi suất tiền gửi sẽ giảm, kéo lãi suất cho vay giảm theo.

Theo TS Lê Thẩm Dương, NHNN đang hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhưng các ngân hàng nhỏ không thể hưởng lợi nhiều trên thị trường này vì không nắm nhiều giấy tờ có giá. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại không được vay tại thị trường liên ngân hàng quá 20% tổng huy động ngoài thị trường dân cư. Muốn vay được trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng nhỏ phải tăng hút vốn ở thị trường dân cư. Để hút vốn được, thì lãi suất ở các ngân hàng này phải cao hơn những ngân hàng quy mô lớn.

Quy định 20% này đang khiến người vay thì không vay được, người có tiền đành ôm vốn. Vì vậy, dù lãi suất liên ngân hàng giảm những tuần gần đây, nhưng lãi suất ngoài thị trường dân cư vẫn cứ tịnh tiến.

Theo ông Dương, NHNN nên điều chỉnh lại nút thắt trên thị trường liên ngân hàng này bằng việc nâng tỷ lệ cao hơn mức 20%, hoặc quy định trên mức vốn chủ sở hữu, nếu không, ngân hàng sẽ còn lách lãi suất với nhiều hình thức tinh vi hơn.

HỒNG SƯƠNG

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Bi kịch nợ công ở Hy Lạp, vì đâu nên nỗi?

KIỀU OANH
06/05/2010 06:16 (GMT+7)
http://vneconomy.vn/20100505011039118P0C99/bi-kich-no-cong-o-hy-lap-vi-dau-nen-noi.htm
Những ngày này, nguy cơ khủng hoảng nợ công của Athens có thể lan rộng sang các nước khác ở châu Âu đang khiến giới đầu tư toàn cầu như ngồi trên đống lửa.

Ở Hy Lạp, người dân ồ ạt xuống đường biểu tình phản đối những biện pháp mà chính phủ nước này đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đổi lấy gói cứu trợ 110 tỷ Euro.

Tờ New York Times cho rằng, thách thức chồng chất mà khủng hoảng nợ đem tới cho Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung bắt nguồn từ ngày Athens cố công để có được địa vị thành viên của EU.

Bi kịch ngày nay của Hy Lạp, ngoài việc bắt nguồn từ thói quen tiêu “hoang” của chính phủ nước này, còn có một phần là do tham vọng nhất thể hóa bằng mọi giá của các nhà lãnh đạo châu Âu - những người bị cho là đặt vấn đề chính trị lên trên thực lực kinh tế.

Năm 1981, Hy Lạp đã vội vàng xin gia nhập Cộng đồng châu Âu (hiện nay là EU), sớm hơn các quốc gia giàu có khác như Áo, Phần Lan và Thụy Điển tới 14 năm, và sớm hơn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha 5 năm. Ở thời điểm đó, Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã phản đối sự mở rộng của Cộng đồng châu Âu về phía Nam, vì lo ngại những quốc gia như Hy Lạp chưa đủ điều kiện gia nhập.

Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ trương mở rộng khối đã lập luận rằng, kết nối các quốc gia bị xem là có nền dân chủ mong manh như Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha vào Cộng đồng châu Âu sẽ là cách tốt nhất để cải thiện nền dân chủ ở các nước này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng, việc đưa Hy Lạp, một quốc gia còn nghèo khó với khoảng cách địa lý xa xôi vào chung một “mái nhà” với các nước Tây Âu giàu có là một “sứ mệnh lịch sử” - theo lời kể của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yannos Papantoniou trên New York Times.

Trong thập kỷ đầu tiên là thành viên của EU, Hy Lạp đã được hưởng những khoản tài trợ hào phóng và nhờ đó vượt qua được nhiều khó khăn kinh tế - chính trị. Tới giai đoạn 1996 - 1997, khi châu Âu chuẩn bị cho ra đời một đồng tiền chung, Hy Lạp đã nhận được nhiều lời mời chào hấp dẫn, trong đó có cả những lời ca ngợi tốc độ tăng trưởng 3% khi đó của quốc gia này là phù hợp với việc sử dụng chung một đồng tiền với các quốc gia khác trong khu vực.

Đối với Athens khi đó, việc gia nhập khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) vừa là vấn đề danh dự, vừa là sự cần thiết, vì nếu Hy Lạp sử dụng đồng tiền chung, giới đầu cơ tiền tệ sẽ không thể tấn công và nền kinh tế của nước này sẽ có được sự bình ổn. Bên cạnh đó, việc tham gia “câu lạc bộ nhà giàu” Eurozone cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp.

“Ngay khi xin được gia nhập khối Eurozone, chúng tôi bắt đầu cải tổ hình ảnh của Hy Lạp từ một nước thế giới thứ ba thành một quốc gia có vẻ giống như Thụy Sỹ”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou hồi tưởng.

Nhưng Hy Lạp đã phải vượt vô số rào cản mới có được một ghế trong Eurozone. Ở Đức, trước những ám ảnh về siêu lạm phát trong thời chiến tranh, chính phủ nước này đòi hỏi phải đặt ra những tiêu chuẩn thật khắt khe đối với những nước muốn được dùng chung một đồng tiền với họ. Những yêu cầu này bao gồm, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP, nợ công không quá 60% GDP, và lạm phát phải dưới mức 3%.

Vào tháng 12/1996, các quy định cho việc tham gia đồng Euro càng thêm ngặt nghèo khi một văn kiện mang tên Hiệp ước Bình ổn được thông qua. Hiệp ước này ngầm quy định, thành viên nào của Eurozone vi phạm các tiêu chuẩn về lạm chi, nợ công, lạm phát… sẽ phải chịu mức phạt nặng nề. Điều này như một chướng ngại vật quá sức đối với các nước Nam Âu, nơi vẫn bị xem là áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo hơn.

Nước Đức muốn những hình phạt này được áp dụng tự động, nhưng một số nước khác mà đi đầu là Pháp muốn các nhà lãnh đạo của EU ra quyết định. Tuy vậy, từ trước tới nay, chưa một quốc gia nào trong khối Eurozone, kể cả Hy Lạp, bị phạt, dù những quy định của khối vẫn thường xuyên bị hầu hết các nước thành viên vi phạm.

Theo New York Times, về cơ bản, sự ra đời của đồng Euro mang nhiều màu sắc chính trị - điều này đồng nghĩa với việc các quy định có thể được “uốn cong” khi quyết định nước nào được gia nhập.

Ngay ở thời điểm năm 2000, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bày tỏ sự quan ngại về tình hinh nợ của Hy Lạp và nhấn mạnh rằng, mức nợ này đã vượt xa trần quy định của Eurozone. Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn cố gây áp lực và đã được chấp nhận vào khối Eurozone vào tháng 1/2001, sớm hơn một năm so với mục tiêu của Athens.

Khi đó, trên giấy tờ, Hy Lạp cho thấy họ đã cắt giảm được thâm hụt ngân sách. Và dù chưa giảm được nợ tới mức chuẩn, Athens đã nhấn mạnh vào tiền lệ là một số quốc gia khác như Italy và Bỉ vẫn được gia nhập Eurozone khi chưa đáp ứng được đỏi hỏi về mức nợ chính phủ. Đòi hỏi chính trị về việc giữ yên đồng Euro đã dìm sâu mọi lời chỉ trích về những hành vi “phá trần” này.

“Ở thời điểm đó, đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy, Hy Lạp đưa ra những số liệu không trung thực, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách, nhằm đưa ra hình ảnh về tình hình tài chính công của họ ‘đẹp’ hơn thực tế. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu đã không phản đối. Vì lý do chính trị, họ phải cho Hy Lạp tham gia đồng Euro”, Giáo sư kinh tế học Jürgen von Hagen thuộc Đại học Bonn, Đức, cho biết.

Sau đó, chính những nước “anh cả” trong Eurozone đã vi phạm các quy định về tài khóa. Vào các năm 2002, 2003, và 2004, ngay cả Đức và Pháp đã không tuân thủ được các điều khoản về thâm hụt ngân sách, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tới năm 2004, việc Hy Lạp công bố số liệu kinh tế giả mạo đã rõ như ban ngày. EU đã mở cuộc điều tra đầu tiên nhằm vào tình trạng bội chi của Athens. Mặc dù Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thu thập đủ bằng chứng về sự gian dối số liệu của Hy Lạp, nhưng các quan chức của châu Âu vẫn tuyên bố rằng, việc trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone không phải là lựa chọn của họ.

Tới giờ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou tiếp tục khẳng định, không có chuyện Hy Lạp đánh bóng các con số thống kê, mà sự “du di” của các số liệu chẳng qua là do thay đổi các quy tắc kế toán dưới thời chính phủ trung hữu của cựu Thủ tướng Kotas Karamanlis, người lên nắm quyền ở Hy Lạp vào tháng 3/2004.

Ông Tommaso Padoa-Schioppa, nguyên là thành viên ban lãnh đạo của ECB, nhớ lại, những dấu hỏi về mức độ chính xác của các dữ liệu tài chính của Athens thời đó đã khiến nhiều quốc gia trong EU phản đối những nỗ lực nhằm tăng cường quyền giám sát cho Eurostat.

Nhưng dù Hy Lạp có tô vẽ thêm cho các con số ra sao, thì nền kinh tế của nước này vẫn nhanh chóng diễn biến theo chiều hướng từ xấu thành xấu hơn. Cựu Thủ tướng Karamanlis đã chi tiêu không tiếc tay cho Thế vận hội mùa hè Athens 2004. Chi phí an ninh cho sự kiện này cao ngất ngưởng, do những lo ngại về nguy cơ khủng bố ám ảnh suốt từ sự kiện 11/9 ở Mỹ.

Vào Eurozone, thay vì cắt giảm chi tiêu, các chính phủ ở Hy Lạp nối tiếp nhau “vung tay quá trán” và không chịu đưa ra những con số minh bạch cho tới khi mọi chuyện vỡ lở như ngày hôm nay. “Giờ Hy Lạp phải trả giá cho việc chi tiêu quá tay”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Papantoniou buồn bã nói.

Cũng trên tờ New York Times, giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, mới đây đã nhận định rằng, đồng Euro chính là một trở ngại đối với sự tăng trưởng của kinh tế Hy Lạp, vì việc sử dụng đồng tiền chung không cho phép Athens phá giá đồng tiền để nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

The “CSI effect”

http://www.economist.com/science-technology/displaystory.cfm?story_id=15949089&CFID=124762703&CFTOKEN=93464940
Television dramas that rely on forensic science to solve crimes are affecting the administration of justice

Apr 22nd 2010 | From The Economist print edition
OPENING a new training centre in forensic science (pictured above) at the University of Glamorgan in South Wales recently, Bernard Knight, formerly one of Britain’s chief pathologists, said that because of television crime dramas, jurors today expect more categorical proof than forensic science is capable of delivering. And when it comes to the gulf between reality and fiction, Dr Knight knows what he is talking about: besides 43 years’ experience of attending crime scenes, he has also written dozens of crime novels.

The upshot of this is that a new phrase has entered the criminological lexicon: the “CSI effect” after shows such as “CSI: Crime Scene Investigation”. In 2008 Monica Robbers, an American criminologist, defined it as “the phenomenon in which jurors hold unrealistic expectations of forensic evidence and investigation techniques, and have an increased interest in the discipline of forensic science.”

Now another American researcher has demonstrated that the “CSI effect” is indeed real. Evan Durnal of the University of Central Missouri’s Criminal Justice Department has collected evidence from a number of studies to show that exposure to television drama series that focus on forensic science has altered the American legal system in complex and far-reaching ways. His conclusions have just been published in Forensic Science International.

The most obvious symptom of the CSI effect is that jurors think they have a thorough understanding of science they have seen presented on television, when they do not. Mr Durnal cites one case of jurors in a murder trial who, having noticed that a bloody coat introduced as evidence had not been tested for DNA, brought this fact to the judge’s attention. Since the defendant had admitted being present at the murder scene, such tests would have thrown no light on the identity of the true culprit. The judge observed that, thanks to television, jurors knew what DNA tests could do, but not when it was appropriate to use them.
Cops and robbers

The task of keeping jurors’ feet on the ground falls to lawyers and judges. In one study, carried out by Dr Robbers in 2008, 62% of defence lawyers and 69% of judges agreed that jurors had unrealistic expectations of forensic evidence. Around half of respondents in each category also felt that jury selection was taking longer than it used to, because they had to be sure that prospective jurors were not judging scientific evidence by television standards.

According to Mr Durnal, prosecutors in the United States are now spending much more time explaining to juries why certain kinds of evidence are not relevant. Prosecutors have even introduced a new kind of witness—a “negative evidence” witness—to explain that investigators often fail to find evidence at a crime scene.

Defence lawyers, too, are finding that their lives have become more complicated. On the positive side, they can benefit from jurors’ misguided notion that science solves crimes, and hence that the absence of crime-solving scientific evidence constitutes a reasonable doubt and grounds for acquittal. On the other hand they also find themselves at pains to explain that one of television’s fictional devices—an unequivocal match between a trace of a substance found at a crime scene and an exemplar stored in a database, whether it be fingerprints, DNA or some other kind of evidence—is indeed generally just fiction.

In reality, scientists do not deal in certainty but in probabilities, and the way they calculate these probabilities is complex. For example, when testifying in court, a fingerprint expert may say that there is a 90% chance of obtaining a match if the defendant left the mark, and a one in several billion chance of a match if someone else left it. In general DNA provides information of a higher quality or “individualising potential” than other kinds of evidence, so that experts may be more confident of linking it to a specific individual. But DNA experts still deal in probabilities and not certainties. As a result of all this reality checking, trials are getting longer and more cases that might previously have resulted in quick convictions are now ending in acquittals.

Criminals watch television too, and there is evidence they are also changing their behaviour. Most of the techniques used in crime shows are, after all, at least grounded in truth. Bleach, which destroys DNA, is now more likely to be used by murderers to cover their tracks. The wearing of gloves is more common, as is the taping shut—rather than the DNA-laden licking—of envelopes. Investigators comb crime scenes ever more finely for new kinds of evidence, which is creating problems with the tracking and storage of evidence, so that even as the criminals leave fewer traces of themselves behind, a backlog of cold-case evidence is building up.

The CSI effect can also be positive, however. In one case in Virginia jurors asked the judge if a cigarette butt had been tested for possible DNA matches to the defendant in a murder trial. It had, but the defence lawyers had failed to introduce the DNA test results as evidence. When they did, those results exonerated the defendant, who was acquitted.

Mr Durnal does not blame the makers of the television shows for the phenomenon, because they have never claimed their shows are completely accurate. (Forensic scientists do not usually wield guns or arrest people, for one thing, and tests that take minutes on television may take weeks to process in real life.) He argues that the CSI effect is born of a longing to believe that desirable, clever and morally unimpeachable individuals are fighting to clear the names of the innocent and put the bad guys behind bars. In that respect, unfortunately, life does not always imitate art.